Đại dịch làm xáo trộn triều giáo hoàng Đức Phanxicô và làm lu mờ vai trò lãnh đạo của ngài

391

Đại dịch làm xáo trộn triều giáo hoàng Đức Phanxicô và làm lu mờ vai trò lãnh đạo của ngài

Đức Phanxicô gần như đơn độc trước thập giá. Nguồn: Reuters. Yara Nardi

lanacion.com, Elisabetta Piqué, 2020-09-05

Đôi cánh bị cắt, “ở trong lồng”, ít được thấy và ít nổi bật: đó là ảnh hưởng của đại dịch với triều giáo hoàng Đức Phanxicô. Dù ngày thứ tư 2 tháng 9, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, sau sáu tháng “ăn chay”, Đức Phanxicô đã có thể tiếp xúc lại với giáo dân nhưng buổi tiếp kiến không ở Quảng trường Thánh Phêrô mà ở Sân Thánh Damase, một nơi nhỏ hơn với các biện pháp giãn cách xã hội nhưng ngài sẽ còn phải cách ly ở Vatican một thời gian dài nữa.

Trong một thế giới bị xáo trộn hoàn toàn vì coronavirus, Đức Phanxicô trong bảy năm làm giáo hoàng có 32 chuyến tông du đến 47 quốc gia trên bốn lục địa – vượt qua cả Thánh Gioan Phaolô II – ngài sẽ không thể tiếp tục đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng và tầm nhìn của ngài về một Giáo hội rộng mở như đang trên đường biến mất. Một nguồn tin của Vatican cho báo La Nacion biết: “Cho đến khi nào chưa có vắc-xin thì sẽ khó có các chuyến tông du, vì tập trung giáo dân là điểm chính của các chuyến tông du, đó là chưa kể cuộc khủng hoảng kinh tế do coronavirus gây ra khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất, những nước Đức Phanxicô thường đến thăm và không ai có đủ tiền để trả cho chuyến đi thường có chi phí rất cao này.”

Đức ông người Colombia Mauricio Rueda, người tỉ mỉ tổ chức các chuyến tông du của Đức Phanxicô trong những năm gần đây, tháng 7 vừa qua, ngài đã rời văn phòng Vatican vào để làm việc ở tòa sứ thần ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Địa vị của ngài hiện nay còn bỏ trống, một phản ảnh của giai đoạn mới không có chuyến tông du ra nước ngoài.

Đức Phanxicô ở Quảng trường Thánh Phêrô gần như trống không. Hình: DPA

Ngoài việc không thể đi ra nước ngoài, có nghĩa là sẽ có ít tiếng vang hơn, truyền thông ít chú ý hơn, hình ảnh của ngài ít thấy rõ hơn, ít nổi bật hơn, Covid-19 đã có các tác động tàn phá trên Vatican và triều giáo hoàng Đức Phanxicô theo nhiều cách khác nhau. Sự vắng mặt của giáo dân do cách ly và các hạn chế trên toàn thế giới đã là một đòn giáng khủng khiếp cho ngân quỹ Quốc Gia nhỏ bé nhất này của thế giới, với con gà đẻ trứng vàng Bảo tàng viện Vatican bị mất đi khoảng 70% du khách và thâm thủng ngân quỹ hàng triệu đô la.

Ngoài việc ngài thành lập một nhóm làm việc chống đại dịch, và trong thời gian cách ly, hàng triệu người đã xem thánh lễ được trực tiếp truyền đi từ Nhà nguyện Thánh Marta thì các cải cách quan trọng khác đang ở chế độ chờ. Cuộc họp cuối cùng của C-9, hội đồng các hồng y cố vấn từ nhiều quốc gia là vào tháng hai. Và mặc dù nhiều cơ sở trên thế giới đã dùng Zoom, nhưng vì ngại bị xâm nhập và vì lý do an ninh ở cấp cao nhất, Vatican tránh loại gặp gỡ ảo này. Đó là chưa kể sự chậm trễ trong cuộc chiến chống lại tai họa ấu dâm trong giới giáo sĩ.

Đức Tổng giám mục Malta, Charles Scicluna, chuyên gia cao nhất về chủ đề này tại Vatican, phó tổng thư ký Bộ Giáo lý Đức tin, là giám mục nổi tiếng vì đã đến Chilê trong một nhiệm vụ đặc biệt, đã điều tra về Binh đoàn Kitô ở Mexico, ngài đã phải ngưng một nhiệm vụ mới đến Mexico và Ba Lan. Việc hủy bỏ đã được các giám mục của hai đất nước này mừng thầm và đã làm cho các nhóm nạn nhân nghi ngờ, khó chịu.

Đức Tổng giám mục Charles Scicluna

Bà Valentina Alazraki, nhà báo kỳ cựu chuyên gia Vatican, người đã từng đi trên 150 chuyến tông du, tùy viên của Televisa nói với báo La Nacion: “Không nghi ngờ gì, đại dịch này đã là tình huống không may cho Đức Phanxicô: nó cắt đôi cánh của ngài trong nghĩa, ngài không thể đi tông du sớm, ít nhất là trong năm tới và chúng ta biết ưu tiên của ngài là tiếp xúc trực tiếp với giáo dân, với người bệnh, với người túng thiếu nhất, người di cư, với tù nhân, nơi ngài ở trong chức vụ giáo hoàng tiêu biểu nhất. Đại dịch này đã cô lập ngài, cô lập nhiều người trong chúng ta, ngăn ngài có thể cống hiến bản thân, cho mọi người, như ngài đã làm trong suốt triều giáo hoàng của mình.”

Lễ Phục sinh đơn độc. Hình: La Nacion

Mặc dù các đối thủ của ngài lợi dụng thời điểm bế tắc do Covid này để nói về “hồi kết triều giáo hoàng”, nhiều nhà quan sát nhấn mạnh, sau bảy năm một triều giáo hoàng đầy những chuyện mới như Giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh thì việc không còn được giới truyền  thông chú ý là chuyện bình thường. Một giám chức nói đùa: “Cũng giống như cuộc khủng hoảng bảy năm trong đời sống hôn nhân: nhiệt tình có xu hướng giảm xuống.”

Các ngạc nhiên

Dù các đối thủ của ngài đã nghĩ đến người kế vị, bà Alazraki, người đã viết tiểu sử Thánh Gioan Phaolô II và là tác giả của nhiều sách không chia sẻ cùng ý kiến với các nhóm này, liên kết đại dịch với sự đi xuống của triều giáo hoàng. Bà cho biết: “Theo tôi, chúng ta đang ở giữa triều giáo hoàng của ngài. Rõ ràng là có một sự cắt đứt trong khía cạnh gần gũi với giáo dân, tận tụy với giáo dân, không tông du nhưng tôi hy vọng chuyện này không kéo dài và đây chỉ là một giai đoạn đáng tiếc, tôi nghĩ Đức Phanxicô vẫn còn dành cho chúng ta nhiều ngạc nhiên”. Theo nghĩa này, đó là việc loan báo một thông điệp mới sẽ được công bố vào tháng 10 sắp tới tại Assisi.

Bà Valentina Alazraki, nhà báo kỳ cựu chuyên gia Vatican

Mặt khác, bà Alazraki còn nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đức Phanxicô trong thời điểm chưa từng có này: “Tôi còn giữ trong đầu hình ảnh ngày 27 tháng 3 vừa qua, khi chúng ta thấy Đức Phanxicô một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng trong cơn mưa ấn tượng, cầu xin Chúa chấm dứt đại dịch. Tôi nghĩ đó là một trong các hình ảnh mạnh nhất của triều giáo hoàng, vì hình ảnh này cho chúng ta thấy sự cô đơn của nhà lãnh đạo thế giới duy nhất làm cho chúng ta ý thức, trong suốt đại dịch này không phải chỉ có hệ quả về sức khỏe mà còn có hệ quả về đạo đức và luân ly”.

Bà nói thêm: “Ngay giây phút đầu tiên, ngài nói với chúng ta, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi đại dịch này một mình, chúng ta sẽ chỉ thoát ra nếu tất cả chúng ta cùng nhau và đặc biệt nếu chúng ta thay đổi não trạng ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân, cả trên bình diện quốc gia lẫn xã hội. Cách này cách kia, đại dịch cho chúng ta thấy tất cả chúng ta đều hiệp nhất trong mối tương quan toàn cầu, vì vậy chúng ta tất cả phải sửa đổi thái độ của mình, không chỉ ở cấp độ cá nhân, mà ở cấp độ xã hội, chính phủ, quốc gia. Đó là lý do vì sao tôi thấy trong đại dịch này, Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo vĩ đại, đã nhiều lần rao giảng trong sa mạc, nhưng điều này làm chúng ta ý thức, chúng ta sẽ không thoát ra như cũ, chúng ta sẽ thoát ra tốt hơn hoặc xấu hơn. Và chúng ta sẽ phải thoát ra tốt hơn, tất cả chúng ta.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô, thế giới sau coronavirus