Tại Rôma, với các người tị nạn của Đức Phanxicô

224

famillechretienne.fr, Alexia Vidot, 2016-08-24

Cách đây một năm, Đức Phanxicô kêu gọi các giáo xứ Âu châu đón người tị nạn. Tháng 4-2016, để làm gương, trên chuyến bay từ Lesbos, Hy Lạp về Rôma, ngài đem theo ba gia đình tị nạn về cùng với ngài. Sự đón tiếp và hội nhập được Cộng đoàn Sant’Egidio đảm trách.

Chiều thứ bảy 6 tháng 4-2016, Đức Phanxicô đón các gia đình tị nạn đến đất Âu Châu.
Chiều thứ bảy 6 tháng 4-2016, Đức Phanxicô đón các gia đình tị nạn đến đất Âu Châu.

“Những người Syria của giáo hoàng, đó là người ta nói về chúng tôi! Nhưng họ nên nói, đó là những đứa con của ngài, vì đối với chúng tôi, ngài như một người cha”, anh Hassan vừa cười vừa dịu dàng hướng về vợ, cô Nour, tốt nghiệp ngành vi sinh hóa ở Đại học Montpellie, hai tay cô đang ôm bé Riad 2 tuổi. Dưới bóng mát cây cọ trong một sân trường Rôma, gia đình trẻ hồi giáo Damas gần như không muốn xa nhau. Nếu Đức Phanxicô không “cứu họ từ địa ngục Lesbos” (Hy Lạp) để đưa họ về “thiên đàng Rôma” với hai gia đình Syria khác ngày 16 tháng 4 thì “chỉ có Chúa mới biết cái gì xảy đến cho gia đình chúng tôi”, cô Nour e ngại nói, cô nói tiếng Pháp thạo, cô đưa tay vuốt mái tóc kéo về đàng sau tai. “Như thế là đã năm tháng, chúng tôi không còn sống trong cảnh khó khăn. Nước, giường, an toàn, được sống riêng, chúng tôi học sống lại”, anh Hassan giải thích, anh mừng là được hưởng quy chế tị nạn chính trị ở Ý, một cánh cửa mở ra để có thể tìm được việc làm. “Đó là giấc mơ đã thành sự thật. Chúng tôi như còn ở trong cơn choáng thật lớn!”, anh nói đùa. Đôi mắt tươi vui của anh như phủ cả một tâm trạng buồn. Có phải tiếng con mòng biển làm anh nhớ lại chuyến vượt biển Địa Trung Hải, nơi anh nghĩ “mình sẽ đi qua được” không? Với một giọng bằng bằng, anh kể lại những tháng đời mình trước khi có “phép lạ máy bay giáo hoàng”.

Một chiếc thuyền buồm dã chiến để trốn nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng và cảnh sát Syria

Cuối năm 2014, cảnh sát Damas bắt anh. Họ bắt anh phải vào quân đội của Bachar el-Assad. Hai vợ chồng buộc lòng phải ra đi như một nửa dân chúng phải ra đi. Cô Nour muốn đến Pháp nơi thân nhân của cô đã sống ở đó, nhưng cô không thể nào có được nhập cảnh. Tháng 12 năm 2015, Hassan đem hai mẹ con đi, nơi đến: Thỗ Nhỉ Kỳ. “Một chuyến đi 11 ngày mà cái chết ở khắp nơi”, anh thở dài nói. Cho đến sát kề, chỉ trong vài giờ, vài giờ họ bị nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng giữ lại ở vùng Raqqa. “Ông bà ở trong Nhà nước hồi giáo. Ông bà là người hồi giáo. Ông bà phải đi khủng bố”, một người đàn ông bận đồ đen tuôn ra một hơi. Anh Hassan vặn lại: “Tôi không muốn giết ai. Tôi là một kỹ sư, tôi không phải là kẻ đi giết người.” Nhờ một người đưa người đi vượt biển “Khổ thay, đa số là người Syria”, gia đình tránh được nanh vuốt của những người hồi giáo khủng bố, và cuối cùng họ đến được Istanbul. Họ lên chiếc thuyền nhỏ để đến đảo Lesbos. Khi kể xong câu chuyện của mình, anh Hassan không nén được xúc động. Cái nhìn của anh trở nên xa vắng.

Học ngôn ngữ và văn hóa để hội nhập được tốt

“Nơi mà không một tu sĩ hay một nhà lãnh đạo hồi giáo nào nhúc nhích thì Đức Giáo hoàng, ngài, vì tình thương của Chúa và với tất cả mọi người, đã đến với chúng tôi trong cảnh khổ của chúng tôi để kéo chúng tôi ra. Tất cả đều phải theo gương sứ giả hòa bình này để dùng tôn giáo của mình phục vụ cho tình yêu”, cô Nour say sưa nói, nói xong cô hôn trán đứa con, cô là người Syria-Palestina 30 tuổi. Đứa bé với đôi mắt đen tinh nghịch vùng ra khỏi vòng tay mẹ, chạy chơi với các em bé khác dưới mặt trời gay gắt nhưng chú bé không sợ. “Cô thấy đó, cháu sung sướng chơi!”, người mẹ cảm động nói, bà mặc chiếc áo màu xanh, màu của hy vọng. Đúng vậy, nơi ngày xưa là nhà giặt ủi của bệnh viện San Gallicano ở Trastevere, một khu vực ở trung tâm thành phố Vĩnh cửu bây giờ trở thành sân chơi yên bình cho các em bé Syria quen với nơi chiến tranh và sân chơi là những gạch đá đổ nát. Đức Giáo hoàng là tấm gương của hai vợ chồng trẻ này, nên họ cố gắng theo dõi các công việc và hành vi của ngài qua kênh truyền hình Ý Il diario di papa Francesco, còn Cộng đoàn Sant’Egidio cho họ các nét của một gia đình mới. “Từ khi chúng tôi đến, Cộng đoàn lo lắng cho chúng tôi từng chuyện một, trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống!”, cô Nour vẫn còn ngạc nhiên. Cách đây ba mươi năm, Cộng đoàn mở một trường học dạy ngoại ngữ và văn hóa Ý cho người di dân. Cộng đoàn mở các lớp dạy (rất nhiều), tổ chức những chuyện đi văn hóa, những buổi cầu nguyện đại kết, sự sinh động của những hiệp hội giáo dân mà giáo hoàng giao cho họ săn sóc khách của mình, cộng đoàn không lùi bước trước bất cứ một trở ngại nào để giúp những người mới đến hội nhập vào xã hội. Và cô có kinh nghiệm trong các việc này.

Trước khi về ở căn hộ ở gần Đền thờ Thánh Phêrô, gia đình trẻ này đã cùng với tám mươi người tị nạn khác ở Nhà Tạm trú của Cộng đoàn Sant’Egidio. Căn nhà này là một trong những căn nhà xưa cổ nhất của Rôma. “Tôi thích bản sắc tôn giáo của thành phố này với tất cả nhà thờ của nó. Ngược với nước Pháp vô thần, ở đây Chúa ở khắp nơi, Chúa hiển hiện rõ”, cô Nour hăng say nói, cô là người hồi giáo nhưng không giữ đạo.

Ngày 6 tháng 9 năm 2015, khi Đức Phanxicô kêu gọi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn tu sĩ, đan viện, đền thánh của Âu châu tiếp nhận một gia đình tị nạn, ngài đã nhấn mạnh lý do sâu đậm sau: “Nói lên thực tế của Tin Mừng” qua “hành vi cụ thể” của lòng thương xót. Tin Mừng kêu gọi chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải là“người anh em” của những người thấp bé nhất, những người “bị bỏ mặc”, ngài tuyên bố. Mong muốn lay động các lương tâm còn mơ ngủ, người cháu của những người di dân Ý đến từ Argentina đã không mệt mỏi lay động Âu châu và các tín hữu kitô mà tâm hồn họ lao chao giữa nỗi sợ người khác và lòng trắc ẩn, giữa lo âu cho an ninh của mình (một nỗi lo hợp pháp) và ước muốn cứu giúp người anh em đang ở trên bờ đường.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch