Vatican Insider – Iacopo Scaramuzzi – 05/3/15
‘Nhà nước không được nghĩ đến chuyện thu lợi từ thuốc men. Ngược lại, không có một trách nhiệm nào của xã hội quan trọng hơn việc bảo vệ cho con người.’ Đây là lời của Đức Phanxicô trong bài nói chuyện với Viện Giáo hoàng vì Sự sống, trong Hội nghị Toàn thể lần thứ 21 của viện này từ thứ năm đến thứ bảy tuần này, với chủ đề: ‘Hỗ trợ người già và chăm sóc xoa dịu.’ Đức Phanxicô kêu gọi Viện chăm lo cho những người ‘có thể bị bỏ mặc đến chết,’ hay ‘bị làm cho chết.’ Ngài xác định sự bỏ mặc chính là ‘căn bệnh nghiêm trọng nhất mà người già phải mang, và cũng là sự bất công lớn nhất mà họ phải chịu.’
‘Chăm sóc xoa dịu là một biểu hiện thái độ thích đáng của con người khi chăm sóc người khác, đặc biệt là những người chịu đau khổ. Hành động này là lời chứng xác nhận rằng con người luôn luôn quý báu, ngay cả khi tuổi già và bệnh tật. Thật vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người đều tốt đẹp đối với bản thân người đó và với người khác, cũng như được Thiên Chúa yêu thương. Vì lẽ này, khi sự sống trở nên quá mỏng manh và khi người ta tiến đến thời khắc cuối cùng của hiện diện trên dương thế này, chúng ta cảm nhận được trách nhiệm phải hỗ trợ và đồng hành với những người này theo cách tốt nhất. Giới răn kinh thánh đòi buộc chúng ta phải tôn kính cha mẹ mình, hiểu rộng ra, là nhắc nhở chúng ta phải tôn kính tất cả những người cao niên. Thiên Chúa đã có một lời hứa kép cho giới răn này: ‘để ngươi được sống thọ,’ (Xh 20, 12) và ‘để ngươi được thịnh vượng’ (Đnl 5, 16).
Ngược lại, ‘kinh thánh đã có một lời cảnh báo dữ dội cho những ai bỏ bê hay xử tệ với cha mẹ mình (Xh 21, 17 và Lv 20, 9). Và án này đang dấy lên thời nay, khi các bậc cha mẹ, lúc già đi và trở nên ít hữu ích hơn, thì bị loại ra ngoài đến mức ruồng rẫy. Và có quá nhiều minh chứng cho chuyện này! Lời Chúa luôn luôn sống động, và chúng ta thấy giới răn này đang đưa ra một chuyện thời sự cho xã hội đương thời, nơi lập luận về thỏa dụng đang đè bẹp tình gắn kết và lòng biết ơn, ngay cả trong gia đình. Vậy thì chúng ta hãy lắng nghe, với tấm lòng ngoan ngoãn, lời Chúa đến với chúng ta qua những giới răn – mà hãy nhớ rằng, giới răn không phải là kìm kẹp giam hãm chúng ta, nhưng là những lời sự sống. Giáo hoàng tiếp lời, ‘Ngày hôm nay, sự tôn kính có thể diễn giải thành trách nhiệm phải có sự tôn trọng tuyệt đối và chăm sóc cho những ai, vì điều kiện thể lý và xã hội, có thể bị người ta bỏ mặc đến chết, hay ‘làm cho chết.’ Tất cả mọi thuốc men có một vai trò đặc biệt trong xã hội, như là chứng cứ của sự tôn kính dành cho những người già, và cho tất cả mọi con người. Tiêu chuẩn điều hướng hành động của các bác sỹ không thể là chứng cứ hay hiệu quả y khoa, cũng không phải các quy luật của hệ thống chăm sóc sức khỏe và lợi nhuận kinh tế. Nhà nước không thể nghĩ đến chuyện thu lợi từ thuốc men. Ngược lại, không có trách nhiệm nào của xã hội quan trọng hơn việc bảo vệ cho con người.’
‘Trên tất cả, người già cần được chăm sóc bởi các thành viên trong gia đình, và những nhân viên y tế nhân đức trình độ cũng như những hệ thống y tế hiệu quả hơn đi chăng nữa cũng không thể thay thế tình cảm của những người thân trong gia đình được.’ Khi tình cảm vẫn không đủ, hay trong những ca bệnh ngặt nghèo, người già có thể được giúp đỡ bởi sự hỗ trợ nhân văn thực sự, và nhận được những đáp lời thỏa đáng cho nhu cầu của mình nhờ chăm sóc xoa dịu, thêm vào và hỗ trợ cho sự chăm sóc từ các thành viên trong gia đình. Chăm sóc xoa dịu phải hướng đến loại trừ các đau đớn trong những giai đoạn cuối của căn bệnh, và đồng thời phải bảo đảm sự hỗ trợ thỏa đáng về mặt con người cho bệnh nhân (trích Tin mừng Sự sống-Evangelium Vitae 65). Đây là sự nâng đỡ quan trọng với người già, bởi vì các lý do tuổi già, họ thường ít được nhận thuốc men điều trị hơn, và thường bị bỏ mặc. Sự bỏ mặc là ‘căn bệnh’ nghiêm trọng nhất mà người già phải mang, và là sự bất công lớn nhất họ có thể chịu: những người đã nuôi nấng chúng ta khôn lớn, không thể bị bỏ mặc khi họ cần nơi chúng ta sự giúp đỡ, tình yêu thương, và sự ân cần trìu mến. Chăm sóc xoa dịu nhìn nhận một điều quan trọng nữa là: nhìn nhận giá trị của con người. Tôi thúc giục tất cả những ai, dù với chức danh gì, đang hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc xoa dịu, hãy thực hiện trách nhiệm này với tinh thần phục vụ trọn vẹn, và luôn nhớ rằng kiến thức y khoa là khoa học thực sự, với ý nghĩa cao đẹp nhất của nó, chỉ có giá trị khi là một sự giúp đỡ vì lợi ích của con người, một lợi ích không bao giờ đạt được nếu đi ngược lại ‘sự sống và phẩm giá con người.’
Đầu buổi tiếp kiến, giáo hoàng cám ơn chủ tịch Viện Giáo hoàng vì Sự sống Pro Vita, giám mục Ignacio Carrasco de Paula, người Tây Ban Nha, thành viên Opus Dei, và chủ tịch danh dự của Viện hồng y Elio Sgreccia, người Đức Phanxicô gọi là ‘tiên phong’ trong lĩnh vực này. Trả lời phỏng vấn với Vatican Radio ngày hôm qua, giám mục Ignacio Carrasco de Paula nói rằng: ‘không được xem người già là những phần phụ trợ của xã hội. Họ là con người, cho đến tận giờ phút cuối cùng.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch