Các tình huống Covid và ba cô đơn trong cuộc đời của Đức Phanxicô

299

Các tình huống Covid và ba cô đơn trong cuộc đời của Đức Phanxicô

Quyển sách mới của Đức Phanxicô Một thời để thay đổi, Bạn hãy đến, chúng ta hãy nói và hãy dám ước mơ…” (Un temps pour changer, Viens, parlons, osons rêver…” là thành quả của các trao đổi giữa Đức Phanxicô và nhà báo người Anh Austen Ivereigh trong các tuần cách ly, ấn bản tiếng Pháp sẽ được nhà xuất bản Flammarion phát hành ngày 2 tháng 12-2020. Trong quyển sách mới này, Đức Phanxicô muốn phân định ý nghĩa mà cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể có với xã hội chúng ta.

cath.ch, imd, 2020-11-23

Quyển sách diễn ra qua ba giai đoạn. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng, ngài đã sống cuộc khủng hoảng này như thế nào, nó đã thay đổi điều gì trong ngài. Kế đó là hệ thống kinh tế và trật tự thế giới: bằng các cơ chế nào (sợ hãi, ham muốn lợi nhuận, v.v.), chúng đã hủy hoại con người và hành tinh, và vai trò tín hữu kitô phải có để chiến thắng các giá trị khác – hy vọng vượt lên các khó khăn, phục vụ người khác, chia sẻ tài nguyên công bằng hơn. Cuối cùng, các thay đổi trong hành vi mà Đức Phanxicô kêu gọi, đặc biệt là ưu tiên cho những người nghèo nhất và một chỗ đứng tốt hơn cho phụ nữ trong xã hội.

Quyển sách Một thời để thay đổi, Bạn đến, chúng ta hãy nói và hãy dám ước mơ… sẽ được nhà xuất bản Flammarion phát hành ngày 2 tháng 12-2020.

Trong đời tôi, tôi đã trải qua ba ‘tình huống Covid’

Trong đời tôi, tôi đã trải qua ba ‘tình huống Covid’: bệnh tật, nước Đức và Cordoba, trong quyển sách mới cùng viết với nhà báo Anh  Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Phanxicô, ngài giải thích về cuộc khủng hoảng sức khỏe qua kinh nghiệm cá nhân của mình. Ngài kể lại đã trải qua ba thử thách đau đớn trong cuộc đời, điều này đã ghi dấu ấn sâu đậm và đã giúp ngài hoán cải. Nhật báo Ý La Repubblica đăng nhiều trích đoạn trong ấn bản ngày 23 tháng 11.

“Tình huống Covid” thứ nhất là thời gian Đức Phanxicô bị bệnh. Ngài nói: “Khi tôi mắc căn bệnh hiểm nghèo lúc 21 tuổi, tôi đã có kinh nghiệm của sự giới hạn, nỗi đau và cô đơn. Trong nhiều tháng, tôi không biết… liệu mình có sống được hay không. Ngay cả các bác sĩ cũng không biết tôi có lành bệnh không. Tôi nhớ, một ngày tôi ôm hôn mẹ tôi và hỏi, liệu tôi có chết không”, lúc đó Đức Phanxicô đang học năm thứ hai ở chủng viện giáo phận Buenos Aires .

Ngày 13 tháng 8 năm 1957, thấy sức khỏe của ngài suy yếu, một viên chức chủng viện đưa ngài đi bệnh viện. Đức Phanxicô kể: “Đầu tiên các bác sĩ lấy một lít rưỡi nước trong phổi ra, sau đó họ để tôi vật lộn giữa sự sống và cái chết. Đến tháng 11, tôi được mổ để cắt bỏ thùy trên bên phải của phổi.” Chính nhờ kinh nghiệm đau thương này mà bây giờ ngài có thể cảm thông với các bệnh nhân mắc bệnh coronavirus khi họ phải chống chọi với máy thở để dành lại sự sống.

Vinh danh các nhân viên chăm sóc

Trong phần tri ân nhân viên chăm sóc đã giúp ngài trong thử thách này, Đức Phanxicô đặc biệt nhớ đến hai y tá. Ngài kể: “Một trong số các y tá là một nữ tu dòng Đa Minh, sơ là y tá trưởng và đã dạy học ở Athens trước khi được gởi đến Buenos Aires. Sau này tôi được biết, khi bác sĩ rời đi và khi đã kiểm tra xong, sơ nói với các y tá tăng gấp đôi liều chữa trị mà bác sĩ đã ghi toa – penicillin và streptomycin – vì kinh nghiệm của sơ cho biết tôi sắp chết. Nhờ tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân, sơ hiểu rõ hơn bác sĩ những gì bệnh nhân cần, và sơ can đảm dùng kinh nghiệm này.”

Một y tá khác là bà Micaela cũng làm như vậy khi người chủng sinh trẻ “quá đau đớn”. Ngài kể lại: “Bà đã bí mật cho tôi uống thêm thuốc an thần ngoài thời gian quy định. Cornelia và Micaela nay đang ở trên Thiên đàng, tôi luôn mang ơn họ trong lòng!”

An ủi bằng im lặng

Kinh nghiệm này đã giúp ngài rút ra bài học: “Điều quan trọng là tránh các an ủi ngoài môi. Những người đến thăm tôi, họ nói tôi sẽ ổn thôi,  tôi sẽ không bao giờ cảm thấy đau đớn như thế này nữa: các lời vô nghĩa, sáo rỗng nói ra với mục đích tốt, nhưng không bao giờ chạm đến trái tim tôi… ”

Ngược lại ngài nhớ lại một khoảng thinh lặng làm ngài đặc biệt xúc động. Khi ngài suy sụp nhất, một nữ tu ngài quen đến thăm, sơ cầm tay và hôn và im lặng trong một thời gian dài. “Rồi sơ nói với tôi: ‘Con bắt chước Chúa Giêsu.’ Sơ không nói thêm gì. Sự hiện diện của sơ, sự im lặng của sơ đã mang lại cho tôi niềm an ủi sâu sắc .” Và từ kinh nghiệm này, ngài quyết định mỗi khi đi thăm bệnh nhân, ít nói nhất có thể, chỉ sự hiện diện và cầm tay người bệnh..

Nước Đức hay “Covid lưu vong”

Đức Phanxicô tiếp tục kể: “Tôi có thể nói thời gian ở nước Đức năm 1986 là thời gian ‘Covid lưu vong’. Đó là cuộc lưu vong tự nguyện, vì tôi đến đó để học ngôn ngữ và tìm tài liệu để kết thúc luận án về nhà thần học người Đức Romano Guardini (1885-1968), nhưng khi đến đó, tôi cảm thấy mình như “con cá ở ngoài nước”. Trong số các giai thoại kể lại, đó là những lần đi dạo gần nghĩa trang Frankfurt, nơi ngài thấy máy bay cất cánh và hạ cánh: “Tôi quá nhớ quê hương.”

Một kỷ niệm khác của Đức Phanxicô: ngày nước Argentina thắng nước Đức trong giải vô địch World Cup ngày 29 tháng 6 năm 1986. Tuy nhiên chiến thắng này lại có hương vị cay đắng cho người trẻ Jorge Mario Bergloglio. Thậm chí người hâm mộ bóng đá này còn không xem trận đấu. Ngài nói: “Tôi chỉ biết kết quả khi đọc báo ngày hôm sau.” Trong lớp học tiếng Đức, không một ai nhắc đến, một cô sinh viên người Nhật viết trên bảng “Hoan hô nước Argentina”, các bạn cười. Nhưng khi giáo sư vào lớp, ông yêu cầu xóa và không ai nhắc đến. Đó là nỗi cô đơn một mình không ai chia sẻ, cô đơn của không thuộc về, làm cho mình thành người xa lạ, nó đưa mình ra khỏi nơi mình ở, đặt mình vào một nơi mà mình không biết, khi đó mình mới hiểu nơi mình rời đi đã quan trọng với mình như thế nào.

Lưu đày ở Cordoba, cách ly để hồi tâm

Việc bức tận gốc này ngài trải qua trong hai năm ở Cordoba, miền trung bắc Argentina, cách Buenos Aires 700 cây số. Ngài nói: “Một năm, mười tháng và mười ba ngày trôi qua ở nơi cư trú của Dòng Tên này”, ngài xem đây như kinh nghiệm “Covid” thứ ba của mình.

Đôi khi sự bứng tận gốc này là một chữa lành, một sự biến đổi tận căn. Ở đây, tôi dâng thánh lễ, tôi giải tội, tôi hướng dẫn thiêng liêng nhưng tôi không bao giờ ra khỏi nhà trừ khi tôi đi bưu điện. Đây cũng là một loại cách ly, cô lập như thời gian chúng ta sống vừa qua và như thế lại tốt cho tôi. Thời gian này giúp tôi phát triển các tư tưởng: tôi viết nhiều và cầu nguyện nhiều.

Đức Phanxicô khi còn ở Buenos Aires, Argentina

Trước đây, tôi có một đời sống thứ trật dựa trên kinh nghiệm của tôi, trước hết tôi là giám đốc nhà tập, rồi ở trong ban quản trị từ năm 1973, đến làm giám tỉnh năm 1986 khi tôi hết nhiệm kỳ làm viện trưởng. Tôi thoải mái trong các công việc này. Vì thế, sự bứng gốc rút về một nơi xa xuôi hẻo lánh làm xáo trộn tất cả. Thói quen, phản xạ cư xử, đường hướng quen thuộc bị kẹt trong thời gian, tất cả đã xoay theo chiều hướng xấu và mình phải học sống lại từ số không, xây lại cuộc sống. Từ kinh nghiệm này, ngày nay tôi nhận ra ba chuyện đã đánh động tôi mạnh, thứ nhất tôi có khả năng cầu nguyện. Thứ nhì các cám dỗ tôi cảm nhận. Và thứ ba là chuyện lạ lùng nhất, tôi đọc ba mươi bảy tập về Lịch sử các giáo hoàng của nhà sử học người Áo Ludwig von Pastor. Tôi có thể chọn đọc tiểu thuyết, thật là lạ lùng. Bây giờ tôi tự hỏi vì sao Chúa đã cảm hứng để tôi đọc tác phẩm này trong thời gian này.

“Covid Cordoba” thực sự là một thanh tẩy đã giúp tôi khoan dung, thông cảm và có khả năng tha thứ. Và giúp tôi thiện cảm với những người yếu nhất, những người không có khả năng phòng vệ.

“Họ đã giúp tôi và họ đã có lý”, bây giờ Đức Phanxicô thừa nhận khi nhắc đến các tu sĩ có trách nhiệm trong Dòng Tên đã gởi ngài đi “cách ly” sau sáu năm làm giám tỉnh Dòng Tên Argentina. Ngài kể: “Nguyên do của thời kỳ này là do cách lãnh đạo của tôi, đầu tiên là giám tỉnh sau đó là viện trưởng. Tôi chắc chắn tôi đã làm những điều tốt, nhưng đôi khi tôi đã rất khắt khe.”

Một thời ở “sa mạc”

Thời ở sa mạc này “đã làm cho tôi có những ý tưởng chín muồi: tôi đã viết và cầu nguyện rất nhiều”, ngài cũng cho biết đã đọc ba mươi bảy tập Lịch sử các Giáo hoàng của Ludwig von Pastor. Ánh mắt của Chúa Quan Phòng chăng? Ngài tin chắc: “Với vắc xin này, Chúa đã chuẩn bị cho tôi”, ngài nói thêm, không phải là không có chút trớ trêu: “Một khi bạn trải qua kinh nghiệm này thì không có gì có thể làm bạn ngạc nhiên về những gì đang xảy ra ở Giáo triều Rôma và trong Giáo hội. Nó đã giúp tôi rất nhiều!”.

Nhờ “Covid Cordoba”, Đức Phanxicô cho biết ngài đã học được tính kiên nhẫn, “nghĩa là, món quà để hiểu những chuyện quan trọng cần có thời gian, rằng thay đổi là hữu cơ, có những giới hạn và chúng ta phải làm việc từ bên trong những chuyện này, nhưng cùng lúc phải giữ cặp mắt hướng đến chân trời, như Chúa Giêsu đã làm”.

Từ thử thách này và từ sự “thanh tẩy”, ngài đã rút ra một bài học cho guồng máy cai trị của mình ngày nay: “Không để rơi vào các lỗi lầm như khi tôi còn là bề trên”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm:Kinh nghiệm tiếp cận với cái chết giúp Đức Phanxicô gần với các nạn nhân Covid