Phản ứng của các Giáo hội nước ngoài về bức tranh nhái lại Bữa Tiệc Ly

141

Phản ứng của các Giáo hội nước ngoài về bức tranh nhái lại Bữa Tiệc Ly

la-croix.com, Malo Tresca, 2024-07-28

Sau khi Hội đồng Giám mục Pháp ra thông cáo lấy làm tiếc về những cảnh nhạo báng kitô giáo trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024, các nhà lãnh đạo tôn giáo nước ngoài đã lần lượt lên tiếng.

 

la-croix.com, Malo Tresca, 2024-07-28

Tại Trocadéro, Paris ngày thứ sáu 26 tháng 7 trong lễ khai mạc Thế vận hội 2024 POOL / Getty Images qua AFP.

Hai ngày sau khi khai mạc, ban tổ chức Thế vận hội Olympic Paris 2024 tiếp tục nhận phản ứng của các cộng đồng kitô giáo nước ngoài về bức tranh nhái Bữa Tiệc Ly. Bà Barbara Butch, DJ nữ quyền, nhà hoạt động LGBTQ+ ngồi giữa bức tranh.

Ở một số quốc gia như Maroc, Algeria và Mỹ, đoạn video ca sĩ Philippe Katerine gần như khỏa thân bước ra khỏi chuông đã bị các kênh địa phương kiểm duyệt. Ngày chúa nhật 28 tháng 7, đạo diễn Thomas Jolly, người tổ chức chương trình nghệ thuật đã giải thích vì sao bức tranh liên hệ với Kinh Thánh. Ông Damien Gabriac, một trong bốn tác giả của video trả lời trên kênh France Inter đó là bức tranh Lễ hội các vị thần của Jan Harmensz van Biljert.

Dù được giải thích, nhưng các phản ứng trên phạm vi quốc tế vẫn gia tăng, buộc ngày chúa nhật 28 tháng 7 ban tổ chức Thế vận hội Paris họp báo để giải thích họ không có ý định thiếu tôn trọng một tôn giáo nào.

Sỉ nhục

Trong số các phản ứng mới nhất, Hội đồng các Giáo hội Trung Đông gồm Giáo hội công giáo La-mã, Melkite, Maronite, Armenia, Syriac và Chaldean lên án việc nhạo báng các mầu nhiệm kitô giáo và những gì thiêng liêng của hàng tỷ người: “Kitô giáo là tôn giáo đầu tiên bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ sự đa dạng, phẩm giá và nhân quyền. Đó là lý do vì sao chúng tôi không chấp nhận việc xúc phạm này, vì mỗi con người đều giống hình ảnh Chúa (…). Nếu sự tôn trọng và tình bạn là tinh thần của Olympic thì vì sao Ủy ban Olympic lại chấp nhận các giá trị này bị vi phạm?”

 “Chủ nghĩa chính thống thế tục”

Tại Mỹ, nơi tự do tôn giáo vẫn là trung tâm trong các cuộc tranh luận xã hội, vụ này đã tạo cảm xúc mạnh mẽ. Giám mục Robert Barron, giáo phận Winona-Rochester đã chỉ trích hành vi này không tôn vinh nước Pháp, quốc gia đã gởi rất nhiều nhà truyền giáo đi khắp thế giới.

Giám mục Joseph Cordileone, tổng giám mục San Francisco lên án: “Chủ nghĩa chính thống thế tục đang thâm nhập Thế vận hội Olympic đến mức đã báng bổ tôn giáo của hơn một tỷ người. Liệu họ có làm điều này với các tôn giáo khác không?” Giám mục Donald Hying, giáo phận Madison kêu gọi: “Chúng ta ăn chay cầu nguyện để đền tạ cho việc báng bổ này. Chúng ta thêm lòng kính mến Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria.”

Giám mục Fernando Chomali, giáo phận Santiago của Chi-lê lên án: “Sự khoan dung của chúng ta có giới hạn. Việc nhạo báng này không phải là cách chúng ta xây dựng một xã hội huynh đệ. Chúng ta đang chứng kiến chủ nghĩa hư vô ở mức cao nhất.”

“Tất cả các châu lục”

Ngày thứ bảy 27 tháng 7, Hội đồng Giám mục Pháp cám ơn các Giáo hội khác đã tỏ tình liên đới với người dân Pháp: “Sáng nay, chúng tôi nghĩ đến các tín hữu kitô trên thế giới đã bị tổn thương do sự quá đáng và khiêu khích của một số cảnh. Chúng tôi muốn họ hiểu tinh thần Olympic vượt xa thành kiến về hệ tư tưởng của một số nghệ sĩ.”

 

Ở Pháp, sự phản đối đã làm cộng đồng kitô giáo phân cực. Một mặt, người dân Pháp muốn khẳng định quyền được báng bổ, một mặt họ muốn bảo vệ quyền tự do sáng tác nghệ thuật.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch