Lo cho người nghèo không phải theo chủ nghĩa cộng sản mà là theo Tin mừng

970

10171120_1600521393511747_6782955132473187004_nAndrea Tornielli, Giacomo Galeazzi, Vatican, 10-1-2015

Phỏng vấn với Đức Thánh Cha: “Thông điệp Tin Mừng hướng đến tất cả mọi người, Tin Mừng không lên án sự giàu có, nhưng lên án sự tôn thờ của cải, thói thờ ngẫu tượng này làm cho con người lãnh đạm với lời kêu gọi lo cho người nghèo.”

Ông Andrea Tornielli, Giám đốc của Vatican Insider đã kết hợp với ông Giacomo Galeazzi, nhà báo chuyên về Vatican của Ý để viết một quyển sách về huấn giáo xã hội của Giáo hội theo đường hướng của Giáo hoàng Phanxicô. Quyển sách viết bằng tiếng Ý có tên là “Papa Francesco: Questa economia uccide” (Giáo hoàng Phanxicô: Nền kinh tế này giết người), với đoạn kết là bài phỏng vấn Đức Thánh Cha được các tác giả thực hiện vào tháng 10 năm 2014, đăng trên ấn bản ngày chúa nhật của tờ Vatican Insider, giới thiệu cho ngày phát hành sách là 13-01.

“Chủ nghĩa Marx,” “Chủ nghĩa Cộng sản,” “Chủ nghĩa bần cùng.” Những lời của Đức Phanxicô về sự nghèo khổ và công bằng xã hội, cũng như những lời kêu gọi thường xuyên của ngài quan tâm đến những người túng quẫn, đã gây nhiều chỉ trích và cáo buộc, đôi khi còn rất gay gắt và chế nhạo nữa. Giáo hoàng Phanxicô cảm thấy thế nào về việc này? Tại sao chủ đề nghèo khổ lại thường thấy trong các lời dạy của ngài?

Kính Đức Thánh Cha, có phải theo cha, chủ nghĩa tư bản trong các thập niên qua là một hệ thống không thể đảo ngược?

Tôi không biết làm sao để trả lời câu hỏi này. Tôi nhận ra rằng sự toàn cầu hóa đã giúp nhiều người thoát cảnh đói nghèo, nhưng nó cũng gây tai hại làm cho nhiều người phải chết đói. Sự thực là của cải toàn cầu đang tăng trưởng rõ ràng, nhưng các bất bình đẳng cũng ngày càng tăng và nảy sinh ra sự nghèo đói mới. Tôi chú ý thấy rằng hệ thống này đã tự duy trì bằng một nền văn hóa thải loại, mà tôi đã nhiều lần nói đến. Có sự thải loại chính trị, xã hội, và thậm chí là một tâm thức thải loại. Khi trung tâm điểm của hệ thống là tiền bạc chứ không phải con người, khi tiền trở thành thần, thì con người bị hạ giá thành những phương tiện thuần túy của một hệ thống kinh tế và xã hội, vốn mang đặc nét, hay đúng hơn là bị thống trị bởi những bất bình đẳng sâu sắc. Vì thế, theo lập luận này chúng ta đã thải loại bất cứ gì không còn hữu dụng kể cả trẻ em và người già, đồng thời tác động lên lớp người trẻ. Tôi đã sốc khi biết rằng, ở những nước phát triển, có hàng triệu thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm. Tôi xem đây là giới trẻ “hai không,” vì họ không học hành cũng không làm việc. Họ không học hành vì không có cơ hội, họ không làm việc vì không có việc làm. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của nền văn hóa thải loại, một nền văn hóa đưa con người đến thải loại trẻ con bằng việc phá thai. Tôi đã sốc trước tỷ suất sinh thấp ở nước Ý này, và đây là chính là chúng ta đã tự đánh mất tương lai mình. Nền văn hóa thải loại này cũng đưa đến việc chủ động trợ tử một cách khuất tất đối với người già, những người bị bỏ rơi. Người già không còn được xem là ký ức của chúng ta, không còn là mối liên kết giữa chúng ta với quá khứ, không còn là nguồn khôn ngoan cho hiện tại nữa. Đôi khi tôi tự hỏi, cái gì sẽ bị thải loại tiếp theo đây. Chúng ta cần ngăn chặn điều này trước khi quá trễ. Xin ngăn chặn chuyện này! Từ đây, để trả lời cho câu hỏi của anh, tôi muốn nói chúng ta không được xem tình trạng này là tình trạng không thể đảo ngược. Đừng đầu hàng nó. Chúng ta hãy nỗ lực và xây dựng một xã hội, một nền kinh tế, nơi tâm điểm mọi sự, không phải là tiền bạc, nhưng là con người và phúc lợi của con người.”

Khi để tâm nhiều hơn đến công bằng xã hội, liệu đạo đức kinh tế có thể thay đổi không, hay chúng ta có thể kỳ vọng một sự thay đổi cả về cơ chế trong hệ thống kinh tế hiện nay?

Trước hết, cần phải nhớ rằng chúng ta cần đạo đức trong kinh tế, và cũng cần đạo đức trong chính trị nữa. Từ khi được bầu làm giám mục địa phận Rôma, đã hơn một lần, các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính trị mà tôi được gặp, có bàn với tôi về chuyện này. Họ bảo tôi rằng chúng tôi, các lãnh đạo tôn giáo cần phải giúp họ và cho họ các lời khuyên đạo đức. Đúng, các mục tử có thể lên tiếng, nhưng tôi tin chắc rằng điều chúng ta cần, chiếu theo lời Đức Bênêđictô XVI đã nhắc đến trong tông thư Bác ái trong Chân lý (Caritas in Veritate), chính là mọi người, không phân biệt nam nữ đưa tay lên cầu nguyện với Thiên Chúa, ý thức rằng tình yêu và sự chia sẻ kiến tạo nên sự phát triển đích thực, không phải là do đôi tay chúng ta mà ra, nhưng là ơn chúng ta cần xin Chúa. Và tôi cũng tin chắc rằng chúng ta cần những con người này, những người tận tâm trên mọi lĩnh vực, trong xã hội, trong lãnh vực chính trị, trong các thể chế và trong các nền kinh tế để làm việc vì lợi ích chung. Chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa trong việc đương đầu với các nguyên do nghèo đói, để hướng đến chữa lành cho xã hội khỏi chứng bệnh chỉ có thể dẫn đến thêm nhiều khủng hoảng nữa mà thôi. Thị trường và đầu cơ tài chính không thể đem lại lợi ích chung khi chúng tự tác tuyệt đối. Không có giải pháp cho các vấn đề của người nghèo, chúng ta sẽ không thể giải quyết các vấn đề của thế giới. Chúng ta cần các dự án, cơ chế và tiến trình để thực hiện một sự phân bổ của cải tốt hơn, bằng cách tạo nên các công việc mới dẫn đến sự thăng tiến quy tụ những người đã bị loại ra ngoài.”

Tại sao những lời ngôn sứ mạnh mẽ của Giáo hoàng Piô XI trong tông huấn Đệ Tứ Thập chu niên (Quadragesimo Anno), chống lại sự thống trị toàn cầu của tiền bạc, lại có vẻ quá cực đoan và cấp tiến, ngay cả đối với một số người Công giáo, ngày nay?

Những lời của Đức Piô XI chỉ có vẻ cực đoan đối với những người thấy chấn động vì lời của ngài, và thấy đau vì những lời lên án đầy tính ngôn sứ của ngài. Nhưng ngài không thổi phồng quá mức, ngài đang nói lên thực trạng của thời kỳ sau khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 1929, và như một người trên đỉnh núi, ngài thấy rõ mọi sự, ngài có tầm nhìn xa. Tôi e rằng những người vẫn thấy cần phải đặt vấn đề với các lời khiển trách của Đức Piô XI, là những người đã đi quá xa rồi đó …”

Các trang của Phát triển các Dân tộc (Populorum Progressio) nói tư hữu không phải là một quyền tuyệt đối nhưng phải đặt dưới lợi ích chung, và các trang của Sách Giáo lý (Catechism) của Đức Piô X, xem trong các tội kêu lên tới Trời trả báo, có tội áp bức người nghèo và chiếm đoạt tiền lương của người lao động, liệu có còn hiệu lực với ngày nay không?

Không chỉ là còn hiệu lực, nhưng ngày càng quan trọng, và qua kinh nghiệm của riêng tôi, tôi thấy các trang này ngày càng được chứng minh rõ ràng.

Những lời của cha nói rằng người nghèo là “máu thịt Chúa Kitô” đã gây sốc với nhiều người. Cha có thấy phiền lòng trước những quy kết cha theo “chủ nghĩa bần cùng” hay không?

Trước thời thánh Phanxicô thành Assisi, đã có những người theo chủ nghĩa bần cùng, và nhiều luồng tư tưởng như thế trong thời Trung cổ. Chủ nghĩa bần cùng là một biếm họa về Tin mừng và cả về sự nghèo đói. Nhưng thánh Phanxicô đã giúp chúng ta khám phá liên kết sâu sắc giữa nghèo đói và con đường của Tin Mừng. Chúa đã nói, chúng ta không được làm tôi hai chủ, hoặc Thiên Chúa hoặc tiền của. Đây là chủ nghĩa bần cùng ư? Trong Tin Mừng thánh Matêô chương 25, Chúa Giêsu cho chúng ta biết mình sẽ bị phán xét như thế nào. “Ta đói, Ta khát, Ta ở tù, Ta đau bệnh, Ta trần truồng, và các ngươi giúp đỡ Ta, cho Ta mặc, thăm viếng Ta, chăm sóc Ta.” Bất kỳ lúc nào chúng ta làm việc này cho một trong các anh em mình, là chúng ta làm cho Chúa Giêsu. Chăm lo cho người thân cận, cho người nghèo, những người chịu đau khổ thể xác và tinh thần, những người cùng quẫn. Đây chính là tiêu chuẩn của Chúa. Đây là chủ nghĩa bần cùng ư? Không phải, đây là Tin Mừng. Sự nghèo khó đưa chúng ta xa khỏi thói thờ ngẫu tượng và cảm giác tự đủ. Như ông Giakêu, sau khi gặp được ánh mắt đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, ông đã đem nửa tài sản mà cho người nghèo. Thông điệp Tin Mừng hướng đến tất cả mọi người, Tin Mừng không lên án sự giàu có, nhưng lên án sự tôn thờ của cải, thói thờ ngẫu tượng này làm cho con người lãnh đạm với lời kêu gọi lo cho người nghèo. Chúa Giêsu đã nói, trước khi dâng lễ vật trên bàn thờ, chúng ta phải làm lành với người anh em mình. Tương tự như thế, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mở rộng yêu cầu này thành hòa thuận với những người anh em nghèo của mình.

Cha đã nhấn mạnh sự tiếp nối của truyền thống Giáo hội trong sự quan tâm đến người nghèo. Cha có thể cho một minh chứng được không?

Một tháng trước khi mở Công đồng Vatican II, giáo hoàng Gioan XXIII nói, “Giáo hội ước mong và thể hiện mình là một Giáo hội của tất cả mọi người, đặc biệt là Giáo hội của người nghèo.” Những năm về sau, sự ưu tiên dành cho người nghèo đi vào trong các huấn giáo chính thức của Giáo hội. Một vài người cho rằng đây là chuyện được bịa thêm, nhưng mối quan tâm này xuất phát từ Tin mừng và được viết rõ ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Nếu tôi lặp lại một vài đoạn văn bài giảng của các Giáo phụ thời thế kỷ II và III nói về cách chúng ta phải đối xử với người nghèo, thì sẽ có người thậm chí còn tố cáo tôi là đang giảng theo chủ nghĩa Marx. “Bạn không tặng cho người nghèo những gì là của bạn, nhưng bạn đang trao cho họ những gì là của họ. Bạn đang chiếm dụng những gì được định là dùng chung cho tất cả mọi người. Trái đất là của tất cả mọi người, chứ không phải của người giàu.” Đây là lời của thánh Ambrose, mà Giáo hoàng Phaolô VI đã trích lại trong tông thư Phát triển các Dân tộc, nói rằng tư hữu không cấu thành một quyền tuyệt đối và vô điều kiện cho bất kỳ ai, và không một ai được quyền giữ riêng cho mình những thứ dư thừa so với nhu cầu của họ trong khi có nhiều người đang thiếu thốn những của thiết yếu. Thánh John Chrysostom đã nói, “không chia sẻ của cải của mình với người nghèo, là cướp của họ và tước đoạt mạng sống họ. Những của cải chúng ta chiếm hữu không phải của chúng ta nhưng là của họ.” (…) Chúng ta có thể thấy đó, quan tâm lo cho người nghèo nằm trong Tin mừng, trong truyền thống Giáo hội, chứ không phải là một sự chạy theo chủ nghĩa cộng sản, và không được phép để quan tâm Tin mừng này biến thành hệ tư tưởng, một chuyện đôi khi xảy ra trong lịch sử. Giáo hội, khi mời gọi chúng ta vượt thắng cái mà tôi gọi là “lãnh đạm toàn cầu hóa”, phải hoàn toàn tự do không vướng mắc bất kỳ lợi ích chính trị hay hệ tư tưởng nào. Động lực của Giáo hội chỉ có thể là Chúa Giêsu, và mong muốn góp phần xây dựng một thế giới nơi chúng ta nhìn đến và chăm sóc cho nhau.”

J.B.Thái Hòa dịch

Sách: Papa Francesco. Questa economia uccide, Piemme