Tại sao lạm dụng tình dục hầu hết không được báo cáo ở Châu Phi
international.la-croix.com, Lucie Sarr, 2022-04-22
Sơ Josée Ngalula của dòng Thánh Anrê giải thích có ít nhất tám lý do chính vì sao giáo dân châu Phi không tố cáo lạm dụng tình dục, chủ yếu là do các chuẩn mực văn hóa nói chung của châu lục.
Năm ngoái, sơ Ngalula, nữ tu 62 tuổi người Congo, là phụ nữ Phi châu đầu tiên được chỉ định là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC), một cơ quan dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo lý Đức tin.
Sơ Josée dạy thần học tín lý tại một số viện thần học ở Phi Châu, sơ có 20 năm kinh nghiệm làm mục vụ với các nạn nhân lạm dụng tình dục và với các cơ quan giúp đỡ họ.
Sơ vừa làm một báo cáo dựa trên các công việc của sơ trong lĩnh vực này. sơ có cuộc phỏng vấn độc quyền với bà Lucie Sarr, báo La Croix Africa.
La Croix Africa: Một cuộc khảo sát của trang La Croix Africa cho thấy các nạn nhân ở châu Phi gặp khó khăn khi báo cáo lạm dụng tình dục trong gia đình và Giáo hội. Gần đây sơ đưa ra một tài liệu dựa trên 20 năm nghiên cứu mà sơ đã thực hiện với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và các cơ quan tháp tùng họ. Sơ đề cập đến những lý do chính vì sao các nạn nhân và nhân chứng các vụ này từ chối làm chứng. Báo cáo này dành cho ai và mục tiêu của nó là gì?
Sơ Josée Ngalula: Báo cáo này được thực hiện theo yêu cầu của các thể chế Giáo hội, muốn có kiến thức chuyên môn để giúp Giáo hội tốt hơn trong việc đồng hành với các nạn nhân trong gia đình, xã hội, giáo xứ và các tổ chức khác của Giáo hội.
Theo báo cáo này, các lý do làm cho nạn nhân từ chối làm chứng là gì?
Có 8 lý do chính làm cho các nạn nhân và nhân chứng của các vụ lạm dụng tình dục ở châu Phi – chủ yếu ở khu vực nông thôn – bị chặn khi tố cáo những kẻ xâm hại mình.
Điều quan trọng là phải tìm giải pháp giúp họ để họ có thể yên tâm làm chứng và trong an toàn. Một trong những lý do là vấn đề trinh tiết, một vấn đề tâm lý làm họ e ngại không dám nói ra.
Đứng vậy, theo quan điểm văn hóa, trinh tiết của người con gái vẫn là một giá trị thiêng liêng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Vì thế một cô gái trong gia đình theo đạo nghiêm túc hay một nữ tu bị mất trinh thì sẽ bị kỳ thị, ngay cả người ta còn không hỏi trường hợp này đã xảy ra như thế nào. Cô đó bị cho là “bẩn”, một số cộng đoàn còn đuổi một cách có hệ thống khi họ biết nữ tu đó mất trinh.
Và điều này làm cho các cô rất sợ: đi và báo cáo mình là nạn nhân bị sờ mó hoặc bị hiếp là để cho xã hội biết mình đã mất trinh tiết.
Vì sợ bị kỳ thị và sợ bị đuổi ra khỏi gia đình (với cô gái trẻ), hoặc bị đuổi ra khỏi dòng (nữ tu nạn nhân lạm dụng tình dục), các cô không khai và im lặng chịu đựng.
Ngược lại những kẻ đồi trụy đi hiếp các cô gái trẻ và phụ nữ sợ hãi theo kiểu này, vì họ biết chắc những người này sẽ không bao giờ đi tố cáo vì sợ bị đuổi ra khỏi nhà hoặc ra khỏi dòng.
Điều này dẫn đến kết luận, những kẻ lạm dụng sẽ tiếp tục phạm tội vì không bị trừng phạt, vì khi xét xử họ sẽ được tha tội do thiếu lời khai từ chính nạn nhân.
Nhưng những kẻ lạm dụng nên biết vấn đề này sẽ không còn hiệu quả nữa: các cơ quan chức năng khác nhau đã biết và họ đã có các biện pháp để tìm bằng chứng ngoài lời khai miệng của các nạn nhân.
Nhưng những tình huống tương tự cũng xảy ra với phụ nữ đã có gia đình…
Đúng, vì thông thường, trong xã hội chúng tôi, bị cưỡng hiếp còn bị cho là ngoại tình. Một phụ nữ đã lập gia đình mà bị hiếp là đương nhiên bị rẩy bỏ dù có bằng chứng khách quan cho thấy họ là nạn nhân (trong hoàn cảnh chiến tranh chẳng hạn).
Kết quả là, những phụ nữ đã lập gia đình khi bị lạm dụng cũng không đi tố vì sợ bị chính gia đình mình rẩy bỏ và khinh thường.
Do đó, những kẻ đồi trụy chọn các phụ nữ đã có gia đình để hiếp vì họ biết họ sẽ không bị tố cáo.
Tuy nhiên, ngày nay các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ: những kẻ lạm dụng sẽ không còn được tha tội vì một sáng kiến trên phạm vi rộng đã được thực hiện ở một số giáo phận để nạn nhân được công nhận là nạn nhân và được bảo vệ: những kẻ lạm dụng sẽ không còn được miễn tội.
Báo cáo của sơ nhấn mạnh các vấn đề về bộ tộc và sắc tộc đôi khi bị các kẻ lạm dụng công cụ hóa…
Có, và nó đã xảy ra.
Nói chung ở các vùng nông thôn, khi có người tố cáo hành vi xấu của bất kỳ người có thẩm quyền nào, những người trong gia đình và bộ tộc của người có thẩm quyền sẽ tấn công người đi tố cáo, buộc tội người này muốn bắt cóc “anh em” mình để gia đình hoặc bộ tộc của họ “mất quyền lực”. Bằng cách này, nỗ lực nhỏ nhất để tìm kiếm công lý và pháp quyền sẽ bị bộ lạc hóa. Điều này xảy ra ngay cả trong môi trường Giáo hội.
Do đó, khi một linh mục hay một mục sư cư xử không tốt (trong bất kỳ lĩnh vực nào), thì giáo dân nào dám báo cáo sẽ bị gia đình hoặc bộ tộc của linh mục hoặc mục sư đe dọa, có khi họ còn bị đánh.
Trong bối cảnh này, cả nạn nhân và nhân chứng đều sống trong nỗi sợ hãi sâu sắc về những đòn trả thù và họ không bao giờ muốn nói sự thật của sự việc thật. Họ thà im lặng mãi mãi.
Tuy nhiên, nhiều công việc đang được thực hiện trong một số môi trường tư pháp để bảo vệ nạn nhân và các nhân chứng, để họ có thể an toàn làm mà không sợ nguy hiểm đến tính mạngï.
Sơ cũng đề cập đến việc các kẻ lạm dụng sử dụng ma túy. Một số nạn nhân bị lạm dụng vì ma túy?
Đúng. Điều này dẫn đến việc thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, một số vụ lạm dụng tình dục xảy ra khi kẻ lạm dụng đánh thuốc mê nạn nhân.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, tôi biết có nhiều trường hợp khi mục sư, thầy linh hướng của làng, hoặc linh mục nhận làm linh hướng cho các phụ nữ trẻ đã cho họ uống một loại nước trái cây hoặc một thức uống khác, trong đó họ bỏ một ít bột ngủ.
Người phụ nữ trẻ đột nhiên ngủ thiếp đi trong hai hoặc ba giờ, và khi tỉnh dậy, cô thấy mình bị cởi quần áo và mặc lại rất khó, có khi còn bị chảy máu.
Trong trường hợp này, không thể buộc tội linh mục hiếp dâm vì không có bằng chứng khách quan, trong các cuộc hỏi cung, cơ quan sẽ yêu cầu nạn nhân kể chính xác những gì đã xảy ra, nhưng họ không thể mô tả lời nói và hành động của kẻ bạo hành vì họ đã bị dưới tác động của ma túy.
Đây là cách mà nhiều linh mục, mục sư và thầy linh hướng của làng được cho là vô tội trước tòa án của Giáo hội: nạn nhân không thể chứng minh ai là thủ phạm.
Vì thế không thể truy tìm được dấu vết của hành vi gây hấn. Tình trạng này đã làm nạn nhân và các luật sư của họ bị sỉ nhục sâu xa.
Những nạn nhân là phụ nữ trẻ, những người đã từng chịu tình huống này muốn giữ im lặng hơn là đưa ra lời buộc tội để rồi sau đó phải bị sỉ nhục lần thứ hai hoặc thứ ba.
Tuy nhiên, các cơ quan dân sự, giáo hội và gia đình đã ý thức: để nạn nhân được gọi là nạn nhân và được bảo vệ.
Những kẻ lạm dụng sẽ không thể trốn vì hiện nay có một số cơ chế để tìm ra họ.
Những tu sĩ thánh hiến được tín hữu Phi châu cho là người thánh thiêng. Có thể hình ảnh này là lý do làm cho họ bị kẹt khi tố cáo kể tấn công, người tự cho mình là “tôi tớ Chúa” không?
Đúng, đây là một trong những lý do được nêu bật trong báo cáo. Trong đầu của nhiều người Congo, người được cho là “tôi tớ Chúa” là người thiêng liêng.
Khi chạm đến trong bối cảnh tích cực (bí tích và các á bí tích), thì họ nghĩ Chúa phù hộ; ngược lại, khi chạm đến trong bối cảnh tiêu cực, họ tự động nghĩ, đó là lời nguyền của thần thánh, bất kể hoàn cảnh có thể như thế nào.
Trong bối cảnh này, các nạn nhân (nam và nữ) bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục, mục sư hay thầy linh hướng của làng thì trong lòng họ tin chắc họ bị Chúa nguyền rủa và họ đã phản bội Giáo hội: dù họ là nạn nhân, đơn giản chỉ vì họ đụng chạm đến cơ thể của “tôi tớ Chúa”, nên họ nghĩ Chúa không hài lòng, và như thế là họ phản bội.
Vì thế thay vì tố cáo kẻ ngược đãi thì họ lại lên án chính họ là kẻ “có tội”, thường với một mặc cảm tội lỗi.
Chính vì vậy họ ẩn mình và từ chối tố cáo hoặc làm chứng: họ hoàn toàn tập trung vào cảm giác tội lỗi này và đi tố cáo trước công chúng một “tôi tớ Chúa” là làm tổn hại thêm cho Giáo hội và cho Chúa.
Nếu “tôi tớ Chúa” là người có chức cao trong Giáo hội thì còn tệ hơn: họ nghĩ họ đã tố cáo chính Chúa Giêsu Kitô!
Tuy nhiên, luật pháp hiện hành trong Giáo hội Công giáo hoàn toàn không minh oan cho các giáo sĩ và có nhiều biện pháp đã được Giáo hội công giáo thực hiện để làm cho nạn nhân cảm thấy thoải mái trong việc gọi tên cái ác và tố cáo nó.
Trong các giáo phái kitô khác, cũng có một thức tỉnh lớn về vấn đề này, để các nạn nhân mở miệng và tố cáo với cảnh sát.
Sơ cũng đề cập đến việc dạy giáo lý trong các Giáo hội châu Phi khuyên nên tha thứ, không tạo điều kiện thuận lợi cho việc tố cáo những kẻ lạm dụng…
Trong hầu hết các môi trường kitô giáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo, người ta nói với các nạn nhân, rằng Kinh Thánh xin họ tha thứ cho kẻ ngược đãi mình, vì vậy họ nên “quên đi” và không buộc tội kẻ tấn công.
Chung chung, chính các luật sư khuyến khích việc tố cáo, chứ không phải các tín hữu sốt sắng khuyên.
Cứ bắt “tín hữu chân chính” phải tha thứ thì chỉ làm cho nạn nhân gần như xấu hổ khi buộc tội và làm chứng cho hành vi lạm dụng tình dục xảy ra ngay trong chính gia đình và trong các cơ cấu của Giáo hội.
May mắn thay, học thuyết xã hội của Giáo hội công giáo kết hợp giữa tha thứ và công lý: tha thứ trong lòng không có nghĩa là tẩy trắng tội ác và tội lỗi. Một số tài liệu của Huấn quyền khẳng định chắc chắn về điều này.
Kẻ mưu sát Đức Gioan-Phaolô II đã được ngài tha thứ, ngài đã thăm ông nhiều lần trong nhà tù. Nhưng đương sự phải ra trước tòa án để bị xử theo luật của nước Ý và bị trừng phạt theo luật để ông ý thức được mức độ nghiêm trọng tội ác ông đã phạm và không tái phạm nữa.
Và đó là cũng để bảo vệ những nạn nhân tiềm năng trong tương lai.
Một trong những vấn đề chính trong lạm dụng là đồng ý. Như sơ đưa ra trong báo cáo, đôi khi nó bị thao túng…
Đúng, sự đồng ý đôi khi cũng là thủ đoạn để thao túng lương tâm nạn nhân.
Trên thực tế, trong bối cảnh gia đình, nhiều cha mẹ hoặc người lớn tuổi phạm tội hiếp dâm loạn luân bằng cách thao túng nạn nhân về vấn đề tế nhị là phải vâng lời cha mẹ: “Thực sự con có từ chối điều gì với cha mẹ không?” Đó là một cách thao túng của lương tâm.
Và thao túng này cũng có trong Giáo hội: một số linh mục, mục sư và thầy linh hướng của làng có được sự đồng ý của nạn nhân bằng cách dùng hai kiểu thao túng.
Kiểu thao túng thứ nhất là với những thiếu nữ quá sức sốt sắng, các linh mục đồi trụy giải thích, khăng khăng và dựa trên một thao túng của đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (2Cr 11, 2), rằng họ là “vợ” của Chúa Giêsu và một “người vợ tốt” không từ chối chồng bất cứ điều gì.
Sau đó, linh mục, mục sư hoặc thầy linh hướng của làng được xem họ là đại diện thể lý của Chúa Giêsu trên trái đất: Chúa Kitô “dùng” thân thể của tôi tớ Ngài để thể hiện tình cảm với “người vợ” của Ngài.
Trong trường hợp này, các phụ nữ trẻ không phân định sáng suốt và không có tư duy phản biện để mình được che chở, nghĩ rằng họ có một đặc quyền mà nhiều phụ nữ khác không có.
Kiểu thao túng thứ hai liên quan đến những người có nỗi sợ thái quá về thế giới vô hình, về số phận và những chuyện khác.
Các “tôi tớ Chúa” đồi trụy giải thích với nạn nhân, rằng họ cần một sự sinh ra về thể xác bằng “xoa bóp thiêng liêng” với dầu thánh.
Họ cố gắng “thuyết phục” các thiếu nữ thiếu phân định, rằng sự sinh ra của họ không những cần xức dầu trên thân thể hoàn toàn khỏa thân của họ, mà việc xức dầu này phải được thực hiện đến tận bên trong cơ thể, qua giao hợp.
Và trong cả hai tình huống này, khi các cô gái trẻ nhận ra mình bị lạm dụng và đi tố cáo thì “tôi tớ Chúa” nói họ đã “đồng ý”.
Và các nạn nhân không thể chứng minh rằng có sự thao túng, vì họ không có lý lẽ vững chắc.
Chính trong hai tình huống này mà các thiếu nữ thường thấy mình ở trong tình trạng nô lệ tình dục, vì “tôi tớ Chúa” làm nhiều phiên “giải thoát” mà ông cho là “cần thiết” cho sự cứu rỗi người phụ nữ trẻ.
Tuy nhiên, điều này sẽ không còn hiệu quả nữa vì trong vài năm nay, một hành động quy mô lớn đã được thực hiện trong bối cảnh mục vụ nhằm cung cấp cho tín hữu những điểm tham chiếu đến các cách giải thích Kinh thánh được dùng để phục vụ cho sự gian ác của con người và cho tội lỗi.
Trong một số trường hợp hiếp dâm, các thành viên trong gia đình có bị kẻ tấn công giở trò đồi bại hay gia đình lợi dụng hoàn cảnh để làm giàu không?
Trong một số trường hợp hiếp dâm, người nhà vì tham tiền đã lợi dụng hoàn cảnh để tống tiền “tôi tớ Chúa” có hành vi xâm hại tình dục.
Họ thường được các luật sư hoặc luật gia am hiểu luật hỗ trợ.
Sự đau khổ của người phụ nữ bị lạm dụng trở thành công việc kinh doanh để gia đình bòn rút tiền từ kẻ bạo hành, đổi lấy sự im lặng của họ.
Là một hình thức tống tiền, người ta thường đòi tiền mặt, nhưng có những trường hợp đòi bồi thường nặng hơn cho sự mất trinh và danh dự của gia đình / bộ tộc, chẳng hạn như đưa thiếu nữ đi du học, mua một lô đất cho gia đình, cho kẻ tống tiền một vị trí quyền lực, v.v.
Đôi khi chính nạn nhân dự vào vụ tống tiền này, nhưng đôi khi họ bị tai tiếng và tránh xa các vụ mặc cả.
Và khi kẻ bạo hành chấp nhận để bị tống tiền thì sẽ không có tố cáo: cả gia đình và nạn nhân sẽ từ chối làm chứng, hoặc sẽ hoàn toàn làm chứng cho sự vô tội của kẻ ngược đãi.
Ngoài những yếu tố này, còn có văn hóa e thẹn của người châu Phi chúng tôi…
Trong các nền văn hóa châu Phi, có rất nhiều e thẹn với sự mật thiết của cơ thể con người.
Vì vậy, sẽ vô lễ và phiền toái khi tố cáo các chi tiết về hành động và sự việc liên quan đến tình dục con người.
Do đó, trong trường hợp lạm dụng tình dục, cả nạn nhân (đàn ông và phụ nữ) và nhân chứng đều không muốn cung cấp thông tin chi tiết về những gì đã xảy ra, theo cách của lãnh vực này (thường bị cho là “nhục nhã” theo ngôn ngữ châu Phi).
Tuy nhiên, việc phổ biến rộng rãi luật của Congo về bạo lực tình dục trong hai mươi năm qua đang mang lại kết quả: các nạn nhân đang bắt đầu vượt lên e thẹn và lên tiếng, ngay cả ở các vùng nông thôn.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Ở Phi châu, các nữ tu là nạn nhân của luật im lặng
Châu Phi gặp khó khăn trong việc báo cáo lạm dụng tình dục trong Giáo hội