Aleteia, Mathilde Rambaud, 22-1-2015
Trong một vidéo hài hước, họ hứa cho 10% số lợi tức tương lai của mình cho các công việc từ thiện. Chỉ trong vòng vài tuần, hàng ngàn cư dân mạng đã tham dự vào chương trình này.
Tất cả bắt đầu từ giữa tháng 12-2014, hai sinh viên năm thứ ba của trường đại học danh tiếng Cambridge, Anh, anh Luke Illott và Ravi Patel đã có sáng kiến trên. Họ làm một đám cưới giả rồi quay phim, họ hứa trung thành với nhau mãi… một lời hứa không giống như các lời hứa khác! Nếu vidéo có tính hài hước thì lời cam kết có thể nghiêm túc hơn: họ sẽ cho 10% lương của họ vào việc làm từ thiện nào họ chọn.
Chiến dịch của họ có tên “Cho cái gì chúng ta có thể cho” (Giving what we can), chỉ trong vòng vài tuần, hàng trăm người đã hưởng ứng, họ đóng tiền hàng tháng vào các công việc từ thiện. Các cư dân mạng trên toàn cầu kết hợp với chiến dịch hoặc trên trang Facebook đặc biệt cho chiến dịch này hoặc trên trang của họ. Sau một tháng quảng bá, số người tham dự tăng gấp ba, tổng cọng có 850 người ghi danh và hứa cho 355 triệu bảng Anh, trong số đó đã có 5 triệu được đóng rồi.
Hy vọng được hàng triệu ơrô mỗi tháng
Hai sinh viên làm bài toán rất nhanh: theo dự trù của họ, họ hy vọng con số sẽ vượt hơn 16 triệu ơrô mỗi tháng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Independent, anh Luke giải thích, “Có những người từ Mỹ, từ Âu châu đã ghi danh. Đó là những người trẻ, họ đã có một số quyết tâm cho năm mới, nhưng họ có thể làm hơn với hành động quảng đại này.”
Anh Ravi nói tiếp: “Khi bắt đầu làm việc này vào đầu đời của mình thì tiến trình sẽ dễ hơn. Đây không phải là số tiền bạn thiếu vì bạn chưa có. Như vậy sẽ dễ hơn là đòi ở một người đã kiếm được tiền rồi. 10% là con số ấn định tượng trưng, mỗi người có thể cho nhiều hay ít tùy theo khả năng của họ.”
Nếu một vài hiệp hội đã ghi tên mình vào các trang của họ thì các thành viên của chương trình này luôn có tự do để quyết định mình cho hiệp hội nào. Đây là dịp vào lúc đầu năm để làm công việc bác ái trong cuộc đời chúng ta và nhớ lại lời Đức Phanxicô đã tuyên bố vào tháng 11-2014 vừa qua nhân dịp có buổi hội thảo của Cơ quan Lương nông Quốc tế: “Trong khi người ta nói về các quyền mới thì người đói ăn đang ở nơi góc đường, họ xin được hội nhập vào xã hội và có cơm ăn hàng ngày. Đó là họ đòi có được nhân phẩm, họ không xin bố thí”. Chúng ta hãy cho, nhưng trước hết chúng ta thử thay đổi cái nhìn của mình ta trên những người chung quanh.
Nguyễn Tùng Lâm dịch.