Cô gái trong bức hình

755

Aleteia, Unione Cristiani Cattolici Razionali, 06.02.2015

Với bức hình này, cô gái đã là biểu tượng cho cuộc chiến tranh tương tàn ở Việt Nam. Cô làm cho lương tâm chúng ta nhức nhối. Bây giờ cô là đại sứ cho hòa bình.

Ngày 8 tháng 6-1972, một phi công của quân đội Miền Nam tưởng lầm một nhóm người chạy loạn ở Trảng Bàng, Tây Ninh là nhóm kẻ thù nên đã dội bom xuống. Những quả bom chứa chất napalm, một chất kích hỏa cực mạnh, thiêu sống người bị ném.

Bức hình đen trắng này được giải Pulitzer và được chọn là “hình của năm” trong cuộc tranh giải World Press Photo của Năm 1972. Bức hình trở thành biểu tượng cho những chuyện khủng khiếp của cuộc chiến ở Việt Nam, của sự tàn ác của tất cả mọi chiến tranh tác hại trên trẻ em và thường dân.

Phan Thị Kim Phúc là em bé trần truồng vừa chạy vừa khóc trong hình, áo quần đã bị cháy hết. Lúc đó, em cùng gia đình tham dự một buổi lễ ở chùa.

Gần đây nhân dịp kỷ niệm năm thứ 40 lần ngày dội bom, cô kể lại sau khi bị dội bom, cô ngã xuống đất và được nhiếp ảnh gia Nick Ut mang đến bệnh viện săn sóc. Cô ở bệnh viện 14 tháng, chịu phẫu thuật 17 lần để ghép da. “Ngày hôm đó tôi muốn chết cùng với gia đình, thật khó cho tôi để phải mang tất cả nỗi hận thù, nỗi giận dữ này,” cô nhớ lại.

Cô gái trong bức hình

Một quỹ quốc tế

Dù phải mang những cái sẹo sâu hoắm trong da, cô theo học ngành y, khi còn học năm thứ hai ở Đại học Sài Gòn, cô bắt gặp được quyển Tân Ước trong thư viện trường đại học. Cô đi theo Chúa Giêsu Kitô và nhận ra Chúa có một dự án cho đời của cô. Năm 1997, cùng với chồng, cô thành lập Quỹ Quốc tế Kim ở Mỹ trong mục đích cung cấp thiết bị y khoa và trợ giúp về mặt tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh. Dần dần chương trình này được lan rộng và nhiều trung tâm khác đã được thành lập.

Trở lại và sức mạnh của tha thứ

Chính nhờ việc trở lại Kitô giáo đã cho cô có sức mạnh để tha thứ. Bây giờ Kim Phúc đã 50 tuổi, cô sống cùng chồng, cũng người Việt Nam, và hai con trai Thomas và Stephen ở Toronto, Canada. Cô dành trọn đời mình để cổ động cho hòa bình, cung cấp thiết bị y khoa và hỗ trợ về mặt tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh ở các nước khác nhau như: Ouganda, Timor phương Đông, Rumania, Tadjikistan, Kenya, Ghana và Afghanistan. “Tha thứ đã giúp tôi thoát ra được hận thù, cô viết trong quyển tiểu sử của mình ‘Cô gái trong bức hình’ (The Girl in the Picture). Tôi còn rất nhiều sẹo trong cơ thể và vẫn còn những cơn đau rất nhiều gần như mỗi ngày, nhưng tâm hồn tôi đã được thanh tẩy. Bom napalm cực mạnh nhưng đức tin, tha thứ và tình yêu còn cực kỳ mạnh hơn. Chúng ta sẽ không bao giờ còn chiến tranh nếu mọi người học để sống với tình yêu đích thực, với hy vọng và với lòng tha thứ.” Nếu “cô gái trong bức hình” làm được thì chúng ta cũng tự hỏi: “Tôi không làm được như vậy sao?”

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch