Vì sao Đức Phanxicô xem người Samari nhân hậu là dụ ngôn cho thời đại chúng ta

418

Vì sao Đức Phanxicô xem người Samari nhân hậu là dụ ngôn cho thời đại chúng ta

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023


americamagazine.org, Peter Phan Đình Cho, 2023-02-09

Người Samari nhân hậu chăm sóc vết thương cho người lữ hành bị thương” (1647), Balthasar van Cortbemde (Wikimedia Commons)

Giống như các vị tiền nhiệm Bênêđictô XVI và Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô thường giới thiệu các chủ đề các bài viết của ngài bằng lối chú giải thiêng liêng về một sự kiện trong sứ vụ của Chúa Giêsu, hoặc trong một bản văn Kinh thánh. Trong các tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium, Querida Amazonia và Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si, Đức Phanxicô trích Kinh Thánh nhiều nhưng tản mạn, nhưng ngài tập trung Kinh Thánh vào các bản văn cụ thể trong tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia (Thánh vịnh 129:1-6) và đặc biệt trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti là Tin Mừng Thánh Luca  10:25-37, ngài trình bày các bản văn này như chủ đề chính trong lời dạy cơ bản về tình yêu trong gia đình và tình bạn trong xã hội của ngài.

Ở đây, tôi muốn xem cách ngài chú giải dụ ngôn về người Samari nhân hậu, “người khách lạ trên đường”. Trong thông điệp Fratelli Tutti, dụ ngôn này là “tia sáng” cho cuộc sống đương đại của chúng ta mà Đức Phanxicô xem đó là nơi có “những đám mây đen bao trùm một thế giới khép kín,” ngài nêu tấm gương người Samari cho tình huynh đệ và tình bạn xã hội, tạo nên nền “văn hóa gặp gỡ” và xây dựng nhịp cầu yêu thương giữa tất cả mọi người (Fratelli Tutti, số 2).

Đức Phanxicô giới thiệu người Samari nhân hậu là gương mẫu của tình huynh đệ và tình bạn xã hội tạo nên “nền văn hóa gặp gỡ” và xây dựng những nhịp cầu yêu thương giữa tất cả mọi người.

Bối cảnh của dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành

Thánh Luca kể câu chuyện người Samari nhân hậu trong bối cảnh Chúa Giêsu đi từ Galilê lên Giêrusalem để hoàn thành sứ mệnh Thiên Chúa giao phó. Trong “hành trình” này (9:51-19:27), ngài ghi lại nhiều phép lạ và chỉ dẫn khác nhau của Chúa Giêsu, thường dưới hình thức dụ ngôn. Phúc âm nói về những vấn đề khác liên quan đến đời sống người tín hữu kitô như các hành trình truyền giáo, việc dùng của cải và cầu nguyện. Một sự cố xảy ra trên hành trình đi về Giêrusalem của Chúa Giêsu là cuộc gặp của Ngài với một luật sĩ muốn thử Ngài bằng câu hỏi về điều gì phải làm “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (10:25).

Tin Mừng Thánh Luca trong đoạn 10:25-37 có hai phần. Phần thứ nhất (10:25-28) có câu hỏi của luật sĩ làm sao để có sự sống đời đời, câu hỏi ngược lại của Chúa Giêsu là trong Kinh Torah dạy gì về vấn đề này, câu trả lời của luật sĩ trích dẫn hai điều răn về tình yêu cho Chúa và cho người anh em, trong Đệ Nhị Luật 6:5 và trong sách Lêvi 19:18, Chúa Giêsu công nhận luật sĩ đã trả lời đúng. Ngụ ý trong phần đầu tiên này là sự xác định định của Chúa Giêsu về tính hợp lệ của Kinh Torah và khả năng dẫn đến sự cứu rỗi của nó.

Phần thứ hai (10:29-37) có thêm câu hỏi của luật sĩ về ai là người anh em, câu trả lời của Chúa Giêsu qua dụ ngôn người lữ hành từ Giêrusalem đi xuống Giêricô, bị cướp và sau đó được người Samari nhân hậu chăm sóc. Qua đó Chúa Giêsu hỏi người luật sĩ ai là người anh em của người lữ hành bị thương, người luật sĩ trả lời và Chúa Giêsu nhân đó khuyên nên bắt chước hành vi của người Samari nhân hậu. Bài chú giải của Đức Phanxicô về dụ ngôn này đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn về các mối quan hệ của con người nói chung, mà ngài gọi là “tình huynh đệ” và “tình bạn xã hội”.

Về tình yêu với người khách lạ, Đức Phanxicô nhắc trong Kinh thánh Do Thái, nền tảng tình yêu này là ký ức của người Do Thái, vì chính họ đã từng là người khách lạ ở Ai Cập.

Để mở đầu lời chú giải, Đức Phanxicô trích câu hỏi Chúa hỏi Ca-in em trai Abel của ông ở đâu, Ca-in trả lời: “Con không biết. Con là người giữ em con sao?” (St 4: 9). Đức Phanxicô lập luận, chính câu hỏi của Chúa không dành chỗ cho sự thờ ơ về mặt đạo đức trước đau khổ của người anh em, nhưng thay vào đó “khuyến khích chúng ta tạo một văn hóa khác, trong đó chúng ta giải quyết những xung đột của mình và quan tâm đến nhau” (“Fratelli Tutti,” số 57). Ngài tiếp tục trích dẫn lời khẳng định của ông Gióp về một số quyền chung của chúng ta, xuất phát từ việc chúng ta được tạo dựng bởi một Thiên Chúa duy nhất, và đó là nền tảng của tình huynh đệ và tình bạn xã hội của chúng ta (G 31:15). Để nhấn mạnh sự hiệp nhất này, ngài nhắc lại ẩn dụ của Thánh Irenaeus, nhân loại như một giai điệu của những nốt nhạc khác nhau, trong đó mỗi người không được xem mình tách biệt với người khác mà là một phần của toàn bộ giai điệu (số 58).

Ngài lưu ý trong các truyền thống Do thái sơ khai, nghĩa vụ yêu thương và chăm sóc người khác chỉ giới hạn cho đồng bào Do thái, nhưng sau đó được mở rộng ra để bao gồm tất cả mọi người, theo gương lòng trắc ẩn của Thiên Chúa với mọi sinh vật (số 59). Trong Tân Ước, công thức tiêu cực trong sách Talmudic của giáo sĩ Hillel về mệnh lệnh “Đừng làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình” đã được biến thành một mệnh lệnh tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7:12). Đức Phanxicô bình luận: “Mệnh lệnh này mang phạm vi phổ quát, bao gồm tất cả mọi người trên bình diện nhân loại, vì Đấng ngự trên trời làm cho mặt trời mọc trên kẻ xấu cũng như trên người tốt” (Mt 5:45) (số 60).

Về tình yêu với người khách lạ, Đức Phanxicô nhắc trong Kinh thánh Do Thái, nền tảng tình yêu này là ký ức của người Do Thái, vì chính họ đã từng là người khách lạ ở Ai Cập.  (Xh 23:9). Theo Đức Phanxicô, tình yêu không nệ ở chỗ anh chị em túng thiếu đến từ đâu” (số 62).

Theo ngài, một người anh em thật sự phải hành động về mặt xã hội và ngay cả về mặt chính trị. Cùng nhau, người anh em phải “tham dự tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ cho các xã hội đang gặp khó khăn của chúng ta.”

Những người qua đường và người lữ hành bị bỏ rơi

Trong bài chú giải dụ ngôn người Samari nhân hậu, Đức Phanxicô mô tả các nhân vật của câu chuyện: những tên cướp, ba người qua đường và nạn nhân bị thương. Ngày nay, kẻ cướp không chỉ là những cá nhân xấu nhưng còn gồm cả “bóng tối của thờ ơ, của bạo lực phục vụ cho tư lợi, cho lợi ích, cho chia rẽ nhỏ nhen” (số 72). Hai người qua đường phớt lờ người lữ hành bị thương, họ tránh qua bên kia đường, đó là những người theo đạo, đại diện trong câu chuyện này là các thầy tư tế và thầy Lêvi, những người nghĩ rằng họ gần gũi với Chúa ngay cả khi họ bỏ rơi những người khốn khổ.

Nạn nhân bị tổn thương ngày nay không chỉ là nạn nhân của cướp bóc và bạo lực thể xác mà tất cả những ai trong xã hội toàn cầu hóa “bất lực vì các thể chế của chúng ta bỏ mặc họ, thiếu nguồn lực, hoặc chỉ phục vụ lợi ích của một số ít người, bên ngoài và bên trong” (số 76).

Để hiểu đầy đủ tính chất cách mạng của dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý bối cảnh đằng sau câu hỏi của luật sĩ về “người anh em” mà Kinh thánh tiếng Hê-bơ-rơ dạy phải yêu như mình vậy. Câu hỏi bắt nguồn từ những cuộc tranh luận vào thời Chúa Giêsu về việc ai thuộc dân Israel, dân Thiên Chúa, và từ đó mới là đối tượng của tình yêu tha nhân.

Khi Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của luật sĩ, Ngài đã phá vỡ khuôn khổ thần học và pháp lý của nó. Ngài đặt câu hỏi ngược lại cho luật sĩ: “Theo ông, ai trong ba người này là người anh em của người bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10:36). Chúa Giêsu lật ngược câu hỏi của luật sĩ, đừng hỏi ai là người thuộc về dân Chúa – để từ đó mới là đối tượng cho tình yêu người anh em – nhưng hãy hỏi về cách cư xử của những người được Chúa chọn.

Điều mang tính lật đổ hơn nữa – và gây khó chịu cho những người Do thái ngoan đạo – là Chúa Giêsu xem cách cư xử của người Samari là gương mẫu tình yêu thương cho người anh em, hoặc (theo cách nói yêu thích của Đức Phanxicô) là “tình huynh đệ” và “tình bạn xã hội” với người Do thái. Như Đức Phanxicô đã lưu ý sau đó (số 82), người Do thái không đếm xỉa đến người Samari, xem họ là người lai chủng tộc, “không trong sạch, đáng ghê tởm, nguy hiểm”, giữ đạo nửa vời, nửa ngoại giáo, ít chính thống. Trong khi người Do thái cho rằng núi Si-on ở Giêrusalem là nơi thờ phượng chính thống, thì người Samari tin Chúa chọn núi Ga-ri-xim, gần Si-chem. Đức Phanxicô nêu bật Chúa Giêsu đã vặn lại: “Nghịch lý thay, những người tự cho mình là người không tin đôi khi lại thực hành ý Chúa tốt hơn người tin” (số 74).

Chúa Giêsu có đủ mọi lý do để lên án và trừng phạt người Samari, nhưng Ngài xem người Samari là anh hùng của tình bạn xã hội. 

Người Samari là người anh em không biên giới

Đức Phanxicô không xem hành vi tốt lành của người Samari đơn giản là hành vi bác ái riêng tư. Trước câu hỏi ngược lại của Chúa Giêsu về việc ai là người anh em thực sự của nạn nhân bị cướp, là người Do thái, luật sĩ trả lời: “Người tỏ lòng thương xót” (Lc 10:37). Thánh Luca không ghi lại câu trả lời của Chúa Giêsu cho luật sĩ lần này để ghi nhận tính đúng đắn của câu trả lời như ngài đã kể trong phần đầu câu chuyện khi trả lời câu hỏi làm thế nào để được cứu rỗi. Chúa Giêsu chỉ nói: “Hãy đi và làm theo như vậy”. Niềm tin chân chính (chính thống) phải được chuyển thành hành động chân chính (orthopraxis).

Theo Đức Phanxicô, một người anh em thật sự phải hành động về mặt xã hội và cả về mặt chính trị. Cùng nhau, người anh em phải “tham dự tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ cho các xã hội đang gặp khó khăn của chúng ta (số 77). Hành động này bắt đầu từ một ước muốn giản dị: “Chúng ta chỉ cần một ước muốn trong sáng và giản dị là trở thành một dân tộc, một cộng đồng, liên lỉ và không mệt mỏi trong nỗ lực không loại trừ, hội nhập và nâng đỡ những người bị gạt ra bên lề” (số 77). Đức Phanxicô nói, chúng ta có thể bắt đầu “từ bên dưới, từng trường hợp một, hành động ở cấp địa phương và cụ thể nhất, sau đó mở rộng đến những vùng xa nhất của các quốc gia và thế giới của chúng ta” (số 77). Hành động yêu thương người anh em của người Samari làm gương cho người chủ quán trọ, ông cũng hành động như vậy; vì thế hành động này mở rộng ngày càng càng xa hơn, tạo hiệu ứng kéo theo.

Đức Phanxicô gọi động lực tình yêu tha nhân này là “văn hóa gặp gỡ”, mà mẫu mực là người Samari. Trong văn hóa này, tất cả là “người anh em không biên giới”. Như Đức Phanxicô viết, “Chúa Giêsu xin chúng ta đừng quyết định ai đủ thân cận để là người thân cận của mình, nhưng chính chúng ta hãy là người thân cận của mọi người” (số 80).

Hãy lưu ý, sẽ có một khúc quanh kỳ lạ trong luận lý của dụ ngôn người Samari nhân hậu. Sẽ hợp lý hơn nếu Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của luật sĩ về việc ai là người anh em của chúng ta khi Ngài để người Samari là nạn nhân của vụ cướp và người Do thái là người chăm sóc quảng đại. Nếu thế, người Do thái vốn coi thường và ghét bỏ người Samari, sẽ học để thành người anh em của người Samari, thể hiện tình huynh đệ và tình bạn xã hội với họ.

Nhưng Chúa Giêsu sẽ sai khi để người Do thái là nạn nhân và người Samari là người chăm sóc quảng đại. Người Samari, nạn nhân của kỳ thị sắc tộc và tôn giáo, có đủ mọi lý do để phớt lờ người Do thái, như thầy tế lễ và thầy Lêvi đã làm. Tuy nhiên, ông biết quan tâm và vì thế ông là gương mẫu của nền văn hóa gặp gỡ. Người Samari “thách thức chúng ta gạt bỏ mọi dị biệt sang một bên và, trước đau khổ, đến gần người khác mà không thắc mắc” (số 81).

Hơn nữa, Thánh Luca làm cho chân dung của Chúa Giêsu về người Samari như mẫu mực của tình bạn và lòng hiếu khách càng nổi bật hơn khi đưa dụ ngôn này vào Phúc âm của ngài ngay sau câu chuyện về một làng Samari từ chối đón Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài (9:51-56). Vì sự thù nghịch và thiếu hiếu khách của người Samari, hai tông đồ Giacôbê và Gioan đã hỏi Chúa Giêsu xem ngài có muốn ra lệnh cho lửa từ trời xuống thiêu đốt họ không. Thánh Luca kể, Chúa Giêsu đã quay lại quở trách họ.

Chúa Giêsu, nạn nhân đầu tiên của sự thù nghịch của người Samari, trở thành chính người Samari nhân hậu, hiện thân thiêng liêng của lòng thương xót. Ngài có đủ mọi lý do để lên án và trừng phạt người Samari, nhưng Ngài xem người Samari là anh hùng của tình bạn xã hội. Đó thực sự là điều kỳ diệu bất ngờ của nền văn hóa gặp gỡ: biến nạn nhân của bất công thành người bảo vệ những kẻ bách hại họ.

Linh mục Peter Phan Đình Cho là chủ tịch Ignacio Ellacuría về Tư tưởng Xã hội Công giáo thuộc khoa thần học và nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Georgetown, ở Washington, D.C

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch