«Phong cách Bergoglio» cho phép Đức Phanxicô thách thức được với quyền lực của thế giới bên ngoài và các thế lực chống đối bên trong Vatican

235

atlantico.fr, Patrice de Plunkett, 2105-12-31

«Phong cách Bergoglio

Đã có cái gọi là «phong cách Bergoglio»: một sức sống lạ lùng, những công thức đơn giản và trực tiếp bắn trúng hồng tâm và làm cho thần học trở nên dễ hiểu, ai cũng có thể hiểu được. Năm 2013, ngay từ những tháng đầu tiên, dân chúng đã quen với cách nói trực tiếp, những tấn công ngoài lề này. Đức Giáo hoàng Argentina vừa thách thức quyền lực của thế giới bên ngoài (hệ thống tài chánh, nạn Mafia) vừa thách thức các thế lực chống đối bên trong của Vatican.

Ngày 22 tháng 12-2014, bài giảng thịnh nộ dưới hình thức lời chúc cho các giám chức Giáo triều đã làm cả thế giới hoan hỉ: họ khám phá một giáo hoàng dám lay động guồng máy quản trị của chính mình và tố cáo trước thế giới các «bệnh thiêng liêng» của các giám chức cao cấp của Giáo hội! Ngay cả Đức Karol Wojtyla, người đã từng nói về một số giám chức cao cấp này: «Họ giả vờ làm việc để làm ra vẻ vâng lời tôi», cũng không dám làm… Còn Đức Phanxicô thì muốn cải cách thật sự lối làm việc bàn giấy này. Ngài muốn điều chỉnh Giáo triều theo nhu cầu của một triều giáo hoàng thế kỷ 21: mềm dẽo, sẵn sàng, đầu óc phóng khoáng như Chúa Giêsu đã dạy trong Phúc Âm Thánh Máccô (6, 7-13)…

Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng;

được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.

Người bảo các ông: «Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.

Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.»

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.

Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Đức Phanxicô có đụng đến sự chống đối của một phần Giáo triều, đến những chuyện gàn dở được nói lên trong các phòng khách ở Rôma và nơi các người viết tin của họ không? Không lo! Bài diễn văn trong dịp lễ Giáng Sinh 2014 đã được quay phim, được phát ra trên toàn thế giới, đã làm cho Giáo triều phải thức tỉnh lương tâm đứng trước Giáo hội năm châu. Dù sao Đức Giáo hoàng cũng không kêu gọi các chiến sĩ nòng cốt «hạ hội đồng trung ương» (như Mao Trạch Đông đã làm năm 1967), nhưng một cuộc cách mạng văn hóa đã bắt đầu: trên các văn phòng của Tòa Thánh, vị kế nhiệm thánh Phêrô đã nghe tiếng gọi của dân tộc công giáo. Và phần còn lại của nhân loại.

Ấn tượng được xác định vào ngày 11 tháng 7-2015, khi báo chí đưa ra hình ảnh một cảnh chướng mắt chưa từng có ở Vatican: sáu quan tòa và bốn luật sư mặc áo đen trong một căn phòng nhỏ của tòa án… Phiên tòa đầu tiên của Tòa Thánh xử một tội phạm ấu dâm. Người bị xử là một giám chức. Ông bị lên án bảy năm tù. Để giam tù ông tại chỗ, Đức Phanxicô đã cho làm một căn phòng giam ngay trong Dinh giáo hoàng; như thế thế giới sẽ thấy sự công minh của giáo hoàng là có thật và luật im lặng của hàng giáo sĩ đã thuộc về quá khứ! Đó là câu trả lời cho sự phẫn nộ do các linh mục phạm tội ấu dâm gây ra: vụ tai tiếng về mặt luân lý và siêu hình mà thể chế đã không lường được tầm lớn lao của nó cho đến khi Đức Bênêđictô XVI đảm trách việc dọn dẹp (một công việc làm cho triều giáo hoàng của ngài điêu đứng)… Bây giờ đến lượt Đức Phanxicô, một mục tử cương quyết đã trang bị cho Giáo hội một thiết bị hình sự trong lãnh vực này.

Chắc chắn sự không nhân nhượng này chưa đủ mạnh để đem hàng ngàn tín hữu đã đi xa về lại nhà thờ vì các vụ ấu dâm này, nhưng nó cũng đã ghi khắc vào khuôn khổ một sự đòi hỏi vào lòng trung tín và vào đức tin:

«Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ…» (Thư gởi tín hữu Do thái 4: 12-13).

Ở Pháp và ở các nước Bắc bán cầu, những người bảo thủ nhất tự hỏi các sáng kiến này là gì: «Nhưng Giáo hoàng Bergoglio sẽ đi đến đâu?»… Ngài sẽ đi nhanh và mạnh hơn các vị tiền nhiệm của mình: nhưng ngài sẽ đi trong hướng mà Giáo hội công giáo đã đi từ ba mươi năm cuối thế kỷ 20 để thích ứng với việc phúc âm hóa thế giới mới.

Trích từ quyển sách «Đứng trước ngẫu tượng tiền bạc – cuộc cách mạng của Giáo hoàng Phanxicô»,  Patrice de Plunkett, nhà xuất bản Artège, 2015

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch