Hiện tượng mê tín và vô thần dưới cái nhìn của triết học tôn giáo Tây phương

480

Hiện tượng mê tín và vô thần dưới cái nhìn của triết học tôn giáo Tây phương

Qua mọi thời và khắp mọi nơi, tôn giáo đã luôn là một chiều kích quan trọng của cuộc sống con người. Nhân loại đã trăn trở suy tư về tôn giáo với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để hướng tới một cảm thức đúng đắn cũng như thực hành xứng hợp trong đời sống tôn giáo. Sự ưu tư về tôn giáo đó đã đưa đến nhiều kết quả tốt đẹp, tuy nhiên đáng tiếc thay, cũng đã làm xuất hiện vài hiện tượng sai lạc, nổi bật trong số đó là hiện tượng mê tín và hiện tượng vô thần. Dưới cái nhìn của bộ môn triết học tôn giáo, ta hãy thử cùng nhau phân tích đôi nét sơ lược về hai hiện tượng này: chúng có nguồn gốc thế nào, biểu hiện ra sao và có tác hại to lớn đến đâu?

Ta sẽ bắt đầu với hiện tượng xem chừng đơn giản hơn, đó là sự mê tín. Ngay từ cổ thời, Aristotle đã nhận định rằng tâm thức tôn giáo đúng đắn có sự phân biệt với hai thái cực bất cập và thái quá. Thánh Tommaso d’Aquino chỉ rõ mê tín là một thái độ thái quá của tín hữu khi phụng thờ cách quá đáng, hay tệ hơn nữa là phụng thờ những thứ chẳng đáng để phụng thờ. Thánh nhân đã lấy lại những suy tư của Cicéron, khi ông ta cố gắng phân tích từ nguyên của religiosuperstitio, để làm rõ sự khác biệt giữa một tôn giáo đúng đắn là biết cẩn thận suy đi nghĩ lại những điều liên hệ đến phụng tự, còn mê tín là một tật xấu của những kẻ ham đọc kinh và làm việc công đức nhưng lại có tâm tình bất xứng và mù quáng, thậm chí nghiêng về ma thuật.

Như vậy, mê tín là một hiện tượng đã xuất hiện từ rất lâu đời, và căn cứ vào phân tích của các triết gia, ta vẫn có thể nhận ra những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của thói mê tín trong đời sống tôn giáo hiện đại. Đó có thể là việc đọc hết kinh này qua kinh khác rồi lại hát hết bài nọ đến bài kia thật nhiều trong các giờ phụng vụ tư nhân. Nó cũng có thể là việc hăng hái quá mức trong các công việc giáo xứ hay cũng có thể là việc ham mê đi hành hương nhiều nơi liên tục. Những biểu hiện tôn giáo ở trên, nếu không phát xuất từ một cảm thức đức tin đúng đắn và trưởng thành, thì đều là những hiện tượng mê tín gây nguy hại cho đời sống tôn giáo của các tín hữu. Nó khiến cho tôn giáo trở thành trống rỗng, vụ hình thức và không thể làm nảy sinh các hoa trái thiêng liêng tốt đẹp.

Sau khi điểm qua một vài nét về hiện tượng mê tín, ta hãy cùng nhau thử tìm hiểu một vài điểm cơ bản về hiện tượng vô thần. Đây là một hiện tượng tuy chỉ mới chính thức xuất hiện ở vài thế kỉ gần đây, nhưng nó đã có nguồn gốc từ sâu trong lịch sử triết học tôn giáo. Việc lần tìm con đường xuất hiện của hiện tượng vô thần cũng sẽ cho ta nhìn ra một phần bản chất của nó.

Khởi nguyên, quan niệm về thế giới thần linh của người Hy Lạp đã được triết học sơ khởi của Hy Lạp giữ lại trong quan niệm về sự phân ly giữa thế giới thần linh và thế giới phàm trần. Đến lượt nó, quan niệm này lại được Plato vận dụng lại trong việc đề ra một triết thuyết, trong đó thế giới khả niệm siêu việt thế giới khả giác, tức là một cấu trúc nhị phân. Bên cạnh đó, Plato cũng nhấn mạnh đến khía cạnh tri thức trong tôn giáo, khiến cho yếu tố phụng tự rất quan trọng trước đó bị lu mờ. Hạt nhân trong triết thuyết của Plato là chủ thuyết Ý niệm – hữu thể tròn đầy, nền tảng và thường hằng. Điều này đã kích động một phản ứng của các học giả Kitô giáo, tiêu biểu là thánh Pietro Damiani, cho rằng Thiên Chúa toàn năng không bị giới hạn bởi các Ý niệm, các Ý niệm chỉ là các tên gọi mà thôi. Tư tưởng này đã được đẩy lên quá khích bởi William Ockham trong thuyết Duy danh, và khá bất ngờ, nó lại bị biến thành một thứ phê bình tôn giáo nơi các nhà Duy nghiệm Anh như David Hume và John Locke. Khi Baruch Spinoza cố gắng bảo vệ vị thế độc lập của triết học, ông vô tình làm suy yếu uy thế của Kinh Thánh, một bước lớn để dẫn tới hiện tượng vô thần.

Vào cuối thời cận đại, Immanuel Kant muốn đả phá tham vọng nắm giữ tri thức siêu hình học, nhưng việc làm của ông vô tình cũng khiến tôn giáo, lúc đó thường lẫn lộn với siêu hình, cũng bị xem là đáng ngờ. Lại nữa, luân lý học của Kant nhấn mạnh đến khía cạnh tự lập, cũng như việc Kant phân biệt giữa tôn giáo phượng tự và tôn giáo luân lý, đã làm sản sinh ra một đạo đức học phi tôn giáo, trong đó con người tự phán xét cái gì là đúng và sai. Ngạc nhiên thay, nỗ lực phê bình Kant của Friedrich Schleiermacher lại vô tình giản lược tôn giáo thành chỉ còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự phân định của mỗi cá nhân. Xuất hiện liên tiếp sau đó là các triết gia với quan niệm duy chức năng về tôn giáo như Feuerbach, Marx, Nietzsche, Freud cùng với học thuyết Tam trạng mang tính Duy thực chứng của Auguste Comte. Tất cả đã lớn tiếng tuyên bố: tri thức của tôn giáo là giả hiệu, thờ bái công cộng của tôn giáo là vô nghĩa, đạo đức của tôn giáo là vô căn cứ, và Đấng Siêu Việt của tôn giáo là không cần thiết, là không tồn tại. Đó chính là hiện tượng vô thần, một điều hoàn toàn đối nghịch với nhân đức thờ phượng, vì đã phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhìn lại lịch sử hình thành hiện tượng này, ta thấy nó đã biến tướng nhiều lần, từ các chủ thuyết hầu như vô hại cho tôn giáo đến một chủ thuyết tấn công thẳng vào sự tồn tại của tôn giáo. Căn bản là do hiện tượng vô thần đã đặt nền trên một quan điểm không đúng về quyền tự lập của con người, đến độ phủ nhận mọi liên hệ với Thiên Chúa.

Vậy là ta đã điểm qua đôi nét sơ lược về hiện tượng vô thần khi phân tích lịch sử xuất hiện của nó. Cho đến ngày nay, dù đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và diệt chủng tàn khốc do ý thức hệ vô thần kích động và thúc đẩy, thế nhưng có lẽ một phần nhân loại vẫn lựa chọn đi theo hiện tượng này. Nó vẫn có những biểu hiện khá dễ nhận ra trong cuộc sống đương đại: chủ trương luân lý cá nhân tự quyết, ép buộc cử hành tôn giáo riêng tư, coi rẻ mạng sống con người (phá thai, buôn người). Với tất cả sự sai lầm đầy nguy hại của nó, hiện tượng vô thần vẫn đang gieo rắc nhiều tang thương cho nhân loại.

Như vậy, ta đã cùng nhau thử điểm qua một vài nét chính của hai hiện tượng mê tín và vô thần. Dưới cái nhìn của triết học tôn giáo Tây phương, chúng lộ rõ bản chất đầy lầm lạc và hiểm độc của chúng. Hi vọng việc nhận chân về những sai lạc trong thực hành tôn giáo này sẽ giúp một số người hình thành sư tư phản tỉnh để có một cảm thức đức tin đúng đắn, một đời sống nảy sinh nhiều hoa trái thiêng liêng tốt đẹp.

Lạc Vũ Thái Bình

Huế, 6-2022