Nở rộ các lễ rửa tội: “Một sức mạnh ngược dòng bác bỏ chủ nghĩa hư vô”

79

Nở rộ các lễ rửa tội: “Một sức mạnh ngược dòng bác bỏ chủ nghĩa hư vô”

la-croix.com, Jean-Louis Schlegel, triết gia, nhà xã hội học về tôn giáo, 2024-04-03

Theo nhà xã hội học Jean-Louis Schlegel, sự bùng nổ số lượng người được rửa tội, hiện đang dấy lên mối quan tâm ở Pháp và các nước châu Âu rất thế tục khác, đó cũng là một phần trong việc đi tìm một không gian thở, tìm niềm an ủi sau những “thử thách của cuộc đời” làm chấn động những người trẻ tuổi.

Lễ rửa tội cho người lớn trong đêm Vọng Phục Sinh ở Ajaccio (Corsica) ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, 30 tháng 3 năm 2024. PAULE SANTONI / MAXPPP

Sự phát triển “theo cấp số nhân” ở Pháp về số lượng người lớn được rửa tội (+ 31% so với năm ngoái và + 120% trong vòng 10 năm qua) làm một số người hài lòng, họ xem đây là hứa hẹn cho một mùa xuân của Giáo hội sau nhiều năm liên tục giảm sút và có nhiều dấu hiệu tiêu cực, một số khác hoài nghi, có khi họ còn khó chịu, họ cho rằng thật là lạc điệu khi đưa ra thông báo mang tính chiến thắng trong một Giáo hội còn những thiếu sót và bị chấn thương – đặc biệt là các tội ác và lạm dụng tình dục – vẫn còn chưa lành.

Các thông tin báo La Croix đăng chắc chắn sẽ đem lại các chìa khóa cần thiết giúp chúng ta hiểu một hiện tượng bất ngờ trong bối cảnh suy thoái hiện nay của Giáo hội công giáo Pháp. Nhưng rõ ràng câu hỏi tuy không nói ra của những người vui mừng cũng như những ai hoài nghi vẫn là câu hỏi về tương lai. Liệu trong những năm tới có thể có chuyện tương tự như vậy không, hay sẽ còn tốt hơn? Hay tình hình tốt đẹp của năm 2024 – chủ yếu mang tính cơ hội – sẽ lắng xuống, và con số tăng mạnh là ngoại lệ?

Sự hồi sinh của các lễ rửa tội sẽ tiếp tục

Tôi có xu hướng nghĩ sẽ tiếp tục, dù không theo cấp số nhân. Chắc chắn chúng ta cần thêm thông tin về những gì đang xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, nhưng nếu chỉ xét ở châu Âu trong những năm gần đây, ít nhất là ở hai quốc gia Bỉ và Hà Lan, thì chúng ta đã thấy có sự gia tăng tương tự về số người lớn được rửa tội. Hai nước này, đặc biệt là Hà Lan cũng đang trải qua quá trình phi kitô giáo hóa mạnh mẽ. Do đó, câu hỏi có thể được đặt ra là liệu chúng ta có phải “chạm tới đáy” của sự suy giảm trên thực tế, đặc biệt là việc rửa tội cho trẻ em, thì mới có sự gia tăng việc rửa tội nơi người lớn không.

Trong 20 năm qua, ở Pháp số trẻ em dưới 3 tuổi được rửa tội đã giảm một nửa, từ 400.000 xuống chưa đầy 200.000. Còn ở các nước công giáo khác như Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, Croatia thì sao? Và ở Đức, nước có nhiều lo ngại về việc giáo dân rời bỏ Giáo hội thì sao? Dù sao chúng ta thấy số người lớn rửa tội sẽ không thể bù đắp được số trẻ em rửa tội, ít nhất trong một thời gian dài.

Tự do đi vào thì cũng tự do đi ra

Để phần nào bớt “tâm lý chiến thắng” nói trên, nhiều người nhắc lại lòng nhiệt thành của nhiều người lớn rửa tội đã giảm mạnh sau vài năm họ vào Giáo hội. Nói cách khác, lễ rửa tội của họ hẳn là một “tấm vé vào cửa” hơn là một cam kết… Nhận xét này là đúng, nhưng tại sao chúng ta lại muốn người lớn sau khi rửa tội phải ứng xử hoàn toàn khác với người đã ở với Giáo hội từ thơ ấu?

Đối với người lớn sau khi rửa tội, thì chính kinh nghiệm sống trong Giáo hội nhất thiết phải là quan trọng, thậm chí mang tính quyết định, để họ tiếp tục tích cực ở đó hay tiếp tục sống như thể “người khách”, hoặc thậm chí ra đi. Tự do đi vào thì cũng hoàn toàn tự do đi ra, ngay cả khi các cộng đồng giáo xứ chắc chắn phải làm tốt hơn và nhiều hơn nữa để bảo đảm sự đồng hành và hỗ trợ các cựu dự tòng: chúng ta có thể có ấn tượng chính đáng, sự đồng hành và hỗ trợ các tân tòng tỷ lệ nghịch với sự sốt sắng và chào đón nồng nhiệt thường dành cho các dự tòng.

Đúng là các cộng đồng công giáo, cũng như Giáo hội, không phải là các giáo phái nhưng đôi khi “bao vây” những người mới gia nhập theo đúng nghĩa đen và làm mọi cách để giữ họ lại. Hơn nữa, theo khảo sát của báo La Croix, con đường của những người mới được rửa tội, mặc dù không đổi, vẫn có nhiều hướng khác nhau. Vì sao phải tuyệt đối “bình thường hóa” theo khuôn rất công giáo để đưa họ vào trong những khuôn mẫu đã có?

Vượt lên trên những cuộc khủng hoảng…

Qua những chứng từ được kể, vượt lên những khác biệt trong công việc khám phá hoặc tái khám phá Giáo hội và đức tin công giáo, chúng ta có cảm tưởng những người mới rửa tội có một kinh nghiệm tương đối chung hay một yếu tố chung là: muốn tìm một lối thoát, một giải pháp, một hơi thở, một an ủi trước “thử thách cuộc đời”, “những cú đánh mạnh” làm họ chấn động, làm họ cảm thấy mình ở dưới đáy, làm cho một số người cảm thấy mình bị bật gốc, bị mồ côi của một truyền thống chưa được truyền lại.

Cuối cùng, chúng ta gần với những gì bà Danièle Hervieu-Léger đã nói về cuộc trở lại ngày nay nói chung: đó là tự xây dựng lại chính mình, khôi phục chính bản thân, hoặc – nếu đó là người xuất thân từ một gia đình công giáo – là việc tìm lại chính mình, gặp lại với bản sắc bị mất. Khi đó chúng ta có thể hiểu, cuộc cải tổ Giáo hội, hay những cuộc khủng hoảng của Giáo hội không phải là vấn đề của những người lớn được rửa tội này.

Maria Tô Diệu Lan dịch