Các trường nội trú Canada: “Tôi mong lời xin lỗi tại đất chúng tôi”

83

Các trường nội trú Canada: “Tôi mong lời xin lỗi tại đất chúng tôi”

la-croix.com, Alexis Gacon, 2022-03-28

Một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo người bản địa Canada đến Vatican để gặp Đức Phanxicô chuẩn bị cho chuyến đi của ngài đến Canada.

Ông Phil Fontaine, cựu lãnh đạo Hội đồng các Quốc gia Thứ nhất hy vọng Đức Phanxicô sẽ có lời xin lỗi về những điều khủng khiếp đã xảy ra trong các trường nội trú do Giáo hội công giáo điều hành ở Canada.

Các trường nội trú Canada: “Tôi mong lời xin lỗi tại đất chúng tôi”

Ông Phil Fontaine trong lần gặp Đức Bênêđíctô XVI ngày 29 tháng 4 năm 2009. Pier Paolo Cito / AP

La Croix: Cùng với phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo người bản địa Canada, ông sẽ ở Vatican và gặp Đức Phanxicô tuần này. Ông mong chờ điều gì?

Ông Phil Fontaine: Chuyến đi của chúng tôi trên hết là để chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Phanxicô đến vùng đất chúng tôi. Vấn đề chính của chúng tôi trong những ngày này là khả năng ngài xin lỗi về những hành vi của Giáo hội trong các trường nội trú. Và được truy cập đầy đủ vào lưu khố tôn giáo vì Giáo hội đã không công khai những gì đã xảy ra trước đây.

Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về tương lai của mối quan hệ giữa Giáo hội và chúng tôi. Nếu có cơ hội nói chuyện trực tiếp với ngài, tôi sẽ hỏi ngài xem Vatican đã chuẩn bị gì để hòa giải. Để có hòa giải phải đi tìm sự thật. Không có sự thật, không thể có lời xin lỗi, không có tha thứ, không có hòa giải.

Theo ông, vì sao Giáo hội vẫn chưa xin lỗi?

Những điều không nói ra làm cho tôi khó hiểu, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có một cái gì đó liên quan đến trách nhiệm pháp lý có thể xảy ra và hậu quả tài chính đi kèm.

Một cuộc điều tra của Radio-Canada cho biết, các khoản tiền mà Giáo hội công giáo cam kết trả cho những học sinh sống sót trong các trường nội trú trong một thỏa thuận trước đó, cuối cùng đã chi tiêu phần lớn cho chi phí luật sư. Cuối cùng Giáo hội có trả không?

Nhiều khoản thanh toán vẫn chưa được trả cho những người sống sót trong các trường nội trú và Giáo hội sẽ phải làm rõ quan điểm của mình. Các đại diện Giáo hội nói họ không thu được 25 triệu đô la, trong khi đó Giáo hội đã sửa nhà thờ chính tòa St Michael ở Toronto với số tiền 128 triệu đô la. Ngoài ra, Hội đồng Giám mục công giáo Canada hứa quyên 30 triệu đô la trong 5 năm sắp tới cho những người sống sót. Các diễn đàn nói họ phải tìm ra phương tiện. Dù các tiền lệ có thể tạo nghi ngờ, nhưng tôi nghĩ cuối cùng họ cũng sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Ông là một trong những người đầu tiên công khai nói về kinh nghiệm của ông trong các trường nội trú cũng như kêu gọi một cuộc điều tra. Điều này đã xây dựng cho ông một tính chiến đấu không?

Những gì tôi đã sống ở trường nội trú Fort Alexander, không bao giờ xóa mờ trong tâm trí tôi. Đó là những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm. Nó đã xa nhưng nó vẫn còn theo tôi. Tôi đã nhìn thấy những chuyện, tôi đã sống và nhiều bạn tôi đã đau khổ chịu đựng. Tôi không muốn khuấy động ký ức đó nữa. Dĩ nhiên, hành động chính trị đã giúp tôi thoát ra khỏi tình trạng này. Hậu quả của những hành vi lạm dụng này là thách thức quan trọng nhất đối với các cộng đồng chúng ta trong việc quản lý.

Hai mươi học sinh trong lớp của ông đã bị hành hung trong trường nội trú của ông. Làm thế nào mà tất cả những thảm kịch này lại có thể diễn ra trong im lặng sao?

Các trường nội trú là những tổ chức khá tự trị, luôn có một khoảng cách đáng kể giữa cộng đoàn và ban điều hành nhà trường. Mọi người đến nhà thờ, con cái của họ vào trường nội trú, và các gia đình tiếp tục cuộc sống của họ đằng sau. Khi sự việc ra ánh sáng, rất nhiều cha mẹ bị sốc. Những người khác chỉ muốn chôn quá khứ và sống như trước. Nhưng dần dần có một làn sóng yêu cầu điều tra và bồi thường tài chánh. Vấn đề tài chánh lúc đầu không phải là vấn đề tối quan trọng trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, nhưng cuối cùng lại trở thành một vấn đề quan trọng.

Bây giờ mọi thứ đang tiến mạnh. Ông có cảm thấy các cộng đồng tôn giáo liên quan bây giờ có đi cùng hướng không?

Thời đại đang thay đổi vì ngày càng có nhiều người Canada nhận thức được những gì đã xảy ra. Và điều thực sự đã làm dấy lên tất cả những quan tâm này, đó là việc phát hiện những ngôi mộ không tên tại trường nội trú Kamloops vào tháng 5 năm 2021. Cuối cùng người dân chấp nhận chúng tôi phải nói về nó và cam kết thực hiện các biện pháp để hòa giải. Đó là điều tốt đẹp cho đất nước.

Ông đã gặp Đức Bênêđíctô XVI với một phái đoàn bản địa trước đó. Cuộc gặp này sẽ khác như thế nào?

Khó có thể so sánh được. Năm 2009, chúng tôi không đặt nhiều mong chờ: chúng tôi muốn kể cho ngài nghe những gì chúng tôi đã sống trong trường nội trú, nhưng để xin lỗi là một mục tiêu kém rõ ràng hơn. Bây giờ với việc phát hiện các ngôi mộ và cam kết hòa giải của nhà cầm quyền Canada, mọi thứ dường như đang hội tụ. Và tôi nghĩ Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô rất khác nhau.

Hình ảnh ông có về Đức Phanxicô là gì?

Ngài là người cải cách. Ngài không sợ khi công kích những người bảo thủ trong Giáo hội. Và ngài có những thông điệp tích cực gởi đến những người tin hay không tin. Ngài có vẻ nhân từ.

Nếu không có lời xin lỗi nào sau chuyến đi của ông đến Rôma và chuyến đi của giáo hoàng đến Canada, liệu chúng ta có phải nói đây là một thất bại không?

Trọng tâm của chuyến đi của chúng tôi là để chuẩn bị cho chuyến đi của ngài đến Canada, để ngài nói chuyện trực tiếp với người dân bản địa, với những lời rõ ràng. Tôi mong những lời xin lỗi được thực hiện trên đất của chúng tôi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Người bản địa Canada bày tỏ mong chờ của họ với giáo hoàng

Người bản địa Canada ở Rôma để yêu cầu giáo hoàng Phanxicô xin lỗi

Những hình ảnh đầu tiên trong cuộc gặp với Đức Phanxicô ngày thứ hai 28 tháng 3-2022