Ngày nay có rất nhiều người tử đạo hơn trong quá khứ
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 19 tháng 4 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói: “Chúng ta không nên xem các người tử đạo là anh hùng.”
cath.ch, I.Media, 2-23-04-19
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 19 tháng 4 năm 2023, Đức Phanxicô đã có bài giáo lý về ý nghĩa của từ “tử vì đạo”, chứng từ được các tín hữu kitô sẵn sàng noi gương Chúa Giêsu, họ biến bạo lực phải gánh chịu thành “dịp cao cả để biểu lộ tình yêu”. Ngài nhắc lại ngày nay có nhiều người tử đạo hơn trong quá khứ, đặc biệt ngài tỏ lòng kính trọng với các nữ tu bị sát hại ở Yemen trong những năm gần đây.
Ứng khẩu bài giáo lý trước hàng ngàn giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô nói: “Ngày nay trong Giáo hội có rất nhiều người tử đạo, rất nhiều! Họ tuyên xưng đức tin Kitô, họ bị xã hội tẩy chay hoặc bị vào tù.”
Tiếp tục chu kỳ giáo huấn về truyền giáo, ngài mô tả “sự năng động thiêng liêng” đã là động lực thúc đẩy các vị tử đạo trong 2000 năm.
Tử đạo không phải là anh hùng
Ngài giải thích: “Các vị tử đạo, noi gương Chúa Giêsu và với ân sủng của Ngài, biến bạo lực của những người từ chối Tin Mừng thành dịp cao cả để biểu lộ tình yêu, đi xa đến mức họ tha thứ cho những kẻ hành hình họ”. Vì thế Đức Phanxicô dựa trên Phúc âm Thánh Gioan đề xuất sự hỗ tương này: “Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình cho chúng ta. Chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống của mình cho anh em chúng ta.”
Ngài nói rõ, “chúng ta không nên xem các người tử đạo là anh hùng, vì anh hùng là những người hành động một cách cá nhân. Trái lại, họ là trái cây chín mọng và ngọt dịu của cây nho trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội, một thân thể được Thần Khí hướng dẫn và tưởng nhớ hồng ân Chúa Kitô qua việc cử hành Thánh Thể”.
Yemen, vùng đất “đau thương”
Để minh họa cho bài giáo lý, Đức Phanxicô nói về vùng đất Yemen, một vùng đất “bị thương tích và bị lãng quên”, bị chiến tranh tàn phá đã làm cho rất nhiều người bị thiệt mạng và vẫn còn làm cho rất nhiều người đau khổ, đặc biệt là trẻ em”.
Ngài trích dẫn những chứng từ sống động đức tin của các Nữ tu Thừa sai Bác ái, họ vẫn còn ở lại Yemen dù đã có nhiều nữ tu bị sát hại khi phục vụ người già và người tàn tật ở đây. Ngài nhắc lại, tháng 7 năm 1998, nữ tu Aletta, Zelia và Michael trên đường về nhà sau khi dự thánh lễ đã bị một kẻ cuồng tín sát hại chỉ vì các nữ tu là kitô hữu. Gần đây hơn, tháng 3 năm 2016, nữ tu Anselme, Marguerite, Reginette và Judith đã bị giết cùng với một số giáo dân giúp đỡ họ trong công việc từ thiện với trẻ em.
Ngài lưu ý, trong số những giáo dân bị sát hại có cả người hồi giáo làm việc với các nữ tu: “Thật cảm động khi thấy chứng từ bằng máu lại có thể làm đoàn kết những người thuộc các tôn giáo khác nhau như vậy. Chúng ta đừng bao giờ giết người nhân danh Thiên Chúa, vì đối với Chúa, tất cả chúng ta là anh chị em của nhau. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể hy sinh mạng sống của mình cho người khác.”
Theo tổ chức phi chính phủ Cánh cửa Mở, có 360 triệu tín hữu kitô ngày nay đang bị đàn áp nặng nề và bị phân biệt đối xử, cứ 7 tín hữu kitô trên thế giới thì có một người bị đàn áp. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 1 năm 2023, tổ chức tin lành đã mô tả “đã có một sự gia tăng đàn áp đến chóng mặt của các Giáo hội khác nhau từ 30 năm nay”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch