Trong buổi nói chuyện hỏi đáp trên đường bay từ châu Phi về Roma, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời những câu hỏi từ các nhà báo khắp thế giới. Một trong số đó nói về trách nhiệm của Kitô hữu trước vấn nạn chủ nghĩa chính thống cực đoan, và về những đức hạnh của Hồi giáo.
Ký giả Philippine De Saint-Pierre, từ KTO (Pháp):
Thưa Đức Thánh Cha, cha đã bày tỏ sự khâm phục với diễn dàn chung của tổng giám mục Bangui, lãnh tụ Hồi giáo và mục sư ở thành phố này. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta biết rằng chủ nghĩa chính thống cực đoan đang đe dọa địa cầu. Chúng ta đã thấy nó ở Paris. Trước mối hiểm họa này, cha có nghĩa là các lãnh đạo tôn giáo cần phải can thiệp hơn vào lĩnh vực chính trị hay không?
Can thiệp vào lĩnh vực chính trị. Nếu ý của con là làm chính trị, thì câu trả lời là không. Bất kỳ ai là linh mục, mục sư, giáo sỹ, tư tế, thì cứ theo ơn gọi của mình, nhưng các vị làm cho nền chính trị sống động bằng cách giảng về các giá trị. Các giá trị đích thực. Và một trong các giá trị cao đẹp nhất là tình huynh đệ giữa chúng ta. Chúng ta, hết thảy, đều là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có cùng một người cha. Như thế nghĩa là, chúng ta phải làm một nền chính trị hiệp nhất và hòa giải. Một từ mà cha không thích, nhưng phải dùng đó là ‘khoan dung.’ Nhưng không chỉ ‘khoan dung’ mà thôi, chúng ta phải sống chung, thân ái. Phải như thế.
Chủ nghĩa chính thống cực đoan là một căn bệnh có trong mọi tôn giáo. Người Công giáo chúng ta cũng có một số, nếu không muốn nói là nhiều người, tin rằng mình nắm giữ chân lý tuyệt đối và họ cứ phỉ báng người khác, làm tổn thương người khác. Và cha nói điều này là bởi, đây là Giáo hội của cha, cũng là của chúng ta, tất cả chúng ta. Giáo hội phải quật cường. Chủ nghĩa chính thống cực đoan trong tôn giáo không phải là tôn giáo. Tại sao? Bởi nó thiếu vắng Thiên Chúa. Nó là thờ ngẫu tượng, cũng như thói thờ thần tài vậy. Thuyết phục những người có chiều hướng cực đoan này, là một việc mà các lãnh đạo tôn giáo chúng tôi phải làm. Chủ nghĩa chính thống cực đoan, thứ luôn luôn kết cục trong bi kịch hay tội ác, là một chuyện xấu xa, nhưng luôn tồn tại trong mọi tôn giáo.
Delia Gallagher, từ CNN:
Cha đã có nhiều hành động thể hiện sự tôn trọng với người Hồi giáo. Con đang tự hỏi, Hồi giáo và lời dạy của tiên tri Mohammed có điều gì để nói với thế giới ngày nay?
Họ có các đức hạnh, nhiều đức hạnh, và mang tính xây dựng. Cha cũng đã có tình bạn, tình thân với một người Hồi giáo, một lãnh đạo thế giới, chúng tôi có thể trò chuyện, ông ấy có niềm tin của mình, cha có niềm tin của cha, ông ấy cầu nguyện và cha cũng cầu nguyện. Hồi giáo có nhiều giá trị, chẳng hạn như cầu nguyện, chay tịnh. Và còn các đức hạnh khác nữa … Chúng ta không thể loại trừ cả một tôn giáo chỉ bởi có một vài, hay thậm chí là nhiều nhóm chính thống cực đoan xuất hiện trong những thời điểm nhất định.
Đúng thật là, chiến tranh giữa các tôn giáo đã luôn có trong lịch sử, luôn luôn có. Chúng ta cần phải xin tha thứ, Catherine de’Medici chẳng thánh thiện gì, và còn 30 năm chiến tranh Công giáo Tin lành. Chúng ta cũng phải xin được tha thứ, vì những người chính thống cực đoan của mình.
Người Hồi giáo có các đức hạnh, họ có thể đối thoại. Hôm nay, cha đến một đền thờ Hồi giáo, một lãnh tụ Hồi giáo cùng cha cầu nguyện, ngài muốn đi chung xe với cha quanh sân vận động, và trong xe là Giáo hoàng và một lãnh tụ Hồi giáo. Có thể đối thoại. Ở đâu cũng vậy, có những con người với các giá trị lòng đạo, có những con người lại không. Có biết bao nhiêu cuộc chiến, không chỉ là chiến tranh tôn giáo, là do tay các Kitô hữu chúng ta. Không phải người Hồi giáo gây ra cuộc chiến Cướp phá thành Roma. Người Hồi giáo có đức hạnh của mình.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ CNA