Đức Phanxicô gặp thủ tướng Ấn độ Narendra Modi: dấu hiệu cho người thiểu số?
cath.ch, I. Media, 2021-10-29
Hàng trăm ngàn tín hữu kitô tham gia tuần lễ cầu nguyện chống lại cuộc đàn áp tôn giáo năm 2018 | © IANS
Ngày thứ bảy 30 tháng 10, Đức Phanxicô sẽ tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vatican. Cuộc gặp gỡ lịch sử này – hai bên chưa từng gặp – diễn ra bên lề hội nghị G20 được tổ chức tại Rôma. Ông Mark von Riedemann tin cuộc gặp có thể mang lại một dấu hiệu quan trọng cho người thiểu số ở Ấn Độ.
Giám đốc truyền thông quốc tế của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (AED) trả lời hãng tin I. Media về các thách thức của một cuộc gặp như vậy. Ông nhắc lại tình trạng của tín hữu kitô và các sắc dân thiểu số khác ở Ấn Độ, và báo động về sự gia tăng ngày càng lớn của chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo.
Ông phản ứng như thế nào với thông báo về cuộc họp này?
Ông Mark von Riedemann: Tổ chức chúng tôi vui mừng về cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Đức Phanxicô. Đó là dấu hiệu quan trọng, không chỉ đối với tín hữu kitô mà còn với tất cả các tôn giáo thiểu số khác ở Ấn Độ. Hy vọng Đức Phanxicô có thể thúc đẩy một nền văn hóa đối thoại giữa các nhóm tín ngưỡng và các tín hữu kitô, cũng như các tín hữu của các tín ngưỡng khác ở Ấn Độ, họ sẽ được thông hiểu và công nhận là công dân Ấn Độ đầy đủ trong bối cảnh đa văn hóa của đất nước.
Ông Mark von Riedemann, Giám đốc Truyền thông Quốc tế của tổ chức AED – Canada
Thủ tướng Narendra Modi có quan hệ như thế nào với Giáo hội công giáo ở Ấn Độ?
Ấn Độ là một Quốc gia có nền dân chủ đa tôn giáo với một lịch sử phong phú vừa đa dạng tôn giáo vừa đa nguyên. Theo cơ sở dữ liệu tôn giáo thế giới, người theo ấn giáo hinđu chiếm 72,5% dân số, người theo đạo hồi 14,5% và người theo kitô giáo chỉ có 4,9%. Vì thế họ là thiểu số nhưng một thiểu số tích cực.
Hiến pháp Ấn đảm bảo quyền tự do tôn giáo, quốc gia có một hình thức thế tục khác biệt, cố gắng đối xử bình đẳng với các truyền thống tôn giáo. Trên thục địa cũng vậy, quan hệ giữa các nhóm tôn giáo nhìn chung rất tốt.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục đã giảm từ khi Thủ tướng Narendra Modi và đảng của ông – Đảng Bharatiya Janata (BJP) – lên cầm quyền năm 2014. Điều này thể hiện qua sự kiên quyết của các nhà cầm quyền khác nhau, ở cấp liên bang và cấp tiểu bang, ban hành các luật hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân. Đó là những gì Báo cáo Tự do Tôn giáo của chúng tôi công bố vào tháng 4 vừa qua.
Tại sao tổ chức AED lại đưa Ấn Độ vào danh sách đỏ của các quốc gia có vấn đề tự do tôn giáo?
Khi Đảng Bharatiya Janata trở lại nắm chính quyền với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2019, Đảng đưa ra lời kêu gọi mới từ một phong trào đã có nhiều thập kỷ: chủ nghĩa dân tộc của người hinđu. Đây là phong trào chủ nghĩa dân tộc tôn giáo lớn nhất thế giới, về cơ bản tập trung vào bản sắc tôn giáo dân tộc. Phong trào nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở các bang bảo thủ của vùng “Vành đai Bò” ở miền trung và miền bắc Ấn.
Hiện tượng chủ nghĩa dân tộc sắc dân-tôn giáo không những chỉ xuất hiện ở Ấn mà còn ở nhiều quốc gia châu Á với đa số người theo đạo hinđu và đạo phật, nơi dẫn đến sự áp bức thậm chí còn lớn hơn đối với các nhóm thiểu số.
“Ở nhiều quốc gia, chúng tôi có sự kết hợp giữa thoái lui dân chủ và đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng”
Nghịch lý thay, Ấn Độ vừa là nền dân chủ lớn nhất thế giới vừa là nồi nung của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo độc hại nhất. Tại sao?
Kể từ những năm 1990, đời sống chính trị ở Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn. Ngày càng có nhiều người Ấn cảm thấy bị cuốn hút bởi thông điệp dân tộc chủ nghĩa của người hinđu, rằng văn hóa và bản sắc dân tộc của Ấn chủ yếu là người theo đạo hindu. Đảng BJP đã dựa vào chương trình nghị sự về văn hóa và chủ nghĩa dân tộc này để phá hoại tự do tôn giáo và các quyền tự do dân sự cơ bản khác. Mục tiêu của họ nhắm vào người hồi giáo và kitô giáo về các vấn đề như hạ bò và trở lại đạo. Chúng tôi có sự kết hợp giữa thoái lui dân chủ và đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng.
Ấn Độ, cũng như Myanmar và Sri Lanka, đang ngày càng biến thành các chế độ dân chủ-chuyên quyền “lai tạp”. Có nghĩa là, các quốc gia này kết hợp với các vụ bầu cử thường xuyên với những hạn chế nghiêm trọng đối với các quyền cơ bản của hiến pháp như tự do tôn giáo.
“Chuyến thăm cuối cùng của một giáo hoàng đến Ấn Độ là chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II năm 1999”
Liệu cuộc gặp lịch sử này giữa giáo hoàng và thủ tướng Ấn có thể dẫn đến thông báo một chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Ấn Độ không?
Chuyến thăm cuối cùng của một giáo hoàng đến Ấn Độ là chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II năm 1999. Đức Phanxicô cũng đã bày tỏ mong muốn đến thăm đất nước này. Theo hãng tin Ucanews, trong chuyến bay từ Georgia và Azerbaijan về Rôma tháng 10 năm 2016, ngài tuyên bố “gần như chắc chắn” ngài sẽ đi Ấn Độ và Bangladesh năm 2017. Cuối cùng, ngài chỉ đến Bangladesh và Myanmar, trước sự thất vọng của cộng đồng tín hữu kitô ở Ấn Độ. Một chuyến tông du của giáo hoàng đến Ấn Độ là niềm hy vọng nhiệt thành của tín hữu ở đây, sẽ củng cố cho đức tin của họ và là dấu hiệu của sự hợp nhất và thuộc về Giáo hội hoàn vũ cho họ.
“Như các chuyến đi của ngài cho thấy, Đức Phanxicô xem trọng nhu cầu đối thoại giữa các tôn giáo”
Chuyến đi của giáo hoàng có thể giúp gì cho Ấn Độ và những người theo đạo Thiên chúa?
Như các chuyến đi của ngài cho thấy, Đức Phanxicô xem trọng nhu cầu đối thoại giữa các tôn giáo. Những nỗ lực của ngài đã được đền đáp bằng sự hợp tác giữa người theo kitô giáo và hồi giáo, đặc biệt là cuộc gặp lịch sử năm 2019 với Đại giáo sĩ Ahamad Al-Tayyib của Al-Azar, nhà lãnh đạo thế giới hồi giáo Sunni, tiếp theo là cuộc gặp năm 2020 giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đồng ký Văn kiện Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Chung sống.
Chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Iraq tháng 3 năm 2021 – chuyến thăm đầu tiên của ngài đến một quốc gia chủ yếu là người Shiite và đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa một giáo hoàng và một ayatollah vĩ đại – cũng đã phát sinh đối thoại liên tôn giáo ngày càng sâu sắc. Kết thúc cuộc họp, Đại giáo sĩ Sayyid Ali Husaini Sistani khẳng định “mối quan tâm của ông, các công dân Thiên chúa giáo sống như tất cả người dân Iraq trong hòa bình và an ninh, và với đầy đủ các quyền hiến định của họ”
Đối thoại giữa các đảng phái cũng là trọng tâm của chuyến tông du Bangladesh và Myanmar. Hy vọng này cũng là hy vọng cho mối quan hệ giữa tất cả các cộng đồng tôn giáo trong quốc gia vĩ đại như Ấn Độ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô và ông Joe Biden có cuộc gặp dài bất thường tại Vatican
Đức Phanxicô muốn đi thăm Bắc Triều Tiên để tạo “động lực cho hòa bình”
Hình ảnh Đức Phanxicô tiếp Thủ tướng Ấn độ Narenda Modi d áng thứ bảy 30 tháng 10. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Nhân dịp này ông đã chính thức mời Đức Phanxicô sang thăm Ấn độ. Trên trang Twitter của ông