Ba tòa nhà của Lâu đài Praha được trả lại cho Giáo hội Công giáo

478

radio.cz, Alžběta Tichá, 2016-03-08

Ba tòa nhà của Lâu đài Praha, tu viện Saint-Georges, các tòa nhà tân-gôtic Mocker và Giáo hội Tất cả Các thánh đã được giao lại cho Giáo hội Công giáo trong khuôn khổ hoàn trả lại các tài sản đã bị nhà cầm quyền cộng sản tịch thu.

Đây là kết quả của bản thỏa hiệp cuối cùng được ký giữa các đại diện của Lâu Đài và Giáo hội trước sự hiện diện của Tổng thống Miloš Zeman và Tổng Giám mục Praha, Hồng y Dominik Duka. Với chữ ký của thoả hiệp này, Giáo hội cam kết sửa chữa các tài sản thu hồi và từ chối các ý định trên các tòa nhà khác trong khu Lâu Đài.

hradcany_prazsky_hrad

Lâu đài Praha, Hình: Filip Jandourek, ČRo

Sau nhiều năm thương thuyết, bản thỏa hiệp cuối cùng về việc thu hồi một số tài sản Lâu Đài Praha của Giáo hội công giáo đã chấm dứt các tranh chấp giữa hai bên. Từ năm 1990, Giáo hội đã đưa đơn đòi lại mười mấy tòa nhà trong khu Lâu Đài, trong đó có căn nhà ở Ruelle d’or, Vương cung thánh đường Saint-Georges, Nhà thờ Chính tòa Saint-Guy. Các cuộc tranh luận đặc biệt gay cấn với Nhà thờ Chính tòa  Saint-Guy, nhưng cuối cùng đã được giải quyết vào năm 2010 bởi một thỏa hiệp ký kết giữa Tổng Giám mục Dominik Duka và Tổng thống Václav Klaus, đưa đến việc Giáo hội và Nhà nước cùng quản trị Nhà thờ Chính tòa này.

Tổng Giám mục Dominik Duka và Tổng thống Miloš Zeman, hình: ČTK

Tháng 7-2015, một giác thư được ký giữa Tổng thống Miloš Zeman và Tổng Giám mục Duka dự trù việc trả lại hai tòa nhà, tu viện Saint-Georges và các tòa nhà tân-gôtic Mocker với hai điều kiện: trong vòng năm năm, Giáo hội phải tiến hành việc sửa chữa hai tòa nhà này và từ chối không đòi lại các tòa nhà khác ở khu Lâu Đài Praha. Dự trù việc ký kết vào tháng 1-2016, nhưng các cuộc thương thuyết đã kéo dài thêm một tháng. Chỉ thứ sáu vừa qua, thỏa hiệp đã được thông qua đúng như bản giác thư. Ngoài các dàn xếp đã được dự trù trước, một tòa nhà thứ ba, Nhà thờ Các Thánh cũng đã được Giáo hội Công giáo thu hồi lại. Cũng giống như trường hợp của Nhà thờ Chính tòa Saint-Guy, Vương cung thánh đường Saint-Georges, nhà thờ thứ nhì trong số các nhà thờ cổ nhất Praha, sẽ được Giáo hội và Nhà nước cùng quản trị.

Trong trong buổi ký kết, Tổng Giám mục Dominik Duka tuyên bố:

 “Tôi xem chữ ký của bản thỏa hiệp này là điểm cuối cùng trong việc thành tựu của luật về việc thu hồi các tài sản của Giáo hội, trong phần mở đầu Giáo hội muốn giới hạn các hệ quả sai lầm của chế độ cộng sản. Giáo hội không muốn chiếm hữu một tài sản, Giáo hội cũng không đòi các tài sản không phục vụ cho các mục đích của mình. Sự thanh toán các yêu cầu thu hồi này có lợi cho Quốc gia nhiều hơn là sự thanh toán theo luật thu hồi tài sản.”

Tuy nhiên cũng có những người chống đối hình thức thỏa thuận này. Từ nhiều tháng nay, Hồng y Miloslav Vlk cho rằng các điều kiện của bản giác thư là “bất hợp hiến” vì theo ngài, luật không dự trù một điều kiện nào cho việc thu hồi. Dự án này cũng bị Đảng Cộng sản chỉ trích, theo họ Lâu Đài Praha phải “thuộc về tất cả mọi người, như thế là thuộc về Quốc gia”.

Khi các sửa chữa theo đòi hỏi của chính quyền được thực hiện, ngoài các dự án khác, Giáo hội mong thành lập một viện bảo tàng các di sản tôn giáo trong các tòa nhà của mình.

Đức Tổng Giám mục Dominik Duka tuyên bố: “Chúng tôi muốn mở các tòa nhà này ra cho một số lớn quần chúng. Riêng tôi, tôi mong Lâu Đài Praha trở thành nơi đi dạo cho gia đình ngày chúa nhật, như thế nơi này còn được biết đến nhiều hơn.”

Luật thu hồi các tài sản đã bị chế độ cộng sản tịch thu giữa các năm 1948 và 1989 đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1-2013, dự trù trả lại tài sản cho 16 thể chế đại diện các tôn giáo khác nhau. Trong năm đầu tiên áp dụng, các Giáo hội đã đệ trình tổng cộng hơn 5000 đơn đòi lại. Theo bản báo cáo sẽ được chính quyền thảo luận vào ngày thứ tư này, thì từ đây đến cuối năm, họ còn giải quyết một phần mưới số đơn, chính xác là còn 511 đơn.

Các vụ thu hồi này cũng là chủ đề cho nhiều đơn khiếu nại của tòa án Tiệp. Các tài sản thường được Nhà nước chuyển một cách bất hợp pháp qua cho một chủ nhân thứ ba, thường là cho các quận.

Ngoài các bất động sản, các đơn xin thu hồi tài sản còn là đất đai và tác phẩm nghệ thuật. Ngày thứ hai vừa qua, một bức tranh quý có từ thế kỷ 14, bức “Đức Mẹ Veveří” đã được Phòng tranh Quốc gia Praha giao lại cho giáo xứ Veverská Bítýška, gần Brno ở Moravia. Bức tranh này sẽ được triển lãm ở Viện bảo tàng địa phận Brno. Bức tranh là đề tài tranh chấp giữa Giáo hội và Phòng tranh Quốc gia, Giáo hội cho rằng mình là sở hữu chủ bức tranh trước khi có chế độ cộng sản. Bản phán quyết công nhận Giáo hội được quyền thu lại bức tranh này, đây là phán quyết đầu tiên về một tác phẩm nghệ thuật.

Tượng Đức Mẹ Veveří

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch