Thầy phó tế Bruno Lachnitt, tuyên úy các nhà tù sống tình huynh đệ với các tù nhân

115

Thầy phó tế Bruno Lachnitt, tuyên úy các nhà tù sống tình huynh đệ với các tù nhân

Từ một năm nay, phó tế Bruno Lachnitt, giáo phận Lyon là tuyên úy nhà tù công giáo quốc gia làm việc ở nhà tù Lyon-Corbas. Tại đây thầy gặp các tù nhân trong phòng giam và sinh hoạt với một nhóm chia sẻ. Mỗi mùa hè, thầy đưa các tù nhân đi hành hương trên các con đường của Saint-Jacques. Mục đích của thầy: tạo lòng tin tưởng.

lavie.fr, Corine Chabaud, 2022-10-26

Thầy phó tế Bruno Lachnitt cùng với các tù nhân ở nhà tù Lyon-Corbas. Bruno Amsellm / Divergence-La Vie

Văn phòng của trung tâm văn hóa xã hội hơi lạnh. Hàng chục ông ở những độ tuổi khác nhau ngồi thành vòng tròn trên những chiếc ghế nhựa. Khuôn mặt trắng và đen nhưng hiếm khi họ che mặt. Họ nói chuyện tự do. Ông Florent với bộ râu muối tiêu nói: “Ở đây như một gia đình, chúng tôi cởi mở, chúng tôi lắng nghe, chúng tôi trao đổi. Và chúng tôi yên tâm, đó là nhờ tinh thần nhân từ và cảm thông.”

“Như một gia đình, để giúp đỡ nhau chịu đựng sự không thể chịu đựng”

Ông Louis tiếp lời: “Thật đáng khen công việc của tuyên úy. Tôi quý trọng những người bỏ thì giờ ra cho những người tuyệt vọng.” Ông Ness, ‘con của những nhà ngoại giao’ nói thêm: “Nhóm này như một gia đình, đã giúp chúng tôi chịu đựng điều không thể chịu đựng. Trong các cuộc họp như cuộc họp này, thời gian như ngừng trôi. Nếu không, nhà tù như sở thú, với những người sống trong phủ nhận cứ rập rình chung quanh.”

Anh Arthur, trẻ hơn ghi nhận: “Giây phút này là giây phút nghỉ ngơi trong đời sống hàng ngày có quá nhiều thù địch. Chúng tôi muốn phục vụ lại.” Ông Elvis chờ để lên tiếng, ông cho biết cuộc gặp gỡ tình cờ với tuyên úy đã xoa dịu cơn giận dữ của ông và đưa ông về với tha thứ, ông nói: “Sau khi nói chuyện thầy, tôi cảm thấy tôi như đứa trẻ sơ sinh. Ở đây, tôi hiểu không chỉ có những người xấu trong tù. Tôi đã học được rất nhiều với các tuyên úy và tôi vẫn còn nhiều điều để học.”

Ông Joao, người Brazil tâm sự, chuyến đi của thầy Bruno Lachnitt đến bệnh viện tâm thần đã nâng đỡ tinh thần ông: “Thầy muốn điều tốt cho tôi và không phán xét tôi.” Ông  Jean-Claude lớn tuổi hơn, cám ơn thầy tuyên úy: “Một tuyên úy như người bạn. Chúng tôi không quên ơn thầy.”

Khoảng mười lăm người quen thuộc trong nhóm thảo luận

Thầy Bruno Lachnitt đã lập gia đình và có ba người con gái, trước đây thầy là tu sĩ Dòng Tên và công nhân tại hãng xe Peugeot, thầy 63 tuổi và đã làm việc ở nhà tù từ chín năm nay. Thầy làm việc ở nhà tù Lyon-Corbas, nhà tù này mở cửa năm 2009 để thay thế các nhà tù cũ kỹ, gần như đổ nát của thành phố Lyon. Tháng 9 năm 2021, thầy được bổ nhiệm làm tuyên úy nhà tù công giáo quốc gia.

Khi lời của Đức Phanxicô tác động trên đức tin các tù nhân

Một ngày rưỡi một tuần, thầy làm tuyên úy ở Paris. Nhưng vì là nhân viên của giáo phận Lyon nên thầy giữ chức vụ của mình tại Corbas. Vào các ngày chúa nhật, thầy cử hành nghi thức phụng vụ ở căn phòng trống này, thầy dùng các chiếc bàn ở đây để làm bàn thờ. Ngày thứ hai, thầy gặp nhóm chia sẻ, có  khoảng mười lăm người thường xuyên đến, họ rất vui được gặp nhau.

Nhóm có năm tuyên úy, thầy, ba phụ nữ và một ông, hai phụ tá, tất cả đều là giáo dân. Trước đây có bà y tá Bénédicte Defay, 52 tuổi ở bên cạnh họ. Thường thường bà sinh hoạt với một nhóm phụ nữ ở một phòng ấm hơn. Chủ đề trong ngày? Vai trò của tuyên úy trong nhà tù. Họ chuyền nhau quyển kinh thánh màu đỏ: đó là cây gậy biết nói để điều chỉnh họ.

Tỷ lệ quá tải nhà tù là 150%

Để đến phòng này, bạn phải đi qua các cánh cửa có lưới. Cơ sở hiện đại có 690 chỗ, nhưng có đến 1.032 tù nhân, hai hoặc ba người ở một phòng. Một số ngủ trên nệm trên sàn nhà. Thầy Bruno nói: “Tình trạng quá tải ở đây là 150%. Ở nhà tù Gradignan gần Bordeaux là 212%. Nếu nhà tù quá tải như vậy là vì có những trường hợp tái phạm”, thầy mong có các bản án xen kẽ và xem lại các biện pháp an ninh.

Kể từ tháng 3 năm 2022, sau hai năm gián đoạn vì Covid, thầy  đi thăm lại tù nhân. Quen thuộc với những người canh tù, mỗi tuần thầy đi thăm từ 20 đến 30 giờ. Các ngày thứ tư, thầy đến nhà tù dành cho trẻ vị thành niên ở Meyzieu.

Đức Phanxicô, “sứ giả của Chúa Kitô” bên các tù nhân 

Khôi phục lòng tin tưởng của tù nhân

Một câu nói của nhà hàn lâm Pháp François Mauriac hướng dẫn thầy mọi nơi: “Chính lòng tin tưởng của người khác đặt vào chúng tôi đã dẫn đường cho chúng tôi.” Thầy Bruno Lachnitt biết người tù nhân có thể lấy lại lòng tự trọng nếu họ thấy được vẻ đẹp trong chính con người họ. Thầy nói: “Biên giới giữa thiện và ác không vượt qua giữa mình và người khác, nhưng ở bên trong mỗi người. Trong chín năm, tôi chưa bao giờ sợ nhà tù.”

Trong xà lim, thầy nối kết các quan hệ sâu đậm. Thầy không bao giờ hỏi tù nhân vì sao họ bị bắt, nhưng cuối cùng họ là người nói sự thật. Thầy đã chứng kiến một người đứng đầu băng đảng khóc. Lòng tin tưởng người tù nhân đặt vào thầy, không phải do thầy, với thầy đó là “thứ quý giá nhất và cũng là thứ mong manh nhất”.

Thầy nói: “Tôi khi nào cũng cảm thấy như ở nhà mình khi tôi ở trong xà-lim với tù nhân. Tôi chỉ có thể cho sự lắng nghe và hiện diện của tôi.” Nhà tù là nơi thể hiện đức tin của thầy, nhưng không có chuyện giảng phúc âm: “Chính tù nhân là người nói lên. Tôi không bao giờ nói về tôn giáo trước. Tôi không có gì để dụ. Tôi ở đây không phải để nói về Chúa Giêsu nhưng trước tiên là để có một quan hệ huynh đệ, đồng hành đưa người đó về điều tốt nhất của họ.”

Một thử thách thể lý dựa trên sự tin tưởng

Từ sáu năm nay, mỗi mùa hè thầy Bruno Lachnitt đưa năm hoặc sáu tù nhân hành hương trên đường đến Santiago de Compostela, từ Puy-en-Velay đến Conques, họ đi bộ, đeo ba lô trong 10 ngày khoảng 200 cây số. Một thử thách thể lý dựa trên lòng tin tưởng. Quy định? Không đi xe, nếu một người bỏ cuộc, mọi người đi về nhà. Ban quản lý nhà tù cho phép một dạng thử thách gần gũi với trái tim của thầy. Thầy nói: “Một phép lạ, vì những người này đi đến cùng con người của họ, tôi thấy những thay đổi ấn tượng nơi họ. Và, cuối cùng họ đã có những nụ cười rạng rỡ.”

Các tù nhân trên đường hành hương về Compostelle

Với người đi trong tinh thần gia đình chọn con đường này đã thành “chuyên gia bong chân”, những giá trị sinh ra từ cuộc phiêu lưu đặc biệt này, tinh thần đoàn kết, bền bỉ chịu đựng đã mang lại ý nghĩa. Khác xa với luật của kẻ mạnh nhất, thường thường trong tù thứ bậc rất mạnh, ghứ bậc của “giá trị tối cao của đồng tiền, lô-gích của xã hội, nơi người giàu ngày càng giàu hơn”. Với thầy, sự nhất quán là quan trọng.

Một không gian ưu tiên cho bình an

Một số người bị giam giữ, tín hữu hoặc không tín hữu được ra ngoài để tham dự vào các nhóm chia sẻ. Không gian yên bình đặc biệt ở đây, các mối quan hệ được nối kết. Vào đầu mùa thu này, cuộc họp gần cây đàn piano đóng nắp kéo dài hai tiếng rưỡi.

Chúng tôi đã đề cập đến sự khó khăn trong việc giam giữ, bạo lực, những người cai ngục lăng mạ hoặc xúc phạm, chỗ ở chật hẹp của xà-lim, đôi khi không thể sống chung giữa các bạn tù, trẻ em bị xa phòng thăm nuôi, nỗi đau chia ly, đau khổ, tức giận, những trường hợp muốn tự tử, nỗi sợ khi đi dạo, lời Chúa, êm dịu. Buổi họp có thể là lần cuối cho đến lễ Giáng Sinh vì không có phòng. Nhưng bà giám đốc Dabia Lebreton cho biết sinh hoạt có thể tiếp tục. Ông Florent nhẹ nhõm nói: “Đó là tin tốt trong ngày.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Để tránh ngồi tù, anh chấp nhận đi hành hương