Vì Toàn thể hơn – Sinh thái học táo bạo của Đức Phanxicô

531

Thông điệp của ngài không chỉ phê phán về ô nhiễm nhưng còn là về mọi sự hiện đại hóa từ gốc đến ngọn.

Aleteia – Matthew Becklo – 04/12/2015

Bộ phim tài liệu ‘Những người thợ vườn Eden’ là một cái nhìn xúc động về nạn săn bắt voi ở Kenya. Các thước phim mô tả xác những chú voi bị giết đang thối rữa là một lời nhắc nhở đanh thép về nạn tàn phá môi sinh đang lan tràn khắp thế giới.

Nhưng bộ phim này không chỉ đứng lên chống lại sự bóc lột thế giới thiên nhiên, mà còn nhìn vào hiện thực xã hội bao hàm hiện thực thiên nhiên đó. Như con ngựa chết trong truyện Andrei Rublev của Tarkovsky, những chú voi bị săn cũng là biểu tượng cho sự bóc lột đang bủa vây con người. Một tay săn trộm nhắc nhở mọi người rằng, ‘Khi cái bụng trống rỗng, thì bạn có thể làm mọi thứ. Chúng tôi biết tầm quan trọng của thiên nhiên hoang dã, nhưng vì đói nghèo mà chúng tôi buộc phải đi săn.’

Trong chuyến công du đến trung tâm Liên hiệp quốc ở Kenya, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có những lời mạnh mẽ về vấn đề này, nêu rõ mạng lưới có thật giữa nạn săn trộm, nghèo đói, tội ác và cả chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi.

An-elephant-recoversChâu Phi cho thế giới một nguồn tài nguyên thiên phong phú và tuyệt đẹp, là lời ca tụng Đấng Tạo Hóa. Nhưng Di sản này của châu Phi và của toàn nhân loại, đã không ngừng là miếng mồi cho bàn tay tàn phá ích kỷ của con người, và cả nạn nghèo đói và loại trừ. Trong bối cảnh các quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và dân tộc, chúng ta không thể thinh lặng trước những dạng buôn bán bất hợp pháp đang nổi lên từ hoàn cảnh nghèo đói, và rồi lại làm trầm trọng thêm sự nghèo đói và loại trừ hơn nữa. Việc mua bán bất hợp pháp kim cương và đá quý, các kim loại hiếm hay những sản vật có giá trị chiến lược cao, gỗ và sản phầm sinh học, đồ làm từ động vật như ngà voi, tất cả những thứ này đã đổ thêm dầu vào lửa cho sự bất ổn chính trị, và cho cả các tổ chức tội phạm có tổ chức và khủng bố. Tinh trạng này cũng là một tiếng kêu của trái đất và cả nhân loại, đang cần được cộng đồng quốc tế lắng nghe.

Tất cả những điều này là trọng tâm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, một phần lớn trong tông thư Laudato Si nói lên rằng: có những mối liên hệ sâu sắc và bất di bất dịch giữa cách con người đối xử với môi trường, và cách con người đối xử với nhau. Đức Phanxicô viết, ‘Có một mối quan hệ qua lại giữa các hệ sinh thái và giữa các khối tương tác xã hội khác nhau,’ nhưng ‘toàn thể thì hơn từng phần.’

Ý niệm ‘mọi sự đều được liên kết’ là một khái niệm gây khó chịu cho nhiều người, đặc biệt khi các xung đột nổ ra trong hội nghị COP21 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Paris. Trọn một tuần, các nhà hoạt động môi trường đã xuống đường ở Paris, nhiều người đã có va chạm với cảnh sát chống bạo động. Còn trong lúc đó, các nhà bình luận xỉa xói các tổng thống theo kiểu chính trị giả vờ và thiếu sự nghiêm trọng đối với mối đe dọa khủng khiếp này. Phản ứng của người dân với COP 21 thật đối nghịch với phản ứng của họ trước vu tấn công khủng bố vừa xảy ra ở Paris cách đây hơn 2 tuần. COP21 là một hành động bất chấp hay đơn thuần là một sự bất chấp hành động?

Đức Phanxicô có lẽ theo quan điểm đầu tiên. Trong bài diễn văn ở Kenya, ngài đã bày tỏ hi vọng rằng hiệp ước COP21 sẽ nhắm đến ‘các mục tiêu mang tính bổ trợ lẫn nhau’ bao gồm: giảm tác động của biến đổi khí hậu, chiến đấu chống đói nghèo và bảo đảm tôn trọng phẩm giá con người. Khái niệm rất rõ ràng, chúng ta đang ở trong một chuỗi mắt xích lớn, với vô số liên kết hữu hình và vô hình. Thất bại trong việc này có thể dẫn đến thất bại trong việc khác, và một môi trường lành mạnh hơn là điều cốt yếu để chiến đấu cho công lý và hòa bình.

Nhưng gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể là một việc mạo hiểm. Đúng, sinh thái chung phần của Đức Phanxicô vẽ lên hình dung về một ngôi nhà chung đang chịu các cuộc khủng hoảng thiên nhiên và con người, nhưng ngài còn đi xa hơn, ngài nhắm thẳng vào luận thuyết kỹ trị vốn có mối liên quan và thúc đẩy cho những cuộc khủng hoảng này. Thuyết này nói rằng kiến thức và tiến bộ ‘tự động phát xuất từ những thế lực công nghệ và kinh tế.’

Và khi làm mình trở nên ‘chúa và ông chủ’ trên tự nhiên, chúng ta cũng xem mình là ‘chúa và ông chủ ‘ trên bản tính con người của mình. Chúng ta áp dụng ‘uy quyền tuyệt đối’ trên cơ thể mình, lạm dụng chúng như những đối tượng vô tri. Sự thống trị ngày càng lớn trên tự nhiên dẫn đến sự tiêu thụ quá mức và vứt bỏ thức ăn, nước uống, và tài nguyên, rồi chúng ta sớm nhận ra rằng mình đang chìm trong ‘nền văn hóa thải loại’ nơi mà những người nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất cũng bị vứt đi như rác.

Italy PopeỞ đây, ngay trong tâm điểm thông điệp của Đức Phanxicô với thế giới, chúng ta có thể nghe thấy giới chính trị kêu ca đủ kiểu. Thông điệp của ngài không chỉ là về ô nhiễm, nhưng là về tất cả những gì hiện đại từ gốc đến ngọn. Thông điệp của ngài là một sinh thái học bạo dạn chất vấn những quy kết căn bản nhất của chúng ta khi chúng ta cứ xem kiến thức là quyền lực, xem quyền lực tiến bộ, và tiến bộ là chân lý.

Thông điệp của ngài thật đanh thép rành rành. Ai dám đón nhận?

J.B. Thái Hòa chuyển dịch