Sự can đảm làm chứng của những người sống sót Boko Haram

39

Sự can đảm làm chứng của những người sống sót Boko Haram

Linh mục Joseph, cô Maria và cô Janada trong buổi tiếp kiến chung ngày 8 tháng 3 năm 2023 (ANSA)

Janada Markus và Mariamu Joseph, nạn nhân của tổ chức khủng bố Boko Haram, kể câu chuyện của họ về thực tế tàn khốc mà rất nhiều phụ nữ, trẻ em nữ ở Nigeria và trên toàn thế giới phải đối diện.

vaticannews.va, Francesca Merlo, Vatican, 2023-03-08

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 là dịp để nói lên tiếng nói của những  phụ nữ thường bị bỏ qua, bị lãng quên, bị chìm trong nhịp sống hối hả hàng ngày của chúng ta. Nghịch lý thay, đây lại là những tiếng nói mà chúng ta nên lắng nghe nhất, những câu chuyện của họ làm chứng cho những thực tế khủng khiếp mà rất nhiều người trong chúng ta không bị vướng vào.

Ngày 8 tháng 3 hôm nay, tiếng nói chúng ta nghe là tiếng nói của cô Mariamu Joseph và Janada Markus, theo một cách nào đó, đây là tiếng nói của hàng ngàn phụ nữ, trẻ em nữ mà họ đại diện khi họ can đảm kể lại câu chuyện họ bị những người đàn ông bạo lực của nhóm khủng bố Boko Haram bắt cóc và giam giữ. Họ đã kể cho Đức Phanxicô nghe sáng nay.

Linh mục Joseph và hai cô Mariamu và Janada trả lời phỏng vấn Vatican News

Mariamu sau chín năm sống trong tay nhóm khủng Boko Haram. Cô chỉ nói tiếng Hausa. Bị bắt cóc khi mới 10 tuổi, cô được trả tự do tháng 8 năm ngoái khi cô 19 tuổi. Janada lớn hơn cô, cô 21 tuổi và dù thời gian bị giam cầm ngắn hơn Mariamu nhưng cô bị bắt cóc bốn lần và đau đớn không kém.

Chiều thứ ba 7 tháng 3, hai cô gặp các ký giả tại trụ sở của tổ chức Giúp đỡ các Giáo hội gặp Khó khăn ở Rôma. Ngồi bên nhau, họ thay phiên nhau kể câu chuyện của họ. Cô Janada bắt đầu, và nhờ sự giúp đỡ khuyến khích của linh mục Joseph Fidelis, người điều hành trung tâm chấn thương giáo phận Maiduguri, nơi các cô được điều trị, cô đã chọn nói tiếng Anh, tiếng cô vừa mới học ở trường.

Đức Phanxicô ban phép lành cho cô Janada trong buổi tiếp kiến chung

Câu chuyện của cô Janada

Cô Janada sống sót sau bốn cuộc tấn công của nhóm khủng bố Boko Haram. Cả gia đình cô thoát được lần đầu tiên năm 2011, khi những kẻ khủng bố phóng hỏa ngôi nhà của họ ở Baga. Và ba năm sau, ngôi nhà mới của họ ở Askira Uba, bang Borno cũng bị phóng hỏa, một số người trong gia đình cô đã không qua khỏi. Khi kể lại cuộc tấn công thứ ba ngày 28 tháng 10 năm 2018, đôi mắt của Janada đẫm lệ và cô đã khóc một lúc. Thay mặt cô, linh mục Joseph nói với các phóng viên bằng tiếng Ý: “Thật khó cho cô. Đó là ngày họ giết cha cô. Janada mới 10 tuổi khi họ chặt đầu cha trước mặt cô. Hai năm sau, một lần nữa, Janada phải đối diện với những người đã giết cha mình, họ bắt cóc cô khỏi giường bệnh nơi cô đang hồi phục sau một ca phẫu thuật nhỏ. Họ giữ cô làm con tin trong sáu ngày, trong thời gian đó cô bị tra tấn về mặt cảm xúc, thể chất và tinh thần”.

Câu chuyện của cô Mariamu

Câu chuyện của Mariamu thì rất khác. Cô bị bắt cóc khi mới 9 tuổi và sống dưới tay Boko Haram hơn 10 năm. Mariamu nói cô bị nhốt trong lồng, bị bắn vào chân khi cố gắng trốn thoát, cô bị hứa bắt làm đám cưới với một người đàn ông lớn hơn cô nhiều tuổi. Không giống như cô Janada, cô Mariamu không khóc, nhưng cuối cùng cô cũng ngừng nói, và cha Joseph tiếp tục nói với chúng tôi, cô sống ở Abuja với dì vì cô ấy không thể sống với mẹ, người từ lâu đã xem cô như chết. Khu phố này mang lại những kỷ niệm buồn. Trong một năm, Mariamu không thể tiếp xúc với các ông, cô không thể nhìn thẳng vào mắt họ. Trong chín năm nô lệ, cô bị bắt làm con tin một thời gian cùng với khoảng 300 cô gái bị bắt cóc ở trường học Chibok năm 2014. Chính họ mà khẩu hiệu “Đem các cô gái chúng tôi về nhà” đã được tạo ra.

Đức Phanxicô ban phép lành cho cô Mariamu trong buổi tiếp kiến chung

Dù có những nỗ lực đi kèm với khẩu hiệu này, anh của Maria vẫn còn bị giam cầm, chưa được về nhà. Họ cũng không mang về người anh khác, anh này cũng bị giết như cha của Janada. Và vẫn còn hàng ngàn nạn nhân của Boko Haram trên khắp Nigeria.

Nhưng cũng có một hy vọng cho các cô. Janada ở nhà với mẹ và các anh chị em của mình, cô theo học ngành y học nhiệt đới, theo nghề của cha cô. Mariamu đang ở trường, cô đang học đọc và viết. Cả hai được linh mục đón nhận vào trung tâm chấn thương của cha. Hơn 300 phụ nữ được trung tâm điều trị, trung tâm được tổ chức Giúp đỡ các Giáo hội gặp Khó khăn tài trợ. Trung tâm cùng với các chuyên gia tư vấn, chuyên gia trong các lĩnh vực thể chất, y tế, tâm lý, xã hội học và giáo dục giúp các nạn nhân bị bạo lực tái hội nhập vào xã hội, mang lại cho họ hy vọng và cho họ thấy cuộc sống nên như thế nào với mọi phụ nữ ở mọi nơi.

Marta An Nguyễn dịch

Nỗi đau khổ dai dẳng kinh hoàng của hai cô Maryamu và Janada, nạn nhân của Boko Haram

Mariamu và Janada trong buổi tiếp kiến chung ngày 8 tháng 3 năm 2023