Hồng y Scola lên án ‘các cuộc tấn công gay gắt và vô lễ’ chống Đức Phanxicô

207

Hồng y Scola lên án ‘các cuộc tấn công gay gắt và vô lễ’ chống Đức Phanxicô

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2021-11-23

Nhà báo Gerard O’Connell là tùy viên của trang America tại Vatican, ông là tác giả quyển Cuộc bầu chọn Giáo hoàng Phanxicô: Câu chuyện bên trong mật nghị đã làm lịch sử thay đổi (Election of Pope Francis: An Inside Story of the Conclave That Changed History). Ông đưa tin về Vatican từ năm 1985

Đức Phanxicô và hồng y Angelo Scola, giáo phận Milan trong cuộc gặp với các giáo sĩ và tu sĩ tại nhà thờ chính tòa Milan, ngày 25 tháng 3 năm 2017. (Ảnh CNS / Paul Haring)

Hồng y Angelo Scola mừng sinh nhật 80 của ngài ngày 7 tháng 11, vì thế ngài không còn quyền bỏ phiếu trong lần mật nghị sau này. Đồng thời, Đại học công giáo báo chí Mỹ (The Catholic University of America Press) xuất bản quyển sách phỏng vấn ấn bản tiếng Anh của ngài, Đặt cược vào Tự do: Đời sống của tôi trong Giáo hội (Betting on Freedom: My Life in the Church) cùng viết với nhà báo Ý Luigi Geninazzi.

Năm 1991, Thánh Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Grosseto, một giáo phận nhỏ của Ý, và sau đó là viện trưởng Đại học Giáo hoàng Lateran năm 1995. Năm 2002, giáo hoàng phong ngài làm thượng phụ giáo phận Venice, sau đó ngài được phong hồng y năm 2003. Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm hồng y Scola về Milan năm 2011 và theo nguyện vọng của ngài, Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của ngài năm 2017.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với nhà báo Gerard O’Connell của trang America, hồng y đã nói về một số chủ đề ngài khai thác sâu trong quyển sách, các mối quan hệ thân thiết của ngài với các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI, thời vui vẻ là giám mục trong hơn 26 năm và lo ngại về sự xuống dốc đức tin của giáo dân Âu châu.

Đáng kể, hồng y bảo vệ Đức Phanxicô mạnh mẽ trước các tấn công từ bên trong Giáo hội và nhấn mạnh “giáo hoàng là giáo hoàng”, tấn công giáo hoàng là làm tổn hại Giáo hội.

Về cuộc bầu chọn Đức Phanxicô

Với tư cách hồng y, ngài đã tham dự các mật nghị năm 2005 và năm 2013, trong cuộc phỏng vấn, ngài tiết lộ hai kinh nghiệm “mang chiều kích thần bí đối với ngài.” Ngài cho biết, ngài cảm nhận được Chúa Thánh Thần đang làm việc.

Hồng y Scola nói: “Trong lần mật nghị đầu tiên, hình ảnh của hồng y Ratzinger nổi bật do tình bạn và sự cộng tác tuyệt vời mà ngài có với Đức Gioan-Phaolô II. Tôi thực sự cảm thấy ngài nên được bầu chọn khi biết được sự khiêm tốn tận cùng của ngài. Ngài cho thấy lòng khiêm tốn của mình khi ngài bước ban công lần đầu tiên và tự giới thiệu mình như người đầy tớ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa. Đối với tôi, cuộc bầu cử đó là một niềm vui nhưng không phải là bất ngờ, ngược lại việc bầu Đức Bergoglio là một bất ngờ.”

“Ngay lập tức sau khi được bầu, chúng tôi ở cách nhau không xa, giáo hoàng đứng dậy, tiến về phía tôi và ôm tôi rất chặt.”

Hồng y Scola cho biết, trước khi vào mật nghị năm 2013, ngài “chưa bao giờ tưởng tượng” hồng y Bergoglio sẽ được bầu làm giáo hoàng. Trong quyển sách, hồng y cũng nói về chính mình, ngài “không bao giờ tin mình có thể là giáo hoàng.”

Khi tôi hỏi hồng y, ngài cảm nhận gì khi hồng y Bergoglio được bầu, ngài cho biết, “ngay lập tức sau khi được bầu, chúng tôi ở cách nhau không xa, giáo hoàng đứng dậy, tiến về phía tôi và ôm tôi rất chặt.” (Trong quyển sách Cuộc bầu chọn Giáo hoàng Phanxicô của tôi, tôi cũng nói đến chuyện này)

Làm việc với hồng y Bergoglio trước khi ngài là giáo hoàng

Hồng y Scola cho biết, vào lúc mật nghị, ngài “không thực sự biết Bergoglio.” Ngài nhớ có gặp Giáo hoàng Phanxicô tương lai hai hoặc ba lần khi, trong tư cách là viện trưởng Đại học Lateran, hồng y Scola đã nói chuyện tại Giáo hoàng Học viện Công giáo Argentina ở Buenos Aires.

Các hồng y Scola và Bergoglio cùng làm việc chung với nhau trong ban cố vấn Thượng hội đồng Giám mục, để đưa ra kết quả của kỳ họp trước của Thượng hội đồng Giám mục và chuẩn bị cho kỳ họp tiếp theo.

Hồng y Scola nói: “Tôi ấn tượng về thái độ rất dè dặt của ngài. Chẳng hạn trong thời gian giải lao, ngài hầu như luôn ngồi yên một chỗ và tiếp tục làm việc. Thêm nữa, các bài can thiệp của ngài gần như luôn có hiệu quả. Nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội để có mối quan hệ cá nhân, trực tiếp hơn với ngài”.

Phong cách lãnh đạo của Giáo hoàng Phanxicô: “Một cú thoi lành mạnh vào bụng”

Trong quyển sách của ngài, hồng y Scola nhận xét “sự xuất hiện của Giáo hoàng Phanxicô là cú thoi lành mạnh vào bụng mà Chúa Thánh Thần đã dùng để đánh thức chúng ta”. Khi tôi xin ngài giải thích nhận xét này, ngài nói, ngài nhìn cuộc bầu chọn Đức Phanxicô từ góc độ “các Giáo hội Âu châu của chúng ta đã quá mệt mỏi. Nhân cách, đào tạo, kinh nghiệm của hồng y Bergoglio, nhất là với kinh nghiệm của cuộc họp các giám mục Châu Mỹ La Tinh ở Aparecida, nơi Bergoglio nổi lên đầy sức mạnh và thu hút sự chú ý của chúng tôi. Thêm nữa cách ngài tiếp xúc cá nhân với mọi người có thể làm vỡ tảng băng của một số tình huống và vực dậy Giáo hội Âu châu, nơi đang chịu đựng sự mệt mỏi”.

“Ngay từ đầu, phong cách lãnh đạo của Giáo hoàng Phanxicô như cú thoi lành mạnh vào bụng mà Chúa Thánh Thần đã dùng để đánh thức chúng ta.”

Hồng y Scola viết: “Trong khi Giáo hội Âu châu có rất nhiều kinh nghiệm đẹp thì giáo dân lại ít tham dự vào đời sống Giáo hội, hình ảnh Chúa Giêsu suy giảm trong lòng giáo dân nhất là suy giảm trong việc thuộc về cộng đoàn kitô. Thế mà theo tôi, ngay từ đầu, phong cách giáo hoàng của Đức Phanxicô như cú thoi vào bụng mà Chúa Thánh Thần đã dùng để đánh thức chúng ta”.

Về những người “tấn công” Đức Phanxicô trong Giáo hội

Và ngài nhận thấy có một số người trong Giáo hội đã phản ứng tiêu cực với sự lãnh đạo của Đức Phanxicô, với những gì ngài mô tả là “những tấn công gay gắt và vô lễ chống lại giáo hoàng.”

“Đó là sai”, hồng y nói. “Khi còn nhỏ, chúng tôi được dạy: ‘giáo hoàng là giáo hoàng’… và chúng ta không thể đặt vấn đề này lại… Tôi không thể chấp nhận thái độ mà tôi cho là bất công trên quan điểm Giáo hội.”

“Chúng ta có thể nói, với tất cả sự tôn trọng tôi dành cho ngài, ‘tôi không hiểu điều này hay quyết định kia của ngài.’ Nhưng đồng thời chúng ta phải làm hết sức có thể để nắm trọn những gì ngài đề nghị.”

Hồng y tiếp tục: “Tuy nhiên chúng ta có thể nói, với tất cả sự tôn trọng tôi dành cho ngài, ‘tôi không hiểu điều này hay quyết định kia của ngài.’ Nhưng đồng thời chúng ta phải làm hết sức có thể để nắm trọn những gì ngài đề nghị. Sẽ có hại cho Giáo hội nếu chúng ta không làm theo cách này”.

Khi được hỏi ngài nghĩ gì khi những hồng y anh em của ngài chỉ trích công khai Đức Phanxicô, hồng y Scola nói: “Tôi sẽ thẳng thắn nói khi tôi có thể hiểu được sự bất ổn nội bộ của họ – và tôi nghĩ tất cả đều phải bắt đầu bằng một mục đích tốt – tôi không thấy cần thiết phải làm điều này, nhất là ở nơi công cộng. Song song vào đó, luôn có khả năng một hồng y có thể viết cho giáo hoàng, xin gặp và tìm cách giải thích”.

Về cách Giáo hoàng Phanxicô giống (và khác với) các giáo hoàng tiền nhiệm

Hồng y cho rằng, nguồn gốc của những tấn công này là do “sự thiếu hiểu biết của phần lớn giáo dân về mối liên hệ cần thiết giữa kinh nghiệm và học thuyết.”

Hồng y Scola giải thích: “Đức Phanxicô là giáo hoàng bắt đầu từ kinh nghiệm; trước hết ngài bắt đầu bằng kinh nghiệm của chính ngài và không có gì xấu hổ khi truyền đạt nó. Từ đó ngài đi đến việc hình thành một học thuyết.” Vì lý do này, hồng y không đồng ý với những người đổ lỗi cho Giáo hoàng Phanxicô chống lại các giáo hoàng tiền nhiệm Đức Bênêđictô XVI, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phaolô VI. Hồng y nói: “Có một sự liên tục về phương pháp của tất cả các giáo hoàng này.”

Hồng y Scola cho biết, Đức Phanxicô chia sẻ quan điểm của Đức Bênêđictô XVI, “kitô giáo chủ yếu không phải là một học thuyết hay đạo đức, mà là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô trong cộng đoàn Giáo hội.”

Hồng y Scola nói tiếp: “Nhưng thời thế đã thay đổi, giáo hoàng này sẽ nhấn mạnh vào một số nội dung, giáo hoàng kia sẽ làm nổi bật các yếu tố khác; mỗi người giao tiếp theo một phong cách nào đó – nhưng tất cả đều phải xem xét tính tổng thể của việc tuyên xưng kitô giáo. Và theo tôi, Đức Phanxicô đã làm, ngài làm như vậy bằng cách nhấn mạnh một số điều khác với những gì các vị tiền nhiệm của ngài đã làm nhưng về bản chất, ở cấp độ nền tảng, tất cả đều tôn trọng nền tảng này.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh đến văn hóa gặp gỡ chứ không đối đầu, hồng y Scola nói thêm “đây là con đường mà người kitô hữu nên đi theo.” Đức Phanxicô chia sẻ quan điểm của Đức Bênêđictô XVI, “kitô giáo chủ yếu không phải là một học thuyết hay đạo đức, mà là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô trong cộng đoàn Giáo hội.”

Về tầm nhìn thượng hội đồng của Đức Phanxicô

Trong quyển sách của mình, hồng y uyên bác Scola cho thấy ngài thực sự đầy nhiệt huyết, đích thực, thực hiện các nhiệm vụ mục vụ của một giám mục. Trong quyển Đặt cược cho Tự do, ngài nhắc lại Đức Gioan-Phaolô II đã phong giám mục cho ngài khi ngài ở tuổi 49: “Tôi nhận thức đó là con đường mà Chúa đã chỉ cho tôi, đó là đồng hành với đời sống Dân Chúa. Tôi thích làm việc với mọi người, phương pháp của tôi là đồng nghị!”

Do hồng y chú trọng đến tính đồng nghị nên ngài thấy Đức Phanxicô đã đi đúng hướng khi thúc đẩy Giáo hội đi trên con đường đồng nghị. “Ý tưởng về tính đồng nghị của ngài được chứng minh qua phong cách thực thi huấn quyền của ngài, dựa trên các cử chỉ của ngài khi gặp giáo dân, huấn quyền cũng dựa trên đời sống cá nhân của ngài, và đi đến việc hình thành học thuyết khi có nhu cầu.”

“Chúng ta cần phải đồng hành với giáo hoàng, như chúng ta luôn phải làm – đi theo ngài, tuân theo ngài – bởi vì giáo hoàng là điểm quy chiếu cuối cùng”.

Hồng y tiếp tục: “Tôi tin dự án này rất tốt. Và chúng ta cần phải đồng hành với giáo hoàng, như chúng ta luôn phải làm – đi theo ngài, tuân theo ngài – bởi vì giáo hoàng là điểm quy chiếu cuối cùng để lèo lái con thuyền Giáo hội, ngay cả những khi biển động. Phải đồng hành và theo chỉ dẫn của ngài, dù chúng ta có thể đặt vấn đề về điều này – theo nghĩa tốt của từ này – và thảo luận ở điểm mà chúng ta thấy chưa thuyết phục. Nhưng chúng ta không bao giờ được đánh mất thái độ tối thượng này, trong tự do hoàn toàn, mà chúng ta gọi là vâng lời.”

Đồng thời, ngài cũng thú nhận có “một số lo sợ” về cách diễn ra thượng hội đồng. “Ít nhất ở châu Âu, chúng tôi đã quá quen với việc thành lập các ủy ban và các cam kết, nơi chúng ta nói, nói nhưng quá thường xuyên lại không cùng đi chung với nhau.”

Tuy nhiên, ngài nói: “Tôi hy vọng mọi việc có thể diễn ra tốt đẹp, tính đồng nghị có thể tạo ra một phong cách mới cho Giáo hội và một khả năng khơi dậy cho tất cả chúng ta – giáo dân, người trẻ cũng như người lớn tuổi, linh mục cũng như giám mục.  Nhưng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt là thời hậu Covid này.”

Các chia rẽ gia tăng trong Giáo hội

Ngài viết: “Một số người dự đoán viễn cảnh đen tối của một Giáo hội bị đe dọa vì ly giáo. Nhưng tôi không thấy có nguy cơ ly giáo, tôi lo nhiều hơn cho những luận chiến và chia rẽ ngày càng trở nên gay gắt, dù phải trả một giá bằng sự thật và đức ái.”

Ngài nói tiếp: “Tôi sợ chúng ta đang đi lui, đặc biệt là vào thời của các cuộc tranh luận giữa những người bảo thủ và những người tiến bộ sau hội đồng. Tôi thấy một sự đối lập mới giữa những người bảo vệ truyền thống một cách cứng nhắc và những người ủng hộ các thực hành tuân thủ, nhưng cũng là học thuyết, những đòi hỏi của thế gian.”

“Chúng ta có thể tranh luận và thảo luận các vấn đề, nhưng chúng ta phải làm trong sự tôn trọng lẫn nhau và không bao giờ đánh giá thấp sự thuộc về chung với Chúa Kitô.”

Trong cuộc phỏng vấn, ngài đặc biệt lấy làm tiếc về việc thiếu “sự thật và bác ái” trong các cuộc thảo luận trong Giáo hội, ngài cho đây là điều “không thể chấp nhận được”.

Ngài nói: “Chúng ta có thể tranh luận và thảo luận các vấn đề, nhưng chúng ta phải làm trong sự tôn trọng lẫn nhau và không bao giờ đánh giá thấp sự thuộc về chung với Chúa Kitô.”

Ngài viết: “Chúng ta cũng phải nhận ra sự cần thiết của sự đa dạng trong hiệp nhất, nếu không, chúng ta sẽ đánh mất sự phong phú mà chúng ta mang lại cho tự do của người khác. Ngoài ra, Chúa Giêsu sẽ không lôi cuốn mọi người nếu họ họ không thấy sự hiệp nhất này nơi cộng đồng kitô hữu.”

Về lý do vì sao người trẻ bỏ Giáo hội

Trong phần mở đầu sinh động và sâu sắc trong ấn bản tiếng Anh của quyển sách, hồng y nói đến sự xuống dốc của kitô giáo và đạo công giáo ở Châu Âu và sự phát triển của “những người không tôn giáo” – một thuật ngữ được dùng để mô tả các nhóm nhân khẩu học, đặc biệt là thanh niên, những người không dính vào một truyền thống tôn giáo nào.

Trong cuộc phỏng vấn, hồng y Scola nghĩ, “trong lúc này, Giáo hội bị thử thách theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là trong các Giáo hội truyền giáo cổ xưa. Chỉ cần nhìn những gì đang xảy ra ở các Giáo hội Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, nơi họ có truyền thống tốt đẹp nhưng bây giờ thực sự phải đấu tranh để kết nối với những người trẻ tuổi”.

Hồng y Scola nói: “Chúng ta đã không thể giáo dục những người trẻ ở một mức độ đủ sâu, họ bị tình trạng hỗn loạn đang phổ biến trong xã hội vượt quá họ.

Ngài công nhận, “một số người trẻ vẫn chân thành nghiêm túc đi nhà thờ nhưng đó là thiểu số, và nhất là có một sự nhầm lẫn lớn xung quanh các yếu tố chính trong cuộc sống của họ như tình cảm, công việc, giải trí.” Ngài lưu ý, “điều này cũng đúng với các thanh niên nam nữ lui tới các giáo xứ và trường học của chúng ta và được các linh mục tháp tùng, nhưng sau đó họ quyết định sống chung và không kết hôn.”

Hồng y nói: “Chúng ta đã không thể giáo dục những người trẻ ở một mức độ đủ sâu, họ bị tình trạng hỗn loạn đang phổ biến trong xã hội vượt quá họ.

Giáo hội có đang bị “khủng hoảng” không?

Dù tất cả những điều này, hồng Y Scola cho biết ngài không bao giờ dùng chữ “khủng hoảng” cho tình hình Giáo hội hiện nay. Ngài nói: “Khủng hoảng có nghĩa là phán xét, và chúng ta luôn ở dưới sự phán xét của Chúa Giêsu. Đây không phải là điều tiêu cực; đó là khởi đầu của thay đổi.” Mặc dù con người có thể chống lại sự thay đổi, nhưng hồng y Scola nhấn mạnh, cuối cùng thì Thiên Chúa là người nắm quyền. Vì vậy, hồng y nói: “Tôi rất hy vọng vào khả năng thay đổi, bởi vì thời gian không bao giờ là của chúng ta.”

Ngài nói tiếp: “Việc chúng ta dưới sự phán xét của Chúa Thánh Thần là điều làm cho Giáo hội được đổi mới, nhưng sự đổi mới này  cần sự thánh thiện: những người đàn ông, đàn bà thánh thiện. Hồng y Scola nhắc đến tấm gương của bác sĩ Nhật Paul Nagai, bị thương khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, người đã truyền cảm hứng cho sự phục hồi của thành phố bằng chứng từ kitô của mình.

Cuối cùng, hồng y Scola nói, Giáo hội nên  áp dụng khôn ngoan của nhà văn T. S. Eliot khi ông viết: “Đừng nghĩ đến mùa màng, mà chỉ nghĩ đến việc gieo giống cho thích hợp.”

Hồng y nói: “Chúng ta nên làm như vậy. Gặt hái ở trong tay Thiên Chúa, chúng ta không nên sợ vì Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn Giáo hội và ban cho việc gặt hái”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch