Đức Phanxicô: “Vứt thức ăn cũng giống như lấy cắp thức ăn trên bàn của người nghèo”
lexpress.fr, Charles Carrasco, 2024-03-31
Trong thông điệp Laudato si’ Đức Phanxicô viết: “Vứt thức ăn cũng giống như lấy thức ăn trên bàn của người nghèo.” Đức Phanxicô với người nghèo ngày 19 tháng 11 năm 2017, tại Vatican. AFP
Đức Phanxicô nổi tiếng là người vui vẻ, ngài biến thực phẩm thành một trong những phương tiện truyền thông để hiện đại hóa Giáo hội. Là vũ khí mạnh mẽ của quyền lực mềm, một dấu ấn xã hội và văn hóa, thực phẩm là yếu tố nền tảng của văn minh. Xung đột, ngoại giao, truyền thống, ẩm thực luôn mang khía cạnh chính trị. Vì như nhà văn Bossuet đã nói vào thế kỷ 17: “Chính tại bàn ăn mà chúng ta cai trị.”
Rất ít người có may mắn bước vào nơi vượt thời gian, nơi trang trọng đi đôi với thiêng liêng. Ngày 27 tháng 3 năm 2014, Barack Obama đến sân Thánh-Đamasô, ngay trung tâm Vatican, ông được các vị đứng đầu Phủ giáo hoàng và các cận vệ Thụy Sĩ nghiêm chỉnh chào. Sau đó, tổng thống Mỹ bước vào Dinh tông tòa rộng lớn có các cửa sổ hình vòng cung 360 độ nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma. Một hành lang dài đưa đến thư viện giáo hoàng. Chính trong căn phòng rộng lớn với chiếc bàn đơn sơ, một vài tủ kính chứa đầy sách cũ, Đức Phanxicô tiếp các nguyên thủ quốc gia của 180 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Sau 45 phút nói chuyện là giây phút trao quà truyền thống. Ngày hôm đó, Barack Obama cầm trên tay một chiếc hộp kỳ lạ đựng hạt giống rau và trái cây trồng ở Nhà Trắng, ông mang đến để trồng ở vườn Castel Gandolfo, cách Rôma 25 cây số, vườn này được giáo hoàng Urbanô VIII (1623-1644) xây. Tại đây có một trang trại hữu cơ rộng 25 hếcta trồng các loại rau trái của Ý, được hái mỗi ngày và cuối cùng được chế biến để dọn lên bàn ăn của giáo hoàng: sữa bò Frisian có nguồn gốc từ parmesan, dầu ô liu, trái cây cam quýt, ớt, các loại thảo mộc thơm và rượu vang làm với các giống nho malvasia hoặc trebbiano… Một thiên đàng nông nghiệp được Đức Piô XI mua lại năm 1929 để làm nổi bật sự gắn bó của Giáo hội công giáo với thế giới nông thôn.
Thông điệp bảo vệ môi trường của Đức Phanxicô
Món quà có vẻ khiêm tốn này của Barack Obama là một sáng kiến thông minh phù với hai khuynh hướng đã có từ lâu của giáo hoàng: sinh thái nông nghiệp và ăn uống lành mạnh. Khu vườn rau ba sao nơi làm cho các đầu bếp-làm vườn của sách hướng dẫn Michelin phải ghen tị, hoàn toàn phù hợp với hình ảnh mà Đức Phanxicô muốn chuyển.
“Giáo hoàng của người nghèo” không chọn dinh thự sang trọng này làm nơi nghỉ hè như các giáo hoàng khác, ngài mở cửa cho công chúng và khi thời gian cho phép, ngài đến ăn trưa với năm mươi gia đình làm việc ở đây.
Chủ nghĩa tiêu dùng, tự trồng lương thực, môi sinh… Cách đây vài năm, những từ vựng này dành cho các nhà hoạt động, bây giờ đã trở thành một phần trong vốn từ vựng của giáo hoàng. Năm 2015, ngài công bố Thông điệp Laudato si’ sáu tháng trước hội nghị khí hậu Paris. “Laudato si”, thông điệp mang tính cách mạng cho một thể chế khá thận trọng, và Đức Phanxicô đưa ra lời kêu gọi “những người có quyền lực” hành động nhanh nhất có thể để cứu hành tinh. Trong một chương, ngài công khai chỉ trích tình trạng lãng phí thực phẩm, năm 2022, Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 1 tỷ bữa ăn mỗi ngày trên thế giới. Ngài viết: “Vứt thức ăn cũng giống như lấy cắp thức ăn trên bàn của người nghèo.”
Niềm vui của thức ăn
Bếp của gia đình Đức Phanxicô ở Buenos Aires mang hương vị ngọt ngào của Ý và Argentina hòa quyện: cappelletti với sốt cà chua, cơm risotto vùng Piedmont, mực nhồi, empanadas, matambre, một loại thịt cuốn đặc trưng của Argentina và nồi súp dulce de leche. Asado, kỹ thuật nướng thịt là niềm tự hào của lục địa Nam Mỹ, không có gì là bí mật với cậu bé mơ làm ông hàng thịt nhưng cuối cùng lại có bằng kỹ thuật hóa học nông nghiệp thực phẩm.
Khi ngài lên đến chức vụ cao nhất trong Giáo hội, các vị khách danh giá đã không bỏ lỡ dịp để tặng ngài những món ăn ngon. Trong lần gặp đầu tiên với Nữ hoàng Elizabeth nước Anh năm 2014, bà đã tặng ngài một chiếc giỏ đan bằng liễu gai đựng các sản phẩm trong vườn hoàng gia, cả chục trứng gà, mật ong và một chai rượu whisky!
Ngài là người không mệt mỏi tố cáo “chủ nghĩa thực dân kinh tế” của các công ty đa quốc gia, nhưng ngài lại rất bất lực khi ngày 30 tháng 12 năm 2016, chỉ cách lối vào Vatican hai bước, tiệm ăn nhanh McDonald’s mở cửa! Apsa, cơ quan quản lý… bất động sản Vatican cho McDonald’s thuê!
Một hiệp hội bảo vệ di tích lịch sử xung quanh Vatican, một số hồng y đã viết thư cho giáo hoàng – để có thể tìm cách chận việc cho thuê nhưng chẳng được, McDonald’s trả gần 30.000 âu kim mỗi tháng. Ở đây bánh mì kẹp thịt thay thế cho atisô la-mã. Dù Đức Phanxicô là giáo hoàng có chủ quyền, nhưng ngài cũng không làm được phép lạ.
Trên bàn ăn của Đức Phanxicô. Những câu chuyện và công thức nấu ăn mang lại hương vị cho cuộc sống (A la table du pape François. Ses histoires et ses recettes pour donner du goût à la vie, Roberto Alborghetti, nxb. Bayard, 2018).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
“Đối với Đức Phanxicô, một bữa ăn thành công là bữa ăn được chia sẻ”