Catholic Herald | Lm Alexander Lucie-Smith
Đã gần 15 năm kể từ khi New York chấn động bởi vụ khủng bố do tay Osama bin Laden. New York là thành phố đầu tiên bị tấn công khủng bố lớn như thế, và ngày 11-9 đánh dấu sự mở đầu một thời đại mới của chủ nghĩa khủng bố.
Nhiều người cam đoan với chúng ta rằng, mọi thứ sẽ khác hẳn từ sau mốc này, và ngày 11-9 phải là ‘tiếng chuông báo thức’ để chúng ta phản ứng và phản ứng hữu hiệu.
Nhưng kể từ đó, đã có vô số vụ tấn công khác, vô số ngày đen tối khác. Danh sách kể ra thật là u ám. Madrid, Bali, London, Paris, Bangkok, Ankara, cùng với nhiều thành phố khác nữa, và bây giờ là Brussels. Mà bất chấp tất cả những chuyện này, chúng ta dường như vẫn không có một phản ứng hữu hiệu. Chúng ta vẫn bị tấn công, lần này đến lần khác, nhưng vẫn chưa tìm được cách bảo vệ mình.
Sự bất lực ngớ ngẫn của chính phủ thật khủng khiếp. Tôi nghĩ, sự thật hiển nhiên rằng: những gì họ đã làm chẳng đem lại hiệu quả nào. Thật vậy, vấn đề dường càng tệ hơn.
Các cơ quan bảo an đang làm tốt việc ngăn chặn các âm mưu được thực hiện, nhưng đó là lằn ranh cuối cùng, và họ cũng không thể chặn đứng được hết mọi âm mưu khủng bố. Điều cần thiết là một chiến lược ngăn người ta lập những âm mưu như thế, nhưng dường như không ai làm được việc này.
Có người ngờ rằng, lý do của việc này là bởi các chính phủ không muốn đối mặt với gốc rễ gây nên chủ nghĩa khủng bố. Mà gốc rễ đó không phải về kinh tế, hay chủ nghĩa dân tộc, nhưng là một gốc rễ hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng của Hồi giáo phải bị nhổ triệt tận gốc rễ, và chỉ có thể làm điều này trên tầm mức tư tưởng.
Ít nhất 30 người đã bị giết ở Brussels, họ là nạn nhân của một hệ tư tưởng xem người ta là khả dụng, là món hàng để dùng, và bất kỳ ai mở miệng bàn về nhân quyền đều là phạm thượng. Làm sao có thể thúc đẩy nhân quyền và bất kỳ quyền nào khác nếu như lấy kinh Koran làm cội rễ cho pháp luật? Chúng ta phải xem lại quan điểm của kinh Koran.
Ông Tony Blair nói rằng ông đọc kinh Koran trước khi đi ngủ. Tôi không chắc ông nghiệm ra được điều gì. Nhưng một lãnh đạo thế giới đã từng thể hiện được tinh thần lãnh đạo đích thực và đường lối để đương đầu với Hồi giáo, đó là Đức Bênêđictô XVI với bài diễn văn Regensburg. Cách ngài nhìn nhận vấn đề cho chúng ta thấy một đường lối mà các lãnh đạo của chúng ta không thể nghĩ đến. Regensburg là con đường duy nhất. Chúng ta cần đối thoại dựa trên lý luận hợp lý hơn là các suy nghĩ cầu an.
Nếu bạn quên, thì tôi xin đưa ra những lời then chốt trong lời kêu gọi của Đức Bênêđictô XVI ở Regensburg:
Lan truyền đức tin bằng bạo lực là một thứ phi lý. Bạo lực không tương hợp với bản tính Thiên Chúa và bản tính của linh hồn. Chính Thiên Chúa nói rằng Ngài không hài lòng vì máu, và hành động phi lý là đi ngược lại với bản tính Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra trong linh hồn chứ không phải trong thân xác. Bất kỳ ai dẫn dắt người khác đến với đức tin, cần có khả năng nói chuyện tốt và lý luận hữu lý, chứ không phải bằng bạo lực và đe dọa … Để thuyết phục một linh hồn hữu lý, thì không cần một cánh tay cứng rắn, hay bất kỳ loại vũ khí nào, hay bất kỳ công cụ đe dọa giết người nào …
Tuyên bố kiên quyết này chống lại sự cải đạo bằng bạo lực, với lập luận là: không hành động theo lý luận là đi ngược lại bản tính Thiên Chúa. Thần học gia và sử gia Công giáo, Theodore Khoury đã nhận định: ‘Với một đại đế như Byzantine, một người được tôi luyện trong triết học Hi Lạp, thì tuyên bố này là hiển nhiên. Nhưng với giáo lý Hồi giáo, Thiên Chúa là tuyệt đối siêu việt Ý muốn của Ngài không gói gọn trong bất kỳ phạm trù nào của chúng ta, kể cả sự hữu lý.’
Thật vậy, Thiên Chúa của người Hồi giáo là đề cao sự phi lý và thờ ngẫu tượng. Biến cố mới nhất ở Brussels là bằng chứng cho chuyện này. Đây là điều mà chúng ta phải đương đầu, và chỉ có thể đương đầu bằng cách xem xét lại niềm tin tôn giáo của họ, chứng minh cho họ thấy họ đang sai lầm, thậm chí là phản tôn giáo, khi họ thực hành một đường lối đi ngược lại bản tính Thiên Chúa.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch