“Ngân hàng Vatican” không có tiền Nga
Theo một thông cáo báo chí từ ngân hàng đầu tư của Tòa thánh công bố ngày thứ sáu 9 tháng 9 năm 2023, Ngân hàng của các dịch vụ tôn giáo IOR “không nhận cũng như không đầu tư tiền từ Nga”. Cơ quan tài chính Vatican bảo vệ sau khi có những cáo buộc của ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine đưa ra trên kênh quốc gia 24TV.
cath.ch, I.Media, 2023-09-10
IOR là ‘ngân hàng tư nhân’ của Vatican
Trong một phỏng vấn được dịch và đăng trên báo chí Ý ngày thứ năm 7 tháng 9, ông Mykhailo Podolyak đã cho biết có “các khoản đầu tư mà Nga đang làm ở ngân hàng Vatican” và kêu gọi một cuộc điều tra về việc này. Ông đặt câu hỏi “vì sao lại có quan điểm kỳ lạ như vậy ở một đất nước được gọi là Vatican”.
IOR khẳng định những tuyên bố này “không dựa trên điều gì”, đồng thời mạnh mẽ bác bỏ những phỏng đoán của cố vấn cấp cao, không thích ứng “với sự thật”. Thông cáo báo chí nhấn mạnh: “Hoạt động đầu tư như vậy sẽ là không thể vì các chính sách nghiêm ngặt của IOR và các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp dụng cho lãnh vực tài chính.”
Thông cáo còn nêu rõ, IOR “không chấp nhận các tổ chức hoặc cá nhân khách hàng của mình không có mối liên hệ chặt chẽ với Tòa thánh hoặc Giáo hội công giáo”. Và tổ chức này là trung gian tài chính chịu sự kiểm soát, hoạt động thông qua các ngân hàng đại lý quốc tế có trình độ rất cao và danh tiếng hoàn hảo, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù IOR quản lý tốt các quỹ tài chính của Tòa thánh, nhưng thật ra ngân hàng không có tư cách “ngân hàng trung ương” của Vatican, công việc này được giao cho Cơ quan Quản lý Di sản của Tòa thánh (APSA).
Trong quá khứ, IOR là trung tâm của nhiều vụ bê bối tài chính từ vụ phá sản ngân hàng Ambrosiano trong những năm 1970 cho đến vụ kết án ông Angelo Caloia, giám đốc ngân hàng từ năm 1989 đến năm 2009, ông bị kết án 8 năm tù ở phiên tòa ngày 5 tháng 3 năm 2022. Kể từ triều giáo hoàng Bênêđíctô XVI, tổ chức này đã bắt đầu một dự án hiện đại hóa, minh bạch và chuyên nghiệp hóa.
Quan hệ song phương căng thẳng
Những tuyên bố này của ông Mykhailo Podolyak đến vào lúc quan hệ giữa Tòa thánh và Ukraine căng thẳng sau những nhận xét của Đức Phanxicô về “nước Nga vĩ đại” và về nữ hoàng Catherine II và Peter Đại đế trong cuộc giao lưu video với các bạn trẻ công giáo Nga. Sau sự phản đối kịch liệt do những lời này gây ra, ngày 29 tháng 8 Tòa thánh đã phải công bố một lời giải thích, đảm bảo giáo hoàng không có ý biện minh cho diễn từ đế quốc được chính quyền Liên bang Nga dùng để biện minh cho việc xâm lược Ukraine.
Cũng trong phỏng vấn ngày 8 tháng 9, ông Mykhailo Podolyak cũng bác bỏ ý kiến hòa giải của Tòa Thánh trong cuộc xung đột Nga-Ukraina, cáo buộc chính sách Đức Phanxicô là “thân Nga và không đáng tin cậy”.
Trong buổi tiếp kiến ngày thứ tư 6 tháng 9, các giám mục của Thượng hội đồng Giáo hội công giáo-Hy Lạp Ukraine (UGCC) đã bày tỏ với giáo hoàng “nỗi đau khổ” của người dân Ukraine và một “thất vọng nào đó” với “những hiểu lầm” đã có giữa Kyiv và Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch