cath.ch, Raphặl Zbinden, 2016-03-16
Nhà cầm quyền sẽ phát thẻ “căn cước” đặc biệt cho các tu sĩ Trung Quốc. Trong khuôn khổ gia tăng kiểm soát các tôn giáo, một đường lối chính trị đã được áp dụng với các tu sĩ Phật giáo năm ngoái, năm nay chương trình này sẽ được mở rộng ra với các tu sĩ Công giáo và Lão giáo.
Ngày 16 tháng 3, bản tin của Giáo hội Á Châu (EdA) cho biết, biện pháp này sẽ áp dụng với đạo Tin Lành, đạo Hồi giáo để kiểm soát năm tôn giáo chính ở Trung Quốc. Các nhà cầm quyền sẽ có một hồ sơ chi tiết về các thành viên của hàng giáo sĩ. Một phương tiện để củng cố áp lực trên các linh mục “chui” của Giáo hội Công giáo, họ là các giám mục, linh mục từ chối không gia nhập Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (Association patriotique des catholiques chinois, APCC), một tổ chức mà nhà cầm quyền đặt ra để kiểm soát Giáo hội Công giáo khắp nước.
“Chui” ở nhiều địa danh khác nhau
Theo một số người, việc đăng ký một cách có hệ thống sẽ có kết quả ngược nhau đối với các đương sự. “Nếu nhà cầm quyền ngiêm khắc áp dụng loại căn cước này thì sẽ thúc đẩy một số linh mục đi vào con đường “chui”, linh mục “Gioan”, một linh mục Trung Quốc cho hãng tin công giáo Uanews biết.
Biên giới giữa “chính thức” và “chui” trong Giáo hội Trung Quốc khá mập mờ. Có những linh mục “chui” lại có nhà thờ mà mọi người cũng như nhà cầm quyền đều thấy rõ. Tùy theo thời kỳ và tùy theo nhà cầm quyền địa phương, có những cộng đoàn chui được để yên không bị sách nhiễu. Các hoạt động mục vụ có thể bị cấm trong một vài dịp, các nơi thờ phượng bị đóng cửa một thời gian nhưng rất hiếm khi bị hủy hoại. Hàng giáo sĩ địa phương cũng tỏ ra ít, nhiều kín đáo, có một vài cộng đoàn muốn biết giới hạn tự do của họ đến đâu, họ tổ chức các buổi họp mặt công cộng cho những buổi lễ tôn giáo.
Đấu tranh chống những người lừa đảo?
Theo hãng tin Ucanews, chính sách đăng ký được chính thức thực hiện để chống những kẻ lừa đảo đội lốt tôn giáo để gây quỹ. Không ngạc nhiên, khi trong buổi họp ngày 15 tháng 2 vừa qua, Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc tuyên bố họ sẽ ra lệnh cho các giám mục phải theo đường hướng của nhà cầm quyền và đưa các tu sĩ không đăng ký vào các cơ cấu chính thức. Các thành viên “chui” của Giáo hội từ chối không đăng ký khi việc đăng ký này buộc họ phải vào Hội Công giáo Yêu nước. Hội này không thừa nhận uy quyền của Vatican, xem như đây là sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ Trung Quốc.
Biện pháp mạnh của Bắc Kinh đối với tôn giáo
Từ tháng 6 năm 2014, Vatican và Bắc Kinh đã mở lại các thương thuyết mà nội dung chính vẫn còn được giữ bí mật. Một trong các chủ đề được đề cập là vấn đề bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc. Trong các thời kỳ căng thẳng, Trung Quốc đã bổ nhiệm giám mục mà không có sự đồng ý của Vatican. Một vài người sau đó được Đức Giáo hoàng chấp nhận, nhưng bảy giám mục trong số họ vẫn còn bị coi là bất hợp pháp (vì không có sự đồng ý của Đức Giáo hoàng). Việc phong giám mục ở địa phận An Dương, Hà Nam, miền Nam Bắc Kinh đã mang lại nhiều hy vọng, cả hai bên đều đồng ý trong việc chọn ứng viên và không một giám mục bất hợp pháp nào dưới mắt Vatican tham dự buổi lễ.
Từ mùa hè vừa qua, không một dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ sửa đổi đường lối của họ về tôn giáo.
Ở Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, rất nhiều biện pháp được dùng để chống việc giữ đạo Hồi, cấm một vài y phục, cấm các công chức, các sinh viên giữ tháng ăn chay ramadan của hồi giáo. Ở Tây Tạng thì từ nhiều năm nay nhà cầm quyền vẫn cấm người dân tôn kính Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ở bang Chiết giang, miền Nam Thượng Hải, từ hơn hai năm nay, việc triệt hạ thánh giá của các nhà thờ công giáo và tin lành vẫn còn tiến hành.
Cấm nói về chiến dịch triệt hạ thánh giá
Trong kỳ họp thường niên của Đại hội Nhân dân Toàn quốc (ANP) họp ở Bắc Kinh cuối tuần này, Giám mục Phòng Hưng Diệu (Fang Xinyao), Chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước cho biết, việc triệt hạ thánh giá ở bang Chiết Giang không phải là đường lối chính trị của quốc gia. Giám mục Giuse Phòng Hưng Diệu là giám mục “chính thức” của địa phận Lâm Nghi, bang Sơn Đông. Dù được Rôma chấp nhận nhưng Giám mục Xinyao được xem là người thân cận với Bắc Kinh. Giám mục Hưng Diệu ở trong số chín giám mục công giáo mà trong số này có ba giám mục bị Tòa Thánh dứt phép thông công. Chín giám mục này được đại diện để tham dự Đại hội Nhân dân Toàn quốc, “Đại hội” này họp một năm một lần để chứng thực gần như không thảo luận gì về các quyết định của Đảng. Thống đốc bang Chiết Giang có mặt trong Đại hội này nhưng ông không trả lời cho các ký giả có mặt tại chỗ. Chiến dịch triệt hạ thánh giá đang thực hiện ở bang của ông là một trong các chủ đề cấm kỵ mà báo chí Trung Quốc không được nhắc tới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch