Philippe Katerine: “Điều đẹp nhất trong đức tin Kitô giáo là tha thứ”

142

Philippe Katerine: “Điều đẹp nhất trong đức tin Kitô giáo là tha thứ”

lemonde.fr, Aureliano Tonet, 2024-07-30

Năm 2008, nghệ sĩ Philippe Katerine hát: “Tôi thấy chúng tôi có đầu màu xanh lơ hoặc cam, tùy theo chúng tôi ăn gì.” Chính vì vậy, với làn da xanh, bộ râu màu cam, bụng no nê, nghệ sĩ Katerine đã xuất hiện trước mắt thế giới tối thứ sáu 26 tháng 7 trong  lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris. Sự kiện đã tạo tranh cãi với bài hát Nu, bài hát táo bạo với cảnh khỏa thân qua hình ảnh thần Dionysus mà một số người cho đó là Chúa Giêsu Kitô trong bức tranh Bữa Tiệc Ly của họa sĩ Leonardo da Vinci.

Ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới viết trên mạng xã hội của ông: “Tất cả những điều này phải có lời giải thích của nghệ sĩ 55 tuổi này.”

Chiều nay ông ăn gì, Philippe?

Nghệ sĩ Philippe Katerine: Vịt quay, nó đang mùa.

Còn trước buổi lễ?

Gà nấu với rượu vang.

Như thế ông nhập vai thần Dionysus, say sưa ngây ngất. Làm sao ông có được vai này?

 Tôi gởi một video cho ông Thomas Jolly, giám đốc buổi lễ, trong đó có đoạn tôi vừa viết bài hát Nu. Tôi nghĩ: “Đó là bài hát dành cho Thế vận hội.” Để thuyết phục ông Jolly, tôi đưa ra ba lập luận. Trước hết là ý tưởng hòa giải: khi trần truồng, chúng ta vô hại, chúng ta nắm tay nhau. Không có túi, không có chỗ để giấu vũ khí, trần truồng là không mua sắm vải vóc. Cuối cùng là về lại với nguồn gốc Thế vận, ngày xưa các vận động viên thi đấu khỏa thân.

Ông Thomas Jolly đã nghĩ gì?

Ông nhận nhiều video, nhưng ông nhớ video của tôi. Tôi được khen. Ông Jolly có chủ đề kể chuyện của ông. Tôi phải nhập vào. Cơ bản tôi là diễn viên, tôi không cố gắng nhiều để hiểu. Ông nghĩ đến thần Dionysus và đề nghị tôi sơn người màu xanh. Tôi muốn khỏa thân nhưng không muốn ai nhìn thấy gì, tôi không muốn làm ai bị sốc nên chúng tôi tìm một lối thoát. 

Năm 2010 ông hát: “Không, nhưng hãy để tôi/Ăn chuối của tôi/Trần truồng trên bãi biển.” Năm năm sau, ông hát: “Khi bạn chẳng còn gì/Như con chim sống ít, nhưng khỏe mạnh/ Không có gì, không mạng lưới/ Bạn sẽ là vị vua khỏa thân ra đi/Ăn những con ngỗng, vì không có tiền.”  Vì sao trần truồng xuyên suốt các bài hát của ông?

Khi chúng tôi sáng tác, chúng tôi có nhiều nhiều sắp xếp, nhiều dự tính. Đôi khi chúng tôi nghĩ tốt nhất là khỏa thân, guitar đệm theo. Đó là điều đáng nói nhất. Và cũng đúng trong cuộc sống. Chúng ta tô điểm giả tạo để nói chuyện với người khác. Những thứ thường làm nhầm lẫn. Khỏa thân đôi khi lại được ưa chuộng nhiều hơn. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa tự nhiên, đúng hơn tôi kín đáo, rụt rè. Tôi nghĩ, những bài hát này đáp ứng được sự thất vọng cá nhân. 

Ông có biết, màn trình diễn của ông đã xúc phạm đến một số tín hữu không?

Có hàng ngàn cách để mọi người diễn giải sự việc, tất cả chỉ cần một thay đổi nhỏ. Chúng tôi không thể kiểm soát bất cứ điều gì về chuyện này. Tôi không có vấn đề gì với những người không nhìn sự việc theo cách của tôi.

Điều chắc chắn là với Thomas Jolly, chúng tôi chưa bao giờ nói về tôn giáo, cũng như bức tranh Bữa Tiệc Ly của họa sĩ Leonardo de Vinci. Không bao giờ chúng tôi chạm đến Chúa Giêsu Kitô. Tôi kinh ngạc trước những phản ứng này. Tôi lớn lên trong kitô giáo, điều đẹp nhất của đức tin là tha thứ. Tôi xin lỗi nếu có sự hiểu lầm, nếu tôi làm mọi người bị sốc. Tôi rất tiếc. Tôi nghĩ chúng ta có thể tha thứ cho nhau.

Năm 1999, ông hát: “Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của tôi/Những vuốt ve của làn gió/Như bài hát của Tình yêu/Dành cho người khiếm thính.” Ông phản ứng như thế nào với các giám mục Pháp lên án ông?

Trên bàn không có một biểu tượng tôn giáo nào, không có cây thánh giá, không có bánh mì, không có rượu. Chúng tôi nghĩ các giám mục Pháp muốn đốt cháy mọi thứ. Một viên đá lửa không thể làm xoẹt lửa, phải có hai viên đá lửa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch