Đức Phanxicô sau mười năm, một giáo hoàng vui vẻ

122

Đức Phanxicô sau mười năm, một giáo hoàng vui vẻ

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023

commonwealmagazine.org, Paul Baumann, 2023-02-26

Đức Phanxicô tươi cười trong thánh lễ ở Phi Luật Tân năm 2015 (Ảnh CNS/Paul Haring).

Nhiều cơ quan truyền thông đang chuẩn bị bài vở cho 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Chắc chắn, bất kỳ đánh giá nào về tác động của một giáo hoàng đương kim chắc chắn sẽ bị bóp méo do những xung đột nội bộ của Giáo hội và áp lực thế tục vào thời điểm này. Tôi không định đưa ra một đánh giá như vậy ở đây, nhưng tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi nhìn lại một hội thảo chuyên đề tôi đã tham dự ở tờ Tạp chí Phố Wall, Wall Street Journal tháng 3 năm 2013, ngay sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm.

Hội nghị chuyên đề có chủ đề “Tìm gì ở một tân giáo hoàng,” và những người tham gia gồm các nhà văn công giáo thuộc mọi hệ tư tưởng, bắt đầu với nhà bình luận Peggy Noonan của tờ Wall Street Journal và là người viết diễn văn cho tổng thống Reagan.

Ngoài hai người này, còn có nhà viết tiểu sử giáo hoàng và là nhà luận chiến tân bảo thủ George Weigel, tiểu thuyết gia và người viết cho tờ New Yorker James Carroll, nhà bình luận Michael Sean Winters của NCR, và Mary Eberstadt, thành viên cốt cán của Trung tâm Luân lý và Chính trị. Hội thảo được chia khá đồng đều giữa những người có lẽ hoài nghi hơn về cải cách thần học và giáo hội và những người có lẽ dễ tiếp thu nó hơn. Các biên tập viên của Wall Street Journal đã đặt cho mỗi bài đóng góp ngắn một tiêu đề hấp dẫn để tóm gọn câu hỏi họ đặt ra trong tiêu đề. Câu trả lời của Weigel là ‘Một chiến binh văn hóa’; của Carroll’s là ‘Một Gorbachev công giáo’; của Winters là ‘Giữa những người nghèo’; và của Eberstadt là ‘Sẵn sàng tấn công.’ Còn với nhà bình luận Peggy Noonan muốn tân giáo hoàng tiếp theo là ‘Vui vẻ bất chấp’ (Joyous Anyway) có nghĩa là vui vẻ bất chấp cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đang diễn ra – và tiêu đề cho tác phẩm của tôi là ‘Một người California.’ mà tôi sẽ giải thích dưới đây.

Winters và Noonan dường như đã ở gần dự đoán nhất với những gì Đức Phanxicô sẽ mang lại cho ngôi giáo hoàng từ “tận cùng thế giới”, như cách ngài gọi quê hương Argentina của ngài. Noonan viết: “Giáo hoàng tiếp theo phải là người có thể đón thế giới với vẻ hài lòng trên khuôn mặt, với nụ cười hân hoan. Ngài không nên đến với thế giới với bộ mặt cúi xuống buồn bã của một người biết thế giới đang hủy hoại”. Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đã làm cho đức tin có vẻ “hơi trừu tượng và não nề”. Noonan muốn giáo hoàng tiếp theo “liên tục hành trình ra bên ngoài để mời ánh sáng mặt trời đến,” bằng cách mở các cánh cửa lớn nhỏ của Vatican. Nhiều người cho rằng chính xác Đức Phanxicô đã làm được chuyện này và đã tạo khó chịu cho guồng máy quan liêu của Giáo hội. Và như ông Winters hy vọng, ngài cũng được cho là người gần gũi hơn với người nghèo trên thế giới, bằng chứng rõ ràng cho những nghi ngờ sâu đậm của công giáo với chủ nghĩa tư bản tiêu dùng hiện đại.

Ngài tập trung vào những cách thức cụ thể và cá nhân để Giáo hội thể hiện với thế giới, tin tưởng rằng các chiều kích “trừu tượng và tri giác” của đức tin vẫn được an toàn.

Mong chờ của nhà báo Weigel về “Một chiến binh văn hóa” được đưa ra trong bối cảnh “học thuyết xã hội” của công giáo dạy về phẩm giá con người và bản chất con người – những lời dạy cơ bản cho sức khỏe của dân chủ tự do. Các công dân dân chủ cần có những phẩm chất đạo đức nào đó nếu họ muốn chống lại chủ nghĩa duy vật của nền văn hóa đương đại, “chủ nghĩa thực dụng lạnh lùng” và sự nhấn mạnh hạn hẹp vào “tiện ích”. Đủ công bằng. Thật không may, Weigel đã đi tới khẳng định với những lời phàn nàn đóng hộp về “sự xâm lấn của Nhà nước Leviathan”.

Carroll và Eberstadt là hai người bổ túc cho nhau trong những điều chắc chắn trái ngược nhau của họ. Carroll muốn tân giáo hoàng “xóa bỏ” hệ thống cấp bậc Giáo hội, giống như cách mà Mikhail Gorbachev xuất hiện để vượt qua các bộ máy Liên Xô. Carroll viết, tân giáo hoàng nên “thách thức giới cầm quyền, vạch trần những bí mật của trung tâm quyền lực của họ và loại bỏ các bộ máy quan liêu phản đối cải cách.” Còn Eberstadt xem khủng hoảng của Giáo hội là điều ngược lại, và thúc giục tân giáo hoàng sử dụng “tài sản ít được dùng nhất” của ngài bằng cách ủng hộ mạnh mẽ “giáo lý chính thống”. Carroll mong muốn Giáo hội nắm lấy “chủ nghĩa nữ quyền, quyền của người đồng tính, tự do lương tâm,” còn Eberstadt cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm “tái tạo Giáo hội công giáo bằng cách liên kết nó với ngôi sao phương Bắc của hiện đại, của cuộc cách mạng tình dục.”

Vì sao tôi lại muốn tân giáo hoàng là người California? Chà, đó không chính xác là những gì tôi muốn viết, dù tôi đánh giá cao sự khiêu khích trêu chọc của tác giả các tiêu đề. Những gì tôi đã viết là tân giáo hoàng nên “hơi giống người California”. Tôi mở đầu bài báo bằng cách trích dẫn lời khẳng định khó nghe của tiểu thuyết gia Walker Percy rằng người công giáo phải lựa chọn giữa “hoặc Rôma hoặc California.” Trong suy nghĩ của Percy, California đại diện cho những gì là tha hóa, mất nhân tính, tàn lụi về mặt thiêng liêng trong cuộc sống hiện đại, trong khi công giáo la-mã đưa ra một con đường thực sự, dù có đòi hỏi khắt khe nhưng dẫn đến sự triển nở của con người. Tôi nghĩ đó là một lựa chọn sai. Giáo hội sẽ phải chấp nhận tất cả những gì California đại diện; rút lui khỏi thế giới hiện đại không phải là một lựa chọn. Tôi đã viết: “Rôma không phải là nơi ẩn náu; nó chưa bao giờ là nơi ẩn náu, và những vụ tai tiếng gần đây cũng nên không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, Rôma có nhiều công việc truyền giáo phải làm – ở California và những nơi khác. Công việc đó sẽ đòi hỏi một thay đổi trong giọng điệu và từ chối lên án những gì nó chưa thể hiểu được.” Để kết luận, tôi trích dẫn triết gia Charles Taylor. Rôma đề xuất “quá nhiều câu trả lời làm nghẹt thở các câu hỏi và quá ít ý nghĩa về những điều bí ẩn đi kèm với đời sống đức tin; đây là những điều ngăn chặn một cuộc trò chuyện không bao giờ bắt đầu giữa Giáo hội chúng ta và phần lớn thế giới còn lại.”

Phản ứng dữ dội đối với Thượng Hội đồng Đồng nghị đã trở nên rõ ràng, các chia rẽ của người công giáo rõ ràng trong hội nghị chuyên đề của Wall Street Journal vẫn còn rất nhiều với chúng ta. Thậm chí một số người công giáo bảo thủ còn gọi các buổi lắng nghe của thượng hội đồng là “điên rồ”. Nhưng đương kim giáo hoàng của chúng ta dường như quyết tâm bắt đầu kiểu đối thoại “giữa Giáo hội của chúng ta với phần còn lại của thế giới” như thần học gia Taylor đã kêu gọi. Đồng thời, Đức Phanxicô không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ngài quan tâm đến việc phá bỏ cấu trúc thứ bậc của Công giáo. Thay vào đó, ngài tập trung vào những cách thức cụ thể và cá nhân mà Giáo hội thể hiện với thế giới, tin rằng các chiều kích “trừu tượng và não bộ” của đức tin là an toàn. Ngài dứt khoát quay lưng lại với các cuộc chiến văn hóa mà Weigel và Eberstadt yêu cầu, đặt mình, như Winters hy vọng, “trong số những người nghèo” gần như mọi lúc. Những bí ẩn của đời sống đức tin rõ ràng là quen thuộc với ngài. Ngài không phải là người California, nhưng dường như ngài có một kiểu lạc quan của người California về tương lai của cả thế giới và Giáo hội. Như Noonan hy vọng, dù sao thì ngài cũng rất vui.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Hạ thấp giáo hoàng qua một văn hóa khác, vì ngài là người nước ngoài, là đánh giá thấp giá trị của ngài”