Vatican Insider | Domenico Agasso Jr| 23-03-2016
Tình yêu Thiên Chúa không có giới hạn, đi đến tận cùng và luôn luôn sát bên những người bị ruồng rẫy.
Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giáo lý về Tam nhật Thánh, trong buổi Tiếp kiến chung ngày thứ tư 22-3.
‘Đây là một câu chuyện tình yêu cao cả, không gì có thể ngăn cản được. Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, vẫn còn mãi đến tận thế, bởi đây là câu chuyện chia sẻ chung với đau khổ của toàn nhân loại.
Thứ năm, Thứ năm và Thứ bảy Tuần Thánh, sẽ là những thời khắc quyền năng, cho chúng ta cơ hội đào sâu hơn vào mầu nhiệm đức tin của chúng ta, là Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.’
Mọi sự trong ba ngày này đều nói về lòng thương xót, bởi những ngày này cho chúng ta thấy mức độ vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe câu chuyện về những ngày cuối đời của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã cho chúng ta chìa khóa để hiểu ý nghĩa sâu xa này: ‘Ngài đã yêu thương những người của mình còn trên thế gian, Ngài yêu thương họ đến tận cùng.’ Tình yêu Thiên Chúa không có giới hạn. Và như thánh Augustino thường nhắc đi nhắc lại, tình yêu của Chúa Giêsu không có điểm kết. Thiên Chúa thực sự ban chính Ngài cho mỗi một chúng ta và không chừa lại bất kỳ sự gì cho mình. Mầu nhiệm mà chúng ta tôn kính trong Tuần Thánh này là câu chuyện tình yêu cao cả không gì ngăn cản được. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu vẫn còn mãi đến tận thế, bởi đây là chính Chúa chia sẻ đau khổ của toàn thể nhân loại. Cuộc Thương khó cũng nói về sự hiện diện luôn mãi của Chúa Giêsu trong mọi sự kiện cuộc sống riêng của mỗi chúng ta, do đó Tam nhật Thánh là tưởng niệm một tình yêu cho chúng ta biết chắc chắn rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị bỏ rơi trong những gian nan cuộc đời.
Ngày Thứ năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, và trong bữa ăn Lễ Vượt qua, báo trước hiến tế của mình trên Đồi Golgotha. Để giúp các môn đệ hiểu được trọn vẹn tình yêu này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho họ, một lần nữa làm gương trước hết cho các môn đệ thấy những gì mình phải làm. Phép Thánh Thể là tình yêu phục vụ. Đây là sự hiện diện siêu phàm của Chúa Kitô muốn nuôi sống hết thảy con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, để cho người đó thấy được một cách vượt qua những khó khăn trên đời này. Không chỉ thế. Khi trao ban chính Ngài như của ăn cho chúng ta, Chúa Giêsu chứng thực rằng chúng ta phải học cách cùng chia sẻ của ăn này với người khác, để có được sự thông hiệp đích thực với những người đang cần kíp. Chính Chúa đã trao mình cho chúng ta, và muốn chúng ta ở lại trong Ngài, muốn chúng ta cũng hãy làm như thế nữa.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là thời khắc cực điểm của Tình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, bỏ mình vâng theo ý Cha, để đem lại ơn cứu độ cho toàn thế giới, là biểu lộ tình yêu đến tận cùng, không bao giờ ngơi. Một tình yêu ôm lấy tất cả mọi người, không có ngoại lệ nào. Một tình yêu vươn đến mọi thời gian mọi không gian, một nguồn ơn cứu độ vô tận để cho mỗi chúng ta, những người có tội, có thể múc lấy.
Cuối cùng, ngày Thứ bảy Tuần Thánh là sự thinh lặng của Thiên Chúa. Đây phải là ngày thinh lặng, và chúng ta phải làm tất cả để thực sự có một ngày thinh lặng, bởi đây là ngày của sự thinh lặng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nằm trong huyệt đá để chia sẻ cái chết với toàn thể nhân loại. Đây là sự thinh lặng nói lên và biểu lộ sự chung lòng với những người bị bỏ rơi, một sự chung lòng yêu thương luôn mãi, khi Con Thiên Chúa đến để lấp đầy hố thẳm mà chỉ duy nhất lòng thương xót vô tận của Chúa Cha mới có thể lấp đầy. Thiên Chúa thinh lặng, nhưng yêu thương. Trong ngày yêu thương này, một tình yêu âm thầm, chúng ta chờ đợi sự sống trong phục sinh.
Phục Sinh là mầu nhiệm yêu thương và thương xót. Những lời lẽ của chúng ta không đủ để diễn tả cho hết mầu nhiệm này.
Và trong khi hướng mắt về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy đón vào lòng mình sự cao cả khôn cùng của tình yêu Chúa, và như Đức Mẹ, chúng ta cùng nhau đợi chờ Phục Sinh.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch