Đức Phanxicô đến Canada: chuẩn bị chuyến đi “rất phức tạp”, thậm chí còn “xáo trộn”
Các nhà tổ chức phải đối diện với một loạt các hạn chế liên quan đến tình trạng sức khỏe của giáo hoàng. (Tài liệu lưu trữ)
Ảnh: Getty Images / AFP / VINCENZO PINTO
ici.radio-canada.ca, Charles Le Bourgeois, 2022-05-25
Theo một nhà tổ chức ẩn danh, việc tổ chức chuyến đi của giáo hoàng đến Canada từ ngày 24 đến 29 tháng 7, là “rất phức tạp”, thậm chí bị cho là “rất xáo trộn”. Theo ông, sự phức tạp của công việc hậu cần này do tình trạng sức khỏe của giáo hoàng 85 tuổi, từ vài tuần nay ngài đã phải ngồi xe lăn.
Các giới hạn của hậu cần
Trước tình trang này, văn phòng phụ trách các chuyến tông du của giáo hoàng ở Vatican đã cho các nhà tổ chức ở Canada biết một loạt các hạn chế về hậu cần nhằm hạn chế sự di chuyển của ngài.
Từ đầu tháng 5, vì đau đầu gối, Đức Phanxicô đã xuất hiện công khai trên xe lăn. Ảnh: AP / Gregorio Borgia
Chẳng hạn, ngài sẽ chỉ có thể chủ trì mỗi ngày một sự kiện lớn, trừ khi sự kiện thứ hai diễn ra trong thời gian ngắn và ngài có thì giờ nghỉ ngơi trong khi chờ đợi.
Các sự kiện phải tương đối ngắn gọn, vì ngài không thể ở lâu tại chỗ quá một giờ.
Với tình trạng sức khỏe bây giờ, ngài không thể đi máy bay trực thăng và chỉ có thể đi xe trong một thời gian ngắn, điều này giới hạn khoảng cách ngài có thể đi và số nơi ngài đến thăm. Hơn nữa, tình trạng sức khỏe của ngài không cho phép ngài ngủ mỗi đêm ở một nơi khác nhau.
Chương trình chuyến đi
Với những hạn chế này, những mong muốn do chính ngài đưa ra, chặng đầu tiên của chuyến tông du là ở thành phố Edmonton, sẽ diễn ra từ ngày 26 tháng 7. Ngài sẽ có thể đến thăm một trường nội trú trước đây dành cho người bản địa và thổ dân, thăm Lac Sainte-Anne, nơi hành hương kính Đức Mẹ của người bản địa.
Kể từ thế kỷ 19, địa điểm hành hương Lac Sainte-Anne là nơi quy tụ người công giáo Các quốc gia Đầu tiên và Métis. Ảnh: Radio-Canada / Travis McEwan
Ở lần dừng chân đầu tiên này, trên vùng đất các Quốc gia Đầu tiên, Đức Phanxicô sẽ lặp lại lời xin lỗi của ngài về việc Giáo hội dự phần trong hệ thống trường học nội trú.
Sau đó, ngài tiếp tục chuyến đi đáp lại lời kêu gọi theo hành động số 58 trong báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải Canada, trong đó xin giáo hoàng nói lời xin lỗi trên đất Canada.
Chặng thứ hai của chuyến đi, ngài sẽ đến thành phố Québec, tại đây sẽ có thánh lễ cử hành tại vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupré, là nơi hành hương của người bản địa kính mến Thánh Annà.
Các chuyên gia du lịch ở Sainte-Anne-de-Beaupré hy vọng sẽ hưởng lợi về mặt kinh tế trong nhiều năm qua chuyến đi này của Đức Phanxicô. Ảnh: Radio-Canada / Victor Paré
Chặng thứ ba và cuối cùng, Đức Phanxicô sẽ đến Iqaluit, chuyến đi này ngắn hơn, chỉ kéo dài vài giờ trước khi ngài lên máy bay về Rôma.
Đây sẽ là lần đầu tiên một giáo hoàng đến thăm vùng Bắc Cực.
Điều phối công việc
Theo một trong những nhà tổ chức chuyến đi, số lượng các nhóm tham dự vào ban chuẩn bị chuyến đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp.
Tại Vatican, văn phòng phụ trách tổ chức các chuyến tông du hợp tác với nhóm tổ chức Canada, họ phải làm việc với các cộng đồng bản địa khác nhau cũng như với các chính phủ của bang Alberta, Québec và Nunavut, các thành phố sẽ đón giáo hoàng.
“Các Quốc gia Đầu tiên, Inuit và Métis đều cảm thấy lo ngại cho chuyến đi này” – Trích dẫn từ một người tổ chức chuyến thăm của Giáo hoàng đến Canada
Nhóm tổ chức mong càng có nhiều người bản địa tham gia vào chuyến đi này càng nhiều càng tốt, dù giáo hoàng chỉ dừng lại ở ba nơi, do tuổi tác và vấn đề sức khỏe của ngài.
Phái đoàn đi theo Đức Phanxicô gồm khoảng 70 người, đặc biệt là ban y tế, các cận vệ Thụy Sĩ và hiến binh Vatican, các nhân viên hậu cần và thông dịch viên.
Ông Loup Besmond de Senneville, chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Quốc tế được công nhận tại Vatican cho biết, các nhân viên trách nhiệm hậu cần và an ninh giáo hoàng có hai đến ba chuyến đi nghiên cứu trước tại chỗ. Những chuyến đi chuẩn bị này có mục đích thăm các nơi, ước lượng khoảng cách và thời gian di chuyển, lập kế hoạch cách vận chuyển và đặt khách sạn cho phái đoàn của giáo hoàng.
Còn về nơi ở của giáo hoàng phải đáp ứng một số tiêu chuẩn an ninh, phải được Hiến binh Hoàng gia Canada (GRC) và Hiến binh Vatican chấp thuận. Địa điểm này phải phù hợp với giáo hoàng trong tình trạng ngồi xe lăn.
Tiếp đón một giáo hoàng ngồi xe lăn là một trong những hạn chế của chuyến đi Canada. Ảnh: AP / Gregorio Borgia
Nhà báo Loup Besmond de Senneville, người đã theo giáo hoàng trong các chuyến tông du khác cho biết, các thiết bị đặc biệt như thang máy có thể cần phải lắp đặt, như trong chuyến đi Malta gần đây của ngài vào đầu tháng 4 vừa qua.
Một chuyến đi mệt mỏi
Nhà báo De Senneville cho biết chuyến đi này rất quan trọng, và sẽ khá nặng nề về mặt hậu cần, về con người và về mệt mỏi.
Giáo hoàng sẽ đi một chuyến đi dài, điều mà từ nhiều tháng nay ngài không đi, sẽ có các chuyến bay nội bộ, chênh lệch múi giờ và chênh lệch nhiệt độ.
Đức Phanxicô sẽ đến Canada sau chuyến tông du châu Phi. Ảnh: dpa via getty images / Andreas Solaro
Theo nhà vatican hoc, chuyến đi lần này của Đức Phanxicô là chuyến đi rất đặc biệt, chuyến đi xin tha thứ cho một vấn đề thiết thân với ngài, đồng thời cùng là một chuyến đi mệt mỏi về thể lý vì chỉ ba tuần sau chuyến đi kéo dài nhiều ngày ở châu Phi đầu tháng bảy.
Một người trong ban tổ chức cho biết, khi ngài đến sân bay, theo nghi thức, ngài sẽ được bà Mary Simon, toàn quyền Canada, người đại diện cho Nguyên thủ quốc gia, Nữ hoàng Elizabeth II. Bà Simon là người bản địa, nên sẽ giúp ích rất nhiều, vì giáo hoàng sẽ không chỉ gặp bà toàn quyền nhưng còn gặp một người bản địa.
Còn hơn là lời xin lỗi?
Trong tiến trình tổ chức chuyến tông du, người dân mong chờ ở giáo hoàng nhiều hơn là một lời xin lỗi, vì ngài đã có những cuộc gặp với người bản địa ở Vatican.
Gần 200 người đã gặp ngài trong buổi tiếp kiến cuối cùng vào tháng 3 năm 2022 tại Vatican, chủ yếu là người Inuit, Métis và các Quốc gia Đầu tiên. Ảnh: Courtesy Vatican: Divisione Produzione Fotografica Simone Risoluti
Tháng 3 vừa qua, trong buổi gặp phái đoàn người Métis, ngài đã nói ba từ bằng tiếng Anh, để người bản địa hiểu được: sự thật, công lý và chữa lành.
Bà Cassidy Caron, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Métis sau đó cho biết, bà xem đó là lời cam kết cá nhân của giáo hoàng và những hành động sắp tới.
Trong số những chuyện khác, người thổ dân đòi trả lại các đồ vật thuộc về họ, và những thứ ở trong tay Giáo hội, cũng như quyền tham khảo các tài liệu liên quan đến các trường nội trú lưu trữ trong các cơ sở công giáo.
Theo một người trong ban tổ chức chuyến đi, Đức Phanxicô thường đến gặp những người đã mất đức tin, mất hy vọng để an ủi họ, nhưng lần này ngài đến để chữa lành những vết thương do chính những người phụ trách Giáo hội gây ra.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô đến Canada từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 7 để xin người bản địa tha thứ