Lần đầu tiên Vatican công bố cách sử dụng Quỹ Thánh Phêrô
Quỹ Thánh Phêrô phải được minh bạch. Ngày 16 tháng 6, lần đầu tiên Vatican công bố cách thức sử dụng các khoản quyên góp liên quan đến Quỹ Thánh Phêrô cũng như giải thích về nguồn gốc của Quỹ. Các số liệu cho thấy có sự giảm sút trong doanh thu chung.
cath.ch, I.Media, 2022-06-16
Năm 2021, Quỹ Thánh Phêrô đã quyên được được 46,9 triệu âu kim và thâm hụt 18,4 triệu âu kim. Về doanh thu, năm 2021 có sự phục hồi nhẹ sau năm 2020 rất kém do đại dịch (44,1 triệu âu kim). Tuy nhiên, con số này vẫn còn xa so với con số 69,7 triệu âu kim nhận được năm 2015.
Quỹ Thánh Phêrô là tên đặt của cơ quan tài chánh được giáo dân trên khắp thế giới quyên tặng cho giáo hoàng để giúp ngài “đáp ứng nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ và giúp đỡ những người bị thiếu thốn nhất”.
30% số tiền quyên góp là từ Hoa Kỳ
Tòa Thánh cho biết, 65,3% số tiền quyên góp trực tiếp từ các giáo phận, 22% từ các quỹ và 9% trực tiếp từ giáo dân (4 triệu âu kim). Và cuối cùng là quyên góp từ các dòng tu, chiếm 3,7% tổng số tiền quyên góp.
Nguồn gốc các khoản đóng góp từ các giáo phận: Hoa Kỳ mạnh nhất (29,3% tổng số các khoản đóng góp tương đương 13 triệu âu kim). Sau các giáo phận Mỹ là các giáo phận Ý (11,3%, 5 triệu âu kim) và Đức (5%, 2,3 triệu âu kim).
Trong số các quốc gia đóng góp chính có Hàn Quốc (1,4 triệu âu kim, 3,2%), tiếp theo là Pháp (1,2 triệu âu kim, 2,7%). Tây Ban Nha và Brazil mỗi nước chiếm 2% số tiền quyên góp. Tiếp đến là Ai-len, Cộng hòa Séc và Canada với số tiền quyên góp dưới 1 triệu âu kim. Chỉ riêng 10 quốc gia này đã chiếm 59,7% doanh thu của Quỹ Thánh Phêrô.
9,8 triệu âu kim để tài trợ cho các dự án trên khắp thế giới
Để đáp ứng các chi phí – 65,3 triệu âu kim năm 2021 – 18,4 triệu âu kim được lấy từ di sản hiện có của Quỹ Thánh Phêrô. Sau đó các số tiền được sử dụng là 55,5 triệu âu kim để “giúp đỡ việc truyền giáo” và 9,8 triệu âu kim cho các dự án hỗ trợ trực tiếp.
Trong số 9,8 triệu này, 40% dự án tài trợ ở châu Phi, 22% ở Mỹ, 24% ở châu Á và 12% ở châu Âu. Gần một nửa số dự án là xã hội – như xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục hoặc các chương trình chống bóc lột tình dục. Một phần ba được dành để tài trợ cho sự hiện diện của các “Giáo hội cần giúp đỡ” – như việc xây dựng các ký túc xá ở Indonesia và Nam Sudan. Và cuối cùng là 1/5 số tiền dùng để bảo tồn và mở rộng sự hiện diện của các nhà thờ – tu sửa một tu viện ở Ecuador hoặc xây một nhà thờ lớn ở Bồ Đào Nha.
Về khoản tiền 55,5 triệu âu kim đã dùng để đóng góp vào 23% tổng chi phí của Tòa thánh năm 2021 (237 triệu âu kim). Số tiền này được phân phối công bằng giữa các sứ mệnh khác nhau – hỗ trợ cho các Giáo hội cụ thể, tài trợ cho việc truyền thông và thờ phượng, duy trì các sứ thần và di sản lịch sử, v.v.
Một uy tín phải được xây dựng lại
Nỗ lực minh bạch này của Tòa thánh nhằm mục đích tạo lại uy tín đã bị hoen ố, tên của Quỹ Thánh Phêrô đã xuất hiện trong một số vụ bê bối tài chính. Vụ mới nhất là vụ tòa nhà ở London, hiện đang được tư pháp Vatican điều tra. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao đương nhiệm về kinh tế của Tòa thánh gần đây đã đảm bảo, những tổn thất do vụ này gây ra đã được đền bù theo cách mà các khoản quyên góp được sử dụng tốt cho sứ mệnh của giáo hoàng.
Vụ tòa nhà ở London đã giúp tiết lộ sự mờ ám chung quanh việc quản lý Quỹ Thánh Phêrô. Từ lâu được đặt dưới sự kiểm soát của Phủ Quốc vụ khanh, quỹ Obolus – quỹ quản lý các khoản quyên góp của Quỹ Thánh Phêrô – đã được Đức Phanxicô chuyển giao cho Ban Quản lý di sản Tông tòa (APSA) tháng 12 năm 2020. Ngoài ra, kể từ khi ban hành tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium, Ban Thư ký Kinh tế hiện có quyền kiểm soát quỹ, việc quản lý tài chính được giao Ngân hàng Vatican IOR, ngân hàng duy nhất của Vatican. Các quyết định sẽ cho phép kiểm soát tốt hơn và minh bạch hơn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch