“Hôm nay tôi làm gì cho người dân Ukraine?”
cath.ch, I.Media, 2022-06-19
Nhiều thị trấn ở Ukraine bị tàn phá vì chiến tranh | © UNDP Ukraine / Flickr / CC BY-ND 2.0
Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 19 tháng 6 năm 2022 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô mời mọi người tự hỏi xem mình đang làm gì cụ thể cho người Ukraine, ngài nhắc lại cuộc tử đạo của những người vẫn còn bị đau khổ sau gần bốn tháng chiến tranh.
Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô xin chúng ta đừng quên người Ukraine, một dân tộc đang đau khổ: “Tôi mong câu hỏi sau ở lại trong tâm hồn anh chị em: Hôm nay tôi đang làm gì cho người dân Ukraine? Tôi có cầu nguyện không? Tôi có giúp đỡ họ không? Tôi có cố gắng tìm hiểu vì sao không?” Sau đó ngài xin mỗi người trả lời những câu hỏi này trong tâm hồn mình.
Xin đừng quen với chiến tranh
Vào đầu tuần, trong một phỏng vấn với các giám đốc tạp chí Dòng Tên, ngài đã ca ngợi dân tộc anh hùng Ukraine, họ “không sợ chiến đấu” và “tự hào về đất nước của họ”. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngài cho biết ngài không “ủng hộ Putin”, nhưng ngài muốn giảm bớt sự phức tạp của cuộc xung đột khi “phân biệt kẻ tốt, kẻ xấu”.
Đức Phanxicô: “Tôi không ủng hộ Putin”
Kể từ khi quân Nga xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2, đã nhiều lần Đức Phanxicô kêu gọi hòa bình. Tuần trước, cũng trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật, ngài xin mọi người đừng quen với thực tế bi thảm của chiến tranh và cho biết “suy nghĩ về dân tộc Ukraine bị chiến tranh tàn phá vẫn luôn ở trong trái tim ngài.
Cầu nguyện cho người dân Miến Điện
Sau đó ngài nhắc đến “tiếng kêu đau đớn” của người dân Miến Điện đang sống dưới ách thống trị của quân đội kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2021. Ngài xin cộng đồng quốc tế đừng quên quốc gia châu Á này. “Từ Myanmar lại vang lên tiếng kêu đau đớn của rất nhiều người thiếu viện trợ nhân đạo cơ bản và buộc phải rời bỏ nhà cửa vì nhà của họ đã bị đốt cháy, họ phải chạy trốn bạo lực.”
142 trẻ em bị tra tấn
Trong những tháng gần đây, chính quyền Miến Điện tiếp tục nhắm vào các nhà thờ và cơ sở tôn giáo. Theo cơ quan Truyền giáo nước ngoài (MEP, Paris) có đến vài chục nhà thờ, trong đó có các nhà thờ công giáo ở bang Chin và Kayah đã bị các cuộc không kích và pháo kích phá hủy. Ngoài ra, hàng ngàn người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số theo kitô giáo đã bị cưỡng bức phải ra đi vì xung đột nội bộ, và một số đã qua Ấn Độ”.
Ngày 1 tháng 2 năm 2021, một cuộc đảo chính quân sự lật đổ nhà cầm quyền Miến Điện và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đẩy đất nước này vào cảnh hỗn loạn. Theo báo cáo của cơ quan MEP, ngoài hàng trăm ngàn người phải di cư, hơn 1.900 người, trong đó có 100 trẻ em đã thiệt mạng và hơn 14.000 người khác bị cầm tù. Bản tin đau buồn của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 14 tháng 6 cho biết chính quyền quân sự bị cáo buộc đã tra tấn ít nhất 142 trẻ em.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch