Có một phong trào tỉnh thức mới bắt đầu ở Hoa Kỳ?

229

Có một phong trào tỉnh thức mới bắt đầu ở Hoa Kỳ?

Trong 15 ngày, hàng chục ngàn sinh viên thay phiên nhau 24/24 để cầu nguyện và ngợi khen Chúa tại Đại học Asbury ở bang Kentucky. Một hiện tượng tự phát và dường như đang lan sang các trường đại học khác. Với nhiều người, đây là một “hồi sinh mới” đang diễn ra.

lavie.fr, Henrik Lindell, 2023-02-24

Các sinh viên hướng dẫn buổi thờ phượng tại nhà nguyện Hughes trong khuôn viên Đại học Asbury ở Wilmore, Kentucky ngày 17 tháng 2 năm 2023. Trong hai tuần, hơn 50.000 sinh viên đã đến một nhà nguyện nhỏ ở đây để sống kinh nghiệm thức tỉnh thiêng liêng vĩ đại đầu tiên của quốc gia trong nhiều thập kỷ – một sự thức tỉnh do thế hệ Z lãnh đạo. JESSE BARBER/NYT-REDUX-REA

Một sự kiện tâm linh đáng kinh ngạc vừa diễn ra trong 15 ngày ở  bang Kentucky, Mỹ đã lan khắp hành tinh nhờ mạng xã hội. Nhắc lại các sự kiện. Tất cả bắt đầu ngày 8 tháng 2 với giây phút cầu nguyện bình thường ở Thính phòng Hughes của đại học tin lành Asbury. Như mỗi thứ tư, lúc 10 giờ sáng, các sinh viên tụ tập để có buổi đọc Tin Mừng. Mục sư truyền giáo Zach Meerkreebs, cũng là huấn luyện viên bóng đá, tiếp tục loạt bài giảng chủ đề “tình yêu trong hành động”, dựa trên thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma, 12, 9-21.

Một bài giảng “thật nghèo nàn”

Sau đó, mục sư thấy việc rao giảng của mình thật “nghèo nàn” và chẳng có tác động gì. Nhưng thật ra qua đoạn video dài 25 phút, bài giảng của mục sư rất mạnh và mang tính cá nhân. Ngài nhấn mạnh đến vai trò tình yêu Chúa Kitô trong đời sống của tín hữu, ngược với một “tình yêu đạo đức giả, ô uế, ích kỷ” của thời buổi này.

Mục sư cũng nói về thảm kịch mà các nạn nhân bị lạm dụng trong cộng đồng đã trải qua. Mục sư cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, có những người ở đây đã sống một tình yêu đạo đức giả trong Giáo hội này. Xin Chúa Thánh Thần đi qua hàng ngũ chúng con và làm cho nó biến mất. Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành cho họ. Họ xin được chữa lành. Xin cho họ sống kinh nghiệm tình yêu của Chúa. Lạy Chúa Thánh Thần, con xin Chúa sinh hoa trái. Xin hồi sinh chúng con với tình yêu của Chúa.”

Như thường lệ, cuối buổi thờ phượng, ca đoàn hát bài hát kết thúc. Nhưng có 18 sinh viên ở lại. Được nhóm thờ phượng hỗ trợ, họ tiếp tục cầu nguyện, ca hát, một số quỳ xuống. Mục sư Zach Meerkreebs ở lại để đồng hành với họ, ông bỏ một cuộc hẹn. Khoảng giữa trưa có một nhóm người trẻ khác đến tham gia, họ ngạc nhiên thấy có “người có mặt” trong thính phòng, còn được gọi là “nhà nguyện”.

“Tỉnh thức đã đến với chúng ta!”

Khoảng một giờ trưa, có một số sinh viên ra ngoài loan tin. “Tỉnh thức đã đến với chúng ta! Hãy đến nhà nguyện!” Họ la hét, họ đi từng lớp học đập cửa. Theo một số giáo sư cho biết, lập tức các sinh viên đứng dậy để xem chuyện gì xảy ra. Các giáo sư cũng tham gia với sinh viên.

Thomas H. McCall, giáo sư thần học của chủng viện Asbury viết trong tạp chí Christian Today (bản tiếng Pháp): “Khi tôi đến, tôi thấy hàng trăm sinh viên đang hát. Họ thành tâm ca ngợi và cầu nguyện cho chính họ, cho người anh em và cho thế giới chúng ta, họ ăn năn hối cải tội lỗi, họ xin chữa lành, xin được trọn vẹn, hòa bình và công lý.”

Chẳng mấy chốc, tất cả 1.500 chỗ trong thính phòng đầy sinh viên

Hai tuần sau, ngày 22 tháng 2, nhà nguyện vẫn còn đầy sinh viên nhưng cũng có các người khác. Trong mười lăm ngày, hàng vạn người già và trẻ (theo ban quản lý trường có khoảng 50.000 người tham dự) đã thay phiên nhau 24/24 cầu nguyện và ngợi khen Chúa. Tin tức về một “sự sống lại” lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sinh viên từ các cơ sở tin lành khác. Chẳng mấy chốc, các tín hữu khắp nơi trên nước Mỹ và có cả người từ nước ngoài bắt đầu đổ xô đến đại học Asbury, họ tràn ngập thị trấn nhỏ Wilmore. Nhờ phát trực tiếp (live streaming) và vô số statut đăng trên mạng xã hội nên có cả hàng triệu người trên thế giới cùng tham gia.

Tình hình trở nên không thể giải quyết được về mặt tổ chức, cảnh sát không còn khả năng quản lý giao thông, cuối cùng ban quản lý nhà trường chấm dứt tình trạng tụ tập tự phát này. Thính phòng Hughes vẫn mở cửa cho đến ngày 23 tháng 2, ngày cầu nguyện trên toàn quốc cho sinh viên được tổ chức. Các lớp học trở lại ngày hôm đó. Nhưng ở những nơi khác trên nước Mỹ, hiện tượng thờ phượng vẫn còn kéo dài trong nhiều ngày ở hàng chục khuôn viên đại học khác, theo mẫu của Asbury.

“Phong trào này chưa kết thúc”

Giáo sư Kevin Brown giám đốc nhà trường cho biết, dù sinh hoạt đã bình thường ở đại học Asbury, nhưng phong trào chưa thực sự chấm dứt. Trong một tuyên bố ngày 21 tháng 2, ông viết: “Dù chúng tôi chọn từ nào để mô tả những gì chúng tôi đã thấy và trải qua trong những tuần vừa qua (hồi sinh, đổi mới, thức tỉnh hay tuôn trào), thì phong trào này vẫn chưa kết thúc. Các trường đại học và các nhà thờ khác đang thử nghiệm những buổi nhóm tương tự. Chúng tôi khuyến khích một phong trào liên tục đến với Chúa qua những người, những nơi và các sứ vụ khác.”

Đây có thực sự là một phong trào thức tỉnh không?

Vậy chuyện gì đã xảy ra ở Kentucky? Và những gì đang xảy ra bây giờ trên các khuôn viên đại học hác? Từ ngữ nào để dùng, ngoài sự đổi mới rõ ràng về đức tin của những người tham gia? Vì  thuận tiện hoặc làm theo phản xạ, nhiều nhà quan sát dùng từ ngữ “tỉnh thức” hoặc “phong trào tỉnh thức”, từ ngữ này thường gặp trong lịch sử đạo tin lành.

Từ ngữ này có thể làm liên tưởng đến các phong trào kitô giáo phổ biến đã thay đổi bối cảnh tôn giáo, thậm chí cả xã hội nói chung. Sinh ra ở Âu châu vào thế kỷ 16 sau cuộc Cải cách, các phong trào đã đóng một vai trò đáng kể ở cả Lục địa già và Hoa Kỳ từ giữa thế kỷ 18 cho đến ngày nay. Ông Raymond Pfister, nhà thần học người Pháp chuyên về thuyết Ngũ tuần và là giáo sư thần học tại Đại học Kinh thánh Trinity, nhớ lại: “Trong số các tác động trung hạn hoặc dài hạn mà chúng ta thấy, các phong trào này đổi mới các Giáo hội, nhưng cũng có thể dẫn đến sự chia rẽ và thành lập các cộng đồng mới.”

Asbury, một trường đại học đã chứng kiến sự hồi sinh

Asbury tiêu biểu cho một trong những nhánh lớn của đạo tin lành, của giáo phái mêthôđista, sinh ra từ sự ly giáo trong Giáo hội anh giáo ở thế kỷ 18 sau khi nhà thuyết giáo người anh John Wesley bắt đầu tổ chức “các cuộc họp phục hưng” thu hút một đám đông khổng lồ, nhấn mạnh đức tin cá nhân và nhu cầu cam kết xã hội.

Đại học Asbury có nguồn gốc của giáo phái mêthôđista và đã trải qua một số thời điểm “tỉnh thức” hoặc “sống lại”, (các từ ngữ thường được dùng thay thế cho nhau) kể từ khi thành lập vào năm 1890. Cuộc tập hợp lớn cuối cùng của phong trào này bắt đầu từ những năm 1970, khi các sinh viên tự động thay phiên nhau cầu nguyện không ngừng trong sáu ngày tại Thính phòng Hughes. Sự kiện này rõ ràng gợi lên sự kiện mà chúng ta vừa thấy năm nay. Nhưng năm nay dài hơn, tác dụng của nó có thể kéo dài hơn. Một cách tổng quát hơn, chúng ta phải tính đến nền văn hóa “tỉnh thức” hoặc “sống lại” hiện có ở Mỹ.

Chúa Thánh Thần tuôn trào

Tại đại học Asbury năm nay, từ được sử dụng thường xuyên nhất là “tuôn trào”. Chúng ta thường nghe từ này trong giới Ngũ tuần. Với người Pháp, từ này gợi lên thành ngữ “ơn Chúa Thánh Thần tuôn trào”, nổi tiếng trong phong trào Canh tân đặc sủng. Nhưng cuộc tụ tập này không thể xem là của giáo phái “Ngũ tuần” hay “canh tân” theo nghĩa thông thường.

Không ai nghi ngờ về tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng cách những người trẻ tuổi cầu nguyện và thờ phượng Chúa ở Kentucky, thường quỳ trước bàn thờ hoặc sấp mình, theo những người chứng kiến kể hoặc qua các video trực tuyến, làm chúng ta liên tưởng đến các buổi cầu nguyện Taizé, các buổi này hướng người tham dự hướng nội, hơn là các cuộc họp của giáo phái Ngũ tuần, họ thường nói tiếng lạ và có các biểu hiện ngoạn mục hoặc siêu nhiên khác.

Ở Thính phòng Hughes, ban tổ chức xin những người bắt đầu ồn ào nói tiếng lạ giữ yên tĩnh. Cũng vậy, các người có trách nhiệm của trường đại học đã cẩn thận để tránh bất kỳ sự xâm chiếm nào của những nhà thuyết giáo nổi tiếng từ nơi khác đến và sự ủng hộ của những cá nhân có diễn từ chính trị gây chia rẽ. Một cách hệ thống, họ luôn nhắc các diễn giả không đặt mình lên trên mà phải quy chiếu về Chúa Giêsu, Đấng là trọng tâm.

Trên thực tế, không có ngôi sao truyền giáo nào được đặt lên cao ở Asbury. Và những người đến cách riêng tư cũng không được nhắc đến  như ca sĩ Kari Jobe. Cũng cần lưu ý, cuộc tụ họp dường như khơi dậy sự đồng lòng và đón nhận thuận lợi của tất cả các Giáo hội lớn và ngay cả các giới chính trị, tả cũng như hữu.

Khiêm tốn, thánh thiện, hiếu khách…

Theo nhà thần học Jennifer Miskov, người chuyên nghiên cứu về lịch sử của “thuyết sống lại”, các người tham dự gần như không đặt cho mình mục tiêu nào khác hơn ngoài mục tiêu đến gần Chúa. Có mặt tại chỗ khi bắt đầu sự kiện, bà ấn tượng qua bốn khía cạnh khác biệt bà tóm tắt như sau: “khiêm tốn”, điều dễ thấy trong các buổi tụ tập nếu không có quảng cáo cho kitô giáo; “thánh thiện”, trong tinh thần xem nhà nguyện là không gian thiêng liêng; “hiếu khách” qua tinh thần đón tiếp niềm nở và phục vụ; “Chúa Thánh Thần” có cơ hội làm việc trong lòng mỗi người. Cuối cùng, chắc chắn sự kiện này gợi lên và ít nhất là điều mà một số giáo sư đại học thích gọi, đó là “đổi mới”.

“Một trải nghiệm bất ngờ về Chúa”

Trên thực tế, ít các chuyên gia nào dám quyết định, ngay cả dùng một tính từ nào để nói trong giai đoạn này. Sự thận trọng tương đối này càng phù hợp hơn vì đây cũng là vấn đề đánh giá khả năng can thiệp của Chúa. Ông Raymond Pfister nhận xét: “Chúng ta đang nói về tỉnh thức hay sống lại. Trên thực tế, đây là trải nghiệm bất ngờ của Thiên Chúa. Không có mô hình để làm theo, đặc biệt là vì không có gì được sắp xếp. Về các tác động, chúng chỉ có thể được đánh giá rất lâu sau này.” Với tư cách là người quan sát, ông cũng nói lên khó khăn trong việc phân tích tác động của một sự kiện được biết đến trên toàn thế giới nhờ phát trực tiếp: “Chắc chắn, đây là lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm sự thức tỉnh trực tiếp, nhưng từ xa.”

Theo nhà thần học, một yếu tố khác cũng cần phải tính đến: tầm quan trọng của sự việc đã không ngay lập tức đặt sự kiện này là của tin lành, như các nhà sử học hoặc các nhà báo thường làm về vấn đề này… Ông nhắc lại, Giáo hội công giáo cũng như chính thống giáo đã có một số hiện tượng như vậy: cuộc canh tân Gregorian, năng lực thúc đẩy của Thánh Phanxicô và Thánh Clara thành Assisi đã canh tân sâu đậm Giáo hội công giáo, cũng như phong trào canh tân đặc sủng trong những năm 1970.

Theo ông Raymond Pfister, chắc chắn phong trào Canh tân đặc sủng được cảm hứng từ những người theo Ngũ tuần ở Mỹ, nhưng về bản chất, xu hướng Ngũ tuần là đại kết và do đó không chỉ dành riêng cho tin lành. Ông thắc mắc: “Vì sao Chúa lại theo thể loại của chúng ta?”, ông nhắc đến người bạn Craig Keener của ông, người dạy Tân ước tại đại học Asbury và là người đã viết một bài báo dài (bằng tiếng Anh) để nhớ lại khó khăn thực sự trong việc định giá một sự kiện có nguồn gốc thiêng liêng đã thay đổi cuộc đời của ông.

Một cuộc tụ họp cũng chạm đến người công giáo

Buổi họp mặt thực sự cũng đã thu hút nhiều người công giáo. Một số linh mục đã làm chứng về điều này trên mạng xã hội. Ở Pháp, có sự quan tâm đáng kể đến cái thường được gọi ở đây là “Sự thức tỉnh của Asbury”. Nhiều người công giáo Pháp đã theo dõi qua video phát trực tiếp. Trong số đó này có ông Benjamin Pouzin, thành viên kiêm nhà soạn nhạc của nhóm thờ phượng Glorious, ông cũng là người truyền giáo trên mạng xã hội, ông nói với báo La Vie: “Tôi theo dõi những gì xảy ra ở Kentucky. Tôi cầu nguyện với họ và cho họ. Tôi cảm thấy như Asbury đang đưa chúng ta trở lại tinh hoa của kitô giáo. Nó giống như ngày Lễ Ngũ Tuần. Con người được Chúa Thánh Thần đến thăm. Chúa đang làm một cái gì ở đó.”

Ông ngạc nhiên khi thấy tiếng vang đáng kể của các bài báo và dòng tweet của ông trên mạng xã hội trong giới công giáo. Khi được hỏi làm thế nào ông giải thích sự nhiệt tình này, ông trang trọng nói: “Nhiều người nghĩ chúng ta cần một tỉnh thức như vậy ở Pháp. Bản thân tôi cũng nghĩ như vậy. Một số linh mục công giáo không ngần ngại mong ước được như thế. Linh mục Louis-Marie Guitton, thuộc giáo phận Fréjus-Toulon đăng trên Facebook của cha link nối kết buổi phát trực tiếp Asbury, cha viết: “Kể từ ngày 8 tháng 2, ở một trường đại học Mỹ, các sinh viên thay phiên nhau không ngừng nghỉ ca ngợi Chúa. Bắt đầu từ một buổi cầu nguyện hàng tuần của họ, ngọn lửa bùng lên và không tắt. Vui mừng vì ân huệ của Chúa không cạn kiệt! Chúng ta cần những buổi này ngay bây giờ, khi nhiều người băn khoăn không biết dựa vào đâu, không biết tin vào ai! Khi nào chúng ta sẽ thức tỉnh?”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Điều gì đã làm cho 50.000 sinh viên ở Asbury, Kentucky tụ họp để cầu nguyện: Chúa Thánh Thần đã thổi sức sống cho họ