Đồng hành cùng tân tòng, một trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ
Tại Pháp có hơn 10.000 người giúp các tân tòng để họ được rửa tội. Một sứ mệnh giúp chính người đồng hành đào sâu đức tin của mình.
la-croix.com, Clemence Houdaille, 2024-04-04
Cuộc gặp các dự tòng ở giáo xứ Saint-Ambroise, Paris. Corinne Simon
“Cha nghĩ tôi có thể làm được không? Chúng tôi sẽ làm như thế nào đây? Nếu tôi không trả lời được cho các câu hỏi của họ thì sao?” Khoảng mười năm trước, khi bà Geneviève, người công giáo ở một giáo xứ phía đông bắc Paris được nhờ đồng hành với một dự tòng cho đến khi anh được rửa tội, yêu cầu của linh mục đã làm bà băn khoăn tự hỏi không biết mình có làm được sứ mệnh tế nhị này hay không. Linh mục nhẹ nhàng nói: “Bà không hoàn hảo, tôi cũng không hoàn hảo nhưng đó là thực tế mà Giáo hội làm việc.” Mười năm sau, bà Geneviève chuẩn bị lễ rửa tội cho người dự tòng thứ sáu “của bà” trong vòng một năm nữa.
Cũng như nữ tín hữu tuổi ngoài sáu mươi này, hơn 10.000 người ở Pháp đang đồng hành với những người sẽ được rửa tội. Trong số này có các linh mục, tu sĩ, nhưng ngày càng có nhiều giáo dân hơn. Nếu sứ mệnh này được giao phó cho các tín hữu trưởng thành trong đức tin, và thường là vậy, thì chính đây là dịp để người đồng hành có được trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ. Bà Céline Bonnet, người đứng đầu chương trình dự tòng ở Nantes (Loire-Atlantique) nhấn mạnh: “Tất cả những người đồng hành đều không phải giáo lý viên, chắc chắn họ có những điều cần phải học, nhưng trọng tâm của mối quan hệ đồng hành phải là lời Chúa. Bằng cách lắng nghe lời Chúa, chia sẻ những điểm nhờ Lời Chúa làm chúng ta gắn kết với nhau, đó là cùng nhau sống trên con đường của một tín hữu kitô, đồng hành với người sẽ nhận phép rửa.”
“Có đôi tai to và cái miệng nhỏ”
Tham gia vào nhóm dự tòng của giáo xứ miền nam Nantes, bà Fabienne Pajot, 47 tuổi, hân hoan chào đón buổi gặp mặt đầu tiên với những người xin rửa tội. Bà tin chắc: “Một niềm vui lớn khi có ai đó gõ cửa. Cuộc gặp đầu tiên này là khoảnh khắc tôi rất thích vì mọi người đều cởi mở. Tôi cũng mở lòng để nói với họ vì sao tôi ở đây. Buổi gặp có thể kéo dài một giờ, hai giờ, ba giờ…” Cuộc gặp đầu tiên là để giúp người tân tòng hòa nhập vào nhóm người chuẩn bị cho họ nhận phép rửa. Vì không dễ để một người hoàn toàn xa lạ với Giáo hội công giáo có thể hòa nhập vào nhóm mà họ không biết tập tục và nghi thức. Bà Claire Brethous, người đứng đầu chương trình dự tòng của giáo phận Annecy (Haute-Savoie) giải thích: “Đó là lý do vì sao chúng tôi đào tạo những người đồng hành với các dự tòng”. Làm thế nào để lắng nghe? Làm thế nào để đón nhận những lời thú nhận đôi khi bất thường hoặc bất ngờ mà không phán xét, làm thế nào để có tinh thần quan tâm, chu đáo và làm sao để có thể phân biệt điều gì phù hợp nhất với mỗi người? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, và đằng sau là vấn đề quan trọng thiết thân với Đức Phanxicô: không phải là “rào cản quen thuộc” của Giáo hội mà là cổng thông hành để đến với Chúa Kitô.
Bà Fabienne Pajot cố gắng để không bao giờ phán xét. Được rửa tội khi còn nhỏ, chính bà đã tìm con đường trở lại với Giáo hội cách đây mười năm. Bà giải thích: “Tôi có ba đứa con trước khi kết hôn vì lúc đó tôi rất xa với Giáo hội. Bất cứ lúc nào trong cuộc sống, Chúa cũng có thể gặp chúng ta! Điều này giúp tôi đón nhận con người thật của người dự tòng, giúp họ thoải mái, giải thích với họ, chính tôi mười năm trước cũng không biết gì về chuyện này…” Bà Céline Bonnet tóm tắt: “Tôi xin người hướng dẫn có đôi tai to và cái miệng nhỏ”, trước tiên lắng nghe nhu cầu của các dự tòng.
Bà Geneviève cho biết, bà đã vận dụng kho tàng trí tưởng tượng để tìm ra cách nào phù hợp với từng người. Bà nói: “Tôi đã giúp một thanh niên 20 tuổi gặp nhiều rắc rối lớn ở trường và cực kỳ thiếu tự tin. Với anh, các hình ảnh và video nói lên được nhiều điều nhất. Tôi đưa anh đọc các Thánh vịnh nói lên niềm tin tưởng.” Năm nay, bà đồng hành một trường hợp hoàn toàn khác, một luật sư, rất trí thức: “Với ông, đúng là Thánh Augutinô đã nuôi dưỡng ông.” Bà hài hước nhớ lại một tân tòng Pháp gốc Cuba có đức tin non trẻ của một người theo đạo ma quỷ hay một người tị nạn châu Phi mà bà đã giúp chuyển từ hình ảnh nữ thần-Mary thành Maria Mẹ Chúa Kitô.
Còn bà Marie-Christine Butel, người có kinh nghiệm dạy giáo lý 20 năm, đã theo học các khóa đào tạo khác nhau trước khi đồng hành với các tân tòng, bà tương đối hóa: “Đôi khi có những câu hỏi làm tôi bất ngờ. Nhưng chúng ta không cần phải trả lời ngay, chúng ta có thể cùng nhau tìm câu trả lời!” Bà Fabienne Pajot làm chứng: “Các câu hỏi của dự tòng thúc đẩy chúng ta tìm câu trả lời khi mình chưa có câu trả lời và như thế đào sâu đức tin thêm cho chúng ta. Chúng ta cùng đi với họ và cùng nhau tiến bước.”
“Thiên Chúa đi trước chúng ta bên cạnh người tân tòng”
Việc đồng hành với tân tòng đòi hỏi sự chú ý đặc biệt đến việc tôn trọng quyền tự do lương tâm của họ. Bà Marie-Christine Butel tâm sự: “Tôi cầu nguyện cho người dự tòng, đó là cách để không bám víu và muốn có một con đường cho họ bằng mọi giá. Tôi nhường chỗ cho Chúa Kitô, chính Ngài hướng dẫn họ.”
Bà Claire Brethous tin chắc: “Chúa đi trước chúng ta bên cạnh người tân tòng”. Bà cố gắng làm cho người tân tòng hiểu, con đường dẫn đến rửa tội có thể rất khác nhau tùy mỗi người. Như thế phải hết sức linh hoạt. Việc buông bỏ có thể rất khó khăn khi người dự tòng biến mất không còn tăm hơi, hoặc đơn giản là không siêng năng cho lắm trên con đường đã vạch ra… Bà Pajot nhấn mạnh: “Chúng ta phải tìm đúng chỗ của mình. Nhưng những người dự tòng giúp chúng ta tìm ra chỗ đó. Khi họ không cho tin hoặc không đến học, tôi gọi điện thoại để biết họ đang ở đâu. Một số đến, một số đến ít hơn, đó là tự do của họ.” Khi một tân tòng dừng lại nửa chừng, người đồng hành dễ cảm thấy đây là thất bại cá nhân. Nhưng bà Céline Bonnet tin chắc: “Đây không phải là thất bại, đó là quyền tự do của mỗi người. Có lẽ người đã bỏ cuộc hoặc không còn nghe tăm hơi sẽ quay lại sau… Đó là con đường mà trên đó chúng ta gặp rất nhiều giằng co về mặt tâm linh.”
Để tránh kiểm soát người chúng ta giúp đỡ và để giúp họ tự đứng trên đôi chân của mình, một yếu tố thiết yếu là phải hòa nhập họ vào giáo xứ càng nhiều càng tốt. Bà Céline Bonnet lấy làm tiếc: “Thông thường, các nhóm hỗ trợ dự tòng tỏ ra dửng dưng. Khi nào những người sắp rửa tội có cơ hội gặp cộng đồng, điều mà nghi thức này nhấn mạnh nhiều nhất? Chúng ta có thể thấy nơi những người chuẩn bị kết hôn… Có rất nhiều cầu nối khả thi. Chính các người đồng hành có thể là những người làm dễ dàng cho các liên kết trong cộng đồng giáo xứ!” Bà Marie-Christine Butel nói: “Thời điểm rửa tội là lúc chúng ta chia tay họ, nhưng là lúc chúng ta giao họ cho cộng đồng, giới thiệu họ với các giáo dân khác để một tình huynh đệ thực sự nảy sinh lúc khởi đầu hành trình đến lễ rửa của họ.” Sau lễ rửa tội, giáo xứ Haut-Savoyarde không quên cập nhật thông tin và hàng năm gởi tin nhắn vào dịp lễ Phục sinh để chúc mừng kỷ niệm ngày họ rửa tội…
Một số cựu hướng dẫn viên nói, “sứ mệnh này thành công khi chúng ta thấy người được rửa tội tiến bộ trên con đường đức tin của họ mà không cần có chúng ta”. Nhưng vẫn còn những dấu vết lưu lại trong đời sống tinh thần của những người đồng hành. Bà Marie-Christine Butel kể: “Sứ mệnh này mang lại cho bà một niềm vui lớn lao trong cuộc sống và làm cho cảm thức thuộc về Giáo hội của tôi ngày càng lớn mạnh.”
Bà Geneviève cho biết, các dự tòng đã mang khía cạnh ngợi ca vào lời cầu nguyện của bà, bà ngạc nhiên trước con đường đức tin của họ cũng như các điểm khởi đầu rất đa dạng và đặc biệt trong cuộc gặp với Chúa Kitô của họ. Nhờ những câu hỏi hồn nhiên của họ mà bà có thể đào sâu ý nghĩa của một số nghi lễ mà trước đây bà làm theo thói quen hoặc một cách máy móc. Bà nhấn mạnh: “Họ trải nghiệm các nghi thức một cách sâu đậm.” Bà Fabienne Pajot bổ túc: “Họ làm chấn động đức tin của tôi, cho tôi thấy, công việc của Chúa ngày nay đang diễn ra trong trái tim của những người đến gặp chúng tôi”.
Maria Tô Diệu Lan dịch