Ở châu Phi, các nữ tu bị lạm dụng sống trong sợ hãi
la-croix.com, Christophe Henning, 2022-10-13
Sơ Mary Lembo, nữ tu người Togo là nhà trị liệu tâm lý và là người huấn luyện cho các chủng viện và nhà dòng. Luận án của sơ viết về các nữ tu bị lạm dụng ở châu Phi, đã phá vỡ điều cấm kỵ và tố cáo những tổn thương của các vụ lạm dụng này trong Giáo hội. (Các nữ tu bị lạm dụng ở châu Phi, nói lên sự thật. Một nghiên cứu chưa từng xuất bản. Religieuses abusées en Afrique, faire la vérité. Une étude inédite. Mary Lembo, nxb. Salvator)
La Croix: Sơ là nữ tu người Togo vừa công bố kết quả điều tra về các nữ tu bị lạm dụng ở Châu Phi. Điều gì đã đưa đẩy sơ làm việc trên vấn đề này?
Sơ Mary Lembo: Là nhà giáo và nhà huấn luyện, tôi hướng dẫn các khóa học về sự trưởng thành tình cảm và tình dục để giúp các nữ tu sống đúng với lời khấn của họ. Trong bối cảnh này, tôi gặp nhiều phụ nữ thánh hiến, họ nói kinh nghiệm họ bị linh mục lạm dụng. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ họ có thể nói không với những quan hệ sai trái này, nhưng khi nghe họ nói, tôi hiểu họ không được tự do.
Làm thế nào họ lại vướng vào cảnh phục tùng này?
Các phụ nữ tận hiến này là người trưởng thành nhưng sống trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Khi họ lo nghĩ về ơn gọi hoặc khi thấy mình nghi ngờ về sự dấn thân, họ tâm sự với một linh mục, hoàn toàn tin cậy vào linh mục về mặt thiêng liêng cũng như nhân bản. Các vụ lạm dụng cũng có thể xảy ra khi làm việc trong giáo xứ: linh mục phụ trách và các nữ tu không ở trong thế bình đẳng. Dần dần, mối quan hệ chuyển từ tình huynh đệ sang thân quen, và họ không còn có thể tự bảo vệ mình được nữa.
Ở Phi châu, các nữ tu là nạn nhân của luật im lặng
Có phải địa vị linh mục mang lại cho họ tính kẻ cả này không?
Trong xã hội châu Phi cận Sahara, linh mục là nhân vật quy chiếu, nhà khôn ngoan, nhà lãnh đạo. Linh mục là người của Chúa, được tôn trọng, được kính sợ. Những gì linh mục yêu cầu, các nữ tu làm, vì kính sợ Chúa, vì sợ linh mục, họ nói nhân danh Chúa.
Sơ gặp khó khăn khi thu thập lời khai: nạn nhân chưa có quyền nói?
“Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện này,” “Tôi không biết, tôi nhận thấy tôi ngây ngô”, đó là các câu các sơ nói với tôi. Nói ra mang lại cho họ sức mạnh để tiếp tục nói. Kể câu chuyện đời mình giúp chúng ta tránh xa những đau khổ.
Chúng ta có thể nói về một tính chất mang tính hệ thống không?
Tôi đã tiến hành một nghiên cứu định tính dựa trên lời khai của các nữ tu để hiểu tác động của việc lạm dụng. Nhưng cho đến nay tôi chưa nghiên cứu về mặt thống kê. Nhưng ai sống và làm việc ở châu Phi đều có thể thấy phụ nữ rất dễ phục tùng. Và đó là những phụ nữ sống đời sống thánh hiến cho Chúa. Những trao đổi tôi có thể có với những người lãnh đạo cộng đoàn và những người đồng hành với các phụ nữ thánh hiến là điều khá đáng lo ngại.
Châu Phi gặp khó khăn trong việc báo cáo lạm dụng tình dục trong Giáo hội
Làm thế nào để tránh mối quan hệ mờ ám này trong trách nhiệm mục vụ?
Làm việc cùng nhau sẽ tạo ra một thân quen nào đó và có thể nảy sinh những ham muốn tình cảm, thôi thúc tình dục. Nếu mọi người được đào tạo một cách nhân bản, họ sẽ có thể tự đặt giới hạn để bảo vệ lời khấn của mình. Và chủ yếu trước hết là linh mục không được xâm phạm vào đời sống riêng tư của người khác. Việc lạm dụng tình dục tạo ra hoang mang, kẻ gây hấn dùng cách mua chuộc, đe dọa sẽ tiết lộ mọi thứ và chính người nữ tu sẽ bị đuổi.
Các giám mục, các nhà lãnh đạo Giáo hội có biết các vụ lạm dụng này không?
Một số linh mục có ý thức. Thông thường, các giám mục hỗ trợ các linh mục. Các giáo dân theo dõi các hành động của nữ tu, họ biết và không nói gì. Không ai dám nói gì về linh mục. Trong một số cộng đoàn, cấp trên không có khả năng xử lý những tình huống này. Chính nữ tu bị hành hung mới là người không giữ cam kết của mình. Cộng đoàn của họ không hiểu. Tất cả những gì họ phải làm là im lặng, hoặc bỏ đi…
Chúng ta có thể đo lường hậu quả của những tấn công này không?
Bị hiếp dâm, bị tấn công, có thai ngoài ý muốn… Trước hết là hậu quả về thể chất, nhưng cũng là tâm lý: xấu hổ, mặc cảm, buồn bã, đau khổ, hoang mang, nổi loạn, cô lập. Hậu quả vẫn còn trong cuộc sống cộng đoàn và trong các tương quan, nạn nhân không còn tin tưởng. Cuối cùng là hậu quả thiêng liêng: từ bỏ đời sống tu trì, phẫn nộ chống lại Chúa, thờ ơ việc thiêng liêng, kém hiệu quả trong việc truyền giáo. Đau buồn, họ sống như chết.
Tại sao lạm dụng tình dục hầu hết không được báo cáo ở Châu Phi
Có các thủ tục pháp lý để chống lại những kẻ xâm lược không?
Ở Cameroun các phụ nữ giáo dân bị linh mục lạm dụng, họ đang tự tổ chức để chống lại. Nhưng các nữ tu vẫn còn e dè. Nếu các tổ chức phi chính phủ lên tiếng kết tội một số linh mục, để bảo vệ các cô gái vị thành niên hoặc có các thủ tục tiến hành theo giáo luật, nhưng tôi không biết có vụ kiện nào liên quan đến các vụ hành hung các nữ tu. Họ sợ cho chính bản thân, họ sẽ bị cộng đoàn, gia đình, làng xóm của họ ruồng bỏ… Khi họ đi tố, họ phải được tháp tùng.
Tương lai của những phụ nữ thánh hiến bị tấn công này sẽ như thế nào?
Một số bỏ đời tu, nhưng không bỏ Giáo hội. Họ cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện, không còn muốn xưng tội, không còn xem linh mục là người thánh. Tôi vẫn nghe những lời này của một phụ nữ thánh hiến sống với con mình: “Trái tim tôi luôn là trái tim của một nữ tu.” Những người ở lại cảm thấy mình bất xứng, họ vẫn còn chịu tác động của linh mục. Cần phải có sức mạnh để nói với kẻ bạo hành rằng, “ông muốn làm gì thì làm, muốn vu khống gì thì vu, nhưng tôi từ chối quan hệ này.” Điều này chỉ có được nhờ đào tạo và họ sẽ thoát khỏi sự phục tùng. Được đào tạo sẽ giúp đương sự hiểu biết về chính mình, hiểu được các phản ứng tình cảm. Các mối quan hệ mục vụ cũng nên chuyên nghiệp hơn.
Sơ nhấn mạnh đến năng động của Giáo hội công giáo ở châu Phi: liệu cuộc khủng hoảng này có thể vượt lên được không?
Tôi hy vọng. Giáo hội Phi rất trẻ, rất năng động và đang phát triển. Người Phi theo đạo, họ tin Chúa, muốn phục vụ Chúa, và có rất nhiều ơn gọi. Nếu tất cả chúng ta đều nhận thức được vấn đề, chúng ta sẽ được củng cố trong đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa sẽ dùng chúng tôi để làm mạnh Giáo hội của Ngài.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Các nữ tu bị lạm dụng ở châu Phi: “Mối quan hệ không tương xứng với linh mục duy trì một hình thức lệ thuộc”
Một trên mười nữ tu Mỹ-Latinh bị một linh mục lạm dụng