Đức Phanxicô, chủ nghĩa thực dụng và các quyết định sẽ được đưa ra

89

Đức Phanxicô, chủ nghĩa thực dụng và các quyết định sẽ được đưa ra

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023

Đức Phanxicô, chính trị nhìn gần

mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, Vatican, 2022-12-12

Đức Phanxicô đặc biệt thích tiếp xúc cá nhân với mọi người. Và điều này không chỉ xảy ra trong các buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô, nhưng chung chung cả trong những buổi gặp đòi hỏi hơn. Thay vì liên hệ với thể chế, ngài thích liên hệ cá nhân hơn. Thay vì các báo cáo của Phủ Quốc vụ khanh, ngài thích những đề xuất của những người bình thường.

Đó là một đặc điểm tính cách của ngài thấy được trong các bài phát biểu khác nhau. Kể từ đầu triều giáo hoàng, ngài đã nhấn mạnh “chính từ ngoại vi mà thấy rõ trung tâm nhất,” một tuyên bố có thể có hai ý nghĩa.

Đầu tiên là các vấn đề của Giáo hội không thể hiểu được nếu ở ngay trung tâm chính quyền Giáo hội và vì lý do này, thay vào đó, phải ở vùng ngoại vi để xem các vấn đề cách cụ thể. Ý nghĩa thứ hai là ngài, một giáo hoàng đến từ xa, đã có thể hiểu được các vấn đề trong Giáo hội.

Nói tóm lại, đó là một tuyên bố của chính quyền được ngụy trang dưới hình thức khẳng định mục vụ. Và đây cũng là một đặc điểm của Đức Phanxicô, một giáo hoàng cai trị và luôn muốn làm rõ, đường lối chính quyền của ngài là “mục vụ”. Rõ ràng trong 49 tự sắc, nhiều bài viết lại của các buổi tiếp kiến rescripta ex audientia sanctissimi, cải cách Giáo triều, cải cách thủ tục hôn nhân, chưa kể đến những cải cách khác mà ngài kế thừa và đã hoàn tất, như cải cách Bộ luật Vatican hoặc cải cách tài chính.

Chúng ta sẽ không hiểu Đức Phanxicô nếu chúng ta không hiểu ngài chỉ đặt niềm tin vào những nhóm rất nhỏ tin cậy và những người này luôn thay đổi. Ngài trở nên nghi ngờ nếu vấn đề được thể chế trình bày. Nếu một giám chức Vatican nêu lên điều gì đó cho ngài trong một báo cáo, thì không nhất thiết ngài phải tán thành. Nhưng nếu một nữ tu mà ngài tin tưởng đưa ra câu trả lời tương tự, chắc chắn ngài sẽ theo nữ tu này.

Vì thế Đức Phanxicô có một lịch họp chính thức ở dinh tông tòa buổi sáng, và sau đó là lịch các cuộc họp không chính thức, thậm chí không thông qua Phủ Giáo hoàng hoặc các thư ký của ngài mà được chính ngài quản lý trực tiếp. Trong số các cuộc họp này, rất ít thông tin chính thức được đưa ra, ngoại trừ chính đương sự cho biết họ đã có cuộc họp. Đó là cách cai trị không chính thức của Đức Phanxicô, ngài dùng mọi người như một nguồn thông tin, nhưng không bao giờ có một quan điểm dứt khoát.

Từ quan điểm này, một số lập trường của ngài trở nên rõ ràng hơn. Như lập trường về cuộc chiến Ukraine, ngài dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn qua các buổi nói chuyện hơn là những gì ngài được bộ trưởng Ngoại giao hoặc các giám mục ở Ukraine, từ các nghi thức công giáo la-tinh và hy lạp thông báo chính thức.

Bước ngoặt trong quan điểm của ngài về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine chỉ xảy ra sau cuộc gặp cá nhân với Giáo chủ Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội công giáo hy lạp Ukraine. Sau khi Giáo chủ đến Rôma một tuần vào đầu tháng 11, Đức Phanxicô bắt đầu có quan điểm rõ ràng hơn về cuộc chiến, đến mức ngài xúc động trong buổi cầu nguyện cho Ukraine trước tượng Đức Mẹ ở quảng trường Tây Ban Nha ngày 8 tháng 12 vừa qua.

Cây thông Zaporizhia và những giọt nước mắt của Đức Phanxicô

Sự thay đổi quan điểm này không đến mà không có những bước ngoặt. Ngài không muốn đặt bất kỳ mối quan hệ nào vào khủng hoảng, ngài muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Vì thế ngài đã vượt qua mọi rào cản để gần gũi với người dân Ukraine với lời khẳng định “những hành động chiến tranh tàn ác nhất không phải là công việc của các nhóm dân tộc Nga, mà là của người Chechnya và Buryat.” Một tuyên bố, trong nỗ lực cứu vãn quan hệ với Nga, thay vào đó lại có tác dụng làm cho người Ukraine, người Nga, người Buryats và người Chechnya tức giận.

Các quyết định khác của ngài không thể giải thích hợp lý nếu chúng không bắt nguồn từ một quyết định cá nhân xuất phát từ một yêu cầu cá nhân. Ví dụ, quy trình Vatican quản lý các quỹ của Phủ Quốc vụ khanh bắt nguồn từ một khiếu nại của ông Gianfranco Mammì, tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu các Công trình Tôn giáo, người mà Đức Phanxicô rất kính trọng.

Nhưng ngay cả quyết định loại bỏ việc quản lý các quỹ của Phủ Quốc vụ khanh cũng có một ghi chú cá nhân không thể không được đề xuất và thực hiện: trên thực tế, giáo hoàng đã yêu cầu rõ ràng chuyển tiền ra khỏi quỹ Centurion, một điểm đặc biệt trong một quyết định vốn nên có tính cách chung chung hơn và không chỉ liên quan đến một trong các quỹ khác nhau của Phủ Quốc vụ khanh, như thể đó là một hình phạt cụ thể.

Đức Phanxicô không thích có một cung đình giáo hoàng và sợ rằng các các người xu nịnh chỉ muốn chèn ép hoặc gây khó dễ cho ngài. Tuy nhiên, Vatican là một thế giới nhỏ, có nhiều lợi ích đan xen nhau, nhưng chắc chắn, ít ai quan tâm đến việc giết nhà vua vì ông là người đảm bảo công việc. Thay vào đó, tổ chức tránh để lời nói của bất kỳ tham vấn viên nào có trọng lượng quá đáng, từ đó bảo vệ cho giáo hoàng.

Nghịch lý của Đức Phanxicô cũng nằm ở đây. Ngài cố gắng tránh để những người giữ cổng quyết định quyền tiếp cận với ngài, nhưng khi làm như vậy, ngài đã cho phép một số người trở nên có ảnh hưởng lớn. Và ngay cả khi những người này có thể hoán đổi cho nhau trong mắt ngài, thì vẫn có nguy cơ là họ có thể hướng mọi thứ đi sai hướng khi họ ở gần ngài.

Như vậy, giáo hoàng của các vùng ngoại vi thấy mình không hiểu được trung tâm. Và rủi ro là, trong sự thiếu thông hiểu này, bạn phá bỏ tất cả công việc đã làm trước đó, cả những việc rất tốt, mà không thay thế nó. Rốt cuộc, sự gần gũi cũng dẫn đến sự tồn tại của một số mối quan hệ. Đúng, những mối quan hệ này nằm ngoài Giáo triều. Nhưng có ảnh hưởng không thể xem thường với giáo hoàng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Hạ thấp giáo hoàng qua một văn hóa khác, vì ngài là người nước ngoài, là đánh giá thấp giá trị của ngài”