Hiệp hội Ladarô ở Rôma: Một cuộc gặp cách mạng

68

Hiệp hội Ladarô ở Rôma: Một cuộc gặp cách mạng

fr.aleteia.org, Hugues Lefèvre, 2021-08-28

Gần 200 “bạn cùng phòng” của Hiệp hội Ladarô đã gặp Đức Phanxicô ngày thứ bảy 28 tháng 8 trong một buổi tiếp kiến không theo nghi thức, Đức Phanxicô đã để bài diễn văn soạn sẵn qua một bên để lắng nghe người nghèo.

Thông thường ở Vatican, các buổi tiếp kiến với giáo hoàng đều theo một quy trình rất kỹ. Các vị khách an vị, họ vỗ tay khi giáo hoàng đến, ngài chào họ một lúc trước khi đọc bài diễn văn đã soạn sẵn. Dĩ nhiên cũng có khi giáo hoàng ứng khẩu, mà chỉ có ngài là người giữ bí quyết. Nhưng điểm chính của nội dung thường được tôn trọng. Sáng thứ bảy 28 tháng 8, tại Hội trường Phaolô VI nghi thức đã bị phá vỡ. Khi tiếp 200 “bạn cùng phòng” của Hiệp hội Ladarô, những người từng trải những khó khăn trên đường phố và hiện đang sống với các chuyên gia hoặc các gia đình trẻ, Đức Phanxicô đã chọn cách để họ nói chuyện. Ngài hỏi họ một cách cụ thể: “Các bạn, các bạn là những người đã biết sự xáo trộn của đường phố, các bạn trông đợi gì ở Giáo hội?”  Sau một hồi lưỡng lự, một “bạn cùng phòng” từng ở hè phố đứng dậy đầu tiên: “Những gì chúng tôi có thể cống hiến cho Giáo hội, đó là con người của chúng tôi. Những gì Giáo hội cho chúng tôi, đó là sự sống”. Tiếng nói đã được cất lên. Đối thoại bắt đầu. Buổi nói chuyện kéo dài một giờ, Đức Phanxicô đưa ra một số nhận xét và ứng khẩu bài nói chuyện về “cánh cửa”.

Ông Gilles, 64 tuổi, ở Hiệp hội Ladarô Vaumoise giải thích: “Ngài hỏi chúng tôi mối liên hệ của chúng tôi với cánh cửa. Chúng tôi có dám mở cửa cho người khác không, chúng tôi có quá kiêu ngạo để bước qua cánh cửa không, chúng tôi có đóng cửa lại sau khi vào không….”, ông là cựu tài xế taxi ở Paris, ông đã trải qua những năm tháng rất đen tối. Một tràng chuỗi Đức Giáo hoàng tặng ông quấn ở cổ, một cái cầm chặt ở tay, ông bình thản nói: “Một cái chết, một suy sụp… khi tôi về lại Vaumoise, tôi sẽ để cửa rộng mở!” Ông cười nháy mắt cho Christian, một trong những người bạn cùng phòng với ông.

Christian, 62 tuổi, ông cảm động trước sự lắng nghe của Đức Phanxicô, đây là lần đầu tiên ông đi máy bay và cũng là lần đầu tiên ông gặp giáo hoàng. Ông tự nhận mình là người rất nhút nhát, ông nói: “Trong ba ngày… bạn hình dung chương trình được đưa ra!” Ông kể, ông cố tìm sức mạnh để đọc một bài ngắn cho giáo hoàng khi bắt đầu buổi yết kiến. “Tôi được chỉ định sáng nay để mở đầu cuộc gặp… Tôi, còn không phải là tín hữu tốt”, ông vẫn còn ngạc nhiên. Ông là người đã sống ngoài hè phố Paris trong 11 năm.

Trả lời câu hỏi của giáo hoàng, ông mong chờ gì ở Giáo hội, ông trả lời ngay: “Với tôi, Giáo hội là Hiệp hội Ladarô. Có thể chưa đủ Ladarô trong Giáo hội.” Một nhận xét được nhiều người khác cũng nói như thế với Đức Phanxicô.

“Giáo hoàng đến an ủi tôi, một người hồi giáo”

Ông Kader, 36 tuổi, người hồi giáo, đã sống 15 năm trong tù. Khi ra khỏi tù, không ai chờ ông. Sau hai năm sống ngoài đường ở thành phố Lyon, ông đã gặp Hiệp hội Ladarô, ông cho biết: “Sáng nay tôi đến đây để cám ơn Giáo hội đã đón nhận tôi; tôi, một người theo hồi giáo.” Ông nói: “Khi tôi là người vô gia cư, tôi đi ăn xin và một người mang thánh giá đã nhổ vào tôi. Tôi tự nhủ tín hữu kitô đều như vậy. Nhưng Hiệp hội Ladarô đã làm cho tôi hiểu Giáo hội là gì và tôi đã nói điều này với giáo hoàng. Tôi rất xúc động, tôi đã khóc và tôi nghĩ ai cũng khóc”, ông vẫn còn ngạc nhiên khi nói chuyện với người đứng đầu Giáo hội công giáo. “Nhưng cuối cùng chính giáo hoàng lại đến an ủi tôi và cám ơn tôi vì tôi đã đến đây… Tôi, một người hồi giáo!”


Đối với ông Pierre Durieux, tổng thư ký của Hiệp hội Ladarô, buổi tiếp kiến này là hình thức của một “cuộc cách mạng nhỏ Copernic” (cách mạng thay đổi tận gốc). Thường các buổi tiếp kiến là dịp giáo hoàng đưa ra thông điệp, “nhưng lần này, ngài đã ưu tiên lắng nghe lời chứng của những người nghèo, những người nhỏ bé mà ngài luôn muốn đặt họ vào trọng tâm Giáo hội.”

Bà Freddy, 53 tuổi, ở Hiệp hội Ladarô Nantes  nói: “Ngài là giáo hoàng không thích nghi thức. Điều làm tôi xúc động là sau mỗi chứng từ, ngài đều đứng dậy chào mỗi người… Chúng tôi thấy rõ ngài bị đau chân và đi khập khiễng.” Bà nghĩ: “Có lẽ ngài tìm thấy sức mạnh của ngài nơi chúng tôi. Dù sao chúng tôi tìm thấy sức mạnh của mình nơi ngài”.

Sức mạnh… và một sứ mệnh. Vì thật ra, trong bài diễn văn dự kiến ban đầu – mà các “bạn cùng phòng” hứa sẽ đọc kỹ – Đức Phanxicô nói đến việc gởi các thành viên của Hiệp hội Ladarô “đi ngoại vi!” Họ, những người “ưu tiên” của Chúa, đã nếm những cảnh khổ nhất, họ được mời gọi để mang “ngọn lửa tình yêu sưởi ấm các tâm hồn khô khan, lạnh lùng”.

Ngắn gọn, sau 2000 năm, cuộc cách mạng do kitô giáo điều hành vẫn đang tiếp tục.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Hiệp hộiLadarô” ở Rôma: “Đêm nay tôi sẽ khóc khi nghĩ về những gì tôi đã sống”