Đức Phanxicô cảnh báo chống lại “các thực hành phi nhân tính” của chế độ kỹ trị

59

Đức Phanxicô cảnh báo chống lại “các thực hành phi nhân tính” của chế độ kỹ trị

Trong buổi tiếp kiến tại Vatican ngày thứ thứ bảy 26 tháng 8 trước các nghị sĩ trên khắp thế giới, Đức Phanxicô xin họ tìm “giải pháp thay thế cho chế độ chuyên chế kỹ trị chỉ thúc đẩy anh chị em chúng ta chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên và sự tồn tại của con người”.

famillechretienne.fr, 2023-08-28

Đức Phanxicô tiếp những người tham dự cuộc họp thường niên của Mạng lưới các nhà lập pháp Công giáo Quốc tế, một mạng lưới của các nghị sĩ công giáo khắp nơi trên thế giới. Riêng nhóm gặp Đức Phanxicô hôm nay đến từ Frascati, Ý, để chia sẻ về chủ đề được chọn năm nay: “Cuộc đấu tranh của các cường quốc, ảnh hưởng của doanh nghiệp và chế độ kỹ trị”. Ngài nói: “Các khía cạnh đáng lo ngại nhất của chế độ kỹ trị là dẫn dắt mọi người, đặc biệt là giới trẻ đến việc sử dụng quyền tự do của họ một cách sai trái.”

Kiểm soát và khống chế

Trong thông điệp Laudato si (2015), ngài đã mạnh mẽ cảnh báo chống lại “mô hình kỹ trị”, mà ngài xem đó là gốc rễ của cuộc khủng hoảng sinh thái và của xã hội trong tổng thể. Đức Phanxicô giải thích, tầm nhìn kỹ trị khuyến khích “kiểm soát” con người và thiên nhiên, thay vì “giám hộ có trách nhiệm” dẫn đến “vật thể hóa” xã hội và cuộc sống.

 Vai trò truyền giáo của Giáo hội công giáo

Đức Phanxicô liệt kê “các hành vi phi nhân tính của ma trận kỹ trị”: cố tình phổ biến “tin tức giả”, xúi giục thái độ thù hận và chia rẽ trên mạng, giảm thiểu mối quan hệ giữa con người với các thuật toán. Ngài cũng cảnh báo chống lại “sự phát triển những cảm giác thuộc về một cách sai lầm, đặc biệt là ở giới trẻ, dẫn đến cô lập và tình trạng cô đơn”.

Đối diện với hiện tượng này, Giáo hội công giáo phải cùng nhau thực hiện hai trách nhiệm, hiệp thông và sứ mệnh, ngài khẳng định: “Hai lực này, một ‘hướng tâm’ và một ‘ly tâm’ được quyền năng Chúa Thánh Thần nâng đỡ để hiệp nhất mọi người trong tình hiệp thông huynh đệ, đồng thời, trong cộng đồng truyền giáo để loan báo Tin Mừng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch