Điều gì xảy ra khi giáo hoàng bị “ngăn cản” thực thi chức vụ?

219

Điều gì xảy ra khi giáo hoàng bị “ngăn cản” thực thi chức vụ?

Ngày thứ năm 8 tháng 6, giáo hoàng bắt đầu thời gian dưỡng bệnh sau ca phẫu thuật thoát vị bụng. Ttrong luật nội bộ của Giáo hội, không có quy trình nào rõ ràng được dự kiến trong trường hợp giáo hoàng không thể cai quản Giáo hội vì lý do sức khỏe.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-06-08

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 7 tháng 6 năm 2023. Alessia Giuliani /CPP /IPA Agency/Maxppp

Giáo hoàng vừa mới vào bệnh viện nhưng bối cảnh này bị loại ra.  Ngài nhập viện ngày thứ tư 7 tháng 6 để mổ thoát vị bụng, sẽ “không có một thay thế tạm thời của giáo hoàng trong việc thực thi các chức vụ của ngài”. Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, trấn an giáo dân, nhưng nhất là ngài gạt mọi bối cảnh trống tòa.

Ngài nhấn mạnh, nếu có chuyện gì cần được quyết định khẩn cấp, chúng tôi sẽ thông báo cho giáo hoàng ở bệnh viện Gemelli, sẽ không có trống tòa. Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi vào bệnh viện, trong các thông báo của Vatican đều đề cập đến việc ngài tỉnh táo, để nhấn mạnh đến khía cạnh này.

Tòa thánh sẽ có tiến trình nào trong trường hợp giáo hoàng bị ngăn cản không thực thi quyền lực của ngài, chẳng hạn trong trường hợp ngài bị hôn mê? Cũng khá ngạc nhiên, bộ giáo luật không có điều khoản nào quy định về sự ngăn trở này của giáo hoàng. Dĩ nhiên một giám mục Rôma có thể từ nhiệm chức vụ của mình, theo điều 332 của bộ giáo luật, nhưng việc từ nhiệm này phải được “thực hiện một cách tự do và hợp lệ”. Nhưng điều khoản này không đề cập đến trường hợp ngôi Thánh Phêrô tạm thời bị bỏ trống.

Các nhà giáo luật Rôma giải thích cho báo La Croix, bộ giáo luật quy định trường hợp “ngăn trở” của một giám mục giáo phận và như thế có thể áp dụng cho giáo hoàng vì giáo hoàng là giám mục giáo phận Rôma. Như vậy, bộ giáo luật định nghĩa rất rõ ràng thế nào là một giám mục bị “ngăn trở”. Để được công nhận như vậy, giám mục bị ngăn cản việc liên lạc “ngay cả bằng thư” với giáo dân trong giáo phận mình, trong trường hợp “bị giam cầm”, bị “tội đày”, bị “lưu vong” hoặc “không còn khả năng”, thuật ngữ “không còn khả năng” được hiểu là áp dụng cho sức khỏe. 

Cuộc họp bí mật của các nhà giáo luật

Để bổ túc điều mà một số người ở Vatican rõ ràng xem là “vùng xám”, từ những tháng đầu tiên khi vừa được bầu làm giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã bí mật tập hợp khoảng mười lăm nhà giáo luật để xin họ giải quyết vấn đề trong trường hợp giáo hoàng bị trở ngại. Trong những năm cuối đời của Đức Gioan Phaolô II, ngài đã chứng kiến sự suy yếu khả năng thể chất của giáo hoàng trong việc điều hành Giáo hội.

Vào thời điểm đó, các chuyên gia này đã triển khai một điều khoản mới cho giáo luật, quy định Hồng y đoàn có thể xác định những trở ngại nào trong việc thực thi quyền lực của một giáo hoàng. Nhưng quy tắc này chưa bao giờ được ban hành. Một nguồn tin ở Rôma giải thích, “vì một số lý do không rõ, nó vẫn nằm trong ngăn kéo… mà chúng ta có thể lôi ra”.

Quy tắc này quy định Hồng y đoàn, bao gồm các cử tri có thể bầu giáo hoàng, phải ghi nhận có trở ngại, sau đó hồng y niên trưởng Hồng y đoàn tạm thời thi hành quyền lực của giáo hoàng, hoặc có thể quyết định một tình trạng trống tòa vĩnh viễn, khi đó Hồng y đoàn sẽ triệu tập mật nghị. 

Bức thư từ nhiệm trong trường hợp có vấn đề về sức khỏe

Tháng 12 năm 2022, Đức Phanxicô đã tiết lộ với nhật báo ABC, từ đầu giáo triều, ngài đã ký một thư từ nhiệm trong trường hợp có vấn đề sức khỏe, không thể cầm quyền hoàn toàn. Bức thư đã gởi đến hồng y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone thời đó. Ngài nói: “Tôi đã ký đơn từ nhiệm và tôi nói với ngài: ‘Trong trường hợp vì lý do sức khỏe hoặc vì một trở ngại khác, đây là đơn từ nhiệm của tôi. Ngài đã có nó.” Một số tiền nhiệm của ngài cũng đã ký một thư như vậy. Sau này ngài cho biết rõ hơn: “Bức thư này đã được chuẩn bị trong trường hợp có ‘vấn đề sức khỏe’ để thực thi chức vụ và không đủ tỉnh táo để từ nhiệm”.

Một nhà quan sát ở Rôma giải thích: “Đó là dấu hiệu cho thấy một quy trình có thể đã được phát minh ra. Nhưng trong mọi trường hợp, vai trò chính sẽ thuộc về Hồng y đoàn, chứ không phải của Phủ Quốc vụ khanh, vì chính các hồng y bầu chọn giáo hoàng. Vấn đề này hoàn toàn thoát khỏi tầm tay của Giáo triều la-mã.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch