aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2016-01-29
Sứ thần Tòa thánh ở Bangui cho biết, “hai tháng sau chuyến đi Bangui của Đức Phanxicô, không còn đụng độ va chạm, đó là cả một phép lạ.”
Thay vì chúa nhật sắp tới thì ngày 14 tháng 2 người Trung Phi sẽ quay lại phòng phiếu, vì lý do kỹ thuật tổ chức và có những điều trái phép trong vòng đầu chứ không phải vì căng thẳng mới, như người ta lo sợ sau cuộc nội chiến giáng xuống xứ sở chỉ cách đây vài tháng. Đức Giám mục Franco Coppola, sứ thần tòa thánh ở Bangui rất lạc quan: “Các vấn đề gây ra cuộc nội chiến vẫn luôn còn đó (…), nhưng các phe phái không còn đụng độ va chạm. Tiếng nói của Đức Giáo hoàng đã được nghe”, Radio Vatican loan tin lời sứ thần Bangui phát biểu.
Sau khi bị nghẽn là … can đảm
Từ cuối tháng 11-2015, sau chuyến đi của Đức Phanxicô, tình trạng đã hoàn toàn thay đổi, sứ thần tin chắc. Đối với Đức Giám mục Coppola, tất cả công lao này là do ý thức khơi lên trong tâm hồn người dân trong suốt chuyến đi dài của Đức Phanxicô, ngài nhấn mạnh đến khái niệm hòa bình nền tảng: “Thương nhau như anh em, dù có khác biệt tín ngưỡng, khác biệt chủng tộc”, vì tất cả chúng ta đúng thật là anh em của nhau, anh em cùng một đất nước, cùng một Cha. Theo sứ thần, chuyến đi của Đức Giáo hoàng rơi đúng vào đúng lúc: “Dân chúng đã sẵn sàng, đã muốn có hòa bình”, ngài đoan chắc, sau ba năm nội chiến, họ bị “nghẽn đường vì nỗi sợ người khác”. Đức Phanxicô đến nói với họ lòng thương xót, tha thứ, đã thổi lên dân chúng, lên Giáo hội các cảm nhận mới, một trạng thái tinh thần mới: “can đảm” loan báo những gì “phải loan báo, những gì mà họ không dám loan báo trước vô số tội ác, tội phạm: can đảm để được thương xót”, giám mục Coppola giải thích.
Như … một phép lạ?
Các vấn đề gây nên chiến tranh luôn còn đó và chính quyền sẽ được bầu ra sẽ phải giải quyết các vấn đề này, Anicet Georges Dologuélé và Faustin Archange Touadéra, hai cựu thủ tướng đứng đầu trong vòng bầu Tổng thống đầu tiên ngày 30 tháng 12 vừa qua. Sứ thần hiểu, giữa các phe phái, lệnh ngưng bắn không chính thức được đưa ra trong chuyến đi của Đức Giáo hoàng vẫn còn duy trì, đã cho ngài có lý do để lạc quan và dám nói đây là một “phép lạ”: “Từ sau chuyến đi của Đức Giáo hoàng, không còn đụng độ, không còn va chạm (…) đúng, người ta có thể nói đây là phép lạ; có nghĩa là tình huống đã thay đổi hoàn toàn (…) Với chuyến đi của Đức Giáo hoàng, bầu khí hoàn toàn thay đổi và vẫn còn, vẫn kéo dài”, ngài nhấn mạnh.
Cuộc trưng cầu dân ý về Hiến chế chúa nhật sau chuyến đi của Đức Giáo hoàng là một thử nghiệm: dân quân hai bên – một bên cựu Seleka đa số hồi giáo, một bên bài-Balaka đa số kitô giáo – đã cố gắng trở lại thói quen cũ của họ. Họ bắn chỉ thiên để yêu cầu dân chúng đừng đi bầu, giám mục Coppola cho biết. Nhưng dân chúng không nghe lời, họ đến khu vực trung ương của MINUSCA (lính mũ xanh của Liên Hiệp Quốc) để xin bảo vệ an ninh và như thế họ có thể đi bầu được. “Đây là lần đầu tiên dân chúng không tuân lệnh các dân quân”, sứ thần Bangui giải thích, lần đầu tiên các dân quân nhận ra dân chúng không còn ở bên cạnh họ. “Từ đó họ không còn bắn, dù bắn chỉ thiên.”
Cửa Thánh, một điểm ngoặc quyết định
Khi đến Bangui, Đức Giáo hoàng đã làm nhiều hành vi có tính cách tượng trưng nhưng dưới mắt sứ thần Coppola, việc lần đầu tiên mở Cửa Thánh cho Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Bangui là một điểm ngoặc chính: “Điều này làm cho dân chúng đặt câu hỏi mà từ trước đến nay, họ chưa bao giờ được giúp đỡ để đặt: “Làm sao vượt lên các tổn thương của cơn khủng hoảng?”. Tất cả các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đều nói đến công chính, nhưng nói công chính có nghĩa là ôm trong lòng kỷ niệm những chấn thương mình đã phải chịu, và đòi người phạm tội phải bị phạt, và trong cuộc xung đột này nếu Chúa Giêsu, thì Ngài sẽ yêu cầu “ai không phạm tội thì cầm cục đá ném đầu tiên” tôi nghĩ sẽ không có ai cầm cục đá. Bên này bên kia đều có lỗi (…)”.
Đương nhiên có những sự kiện cần phải giải quyết, nhưng điều quan trọng là dân chúng đã biết “Thiên Chúa nhìn vào từng tâm hồn, từng người với cái nhìn thương xót bất chấp tất cả những gì họ đã làm, và cái nhìn thương xót họ nhận từ Chúa giúp cho họ, đến lượt mình cũng nhìn người anh em với cái nhìn thương xót, sứ thần nói thêm.
“Điều này đã làm thay đổi ván bài”, sứ thần Bangui tin chắc. Ngài có thể thấy nơi phản ứng của các giám mục, linh mục, thành phần dấn thân nhất của Giáo hội, trước đây họ bị “nghẽn, không dám nói đến tha thứ và thương xót”, ngài khẳng định và sau chuyến đi của Đức Giáo hoàng, sau khi mở Cửa Thánh thì họ bắt đầu dám nói.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch