Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).
Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi, Phúc âm thanh Mát-thêu (Mt 2: 1-12)
Gọi ông nội Chúa Giêsu như thế nào đây? Câu trả lời tùy theo độc giả tra cứu Phúc âm nào. Theo thánh sử Mát-thêu thì tên là Giacốp (Mt 1: 16) nhưng theo thánh Luca thì tên là Êli (Lc 3: 23). Dĩ nhiên đối với lịch sử cứu rỗi thì tên chính xác thân sinh thánh Giuse không phải là chuyện quan trọng, nhưng giữa các thánh sử, sự khác nhau này chỉ là một ví dụ nhỏ giữa những khác nhau khác lớn hơn mà chúng ta thấy đây đó giữa Phúc âm này, Phúc âm kia. Những khác nhau sâu đậm đã làm cho chúng ta không hiểu chính xác những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm thật sự là ở đoạn được xem là quan trọng trong truyền thống kitô là đoạn “bữa ăn cuối cùng”. Đoạn này được ba thánh sử ghi chép, cả ba đều khác nhau về lời Chúa Giêsu tuyên xưng về bánh và rượu cũng như về hành vi đi kèm theo.
Sự kiện các thánh sử không quan tâm đến độ chính xác sự việc xảy ra nhưng quan tâm đến chân lý đức tin chứa đựng trong đó. Chân lý chỉ có một, các phương thức hình thành thì khác nhau như chúng ta thấy trong Phúc âm thánh Mát-thêu và thánh Luca, cả hai đều nói một chân lý nhưng trình bày trong hoàn cảnh và nhân vật khác nhau. Chân lý mà họ muốn truyền lại là các người ở ngoài tôn giáo bị xem như ở xa Chúa, trên thực tế, chính là những người đầu tiên nhận thấy sự hiện diện của Chúa ở giữa lòng nhân loại. Đó là điều mà các thánh sử muốn lưu truyền. Các hình thức, các phương cách thì lại khác nhau.
Mười hai nhà chiêm tinh
Trong văn học đời xưa, thường có khuynh hướng đặt tên cho các nhân vật họ kể chuyện, các thánh sử mô tả dưới dạng ẩn danh nhưng lại mô tả một cách chính xác. Phúc âm thánh Mát-thêu chỉ nói tổng quát “các vị chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem” nên không thỏa chí tò mò, người ta muốn biết thêm tên, bao nhiêu người, họ giàu có như thế nào. Về số lượng, mới đầu là hai, sau đó đến thế kỷ thứ ba tăng thêm thành bốn, đến thời Trung Cổ thì lên con số tối đa là mười hai. Cuối cùng, con số được ấn định theo quà tặng mang đến “vàng, nhủ hương, mộc dược” vậy là con số ba được ấn định. Rồi một cách nhanh chóng, người ta đi từ đoán mò đến tin như bắp các chiêm tinh gia này là vua để thuận theo với thánh vịnh 72: 10: “Cả những vua Ả-rập, Xơ-va cũng đều tới tiến dâng lễ vật.” Như thế càng rắc rối hơn cho việc đặt tên. Thế là xảy ra cuộc tranh đua để có tên trong danh sách, một danh sách phương đông và một danh sách Ê-thi-ô-pi. Giữa hai danh sách, danh sách phương tây được dùng và từ nay số lượng người thăm viếng là ba, các nhà chiêm tinh là các vua, họ có tên là Gaspar, Melchior và Balthazar. Và để đừng ai ganh ai, một người da trắng, một người da vàng, một người da đen.
Một truyền thống nhân gian như vậy đã che lấp tầm quan trọng các nhân vật mà thánh Gioan Krít-tô-xôm đã gọi họ là “những tổ phụ đầu tiên của Giáo Hội”, từ nay các nhân vật này chỉ là những hình ảnh dùng trang hoàng cho máng cỏ. Vào thời Cổ Đại, chữ “nhà chiêm tinh, mage” ám chỉ những người nghiên cứu khoa học huyền bí, từ thầy bói đến các nhà thiên văn. Trong Cựu Ước văn bản Hy Lạp, danh từ này chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong sách Đa-ni-en khi nói đến sự khôn ngoan của các em bé hơn tất cả các “thầy phù thủy và pháp sư trong toàn vương quốc.” (Đn 1: 20-22). Thường thường họ bị xem là những kẻ bói toán lừa bịp, mang tiếng xấu. Đối với văn hóa và tôn giáo Do thái, các nhà chiêm tinh, ảo thuật lại còn bị cho là những người ô uế, trước hết vì họ là lương dân, sau là họ làm nghề bị Thánh Kinh lên án (Lv: 19: 26) và bị người Do-thái cấm: “Ai học một cái gì từ nhà ảo thuật đều đáng bị chết.” Trong Tân Ước, chữ “chiêm tinh, mage” mang tính cách tiêu cực (Cv 8: 9-24) và trong sách giáo lý đầu tiên, người kitô bị cấm hành nghề chiêm tinh.
Tuy vậy, dù bị xem là những người ở ngoài tôn giáo, thánh Mát-thêu xem họ là những người đầu tiên nhận biết có sự hiện diện của Thiên Chúa trong nhân loại và họ đi thông báo cho dân Do-thái. Nhưng những người này thay vì vui mừng thì lại lo lắng: “Vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem xôn xao.” Hêrôđê liền triệu tập các thượng tế và kinh sư để hỏi xem Đấng Thiên Sai sinh ra ở đâu: danh vị “Thiên Sai” chứng tỏ cho thấy Hêrôđê và toàn thành phố Giêrusalem lo sợ về đấng Thiên Sai, đấng giải phóng dân Ít-ra-en. Theo truyền thống, sự hãi sợ này cũng giống như sự hãi sợ của các vua Pha-ra-ô và toàn nước Ai cập thời các chiêm tinh gia loan báo việc ông Môsê sinh ra đời: những người cầm quyền hoảng sợ trước tin sẽ có người giải phóng dân Do thái ra đời, họ ra lệnh giết tất cả bé trai sơ sinh Do thái (Xh 1: 16-22). Lần này, vua Hêrôđê hoảng sợ vì nghe tin có một vị vua mới ra đời (vì là người Idulméen, ông không có quyền làm vua người Do-thái, ông sợ mất địa vị) và cùng với ông, cả thành phố Giêrusalem lo lắng. Tiên tri I-sai-a đã tiên đoán một tương lai huy hoàng cho Giêrusalem: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (Is: 60: 1); nhưng trong Phúc âm thánh Mát-thêu, từ đầu đến cuối, Giêrusalem vẫn ở trong bóng tối.
Ngôi sao là dấu hiệu duy nhất các lương dân này thấy, ngôi sao không chiếu sáng trên Giê-ru-sa-lem: ánh sáng của Thiên Chúa sẽ không chiếu trên những người nhân danh Chúa mà loại bỏ người khác nhưng ánh sáng của Chúa chiếu trên những người bị ở bên lề. Giê-ru-sa-lem, thành phố thánh nhưng cũng là thành phố giết người sẽ không nhận biết mầu nhiệm sống lại của Chúa Kitô. Chỉ sau khi các vua rời Giêrusalem thì ngôi sao mới chiếu lại để chỉ đường cho họ: “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.” Thánh sử nêu điểm khác biệt nổi bật giữa sự bối rối xao xuyến của vua Hêrôđê và thành phố Giêrusalem và mừng rỡ vô cùng của các vua. Khi Chúa có mặt, vua và cư dân thành Giêrusalem sợ cho những gì họ sẽ bị mất: địa vị và đền thánh; phần họ, các vua mừng rỡ vì họ sắp dâng lễ vật: vàng, nhủ hương, mộc dược. “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi.” Họ không vào cung điện: chính trong căn nhà thường dân mà họ tìm thấy một vị vua đích thực; không ở đền thánh: chính trong căn nhà mà “Thiên Chúa ở với chúng ta” (Mt 1: 23).
Được thiên thần báo đừng trở lại với vua Hêrôđê ở Giêrusalem, các vua đi theo một lối khác để về nhà: một lối khác là chữ rất ít khi được dùng trong Cựu Ước, chỉ dùng khi nói đến việc dân Do thái từ bỏ “Nhà của Chúa” nơi họ thờ bò vàng. Theo thánh sử, Giêrusalem không phải là thành phố thánh mà Chúa được đón tiếp mà là căn nhà tội lỗi nơi Chúa sẽ bị giết: những gì vua Hêrôđê không làm được thì các thầy thượng tế làm được, đó là giết Chúa Giêsu (Mt 26: 65-66).
Từ chuồng bò đến ngôi sao
Thánh Luca không kể chuyện các nhà chiêm tinh mà kể chuyện các mục đồng thành Bêlem, may thay các mục đồng này cũng ẩn danh (Lc 2: 1-20). Nếu thánh Mát-thêu đặt ưu tiên cho chiều kích phổ quát khi mô tả các chiêm tinh lương dân như những sứ giả của Chúa, những người bị xem là xa Chúa, bị dân Do-thái loại trừ thì thánh sử Luca làm nổi bật khía cạnh bên lề của những người ngoài lề trong lòng xã hội Do thái.
Vào thời Chúa Giêsu, các mục đồng không có quyền công dân và là những người bị xã hội ruồng bỏ. Làm việc đến đờ người, họ sống trong hoàn cảnh đê hèn cả về mặt tôn giáo, bị xem là ô uế, không có một khả năng gì để cứu chuộc họ, vừa không biết gì về Lề Luật, vừa không có một khả năng gì để giữ đạo. Họ bị xem và bị đối xử như súc vật, nhưng súc vật còn được đối xử tốt hơn: khi con vật bị rơi xuống hố còn được người ta cứu lên chứ mục đồng thì không. Bị xem như người tội lỗi có tấm lòng chai đá, không những bị loại ra ngoài mà họ là những người đầu tiên nằm trong danh sách sẽ bị loại nếu một khi Đấng Thiên Sai đến, theo lời giảng dạy của vua Sa-lô-môn: trong nước Trời, người nào xấu xa sẽ không được ở.
Như thế, họ là những người ở xa Chúa nhất, bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ: “Vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh.” Thánh vịnh gia đã mong muốn “Tất cả người tội lỗi đều bị diệt trừ (Tv 37: 38). Nhưng khi Chúa gặp người tội lỗi, Chúa không vứt họ vào lửa: Chúa bao phủ họ bằng tình yêu của Chúa. Chúa không nói những lời lên án nhưng loan báo “một nềm vui lớn”, sự sinh ra đời của đấng sẽ giải phóng họ khỏi thân phận người bên lề. Sự loan báo được xác nhận bởi “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.” Vinh danh của Chúa thể hiện một cách rõ ràng, bằng bình an cho tất cả những người được Chúa thương.
Ở thời mà Quyền Thế của vua chúa thế gian được xem như quyền tối thượng, phải kiểm kê dân số toàn dân để không một ai lọt khỏi sổ thuế thì Tình Yêu được thể hiện qua sứ điệp nhắm đến tất cả mọi người: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ được sinh ra.” Và các mục đồng đi về Bêlem để loan báo tin mừng họ vừa nhận được. Để gặp Chúa, không phải đến Giê-ru-sa-lem mà đến Bêlem, nơi Chúa đã nói: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” (1 Sm 16: 7)
Mục đồng và các chiêm tinh không thể đến gần Chúa trong đền thờ vì họ là lương dân và là người tội lỗi, bây giờ họ được tự do đến với Chúa nơi Hài Nhi, Đấng vừa đến với nhân loại. Những người mà tôn giáo cho rằng họ sống trong bóng tối lại là những người đầu tiên nhận thấy ánh sáng của Chúa, trong khi những người nghĩ họ sống trong ánh sáng thì vẫn ở trong bóng tối. Khi Chúa Giêsu đến với thế gian – Chúa Giêsu là món quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại – không một linh mục thượng tế nào của Giê-ru-sa-lem nhận ra. Những người tội lỗi mục đồng và những người lương dân chiêm tinh thì nhận ra. Hai hạng người mà các thượng tế xem là những người ngoài lề cứu rỗi vì họ không đàng hoàng thì lại nhận ra dấu hiệu của Chúa. Những người đi kiểm kê dân số cũng không nhận ra Chúa.
Thánh sử nói “tất cả đều ngạc nhiên khi nghe các mục đồng kể lại”. Từ tạo thiên lập địa người ta đều nghĩ Chúa thưởng người tốt, phạt người xấu: vậy đâu là điều mới lạ của Chúa, đấng “nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6: 35)? Nếu bây giờ Thiên Chúa thay vì phạt những người tội lỗi, Chúa tỏ cho họ tình thương của Chúa, thế thì không còn tôn giáo! Tất cả đều kinh ngạc vì sự lạ kinh khủng này, kể cả mẹ Maria. Đức Mẹ không từ chối điều mới lạ này nhưng tiếp nhận nó trong lòng để luôn cùng tiếp tục hiệp ý với Chúa. Và các mục đồng ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa: trước đây tôn vinh và ca tụng Thiên Chúa là công việc độc quyền của các thiên thần (Lc 2: 13-14). Với một Thiên Chúa của tình thương, mọi sự đều có thể có được ngay cả với các mục đồng.
Ignace Trần An Huy dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin