Chiến tranh Nga-Ukraine: điều tệ nhất sẽ đến
newdailycompass.com, Riccardo Cascioli, 2022-09-25
Biểu tình chống đối ở Nga trong những ngày gần đây
Hy vọng về một hiệp định hòa bình dường như ngày càng xa vời, việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ngày càng khó khăn hơn, điều đó không có nghĩa là những nỗ lực giải quyết xung đột đều không có giá trị. Trong một phỏng vấn, tổng giám mục công giáo Matxcova Paolo Pezzi cho biết tình hình vô cùng nghiêm trọng và phải khẩn cấp thương thuyết.
Nếu nhìn qua sự kiện, những người đầu tiên phản đối quyết định tổng động viên của tổng thống Nga Vladimir Putin chính là công dân Nga bị ảnh hưởng trực tiếp. Các cuộc biểu tình, các cố gắng vượt biên giới để tránh chiến tranh chắc chắn không phải là tín hiệu trấn an cho Putin, dù ít nhất tổng thống Nga cũng nhận được sự ủng hộ của thượng phụ Mátxcơva Kyrill và toàn nước Nga, ông phát biểu trong một thông điệp gởi cho quân nhân: “Anh chị em hãy dũng cảm hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nhớ rằng nếu anh chị em hy sinh mạng sống của mình cho đất nước thì anh chị em sẽ được ở với Chúa trong Vương quốc của Ngài, Đấng sẽ ban cho anh chị em vinh hiển và sự sống đời đời.”
Không biết những lời này đã chạm đến trái tim của người lính Nga và những người được gọi nhập ngũ đến như thế nào, nhưng chắc chắn những lời này đã làm rung động những ai quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này, cũng giống như các quyết định được Putin công bố hai ngày trước, Putin kêu gọi vũ trang cho lực lượng trừ bị, trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các tỉnh Ukraine bị quân đội xâm chiếm.
Tổng giám mục công giáo Paolo Pezzi nói với hãng tin SIR ngày thứ tư 21 tháng 9: “Đây là một tình huống đáng lo ngại.” Ngài nói đúng: không ai là không lo trước sự leo thang này, kể cả những người trong chúng ta tiếp tục đứng nhìn mà không biết chuyện gì đang xảy ra, họ lo lắng nhất là hậu quả trên giá năng lượng. Và những phân tích về điểm yếu của Putin, việc ông mất lòng dân ở Nga cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của ông. Giả như thực sự đúng như vậy, bất kỳ sự bất ổn nào ở Nga, hoặc sự đoàn kết ở Nga cũng đều nguy hiểm.
Chúng ta không thể giữ bình tĩnh. Từ bảy tháng qua, khi xung đột tiếp tục leo thang, chúng ta vẫn thấy sự chia rẽ trong dư luận quần chúng, nơi các chính trị gia, cũng như nơi người ủng hộ, nơi đối thủ hay người lợi dụng xung đột ở Ukraine vì các lý do chính trị, và đó là điều đã xảy ra ở một số quốc gia. Như thử vấn đề chỉ dành cho người dân Ukraine và Nga mà không nhận ra ngọn lửa bùng phát trong một căn phòng, nếu không được dập tắt ngay lập tức, nó sẽ lan ra toàn nhà, sau đó lan ra khu phố và rồi đến toàn thành phố.
Tổng giám mục Pezzi tiếp tục: “Thật không may, hòa bình dường như xa vời.” Một ghi nhận có sức mạnh đến mức cần nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chính trị gia nói riêng phải gấp rút tìm ra giải pháp để tránh điều tồi tệ nhất. Ngài nói: “Hãy tìm mọi cách để tìm ra những con đường phù hợp để thúc đẩy các bên liên quan ngừng sử dụng vũ khí và ngồi vào bàn thương thuyết”, như Đức Phanxicô đã nói: “Hãy cố gắng giữ cho các con đường luôn mở, đừng bao giờ đóng lại.”
Nhưng điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn, cả vì sự leo thang đã được châm ngòi, và dường như tất cả mọi người – không chỉ Ukraine và Nga – dù không công khai thừa nhận nhưng đều bị thuyết phục phải có một cái gì đó có thể có được nếu tiếp tục chiến tranh.
Matxcova tin chắc họ có thể lấy lại các vùng đất đã trả cho Kyiv; chính phủ Ukraine được ca tụng với những thành công đầu tiên của cuộc phản công, tin rằng họ có thể thu hồi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đoạt kể cả Crimea; châu Âu và Hoa Kỳ đang dựa vào sự căng thẳng mà Nga đang gánh chịu để làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt Putin. Hiện tại, những nước duy nhất cân nhắc về việc chiến tranh tiếp tục là Trung Quốc và Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẵn sàng khai thác sự suy yếu của Nga để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.
Nhưng nếu cuộc chiến được mong đợi kết thúc với tuyên bố kẻ thắng người thua, rất có thể sẽ dẫn đến việc mở rộng xung đột hơn nữa, một biên giới sắp vượt qua khi sự can thiệp của Mỹ và Vương quốc Anh ngày càng thấy rõ, và bây giờ Matxcova tuyên bố rõ cuộc chiến là để chống lại phương Tây. Một dấu hiệu cho thấy trên thực tế có sự gia tăng các quy chiếu về việc dùng vũ khí hạt nhân. Người ta hy vọng có một cuộc đảo chính nội bộ ở Nga, và sau đó hy vọng vào người nào đó lên nắm quyền ở Matxcova, họ sẽ rút toàn bộ quân ra khỏi Ukraine, hy vọng này là một đánh cược mạo hiểm và có thể phải trả một giá rất đắt.
Tổng giám mục Pezzi xác định chìa khóa cho một giải pháp khả thi: “Theo tôi, vấn đề chính là tìm ra một lối thoát mà không làm ai cảm thấy bị thua”. Rất khó, cực kỳ khó; và ngài giải thích lý do vì sao: “Điều này chỉ có thể làm được, nghĩa là thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng mà không ai bị thua, là phải biết hy sinh chính mình. Khách quan mà nói, rất khó cho ai sẵn sàng làm bước đầu tiên. Như vậy chúng ta phải tiếp tục nhấn mạnh đến các bước sáng tạo.”
Những lời của tổng giám mục Pezzi nói lên một cách sáng suốt sự nghiêm trọng tột độ của hoàn cảnh và sự khó khăn cũng không kém trong giai đoạn này để tránh điều tồi tệ nhất. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo thực sự nhận thức được mối nguy hiểm sắp xảy ra mà cả thế giới đang phải đối diện và sẵn sàng xem việc chấm dứt chiến tranh là một ưu tiên; chủ yếu các nhà lãnh đạo không quan tâm đến việc liệu Nga hay Ukraine sẽ giành chiến thắng, mà là người sẽ thúc đẩy các bên liên quan “đi bước đầu tiên” hướng tới giải pháp thương lượng.
Bên ngoài Nga và Ukraine, vấn đề nghiêm trọng là chưa có nhà lãnh đạo nào có tầm mức này hoặc người có ý định này xuất hiện lúc này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch