Đức Phanxicô: một lễ Phục sinh giữa lời kêu gọi hòa bình và lo lắng sức khỏe
Đức Phanxicô trong thánh lễ chúa nhật Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 31 tháng 3-2024 / Vatican Media
liberation.fr, Bernadette Sauvaget, 2024-03-31
Đức Phanxicô vắng mặt trong buổi đi đàng Thánh giá ở Đấu trường La Mã tối Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng cuối tuần ngài đã chủ trì Đêm vọng Phục Sinh và thánh lễ chúa nhật Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô. Từ ban-công Dinh tông tòa ngài kêu gọi “một cuộc trao đổi chung các tù nhân giữa Nga và Ukraine” và ngừng bắn ở Gaza.
Hơi thở hụt, đôi khi không đủ. Nét mặt mệt mỏi. Dù sức khỏe yếu, trên chiếc xe Jeep màu trắng, ngài mỉm cười rạng rỡ chào giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô và khu vực chung quanh. Trong số 60.000 tín hữu (theo Vatican) – rõ ràng không thể phủ nhận sự nổi tiếng của ngài – chiếc xe đưa ngài đi một đoạn đường dài, thậm chí còn đi xuống một đoạn dọc theo via della Concilliazione, nối Vatican với thành phố Rôma. Một lúc sau, khi ban phép lành Phục Sinh Urbi et Orbi (cho thành phố và cho thế giới), bên cạnh Đức Phanxicô là hai hồng y Lorenzo Baldisseri và James Harvey ở ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, đau lòng lên tiếng kêu gọi hòa bình.
“Tôi kêu gọi một cuộc trao đổi chung cho tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine,” lời kêu gọi của người thường bị chất vấn về lập trường của mình trong cuộc chiến bị cho là quá hòa giải với Nga. Và thêm một lần nữa, ngài kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, viện trợ nhân đạo được thực hiện và thả các con tin bị bắt ở Israel trong ngày 7 tháng 10. Với một lòng tin sâu xa về hòa bình, ngài kêu gọi: “Chúng ta đừng để những hành động thù địch đang diễn ra tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến thường dân đang kiệt sức, đặc biệt là trẻ em.”
Bàn tay sắt
Sau khi không đi đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Phanxicô đã chủ sự hai nghi lễ rất nặng nề, Đêm Vọng Phục Sinh và thánh lễ Phục Sinh. Sự hiện diện của ngài làm mọi người tạm yên tâm.
Ở tuổi 87, ngài bị bệnh phổi kinh niên làm khó thở. Tháng 6 năm 2023, ngài đã có một phẫu thuật lớn về ruột và từ hai năm nay ngài phải ngồi xe lăn. Tháng 11 năm 2023, theo lời khuyên của các bác sĩ, vào phút cuối, ngài hủy chuyến đi COP28 ở Dubai, một chuyến đi ngài đặc biệt quan tâm. Kể từ khi công bố thông điệp Laudato Si năm 2015, Đức Phanxicô rất quan tâm đến vấn đề sinh thái, ngài cho rằng chính những người nghèo sẽ chịu thiệt thòi nhất cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Tại Dubai, ngài đã lên kế hoạch thách thức các nhà lãnh đạo thế giới về tính cấp bách của quá trình chuyển đổi sinh thái.
Với đầy đủ năng lực trí tuệ, nhưng ngày ngài càng bị buộc phải lo cho bản thân. Tuy vậy, với một ý chí sắt đá, ngài vẫn tiếp tục giải quyết công việc bằng nắm tay sắt, những người chống ngài cho rằng, ngày ngài càng độc tài. Trong chương trình làm việc năm 2024, ngài có các cuộc họp rất quan trọng, đặc biệt là chuyến đi Indonesia tháng 9 sắp tới, được chính phủ chính thức công bố, đây là quốc gia có số giáo dân hồi giáo đông nhất hành tinh. Vào mùa thu, Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội sẽ tiếp tục xem xét các cải cách sẽ được thực hiện, đặc biệt là vấn đề gai góc về vị trí của phụ nữ trong một thể chế vẫn còn rất trọng nam khinh nữ.
Cha giải tội tương lai?
Việc từ nhiệm như Đức Bênêđictô XVI năm 2013, dường như không có trong kế hoạch. Trong quyển tiểu sử Sống, câu chuyện đời tôi trong Lịch sử (Vivre, mon histoire à travers la grande histoire, nxb. Harper Collins, phát hành tháng 3), viết cùng nhà vatican học người Ý Fabio Marchese Ragona, Jorge Mario Bergoglio (tên của giáo hoàng trong khai sinh) nghĩ rằng một giáo hoàng ở nhiệm vụ của mình cho đến cuối cùng. Dù có chuyện gì xảy ra, ngài không loại khả năng bị buộc phải từ nhiệm vì những khó khăn về sức khỏe nếu có. Nhưng nếu xảy ra như vậy thì ngài cũng không có ý định rút lui hoàn toàn.
Theo ngài tâm sự, sau khi từ nhiệm, ngài sẽ là cha giải tội ở đền thờ Đức Bà Cả và đi “thăm bệnh nhân”. Đây là đền thờ ngài đặc biệt yêu quý. Trái với thông lệ các giáo hoàng thường được chôn cất dưới Đền thờ Thánh Phêrô, tháng 12 vừa qua, trong một phỏng vấn trên đài truyền hình Mêxicô, ngài cho biết ngài muốn được chôn cất ở Đền thờ này. Ngài thường đến đây cầu nguyện trước và sau mỗi chuyến tông du ra nước ngoài, trước tượng Salus populi romani (Sự Cứu rỗi của Người dân La-mã), bức tượng phép lạ ngài đặc biệt tôn kính.
Marta An Nguyễn dịch