Kazakhstan: Kitô giáo tái sinh sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ
Nhà thờ Karaganda ở miền đông Kazakhstan, thành phố có tiền chủng viện và là nơi duy nhất ở Liên Xô có nhà thờ công giáo | DR
cath.ch, I.Media, 2022-09-06
Đức Phanxicô sẽ đến thăm Kazhakstan từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 năm 2022, trong dịp này, linh mục Pierre Dumoulin, người đồng sáng lập chủng viện duy nhất ở Kazakhstan xúc động kể lại việc quay về với mục vụ sau khi đế chế Xô Viết sụp đổ, Liên Xô và khát khao của một dân tộc sống sót sau những ốc đảo ẩn giấu.
Năm 1991, linh mục Pierre Dumoulin ở giáo phận Monaco, là giáo sư ở Viện Thần học Lugano, Thụy Sĩ. Khi Đức Gioan-Phaolô II bí mật xin Viện Lugano đào tạo các giám mục của Liên Xô, linh mục được trưng dụng vì cha nói được tiếng Nga.
Cha Pierre Dumoulin | DR
Sau đó, linh mục Dumoulin dạy nhiều khóa cho các giám mục, đặc biệt là cho các giám mục Kazakhstan, sau khi kết thúc thời gian giảng dạy tại đây, cha được mời ở lại giảng dạy. Điều chưa từng có đằng sau bức màn sắt đang dần dần mở ra, linh mục người Pháp sẽ giảng cho các giáo sư về lịch sử các tôn giáo ở Kazhak. Thông tin này thậm chí còn được đài phát thanh chính thức của Kazakhstan công bố. Linh mục thấy ở đất nước này một “khát khao lớn”. Trong số khoảng năm mươi sinh viên, có khoảng hai mươi sinh viên xin rửa tội, ngài nói: “Tôi thực sự bị chấn động sâu xa. Có một mong chờ không thể tưởng tượng trong những năm đó.”
15 linh mục cho một lãnh thổ lớn hơn châu Âu
Sau đó cha đề nghị với giám mục giáo phận đào tạo các linh mục. Đề xuất bị hoài nghi sau những năm chủ nghĩa cộng sản, để lại vùng đất này không còn chút ơn gọi. Giáo hội ở đó rất nghèo nàn, mười lăm linh mục phục vụ một lãnh thổ lớn hơn châu Âu (Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan). Cha tổng đại diện xin linh mục viết kế hoạch cho chủng viện, sau đó là bắt đầu khởi công. Thoạt đầu bối rối trước lời đề nghị bất ngờ nhưng cuối cùng cha chấp nhận nhiệm vụ mới của mình.
Ngày chúa nhật Lễ Lá năm 1992, nhà truyền giáo mở tiền-chủng viện ba tháng: “Lúc đầu, tôi nghĩ sẽ không có ai, nhưng rồi tôi thấy 12 em xuất hiện… Và kỳ diệu thay, mỗi năm lại tiếp tục… Chúng tôi tiếp tục trong bốn năm, tôi đi đi về về giữa Lugano Thụy Sĩ và Karaganda. Công việc vẫn còn làm trong bí mật, thông tin liên lạc lúc đó rất phức tạp, chúng tôi bị KGB theo dõi.”
Tiền-chủng viện ở Karaganda, trung tâm Karlag của một trong những khu vực lớn nhất của thời kỳ cộng sản. Đây là nơi người công giáo đông nhất vào lúc đó, một nửa dân số là con cháu của những người bị trục xuất khỏi Nga, Đức, Ba Lan và Ukraine. Karaganda cũng là nơi duy nhất ở Liên Xô có nhà thờ công giáo được xây dựng theo một kiến trúc đặc biệt: những người thợ mỏ của thị trấn than đá này dùng các vật liệu tìm thấy tại chỗ như ống mỏ hoặc đường ray xe lửa.
Gặp bà babushka
Cùng các bạn trẻ tiền-chủng viện, cha Dumoulin tổ chức các chuyến đi ở Kazakhstan để nói về ơn gọi. Trên vùng đất khô cằn này, trong những bản làng dân tộc còn ghi đậm dấu ấn khắc nghiệt của các trại lính, họ khám phá ra những cộng đồng thiên chúa giáo chưa từng thấy linh mục. “Mọi người tụ tập ăn mừng, họ đặt bàn, đồ trang trí, họ đọc lời cầu nguyện, đó là phụng vụ của họ. Họ đi trước cây thánh giá để xưng tội. Nếu họ có được nước thánh, họ giữ mãi bằng cách thêm nước vào theo năm tháng. Họ còn dâng thánh lễ bằng tiếng la-tinh, màu đen, họ chưa bao giờ nghe nói về Công đồng Vatican II”.
Các nữ tu đã dâng hiến cuộc đời cách ẩn mình cũng sống sót trong những tu viện nhỏ vẫn được giữ bí mật. Cha Dumoulin nói: “Điều làm cho họ bền đỗ, sức mạnh của Giáo hội, đó chính là tràng hạt Mân Côi. Lời cầu nguyện đơn sơ dễ dàng truyền lại và giúp họ giữ vững đức tin. Trong các trại, các bà nội ngoại lần hạt bằng những viên bánh mì vo tròn xâu lại với nhau bằng sợi chỉ”. Chính nhờ tất cả tín hữu này, họ ghi lại lời cầu nguyện từ trí nhớ vào sổ tay mà đức tin đã được lưu truyền.
Những gián điệp KGB?
Khi thấy các linh mục và các tập sinh trẻ đến, một số người sợ họ tiếp xúc với gián điệp. Nhưng một ngày nọ, một cuộc họp làm linh mục Dumoulin chấn động: “Chúng tôi đến một ngôi làng nơi mọi người đang xây nhà thờ. Các bà nội ngoại mang xô xi-măng, trẻ em phá đập đá để làm đường, các ông nội ngoại ngồi trên giàn giáo để xây tường.” Cha tiếp tục kể: “Bà babushka (hình ảnh những con búp bê Nga) làm văn phòng cho cha xứ hỏi chúng tôi là ai. Chúng tôi giải thích cho bà hiểu. Bà hỏi Yuroslav: ‘Khi nào anh sẽ làm linh mục?’. ‘Tôi phải học sáu năm và khi tôi về lại, tôi sẽ là linh mục,’. ‘À, sáu năm. Khi anh trở lại, tôi sẽ chết. Nhưng không quan trọng vì tôi đã thấy anh.’”
Linh mục xúc động nhớ lại: “Tôi nghe những lời này như nghe ông già Simeon, tôi thấy đức tin của người phụ nữ này đã nói: Tôi đã trụ vững, tôi đã thấy ngày mà tín hữu kitô sẽ có thể sống ở đây một lần nữa”.
Bàn tay của Chúa ở Kazakhstan
Sau đó, tiền-chủng viện Karaganda thành chủng viện cho toàn bộ Trung Á. Bây giờ trở lại Marseille sau nhiều năm truyền giáo ở Nga và Georgia, cha Dumoulin tiếp tục tổ chức các khóa học (qua cầu truyền hình) cho các tập sinh Kazakhstan, Georgia hoặc Nga đang theo học tại chủng viện. Trung bình mỗi năm chủng viện nhận khoảng mười chủng sinh.
Địa lý giáo hội của đất nước cũng phát triển: Kazakhstan hiện có ba giáo phận – bắc trung nam – và một quản trị tông tòa. Dân số theo thiên chúa giáo lớn nhất là ở giáo phận Astana. Một trăm linh mục cho toàn lãnh thổ quốc gia, trong đó có mười lăm linh mục gốc Kazakhstan.
Năm 2021, lần đầu tiên Yevgeniy Zinkovskiy, một linh mục thế hệ mới của Kazakhstan, được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá ở Karaganda. Nhà truyền giáo nhấn mạnh: “Thật là một niềm vui, một niềm tự hào khi biết một trong những người trẻ của chúng tôi là giám mục. Cũng vậy, người Kazakhs – người theo đạo hồi ôn hòa – đang bắt đầu trở lại kitô giáo, cho đến nay vẫn được xem là tôn giáo của phương Tây.
Một nhà thờ xây theo kiểu gô-tic ở Karaganda. Đó là ngôi đền biểu tượng bắt mắt, thu hút, cho thấy thế nào là hình ảnh của kitô giáo. Ngoài hai tu viện Cát Minh, tại đây có hai nơi thờ phượng lâu dài ở Nour-Sultan và ở đền thờ Đức Mẹ Oziornoe.
Cha Dumoulin lặp lại: “Không phải chúng tôi đã làm điều đó, đó là Chúa làm. Cha nhớ mình đã nhiều lần được cứu trong những tình huống nguy hiểm, lạc sâu vùng thảo nguyên khi xe cộ bị hư với nỗi sợ phải chết cóng tại chỗ. Và giải cứu đến. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được bàn tay của Chúa nhiều như ở Kazakhstan”.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Kazakhstan: một lịch sử phong phú của đa tôn giáo