Ukraine đây là kế hoạch hòa bình đã được giáo hoàng ký và sẽ được công bố ở Nga. Leonid Sevastianov: “Một nỗ lực cực độ để ngăn chặn sự trệch hướng này”

150

Ukraine đây là kế hoạch hòa bình đã được giáo hoàng ký và sẽ được công bố ở Nga. Leonid Sevastianov: “Một nỗ lực cực độ để ngăn chặn sự trệch hướng này”

Svetlan Kasyan và Leonid Sevastianov cùng với Đức Phanxicô | Vatican Media

Ông Leonid Sevastianov, chủ tịch Liên minh Thế giới các Tín hữu cổ tuyên bố: “Một nỗ lực cực độ để ngăn chặn sự trệch hướng này.”

ilmessaggero.it, Franca Giansoldati, 2023-03-01

Chúng tôi đã liên lạc được với ông Leonid Sevastianov ở Matxcova qua điện thoại, ông sống ở đây cùng vợ và hai con. Trong những ngày gần đây, người ta nói nhiều về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine mà Đức Phanxicô đã ủy thác cho ông để phổ biến ở Nga.

Ông là người quản trị và cũng là chủ tịch Liên minh Thế giới các Tín hữu cổ. Ông được cho là người thân cận với giáo hoàng và đồng thời với Điện Kremlin. Điều gì là sự thật?

Leonid Sevastianov. Tôi xác nhận với bà, dự án hòa bình mà Đức Phanxicô ủy thác cho tôi để phổ biến rộng rãi nhất có thể cho người dân Nga: gồm năm điểm và dĩ nhiên được ngài ký, tôi có một thời gian quan hệ thường xuyên với ngài. Một tình bạn gắn bó: đối với tôi, ngài như người cha tinh thần dù tôi theo chính thống giáo. Tuy nhiên, tôi muốn làm rõ, việc tôi thân với Điện Kremlin và Putin là không đúng. Dĩ nhiên họ nổi tiếng nhưng tôi không còn quan hệ với họ nữa. Tháng trước tôi được mời đến hạ viện Quốc hội nhưng tôi từ chối đi qua ngưỡng cửa này. Khi tôi phát biểu qua các phương tiện truyền thông với tư cách là người đứng đầu Liên minh Thế giới các Tín hữu cổ, tôi có tiếng nói lớn.

Như vậy ông không còn liên lạc với thượng phụ Kyrill nữa?

 Chính xác. Đối với tôi, điều quan trọng là phải cổ động thực tế, các Tín hữu cổ có lịch sử song song với lịch sử của Tổ phụ nhưng đã phát triển trên các giá trị khác nhau. Ở một khía cạnh nào đó, có thể mô tả đây là một hiện thực của văn hóa Nga nhưng mang những giá trị dân chủ, gần gũi hơn với châu Âu. Các tín hữu cổ gần với phương Tây hơn. Trong khuôn khổ này, dĩ nhiên tôi cố gắng làm mọi thứ có thể, trong giới hạn khả năng của tôi để thúc đẩy hòa bình. Cuộc chiến này thật khủng khiếp cho nhiều người trong chúng ta. Chúng ta nên phân biệt người dân Nga với chính phủ. Họ là hai thực thể khác nhau. Đặc biệt là trong lịch sử Nga.

Dự án hòa bình Đức Phanxicô ủy thác cho ông gồm những gì?

Chung chung đó là một dự án không quá mang tính chất chính trị. Nó không đề cập đến vấn đề quân sự. Nó dựa trên suy nghĩ thiêng liêng. Người ta nói hòa bình không tồn tại nếu không có công lý, rằng các thỏa thuận đạt được từ từ, nhưng trước tiên các bên phải ngồi vào bàn để thảo luận. Rằng nếu không có xen kẽ, người ta trượt vào một vòng xoáy mà từ đó không có đường quay lại. Tất nhiên, kế hoạch không đi vào chi tiết quân sự hay chính trị vì chắc chắn đó không phải là nhiệm vụ của giáo hoàng, mà là của các nhà lãnh đạo chính phủ. Đây là một nỗ lực cực độ để ngăn chặn sự trệch hường này.

Trung Quốc và Nga, nguy cơ vũ khí từ Ukraine đến Đài Loan: đây là những gì mà hợp đồng giữa Matxcova và Bắc Kinh nói.

Tôi xin lỗi, nhưng ở đây chúng ta đang phải đối diện với cuộc chiến tranh xâm lược, Nga tấn công và chiếm đóng các lãnh thổ của Ukraine…

Trước hết chúng ta phải ngồi vào bàn và sau đó thỏa thuận sẽ đến. Chính người Ukraine sẽ quyết định điều gì phù hợp với họ. Dự án của giáo hoàng phải được phổ biến rộng rãi nhất có thể với người dân Nga để hình thành và thông tin cho dư luận. Tôi không muốn đến điện Kremlin vì mục tiêu của chúng tôi là thu hút người dân và càng nhiều người biết về nó, thì quyền lực chính trị sẽ không thể cho rằng không có ý kiến phản đối chiến tranh của người dân. Điện Kremlin sẽ không thể từ chối trả lời. Người Trung Quốc đã có một kế hoạch chính trị, giáo hoàng có một kế hoạch tâm linh. Đức Phanxicô liên tục lặp lại, không có một chiến thắng quân sự nào trên thực địa  tạo ra hòa bình lâu dài trong lịch sử.

Ông có nghĩ Đức Phanxicô sẽ có vị trí để hành động cho vai trò trung gian hòa giải, dù trong những tháng gần đây, nhiều người ở Ukraine và ở Nga đã chỉ trích ngài không?

Ở Nga, Đức Phanxicô được xem trọng, ngài có thẩm quyền và đã có một thay đổi lớn trong hình ảnh về giáo hoàng. Hình ảnh này ngày xưa chủ yếu là biểu tượng của phương Tây. Bây giờ hình ảnh này biểu tượng cho đối thoại. Ngài là nhân vật tâm linh. Ngài không làm phép cho vũ khí. Ngài cố gắng là người điều hành và hòa giải. Đó là sức mạnh của ngài dù điều này trở với nhiều người là rất khó chấp nhận. Ngài phải trung lập như Chúa Giêsu.

Vậy, các bước nào ông đang thực hiện ở Nga để công khai kế hoạch đã được thống nhất với Đức Phanxicô?

Tất nhiên tôi luôn kiểm tra với ngài trước. Điều quan trọng là ngăn chặn cuộc chiến và tìm một tia sáng cho cơn ác mộng huynh đệ tương tàn này. Khi chiến tranh bắt đầu, trong những ngày sau đó, tôi đã nói với ngài, đây là một điều gì rất thảm khốc. Ngài nhắc lại với tôi, ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì để mang lại hòa bình. Ngài cho phép tôi để tôi có thể thay mặt ngài nói chuyện ở Nga, về những điều đã được thỏa thuận trước.

 Ông không sợ bị kết thúc như nhà báo Anna Politovsky bị sát hại năm 2006 ư?

Đây là thời kỳ đen tối. Mới đầu tôi đã nghĩ đến việc cùng gia đình trốn khỏi Matxcova, đi nơi khác, nhưng làm sao tôi có thể đi được: lương tâm tôi không cho phép. Tôi không giấu với bà, tình huống hơi nguy hiểm, thỉnh thoảng tôi nhận những lời đe dọa. Bây giờ tôi cũng đang bị điều tra. Ở lại đây tôi có nhiều nguy cơ, dĩ nhiên tôi biết, nhưng bây giờ, với những gì tôi thấy và với mối nguy hiểm vũ khí hạt nhân đang rình rập, tôi nghĩ tốt hơn là chết cho một chính nghĩa. Nhiều người chết ở Ukraine và nhiều người cũng đã chết ở Nga. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tôi có một cách nhìn khác với nỗi sợ hãi, nhưng không có giá trị nào lớn hơn giá trị của tình yêu. Đối với tôi đó là một việc tốt. Tôi cố gắng theo cách nhỏ bé của tôi để có một tầm nhìn toàn diện và công bằng hơn về thế giới.

Và Vatican phải làm gì với tất cả những điều này?

Tôi tin chắc Vatican phải trở thành một diễn đàn đối thoại giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Đó là một thành phố trung lập, hướng về thiêng liêng. Tôi hy vọng sau cuộc chiến này, Rôma sẽ trở thành thành phố của hòa bình.

Một dự án đầy tham vọng…

Chúng ta cần nhìn về các chân trời bằng con mắt mới nếu không chúng ta sẽ không thoát ra khỏi vũng lầy này.

Ông nghĩ gì ngày 24 tháng 2 năm ngoái khi Nga xâm chiếm Ukraine?

Hầu hết mọi người, kể cả tôi, đều cảm thấy đau khổ và chán nản, và tâm trạng này lớn dần với thời gian. Ban đầu tôi không tin vào chiến tranh, tôi nghĩ sẽ không bao giờ có chiến tranh. Tôi đã mất một phần lớn tài sản vì trước tháng 2, khi thị trường chứng khoán bắt đầu xuống, tôi đã mua nhiều cổ phiếu với hy vọng nó sẽ tăng trở lại. Tôi đã làm vì tôi nghĩ sẽ không có xung đột. Và vì thế, những gì đã xảy ra, kể cả về mặt kinh tế, đã tác động mạnh đến tôi.

Có rất nhiều tuyên truyền ở Nga, làm thế nào ông có thể nghĩ đến việc truyền bá kế hoạch hòa bình của giáo hoàng cho người dân?

Tuyên truyền thì có trên truyền hình, nhưng bên ngoài thì không. Ở Mátxcơva, mọi thứ vẫn tiếp tục hoạt động như trước, giá cả đã tăng lên, nhưng chúng tôi biết nguy hiểm của vũ khí hạt nhân vẫn ở đó và đó là điều xấu nhất có thể xảy ra. Chúng ta phải dừng lại trước khi quá muộn. Một hòa bình xấu vẫn tốt hơn chiến tranh hạt nhân. Giáo hoàng có một giá trị lớn trong việc lập kế hoạch cho hòa bình. Kế hoạch phải được phổ biến cho người dân, chúng ta cần hành động từ bên dưới, từ cơ sở.

Ông đã gặp giáo hoàng như thế nào?

Tôi đã cộng tác lâu dài với Tòa Thượng Phụ, với Sở Ngoại Vụ.  Năm 2010, chúng tôi tổ chức một buổi hòa nhạc tại Vatican để vinh danh Đức Bênêđictô XVI và năm 2013 cho hòa bình ở Syria. Đó là vào tháng 11, Đức Phanxicô đã không đến buổi hòa nhạc của vợ tôi hát, nhưng ngày hôm sau, ngài đích thân mời chúng tôi đến dự thánh lễ buổi sáng. Kể từ đó, mỗi lần đến Rôma, chúng tôi đều đến thăm ngài và mối quan hệ ngày càng khắng khít, cho đến khi nó trở thành mốc thiêng liêng của tôi. Tôi là người chính thống giáo nhưng những trao đổi giữa tôi với ngài là nguồn suy tư vô hạn và sự tăng trưởng của con người. Tôi đặt tên cho đứa con trai út của tôi là Phanxicô, như tên của ngài.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm:Leonid Sevastyanov: “Đức Phanxicô muốn chúng tôi là những đại sứ của hòa bình”

Đức Phanxicô nói với nhà đối thoại người Nga Leonid Sebastianov: “Chúng ta cùng làm việc cho hòa bình”