Giám mục Poisson, chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada giải thích các thách thức của chuyến đi Canada của Đức Phanxicô

124

Giám mục Poisson, chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada giải thích các thách thức của chuyến đi Canada của Đức Phanxicô

Tổng Giám mục Raymond Poisson là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Canada từ năm 2021 | © Michael_Swan / Flickr / CC BY-ND 2.0

cath.ch, I.Media, 2022-07-17

Công việc chuẩn bị, mong chờ của người dân bản địa, triển vọng cho tương lai… Tổng Giám mục Raymond Poisson, giáo phận Saint-Jérôme và Mont-Laurier, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Canada trao đổi về các vấn đề trong chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Canada (24-30 tháng 7-2022). Giám mục giải thích chuyến đi ít tập trung vào việc “nói lên lời xin lỗi” nhưng là “thực hiện các cử chỉ hòa giải cụ thể”.

Xin cha cho biết Giáo hội ở Canada mong chờ gì từ chuyến đi này?

Tổng Giám mục Raymond Poisson: Đối với chúng tôi, và cũng là ý định của Đức Phanxicô, chuyến đi này là chặng đường tiếp sau chuyến đi của phái đoàn đầu tiên đến Rôma, từ tháng 3 đến tháng 4 vừa qua với khoảng 150 anh chị em bản xứ. Điều này đã giúp giáo hoàng có dịp nghe lời chứng nhưng cũng để đoàn kết với các giám mục của Canada trong việc xin lỗi về những sai sót của các thành viên của Giáo hội công giáo trong việc quản lý các trường nội trú.

Bước tiếp theo này không phải là đưa ra lời xin lỗi nhưng thực hiện các cử chỉ hòa giải cụ thể trong hành trình chúng tôi tiếp tục đi cùng với các anh chị em bản địa chúng tôi, vì lợi ích cho toàn xã hội Canada, ở đây Giáo hội công giáo giữ vai trò lãnh đạo trong việc hòa giải.

Những điểm cần chú ý của chuyến đi là gì?

Trong hành trình của Đức Phanxicô, rất nhiều nơi được dành cho các giây phút gặp gỡ với người bản xứ. Việc chuẩn bị được thực hiện cùng với các cơ quan bản địa chính thức của quốc gia. Trong mỗi cuộc tụ họp, có một tỷ lệ nhằm đại diện cho sự hiện diện của người bản địa trong cộng đồng dân cư chính thức.

Các cuộc tụ họp lớn sẽ diễn ra tại Lac Ste-Anne ngày 26 tháng 7, ngày lễ Thánh Annà, và ngày 28 tháng 7 tại thánh địa Sainte-Anne-de-Beaupré ở Québec. Đó là hai địa điểm quan trọng, với người bản địa cũng như với người dân thường, hai nơi này là hình ảnh bà ngoại của Chúa Giêsu.

“Trong lương tâm của Đức Phanxicô, ngài đi đến cùng sứ mệnh của ngài, và chúng tôi xem đây như một món quà”

Ngài có hai nơi để từ đó ngài có thể làm sáng tỏ: chúng tôi chọn thành phố Edmonton, tỉnh bang Alberta, tỉnh phía tây nơi tập trung nhiều người bản địa nhất và là tỉnh có số lượng trường nội trú nhiều nhất trong lịch sử Canada. Và sau đó là Québec, trụ sở thành lập Giáo hội Mỹ. Với hai thành phố này, ngài sẽ thấy hai thực tế đặc biệt, vùng nói tiếng Anh ở phía tây, và nói tiếng Pháp ở phía đông. Điều này thật không dễ dàng chút nào vì du lịch ở Canada là di chuyển ở một đất nước rộng lớn hơn châu Âu rất nhiều!

Những biện pháp cẩn thận nào được lên chương trình cho sức khỏe của Đức Phanxicô, ngài đã phải hủy các chuyến tông du trong những tháng gần đây?

Chúng tôi thu xếp để ngài di chuyển ít nhất có thể. Những cuộc họp lớn chúng tôi tổ chức trong nhà, không cần làm thêm bục ngoài trời. Ngoài ra, vì đại dịch vẫn chưa kết thúc, nên việc tham dự qua phương tiện truyền thông được ưu tiên. Theo thông lệ, ngài sẽ đi với một phái đoàn 35 người gồm bác sĩ và nhân viên an ninh của ngài. Ở thành phố Edmonton, chúng tôi sẽ ở tại đại chủng viện, và ở Quebec tại tổng giáo phận, mọi thứ đều được trang bị.

Chuẩn bị mọi thứ để giáo hoàng không đi bộ quá 15 bước

Chuyến đi này rõ ràng là một cố gắng lớn của ngài, nội việc ngồi máy bay 7 đến 8 tiếng sẽ rất khó khăn cho ngài. Nhưng ngài vẫn duy trì chuyến đi, ngài quyết định làm sứ mệnh của mình cho đến cùng và chúng tôi xem đây như một món quà.

Đức Phanxicô sẽ gặp những dân tộc bản địa nào?

Có ba nhóm bản địa chính: Quốc gia Thứ nhất, Métis, và Inuit. Những người Métis và Quốc gia Thứ nhất cư trú trên khắp miền nam đất nước. Người Inuit ở vùng cực bắc lãnh thổ của họ. Để gặp những người này, trước khi về lại Rôma, ngài đã quảng đại dừng chân ở Iqaluit, một thị trấn nhỏ có 7.000 đến 8.000 dân, là thủ phủ lãnh thổ của họ.

Đức Phanxicô sẽ đến thăm thành phố Iqaluit, phía bắc Canada | © Johannes Zielcke / Flickr / CC BY-NC-ND 2.0

Các anh em người bản địa chúng tôi rất quan tâm đến chuyến thăm này. Từ hai năm nay, mối quan tâm đã không ngừng tăng khi lần đầu tiên tháng 12 năm 2019, tôi nói chuyện với ngài về một phái đoàn sẽ đến Rôma và một chuyến đi của ngài. Ngài rất quan tâm đến phương pháp sư phạm này. Việc ngài đến tại chỗ cũng là một trong những lời kêu gọi của báo cáo Ủy ban Sự thật và Hòa giải của chính phủ (hoạt động từ năm 2008 đến năm 2015).

Cha có thể cho chúng tôi biết về Giáo hội công giáo trong xã hội Canada không?

Canada có 10 tỉnh, với các vùng lãnh thổ và nền văn hóa rất khác nhau. Về phía Canada thuộc Pháp, Québec và vùng Đại Tây Dương có tinh thần tôn trọng nhau, đón nhận, cởi mở và đối thoại. Kể từ những năm 1960 và 1970, chúng ta có thể thấy tỉnh bang Québec xem một số ý tưởng về chủ nghĩa thế tục là một hiện tượng tôn giáo có cái gì đó riêng tư, không thể hiện trong xã hội, ở nơi công cộng.

Ở Quebec, theo truyền thống, gần như tất cả đều theo đạo công giáo. Có 70-75% được rửa tội nhưng chỉ có 2% đi nhà thờ ngày chúa nhật. Tuy vậy các người trẻ của chúng tôi vẫn có một cái nhìn và tấm lòng thiện cảm dành cho Giáo hội của họ. Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều gia đình xin cho con cái họ được rửa tội, họ chọn các giá trị Tin Mừng làm giá trị hàng đầu, điều này không có nghĩa là họ đi lễ thường xuyên.

“Chúng tôi không biết nhiều về các anh chị em bản xứ của chúng tôi và ngược lại.”

Đây là cả một thách thức để chào đón thế giới này, một thế giới đang đi tìm. Ơn gọi thì rất hiếm. Các linh mục nước ngoài giúp chúng tôi rất nhiều, nhưng đây không phải là giải pháp cho tương lai. Một Giáo hội phải có khả năng tự cung cấp các nguồn lực của mình, nếu không thì Giáo hội sẽ già đi và biến mất.

Giáo hoàng cũng sẽ gặp Thủ tướng Justin Trudeau, người có quan điểm về một số vấn đề xã hội như hỗ trợ y tế khi hấp hối, phá thai, vấn đề giới tính và đã tạo tranh chấp với Giáo hội.

Ông Trudeau là chính trị gia. Nhưng trong bài phát biểu chính thức của ông khi phát hiện nghĩa trang ở các trường nội trú, ông là người đầu tiên nói trên các phương tiện truyền thông: “Tôi là người công giáo và điều này làm cho tôi đau lòng, tôi rất khổ ”. Nơi người đồng hương chúng tôi, cũng như nơi người phương Tây sống vào thời buổi 2022, chúng tôi yêu mến Giáo hội và đồng thời chúng tôi cảm nhận có một độc lập, một chỉ trích đối với thể chế. Người Canada phần nào bị giằng xé giữa các giá trị của thế giới đương đại và các giá trị của Giáo hội. Có một khoảng cách ngày càng mở rộng. Nhưng theo tôi sẽ không có cuộc thảo luận nào về những vấn đề xã hội này giữa thủ tướng Trudeau và Đức Phanxicô, ngoại trừ trong riêng tư.

Ở Québec, chúng tôi đã sang trang các cuộc tranh luận, nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Người ta biết Giáo hội nghĩ gì, nhưng Giáo hội đón nhận, không phán xét, không áp đặt lên toàn xã hội. Chẳng hạn trong vấn đề hỗ trợ y tế khi hấp hối, hành động này luôn được thể hiện như một hành động trắc ẩn. Nếu tôi nói tôi phản đối, tôi bị xem là người không có lòng trắc ẩn. Đây không phải là lúc để tranh cãi, chúng ta không ở trong thời buổi thích hợp. Vai trò của chúng tôi là tập trung cố gắng, sức lực của mình vào việc chăm sóc ở giai đoạn cuối, hiện diện, đồng hành, yêu thương, bình tĩnh và để cuộc sống đi theo tiến trình của nó.

Và sau chuyến thăm của giáo hoàng, đâu là các triển vọng?

Chúng tôi không biết nhiều về các anh chị em bản xứ của chúng tôi và ngược lại. Chúng tôi đã nghĩ đến nhiều sáng kiến khác nhau giúp chúng tôi xây dựng một xã hội khác, tôi hy vọng điều tốt nhất. Chúng tôi đã dành một quỹ 30 triệu đô la Canada – số tiền rất lớn với Giáo hội Canada – cho các dự án hòa giải với các anh chị em bản địa chúng tôi. Để hiểu nhau hơn, thông qua giao lưu văn hóa, dự án xây dựng các tượng đài, xây dựng tương lai. Sau chuyến đi, chúng tôi sẽ bắt đầu việc này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho “chuyến hành hương đền tội” của ngài ở Canada

Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Canada: tuổi của ngài là một lợi thế