Chiến tranh ở Ukraine: vì sao Đức Phanxicô nói về “cờ trắng”

145

Chiến tranh ở Ukraine: vì sao Đức Phanxicô nói về “cờ trắng”

Trong một phỏng vấn dành cho kênh truyền hình Thụy Sĩ, được phát sóng ngày thứ bảy 9 tháng 3, Đức Phanxicô kêu gọi Ukraine “can đảm thương thuyết”. Đề nghị này đã mở ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Vatican và Ukraine, nhưng lại cho thấy quan điểm hòa bình của một giáo hoàng đặt chiều kích thiêng liêng của sự sống lên trên hết.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2024-03-11

Trong một phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Sĩ RSI, Đức Phanxicô kêu gọi Ukraine “hãy can đảm thương thuyết”. Cờ Ukraine tại Quảng trường Thánh Phêrô. Alessandra Tarantino / AP

Đức Phanxicô đã nói gì và trong bối cảnh nào?

Trong một phỏng vấn thực hiện ngày 2 tháng 2 với đài truyền hình RSI, bản ghi âm được phát sóng ngày 9 tháng 3, Đức Phanxicô ca ngợi “sự can đảm” của “cuộc thương thuyết” mà ngài nghĩ Nga và Ukraine nên thực hiện: “Tôi tin, người mạnh mẽ nhất là người nhìn thấy được tình hình, nghĩ đến người dân, dũng cảm cầm cờ trắng để thương thuyết”, ngài tin tưởng và kêu gọi sự hòa giải của một trong những “cường quốc quốc tế” để thực hiện, chẳng hạn Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô về cuộc chiến Ukraine: “Xin đừng xấu hổ khi thương thuyết”

Ngài hỏi: “Khi chúng ta thấy mình bại trận, mọi chuyện không được suôn sẻ thì chúng ta phải có dũng khí để thương thuyết. Bạn xấu hổ, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ có bao nhiêu cái chết?” Theo ngài, cuộc thương thuyết này phải tránh việc “tự sát đất nước”. Ngài trả lời nhà báo hỏi ngài về chủ đề “màu trắng”, về những đức tính của màu trắng, nhưng cũng về “cờ trắng”.

Đâu là các phản ứng?

Nhận xét của ngài ngay lập tức tạo phản ứng mạnh mẽ trong lãnh vực ngoại giao. Thông qua bộ trưởng bộ ngoại giao Dmytro Kouleba, Ukraine đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của mình, ông nói: “Lá cờ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đó là lá cờ mà chúng tôi sống, chết và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ treo bất kỳ lá cờ nào khác. Về lá cờ trắng, chúng tôi biết chiến lược của Vatican trong nửa đầu thế kỷ 20, (ám chỉ đến thái độ trung lập của Đức Piô XII trong Thế chiến thứ hai).” Các đại diện của Đức, Hà Lan và Liên minh châu Âu công khai lên tiếng phản đối.

Các nhà lãnh đạo kitô giáo ở Ukraine cũng bày tỏ mối lo sâu sắc của họ, thượng hội đồng thường trực của Giáo hội công giáo hy lạp Ukraine, trực thuộc Rôma lên tiếng: “Người Ukraine không thể ngừng tự vệ vì đầu hàng đồng nghĩa với cái chết. Ý định của Putin và Nga là rõ ràng và hiển nhiên.”

Bài đọc thêm: Điện Kremlin phản ứng về những lời của Đức Phanxicô: “Ukraine từ chối thương thuyết hòa bình”

Về phần Vatican, Vatican đã cố gắng xoa dịu cuộc tranh cãi đã nổi lên vào tối ngày 9 tháng 3. Văn phòng Báo chí Tòa Thánh trả lời một số nhà báo: “Đức Phanxicô dùng thuật ngữ cờ trắng và trả lời bằng cách dùng hình ảnh do người phỏng vấn đề xuất, qua đó cho thấy sự chấm dứt thù nghịch và thỏa thuận ngừng bắn đạt được với sự can đảm của thương thuyết.”

Những phát biểu này tiết lộ điều gì về quan điểm của Đức Phanxicô?

Kể từ khi xung đột giữa Kiev và Moscow gia tăng vào tháng 2 năm 2022, ngài chưa bao giờ đứng về phía Ukraine, rõ ràng trái ngược với quan điểm của các nước phương Tây. Trong nhiều tháng, ngài đã bị buộc tội thân Nga, điều mà rõ ràng ngài đã bảo vệ. Khi bắt đầu cuộc xung đột, ngài gay gắt chỉ trích thượng phụ Kyrill của Matxcơva, ngài nói ông là “giáo sĩ nhà nước và là người giúp lễ cho bàn thờ Putin”. Một lời nói đã làm rạn nứt mối quan hệ với Tòa Thượng phụ Matxcơva, dù đây là một trong những chủ đề ưu tiên triều giáo hoàng của ngài.

Nhưng mặt khác, ngài lại không bao giờ muốn bị cho là “tuyên úy của phương Tây”, xem việc ủng hộ một bên vô điều kiện là rất nguy hiểm. Ngài luôn giữ vững quan điểm mà ngài cho là mang tính nhân đạo nghiêm túc, hàng tuần trong các buổi tiếp kiến chung, giờ Kinh Truyền Tin ngài đều xin giáo dân cầu nguyện cho “Ukraine tử đạo” và cho việc chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột vũ trang.

Đường lối hòa bình kiên quyết này vượt quá tình hình Ukraine. Ngài  không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để lên án “những người buôn bán vũ khí”, và điều quan trọng với ngài là thiết lập lệnh ngừng bắn để mở ra các cuộc thương thuyết ngoại giao. Vatican nhấn mạnh đây là cách đặt “sự thiêng liêng của sự sống” lên trên hết. Tầm nhìn này thực hiện rõ trong trường hợp của Trung Đông, khi ngài đặt Israel và Hamas đâu lưng nhau, ngài không ở bên nào: “Chiến tranh diễn ra giữa hai bên chứ không chỉ một bên. Những người chịu trách nhiệm là hai người đang tiến hành chiến tranh”, ngài nói trên truyền hình Thụy Sĩ.

 Ngoại giao của Vatican bảo vệ điều gì?

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine, ngoại giao của Vatican chưa bao giờ bảo vệ việc Ukraine đầu hàng. Trong một số trường hợp, hai nhân vật cao cấp nhất của ngoại giao, hồng y Pietro Parolin và tổng giám mục Paul Gallagher đã công khai thừa nhận tính hợp pháp của một cuộc chiến phòng thủ, thậm chí cả việc gởi vũ khí để thực hiện. Mặt khác, họ chưa bao giờ che giấu mối lo ngại về khả năng mở rộng xung đột, đặc biệt là giữa các cường quốc có vũ khí nguyên tử.

Hồng y Matteo Zuppi trong sứ mệnh hòa bình: “Thương thuyết ngừng bắn ở Kyiv”

Một nhà ngoại giao giải thích: “Chúng tôi trung lập nhưng không dửng dưng về mặt đạo đức. Lịch sử phức tạp hơn là một thế giới trắng đen. Theo chúng tôi, Ukraine và Nga không phải là hai thực tế chính trị – xã hội hoàn toàn tách biệt. Mục tiêu nỗ lực của chúng tôi là giúp người Ukraine thiết lập một nền hòa bình công bằng và lâu dài.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Điện Kremlin phản ứng về những lời của Đức Phanxicô: “Ukraine từ chối thương thuyết hòa bình”