Hồng y Hollerich: nhân vật chủ chốt trong chiến lược của Đức Phanxicô

165

Hồng y Hollerich: nhân vật chủ chốt trong chiến lược của Đức Phanxicô

renepoujol.fr, René Poujol, 2023-01-29

Quyển sách mới nhất của ngài mở ra một vài bí mật về tầm nhìn của giáo hoàng với tương lai của Giáo hội công giáo.

Người vẫn còn ít được công chúng biết đến, cả trong giới công giáo. Tu sĩ Dòng Tên, tổng giám mục tổng giáo phận Luxembourg, được phong hồng y năm 2019 và hiện là chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên minh Châu Âu (Comece), năm 2021, ngài được Đức Phanxicô đề cử làm tổng tường trình cho Thượng Hội đồng về đồng nghị, thượng hội đồng sẽ chỉ kết thúc vào năm 2024. Vì thế ngài là nhân vật chủ chốt trong một dự án chắc chắn là tâm huyết nhất của Đức Phanxicô dành cho Giáo hội ngày mai: cởi mở với tính tập thể rộng lớn hơn. Đủ để nói quyển sách phỏng vấn ngài được xuất bản cách đây vài tháng rất đáng để đọc kỹ. Vì trong đó ngài tiết lộ cho chúng ta một số bí mật quý giá về ý định của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô dự định không đi xa đến mức nào?

Từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 2 sắp tới, cái gọi là giai đoạn Lục địa của Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ được tổ chức tại Praha, Cộng hòa Séc, đó là một trong những quốc gia thế tục hóa nhất ở châu Âu – và vì thế, đó là một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất đối với nước Pháp, một phái đoàn mười bốn người sẽ đi dự. Giai đoạn đầu tham khảo ý kiến của các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đã là chủ đề của những đánh giá hỗn hợp ở Pháp, mà tôi thấy không hữu ích khi bàn lại ở đây. Vatican đã thực hiện một bản tổng hợp, dựa trên những đóng góp nhận được từ các hội đồng giám mục khác nhau. Đây là Tài liệu cho giai đoạn lục địa (DEC), rất trung thực, sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận trong những tuần tới.

Đức Phanxicô giao cho hồng y Hollerich tổng hợp các văn bản của Thượng hội đồng

Trên cơ sở các phân tích đến từ các châu lục khác nhau với các đặc điểm văn hóa rất khác nhau, tổng thư ký của Thượng hội đồng sẽ soạn thảo tài liệu làm việc (instrumentum laboris) dùng để làm chất liệu suy tư cho các thành viên sẽ về Rôma vào mùa thu tới để họp Thượng hội đồng phiên đầu tiên trong hai phiên của “giai đoạn 3” (phiên thứ hai được dự trù vào tháng 10 năm 2014). Vì thế có khả năng đầu năm 2025, Đức Phanxicô sẽ công bố trong một tông huấn, những gì ngài giữ lại từ các kết luận và khuyến nghị của Thượng Hội đồng do hồng y Hollerich tổng hợp với tư cách là tổng tường trình. Qua lịch trình này, khó có khả năng Đức Phanxicô từ nhiệm, ngoại trừ ngài bị bệnh bất ngờ, trước khi tiến trình này kết thúc mà chúng ta biết đây là chiến thuật trọng tâm của ngài cho Giáo hội ngày mai. Điều này một lần nữa nói lên vai trò then chốt của hồng y Hollerich! Và chúng ta có thể hình dung một văn bản chắc chắn trung thành với các trao đổi, nhưng lại mang dấu ấn của người biên tập nó.

Trong quyển sách phỏng vấn Tìm Chúa trong mọi sự được xuất bản lần đầu ở Đức, sau đó được bổ sung bằng cuộc trao đổi với nhà xuất bản Antoine Bellier cho ấn bản tiếng Pháp (Trouver Dieu en toutes choses, nxb. Salvator), hồng y Hollerich nhìn lại thời gian 20 năm ngài sống ở Nhật cho đến khi ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Luxembourg năm 2011. Những năm tháng sống ở một xã hội cực kỳ thế tục với truyền thống thần đạo và phật giáo ghi dấu ấn sâu sắc trong văn hóa Nhật. Họ thuyết phục ngài, dù người công giáo tin vào Chúa Kitô, nhưng người công giáo không độc quyền nắm giữ sự thật; rằng đối thoại với các tôn giáo khác và với thế giới hậu hiện đại là cấp thiết, đòi hỏi này là trọng tâm của thông điệp kitô giáo. Ngài viết: “Rõ ràng là tôi không thể chỉ nói: ‘Bây giờ tôi sẽ rao giảng Tin Mừng cho anh em.’ Chúa cũng hiện diện trong văn hóa Nhật và tôi muốn bắt đầu công việc của tôi qua việc khám phá văn hóa này”.

Tìm kiếm Chúa trong thế giới chúng ta và nhận ra Ngài ở đó: Một cái nhìn khác về sứ mệnh

Thật dễ hiểu, chính trong trạng thái tâm trí này mà ngài đã chủ trì Ủy ban Giám mục Cộng đồng Châu Âu (Comece) kể từ năm 2018, và cho công việc của ngài trong tư cách là tổng tường trình của Thượng hội đồng thế giới về tính đồng nghị. “Chúng ta phải chấp nhận con người ngày nay dạy cho chúng ta tìm Thiên Chúa trong thế giới hiện tại của chúng ta và nhận ra Ngài ở đó.” Một cái nhìn khác về Sứ mệnh. Sau đó, với chính Giáo hội công giáo: “Giáo hội bị bệnh với những tranh cãi ý thức hệ nội bộ. Nó phải nhường chỗ cho sự đa dạng. Trong thế giới ngày nay, chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi người phải có một đức tin hoàn toàn đồng nhất (…) Chúng ta chỉ có thể bảo tồn các truyền thống nếu chúng ta thay đổi và điều chỉnh chúng. Nếu không thì truyền thống biến mất.”

Từ Đức Phanxicô trong văn bản. Nói về thượng hội đồng, ngài tuyên bố trong một phỏng vấn với Tuần báo La Croix tháng 1 năm 2022: “Chúng ta có một thần học mà sẽ không ai hiểu được trong hai mươi hoặc ba mươi năm nữa. Nền văn minh này sẽ trôi qua. Đó là lý do vì sao chúng ta cần một ngôn ngữ mới phải dựa trên Tin Mừng. Tuy nhiên, toàn thể Giáo hội phải tham gia vào việc phát triển ngôn ngữ mới này: đây là ý nghĩa của Thượng hội đồng.” Cũng như ý nghĩa sâu xa của Công đồng Vatican II trong “tinh thần” của nó, vượt ra ngoài “văn thư” của các văn bản công đồng mà đôi khi người ta tìm cách đóng khép nó: việc đưa vào một cập nhật thường xuyên, thông qua tính đồng nghị và tính hợp đoàn giám mục. Vì điều đang bị đe dọa là việc tiếp nhận, hiểu biết sứ điệp Kitô giáo ở các lục địa với các truyền thống văn hóa khác nhau.

Đừng mong chờ thượng hội đồng trả lời tất cả các câu hỏi của thời

“Không ai có thể một mình đi đến cùng công việc hội nhập văn hóa mới của kitô giáo. Sự tham gia của tất cả các Giáo hội địa phương là cần thiết để đạt được điều này. (…) Một thượng hội đồng châu Âu sẽ được hoan nghênh nhưng điều này cần thời gian.” Một cách khác để nói chúng ta không nên mong chờ Thượng hội đồng này sẽ mang lại câu trả lời ngay lập tức và dứt khoát cho tất cả các câu hỏi của thời điểm này: đời sống độc thân bắt buộc của linh mục, truyền chức cho các ông đã lập gia đình, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội… Nhưng có lẽ đã có, ngài công nhận tính hợp pháp của một quyền tự trị mục vụ và giáo lý nào đó, từ lục địa này sang lục địa khác, để quản lý những vấn đề này theo thực tế địa phương, trong tinh thần tôn trọng sự hiệp nhất của Giáo hội và sự toàn vẹn đức tin. Bước tiếp theo – nhưng chỉ sau đó – là mang đến câu trả lời cụ thể theo nghĩa của Thượng Hội đồng về châu Âu mà hồng y Hollerich đã đề cập.

Một quyển sách của sự táo bạo ôn hòa

Phải đọc “Tìm Chúa trong mọi sự”. Đối với “sự táo bạo ôn hòa” này, vốn là đặc điểm nổi bật của tu sĩ Dòng Tên gần gũi với Đức Phanxicô. Sự táo bạo khi hồng y mời gọi chúng ta “tích hợp cách suy nghĩ mới về đức tin dựa trên thực tế sống động của con người ngày nay”; sự táo bạo khi ngài kêu gọi chúng ta đồng hành với các ông các bà, những người cùng thời với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của họ, không phán xét họ, thay vì mệt mỏi uốn cong luật lệ của thành phố; táo bạo khi ngài khuyên, liên quan đến đức tin, hãy “suy niệm với những người trẻ tuổi và cùng họ tìm kiếm câu trả lời, thay vì liên tục nhắc nhở họ về những điều mà sách giáo lý cổ điển đưa ra”; sự táo bạo khi ngài thúc giục chúng ta “hãy thay đổi cách nhìn về tình dục”, điều này thường chỉ phản ánh loại đạo đức tư sản của thế kỷ 19 không liên quan đến truyền thống công giáo cổ đại; táo bạo khi ngài gợi ý “Tin tưởng vào con người là tin tưởng vào Chúa.”

Nhưng sự táo bạo tiết chế với một số hăng tiết nào đó,  khi ngài nhắc “cần phải khẳng định có một phẩm trật, đó là một phần của giáo huấn Giáo hội”; thậm chí ngài còn táo bạo hơn khi nhấn mạnh, “hội nhập văn hóa (là cần thiết) không phải là một thích nghi”; táo bạo tiết chế với con đường đồng nghị của Đức, “đôi khi tôi có cảm tưởng các giám mục Đức không hiểu giáo hoàng. Ngài không tự do, ngài triệt để và chính sự triệt để của Tin Mừng có thể dẫn đến thay đổi”; táo bạo được tiết chế cũng trong một tinh thần như vậy, ngài viết: “Cải cách cơ cấu không nên là vấn đề duy nhất ở trọng tâm các cuộc thảo luận. Giáo hội cũng được kêu gọi ‘ra khỏi sự giam hãm thiêng liêng của mình’”.

“Giáo hội không còn đủ sức để tự cải cách.”

Khi đọc một quyển sách, thỉnh thoảng tôi dừng lại một đoạn đặc biệt đánh động tôi, do sự độc đáo của viễn cảnh nó mở ra, và tặng nó như món quà cho những người thân yêu, để nuôi dưỡng suy tư cho chính họ. Tôi tặng quý độc giả hạt ngọc dưới mắt tôi, khi tôi đọc quyển sách phỏng vấn này: “Trong ngôn ngữ chúng ta và theo cách chúng ta nhận thức các sự việc, quá khứ ở phía sau và tương lai ở phía trước. Tuy nhiên, ở Ai Cập cổ đại thì ngược lại: quá khứ ở phía trước vì chúng ta biết và chúng ta nhìn thấy nó, còn tương lai, thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy vì chúng ta không biết, thì ở phía sau. Theo tôi, Giáo hội công giáo dường như vẫn còn khuynh hướng lý luận như người Ai Cập, nhưng điều này không còn hiệu quả nữa. Chúa mở ra tương lai cho chúng ta. (…) Khi chúng ta nói về truyền thống vĩ đại của Giáo hội, chúng ta thường tô điểm cho một thời đại cụ thể chưa từng tồn tại như nó được mô tả. Một số cho rằng thánh lễ ngày xưa đẹp hơn. Nhưng họ đang nói về thánh lễ nào? Đa số thời gian, họ tưởng tượng về một quá khứ mà họ dựng lên như một truyền thống và họ lý tưởng hóa, và chính điều này đã dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh Ai Cập. Nó không còn đủ sức để tự cải cách.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Sự lạc quan tốt đẹp của hồng y Hollerich

René Poujol là tác giả quyển sách Công giáo trong tự do đang được đăng trên trang Phanxicô.

Lời giới thiệu sách Công giáo trong tự do