Đức Phanxicô lưu ý: “Giáo hội phải thay đổi”
Trong một phỏng vấn mới với nhà báo người Argentina Bernarda Florente của đài truyền hình Telam, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Giáo hội phải thay đổi (…) theo cách đề xuất của một sự thật không thay đổi.” Ngài nói về những căng thẳng quốc tế, một lần nữa ngài nhắc lại “cuộc chiến tranh thế giới từng phần” đang là tin tức thời sự của bao tang tóc trên thế giới.
cath.ch, I.Media, 2023-10-17
Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Telam của Argentina | ảnh chụp màn hình
Cuộc phỏng vấn được ghi hình vào cuối tháng 9, trước khi khai mạc Thượng hội đồng và trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, được phát sóng vào ngày 16 tháng 10 -2023.
Khi được hỏi về ý nghĩa của Thượng hội đồng hiện tại, ngài theo bước chân của Đức Gioan XXIII, vì khi khai mạc Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã có một nhận thức rõ ràng: “Giáo hội phải thay đổi” và ngài dấn thân trên con đường “ủng hộ phẩm giá” con người. Đức Phanxicô nhắc nhở những phát triển này phải được trải nghiệm mà không vi phạm quá khứ và phải chăm sóc “gốc rễ”: “Tất cả chúng ta đều có truyền thống, tất cả chúng ta đều có một gia đình, tất cả chúng ta đều sinh ra với văn hóa của một đất nước, một văn hóa chính trị.”
Ngài nhắc lại sự cần thiết phải có sự cam kết của Giáo hội đối với mọi thực tại của con người: “Thiên Chúa xuống thế làm người, chứ đây không phải là một lý thuyết triết học. Tất cả tín hữu đều là đại diện của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ có một mình người kế vị Thánh Phêrô.”
Khi được hỏi về đời sống cầu nguyện, ngài trả lời: “Chúa là người bạn tốt, Ngài nhân lành với tôi. Ngài lo cho tôi, cũng như Ngài lo cho tất cả mọi người.” Đức Phanxicô khẳng định: “Ba phẩm chất thuyết phục nhất của Thiên Chúa là sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng”.
Giáo hoàng ở Nam Cực?
Khi được hỏi về những chuyến đi quan trọng vẫn chưa hoàn thành, ngài nhắc đến quê hương Argentina của ngài, nhưng cũng nói về Papua New Guinea, đã được lên kế hoạch trước đại dịch.
Với một chút hài hước, ngài tâm sự: “Có người nói với tôi, nếu tôi đi Argentina, thì tôi nên dừng chân ở Rio Gallegos, sau đó là Nam Cực, hạ cánh xuống Melbourne, thăm Tân Tây Lan và châu Úc. Sẽ hơi lâu một chút.” Năm 2013, ngài giải thích. Úc châu sẽ không là ưu tiên trong triều của ngài, vì đất nước này đã được Đức Bênêđíctô XVI thăm trong Ngày Thế Giới Trẻ ở Sydney năm 2008.
Việc gợi lên Nam Cực nhắc đến các yêu sách lãnh thổ của Argentina đối với một phần Nam Cực và các đảo Đại Tây Dương, tạo thành một phần thềm lục địa của nước này, đặc biệt là quần đảo Falklands, một quần đảo từng là đối tượng của chiến tranh với Vương quốc Anh năm 1982.
Ngài cho biết, trong các chuyến đi ngài nhận nhiều lời mời nhưng phản ứng của ngài phụ thuộc vào “trực giác của thời điểm đó”. Ngài giải thích: “Đó không phải là thứ gì đó tự động. Mỗi quyết định đều độc đáo, duy nhất.”
Tố cáo “những gã hề của chủ nghĩa thiên sai”
Khi được hỏi về sự mở rộng của các lực lượng cực hữu – ngài không đề cập trực tiếp đến ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy Javier Milei, người có thể thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Argentina vòng đầu tiên sẽ được tổ chức ngày chúa nhật 22 tháng 10 tuần này, Đức Phanxicô tố cáo các chính trị gia đang biến mình thành “những chú hề của chủ nghĩa thiên sai”, họ lợi dụng tình trạng bất ổn xã hội.
Ngài mời gọi chúng ta biến những cuộc khủng hoảng thành cơ hội để “phát triển”. Khủng hoảng có thể là mê cung, nhưng tùy thuộc vào việc chúng liên quan đến “một con người, một gia đình, một đất nước hay một nền văn minh”, chúng có thể “lớn lên nếu chúng ta giải quyết tốt”. Ngài nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng phải được công nhận và vượt qua, nhưng luôn luôn đi lên. Ngược lại, các chế độ độc tài vĩ đại được sinh ra từ một ảo tưởng được bầu khí thờ ơ ủng hộ.”
Đối diện với những người buộc tội ngài là “cộng sản” – một xúc phạm đặc biệt được ứng cử viên Argentina Javier Milei dùng – ngài trả lời, các việc ngài làm dựa vào Tin Mừng và Kinh thánh: “Trong Cựu Ước, luật do thái buộc phải chăm sóc góa phụ, trẻ mồ côi và người lạ.”
Nguy cơ nô lệ vẫn còn hiện hữu
Đứng trước những cám dỗ của “sự lười biếng và nhàn cư vi”, ngài nhấn mạnh phẩm giá của người lao động khắc khổ, những người “kiếm cơm bằng mồ hôi trán, dù là mồ hôi cơ thể hay trí tuệ”. Ngài cảnh báo: “Nhưng tất cả công việc phải làm với “các quyền”, nếu không sẽ có nguy cơ bị bóc lột, bị nô lệ hóa.”
Ngài cũng đề cập đến những hình thức xa lánh do sự phát triển các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Ngài lên tiếng: “Khi những thay đổi tăng nhanh, các cơ chế đồng hóa chưa có thì giờ theo kịp, cuối cùng chúng ta ở trong tình trạng nô lệ”. Ngài sẵn sàng đón nhận “tiến bộ” khoa học, miễn là con người duy trì được khả năng làm chủ các công cụ này.
Một lần nữa, ngài nhắc đến “cuộc chiến tranh thế giới từng phần” đang làm cho thế giới lâm vào cảnh tang tóc, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một nguyên tắc “an ninh phổ quát”, có thể được áp dụng ở mọi nơi. Ngài giải thích, nhiều cuộc chiến tranh gắn liền với logic khai thác, với vấn đề lãnh thổ nhiều hơn là các vấn đề văn hóa. Ngài nhắc đến cuộc đàn áp người thiểu số hồi giáo Rohingya của quân đội Miến Điện, theo ngài, cuộc chiến mang danh nghĩa “một kiểu thống trị tinh hoa, cũng như một nhân loại siêu việt”.
Hồng y Pironio, một hồng y Argentina có khả năng làm giáo hoàng
Đức Phanxicô tiết lộ: “Với hồng y Eduardo Pironio (1920-1998), chúng tôi đã có ý tưởng về một giáo hoàng người Argentina, khi có dịp về Rôma, Đức Phanxicô thường đến thăm hồng y Pironio. Hồng y là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, từ năm 1984 đến năm 1996 thời Đức Gioan-Phaolô II.
Ngài nói: “Tôi nhớ ngài không được một nhánh khép kín và theo chủ nghĩa truyền thống của hàng giám mục Argentina yêu thích, họ cho rằng việc bổ nhiệm ngài có thể gây tổn hại cho Giáo hội. Chính ngài là người đã có sáng kiến tổ chức các Ngày Thế Giới Trẻ, ngài đã làm rất nhiều điều tốt đẹp cho Giáo hội. Việc nghiên cứu một phép lạ có thể dẫn đến việc phong chân phước cho ngài vào cuối năm nay.
Me encanta esta respuesta del Papa Francisco… pic.twitter.com/RnzH431xkH
— Xiskya ن (@xiskya) October 20, 2023
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch