Đức Phanxicô, giáo hoàng nóng giận?

343

Đức Phanxicô, giáo hoàng nóng giận?

revue-christus.com, Austen Avereigh, số 269 tháng 1 năm 2021

Con đường đời của Đức Jorge Mario Bergoglio được đánh dấu bằng sự tức giận, nhưng ngài biết cách biến nó thành năng lượng có trật tự để cải tổ Giáo hội.

Ít người quen với sự tức giận cũng như trang bị đủ để đối phó với nó như Đức Phanxicô. Theo trắc nghiệm enneagram, một chỉ số xác định chín loại tính cách, Đức Jorge Mario Bergoglio thuộc loại “tám”, là loại được gọi là nhà lãnh đạo (người dẫn đầu) hay là người thách thức (đối thủ cạnh tranh). Nổi tiếng không biết sợ, tham gia vào cuộc chiến chống lạm quyền vì lợi ích của người nghèo, những người thuộc loại “tám” dễ dàng có năng lượng thô của tức giận; và cách họ quản lý là thước đo cho sự trưởng thành thiêng liêng của họ. Giống như những người loại “tám” nổi tiếng khác, Mẹ Têrêxa, mục sư Martin Luther King, Đức Phanxicô không chỉ kiềm chế cơn giận của mình, ngài còn làm dịu và thăng hoa nó, để cơn giận là động lực thúc đẩy nhiệt huyết cải cách của ngài.

Quen với tức giận

Tháng 12 năm 2015, trong cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ, khi họ hỏi Đức Phanxicô liệu ngài có khi nào giận hay không. Câu trả lời chi tiết của ngài đáng được ghi lại đầy đủ:

Cha tức giận, nhưng cha không cắn! Khi ai đó làm sai, cha tức giận, cha cảm thấy cơn giận đang lên… Nhưng điều này giúp cha dừng lại và nghĩ về những lần cha đã làm người khác giận. Cha nghĩ lại và tự hỏi: Mình đã làm ai đó tức giận chưa? Có, và rất nhiều lần. Vậy thì các con không có quyền nổi giận. Nhưng nếu đã nổi giận… Đúng, nếu đã làm điều xấu này, nếu con đã làm một cái gì xấu cho ai thì con gọi họ, nói với họ như người anh em, như với anh mình, chị mình và phải nói, phải đừng nổi giận, bởi vì tức giận là độc hại, nó đầu độc tâm hồn con. Cha đã thấy trẻ em và thanh niên thường hay sợ hãi. Vì sao? Bởi vì cha mẹ hoặc thầy giáo la mắng họ. Và khi ai đó tức giận, bắt đầu la mắng người kia thì thật đau lòng và làm tổn thương: la mắng ai là như đâm vào tâm hồn họ. Điều này không tốt. Các con có hiểu không?

Cha tức giận, đúng, cha cũng có lúc tức giận, nhưng cha nghĩ về những lần cha làm người khác giận, điều này giúp cha dịu cơn giận xuống một chút. Khi giận, chúng ta làm tổn thương người kia nhưng cũng làm tổn thương chính mình, chúng ta tự đầu độc mình. Và có những người, chắc các con cũng biết, tâm hồn họ luôn đầy cay đắng, luôn giận dữ. Hình như buổi sáng họ đánh răng bằng giấm để nuôi cơn giận! Có những người như vậy… Đó là một bệnh! Dĩ nhiên nếu có cái gì cha không bằng lòng, cha sẽ giận một chút. Nhưng thói quen nổi nóng, thói quen quát mắng người khác, là thuốc độc! Cha hỏi các con và các con trả lời cha bằng ngôn ngữ của các con: tâm hồn Chúa Giêsu như thế nào? Dịu dàng hay cay đắng? Các bạn trẻ trả lời: “Dịu dàng!” Vì sao tâm hồn Ngài dịu dàng? Vì mỗi lần Chúa Giêsu nổi giận, Ngài không bao giờ để cơn giận chạm đến tâm hồn Ngài, chỉ cần sửa chữa và sau đó Ngài có bình an lại (bài diễn văn ngày 31-12-2015).

Câu trả lời này cho thấy cả một cuộc đời Đức Phanxicô đã đối phó với cơn giận dữ: hiểu được sự nguy hiểm và cám dỗ của nó cũng như ảnh hưởng của nó trên người khác. Không giống như nhiều tu sĩ, ngài không phủ nhận nó (đúng, cha có giận) nhưng kiềm chế nó (cha không cắn). Tuy nhiên, cách ngài chấm dứt câu nói (khi ai đó làm sai, cha tức giận, cha cảm thấy cơn giận đang lên…) cho thấy một cuộc đấu tranh đang tiếp tục. Ngài nhanh chóng thấy mình đang bị tức giận cám dỗ, ảo tưởng về sự tự mãn do nó tạo ra – và cho thấy cách ngài đối phó, nhớ lại mình cũng hay làm cho người khác giận (mình đã làm người khác tức giận chưa? Có, và rất nhiều lần). Điều này không cho mình có “quyền” cảm thấy mình ở trên cao.

Tuy nhiên, ngài không rơi vào cám dỗ ngược lại: phớt lờ, kìm nén hoặc phủ nhận sức mạnh của cảm nhận khi chứng kiến bất công hoặc lạm dụng. Giống như đây là động lực thúc đẩy cho lương tâm, bùng cơn giận để thấy điều gì đó mình phải đối diện, phải lượng định (ai đó đã làm điều gì sai… Tôi đang hơi tức giận). Nó dẫn đến hành động. Hành động chính xác và cụ thể, một sự sửa chữa trong tình huynh đệ, trong đối thoại, với lòng kiên nhẫn và bác ái, hy vọng tâm hồn người kia thay đổi, và không được để cố tâm làm nhục, trừng phạt hoặc trả thù thắng thế: “Nếu đã làm sai, thì gọi cho họ, nói chuyện với họ như nói chuyện với người anh, người chị, nhưng phải nói, phải nói!”

Hai đoạn này là toàn bộ giáo lý về cách chế ngự cơn giận dữ theo tinh thần kitô giáo.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô biết việc nén cơn giận không phải dễ, ngài khuyên tìm cách tiếp cận thực tế. Ngài lập luận, sau vụ thảm sát giết người ở tòa báo Charlie Hebdo, quyền tự do ngôn luận có những giới hạn, chẳng hạn khi có người sỉ nhục mẹ của ngài, thì họ biết họ sẽ bị trả đũa. Ngài không khuyên cũng không tán thành việc tức giận một cách lộ liễu, nhưng nhấn mạnh đối phương phải chờ những phản ứng như vậy, đặc biệt khi họ xúc phạm và chế giễu những gì người khác trân trọng (họp báo trên máy bay tù Phi Luật Tân về, ngày 19-1-2015).

Gương mẫu của Đức Phanxicô là Chúa Giêsu, người hành động từ những cảm xúc được kích động bởi một trái tim công chính, không bị hư hỏng: “Khi Chúa Giêsu giận, cơn giận không bao giờ đi vào tâm hồn Ngài, chỉ để sửa chữa và rồi bình an lại. Điều gì sẽ xảy ra khi cơn giận “chạm đến tâm hồn” và trở nên một với phẩm cách con người thì đã được xác định rõ: nó giống như chất độc lây lan khắp người, thay đổi tính tình đến mức “khi nào cũng cảm thấy cay đắng và luôn nổi giận”. Như vài tháng trước đó, khi ngài gặp các bạn trẻ trong cuộc họp của các linh mục ở Caserta, Ý: “Chúng ta có thể nổi giận: cũng là lành mạnh nếu thỉnh thoảng chúng ta nổi giận. Nhưng tình trạng nổi giận không thuộc về Chúa, nó chỉ dẫn đến buồn phiền và chia rẽ” (gặp các tu sĩ ở Caserte, 26-7-2014).

Đức Phanxicô, nhân cách của một người hướng dẫn

Năm 2013, trong một thư đáng chú ý gởi cho một linh mục người Brazil, Đức Phanxicô cho biết gia đình bên mẹ của ngài ở Buenos Aires “đã có những bất đồng lâu dài giữa các chú, giữa anh em họ, các vụ cãi vã, xáo trộn. Điều đó đã tác động sâu đậm trong thời thơ ấu của ngài: “Tôi đã âm thầm khóc rất nhiều khi nghe các vụ cãi nhau này hoặc khi nghe một tin mới… Tôi bị tác động nặng”. Trong thư gởi cho linh mục Alexandre de Awi, chấn thương tâm lý này là lý do của việc ngài luôn đi tìm một “văn hóa gặp gỡ”, phương cách mà sự khác biệt có thể được kiềm chế và trở thành phong phú trong cái ngài gọi là “sự đa dạng của giải hòa.” (Thư ngày 5 tháng 6-2015)

Niềm đam mê của ngài với tầm nhìn này khởi nguồn cho quyết định của một việc cách đây hơn năm mươi năm, một luận án tiến sĩ về cách mà nhà thần học Romano Guardini (1885-1968) dung hòa những mâu thuẫn trong công việc của mình. Mặc dù luận án chưa bao giờ hoàn tất, nhưng việc hiểu được cách những mâu thuẫn này có thể giải quyết một cách siêu hình nhờ nghệ thuật phân định đã giúp ngài quản lý những căng thẳng và xung đột trong tư cách là người đứng đầu Giáo hội. Đây cũng là nguồn gốc của việc cập nhật lại tính đồng nghị mà ngài đã tiến hành, giúp cho các cuộc họp thường xuyên ở Rôma của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới, để đây là công cụ phân định tông đồ, qua đó Chúa Thánh Thần giúp tổng hợp ở mức độ cao hơn, qua cái mà Đức Phanxicô gọi là “trào ra.” (Sách Một thời để thay đổi, tác giả Austen Ivereigh, Flammarion, 2020)

Ngay cả một nhân cách cơ bản phát triển từ khi còn nhỏ và sau đó tiếp tục đến tuổi trưởng thành và trong suốt cuộc đời, sự phát triển lành mạnh dẫn con người đi trên con đường hoán cải  hoặc “cứu chuộc” để họ có được các tính chất lành mạnh của một loại khác. Một người theo trắc nghiệm enneagramme thứ “tám” đến khi trưởng thành có thể bị nhầm lẫn dễ dàng với người có tính chất thứ “hai”, “người chăm sóc”, một loại tình mẫu tử, người được thúc đẩy để đi giúp người khác trong nhu cầu cụ thể của họ. Đức Phanxicô là ví dụ nổi bật về sự hoán cải này: một bản chất sâu thẳm và thúc đẩy tự nhiên (một “tám”) mang những phẩm chất của “hai”, vừa làm cho ngài là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyền lực, vừa là biểu tượng của nhân từ và dịu dàng. Mẹ Têrêxa Calcutta, một vị thánh “tám” nổi tiếng khác, cũng đã đi trên con đường tương tự. Quyết tâm, can đảm, mạnh mẽ và không sợ hãi (nếu không, làm sao một “nữ tu bé nhỏ” lại có thể lập dòng có chi nhánh trên khắp thế giới và một mạng lưới các nhà hưu dưỡng được?), Mẹ cũng nổi tiếng với tấm lòng quan tâm dịu dàng và trắc ẩn thiết thực của mình.

Những người “tám” này có thể có được trí thông minh xuất sắc thiên phú, nhưng họ cũng có thể thực dụng và hướng về hành động, chứ không phải chỉ là con chuột thư viện. Đó là mưu chước chiến lược hơn là đầu óc phân tích. Họ là những chiến binh đáng gờm, được trời phú cho khả năng chịu đựng gian khổ và đau đớn dường như vô hạn, với khả năng khoan dung và tấm lòng xúc động lớn lao. Họ gây ấn tượng cho thế giới bằng sức mạnh và quyền lực của mình, khơi gợi lòng trung thành nồng nhiệt nơi những người theo họ, cũng như sự sợ hãi và căm thù từ những người thách thức. Ở Argentina, mẫu người này gần với hình ảnh người kỵ mã (caudillo), người hùng của thế kỷ 19, người được nông dân nông thôn bình thường yêu mến, những người mà ngài lãnh đạo để chống lại sự chuyên chế đô thị của các thương gia và các luật sư. Đức Bergoglio là người kỵ mã của Dòng Tên Argentina, truyền cảm hứng vừa cả lòng tận tâm say sưa, lẫn sự phản đối của giới tinh hoa truyền thống của tỉnh Dòng.

Đam mê hay gốc rễ tội lỗi của những người “tám” là dục vọng. Tội tình dục nổi tiếng, sự thèm khát trên hết là chứng nghiện cường độ, là phản ứng của bản ngã đối với sự mất kết nối ban đầu. Một người “tám” cố ép cuộc sống để cảm thấy thật và sống lại. Ước muốn bản năng của họ là lao xuống địa ngục, giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc, sống hết mình… Điều nghịch lý này lại làm cho họ xem trọng kỷ luật, chính xác đó là đức tính của Dòng Tên đã thu hút ngài. Nhưng những người “tám” không sợ một hình thức mức độ nào đó của hỗn độn, thậm chí còn đánh giá cao nó. Năm 2013 tại Ngày Thế Giới Trẻ Rio de Janeiro, Đức Phanxicô vui vẻ mời các bạn trẻ Argentina “làm loạn lên, hacer lío” để khuấy động mọi thứ, tạo một chút hỗn loạn, ngài đã hành động theo tính chất “tám” của mình, cũng trong bài diễn văn đó, ngài cho biết ngài cảm thấy mình “bị nhốt trong lồng” ở Vatican. Trong những giây phút này, chúng ta có thể nhận thấy ở ngài một mức độ trưởng thành phi thường về mặt thiêng liêng, cho thấy những biểu hiện nhỏ về những xung năng cơ bản của ngài: nhu cầu về một con đường rộng mở, tình yêu tự phát, sự thiếu tôn kính trâng tráo, một khát khao “lật ngược bàn, patar el tablero” như người Buenos Aires hay nói (Gặp các bạn trẻ ở Rio de Janeiro 25 tháng 7-2013).

Như cuộc đời của Đức Bergoglio cho thấy, một sự bất lực bị đóng đinh, nếu được đức tin và lòng tin tưởng ở Chúa hỗ trợ thì sẽ tạo cho những người “tám” này một sự phục sinh có hoa trái. Nếu sự tức giận là biểu hiện đen tối của khát khao quyền lực, thì đây là phương tiện để có được, hoặc là cách diễn tả nỗi hụt hẫng của mình vì không có quyền lực, thì kinh nghiệm đau thương về sự bất lực có thể có tác dụng thanh tẩy đương sự khỏi khát khao này.

Đối với Đức Bergoglio, căn bệnh phổi suýt chết khi ngài mới hai mươi, sau khi vào chủng viện giáo phận đã là kinh nghiệm sâu đậm để nhổ tận gốc vào cuối những năm 1980 ở Đức, cả hai đều là kinh nghiệm thiêng liêng phong phú. Nhưng trên tất cả, kinh nghiệm lâu dài về sự bất lực và sầu khổ sau khi các nhà cầm quyền Dòng Tên ở Rôma trong những năm cuối năm 1980 đã từ chối ngài, tạo một kiểu chết, nhưng cũng là một sự tái sinh hiệu quả mà nếu không có nó, sẽ không hình dung có được một Đức Phanxicô ngày nay (trong sách Một thời để thay đổi, Đức Phanxicô nhắc đến ba kinh nghiệm Covid của ngài).

Từ những kinh nghiệm này, ngài học ở đó khả năng chịu đựng những lúc bất lực, kiên nhẫn chờ đợi những cơ hội mới cũng như khiêm tốn và dịu dàng hơn trong khả năng lãnh đạo của mình. Là giám mục, tổng giám mục và hiện là giáo hoàng, Đức Bergoglio có khuynh hướng tham khảo ý kiến, trau dồi tính đồng thuận, kiên nhẫn với những bất đồng, và cực kỳ nhân từ với các đối thủ của mình, ngay cả những người quyết tâm tiêu diệt ngài. Tuy nhiên, Đức Phanxicô vẫn là một người “tám”, người không sợ thực thi quyền lực của mình, nói lên một cách rõ ràng và kiên trì. Đôi khi ngài cho thấy cơn giận của mình, nhưng không bao giờ là bề nổi.

Tức tối vì bất công

Dù những người phản đối lâu đời của Đức Phanxicô thích cho rằng ngài thù hận hoặc ác ý với những người chỉ trích ngài, nhưng ngài cho thấy một sự khoan dung đáng kinh ngạc đối với những người tấn công và làm mất uy tín ngài. Năm 2016, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro đã có nhận xét: “Điều khiến Đức Bergoglio tức giận là một điều hoàn toàn khác. Mối quan tâm thực sự của ngài là mục vụ. Những gì làm ngài bận tâm là nghèo đói, bất công, bạo lực, tín hữu kitô bị tử đạo… chứ không phải kiểu chỉ trích trực tiếp vào đối thủ, chống lời nói hay hành động của họ, ad hominem (bài phỏng vấn trên trang cruxnow.com ngày 5 tháng 12-2016).

Điểm này được thấy rõ trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti công bố vào tháng 10 năm 2020, cũng như trong quyển sách Một thời để thay đổi (Un temps pour changer, nxb. Flammarion, 12-2020) của ngài. Những người mà Đức Phanxicô nhắc đến là những người bị lạm dụng, bỏ rơi, bị bóc lột: nạn nhân của nô lệ, người di dân bị mắc kẹt trong các trại tị nạn, người già bị bỏ rơi trong nhà hưu dưỡng, các nạn nhân của lạm dụng tình dục, người thất nghiệp, v.v. cũng tương tự như vậy, ngài quan tâm đến các dân tộc cụ thể – những người bản địa vùng Amazon, người Duy Ngô Nhĩ của Miến Điện bị nhà cầm quyền đối xử tàn bạo. Ngài cũng bày tỏ sự tức giận của mình đối với những người nắm quyền và có nhiệm vụ giải phóng những người bị áp bức nhưng lại thờ ơ hoặc xa cách họ.

Sự chỉ trích của Đức Phanxicô, nhân danh người nghèo, về cái mà ngài gọi là chủ nghĩa tư bản thị trường phi nhân tính, vật thể hóa họ đã ghi trong truyền thống lâu đời của học thuyết xã hội Giáo hội có từ thông điệp Tân Sự Rerum novarum của Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII năm 1891. Đức Phanxicô tiếp tục và phát triển nó đặc biệt trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ (năm 2015) và Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti (năm 2020). Hai thông điệp này ủng hộ một mô hình kinh tế và chính trị mới nhằm giảm bất bình đẳng, tái tạo hành tinh và đảm bảo cho tất cả mọi người được tiếp cận với các tài nguyên của trái đất. Nhưng sự tức giận của Đức Phanxicô nhân danh những người bị áp bức không chỉ được thể hiện qua các thông điệp. Ngài là giáo hoàng duy nhất trong các giáo hoàng gần đây đã tích cực tài trợ và hỗ trợ các phong trào bình dân, các tổ chức cộng đoàn của người lao động trong khu vực phi chính thức, kêu gọi tiếp cận phổ cập với  ba chữ T: Terre, đất đai, Travail, công việc và Toit, mái nhà.

Bài diễn văn của ngài trước các phong trào bình dân ở Santa Cruz (Bolivia), vào tháng 7 năm 2015, bài diễn văn dài nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài là bản cáo trạng ác liệt về một nền kinh tế loại trừ dựa trên lòng tham, cũng như lời kêu gọi thay đổi táo bạo, thay mặt cho những người bị loại trừ. Ngài tuyên bố: “Điểm đến phổ quát của tài nguyên không phải là hình thức theo tinh thần học thuyết xã hội của Giáo hội. Đó là một thực tế có trước quyền sở hữu tư nhân. Quyền sở hữu, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, phải luôn được xét theo nhu cầu của các dân tộc.” Theo truyền thống tiên tri của sự tức giận chính đáng của những người bị loại trừ, Đức Phanxicô nói rõ: “Chỉ nhỏ vài giọt là không đủ, khi người nghèo khuấy lên cái chén thì cái ly không bao giờ tràn. Các kế hoạch hỗ trợ chỉ đối phó với một số trường hợp khẩn cấp phải được xem đó là những đáp ứng nhất thời, cơ hội. Chúng không bao giờ có thể thay thế cho sự hội nhập thực sự: điều cho phép tiếp cận với công việc xứng đáng, tự do, sáng tạo, có sự tham gia và đoàn kết” (trong cuộc họp của Phong trào Bình dân ở Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, 9 tháng 7-2015).

Điều làm cho Đức Phanxicô giận, đó là sự lạm quyền, đối xử với người khác như đồ vật. Điều mà ngài gọi là “sự dửng dưng biến đổi thành một loại bạo lực âm thầm và rất cao độ.” Đó là não trạng của mô hình kỹ trị xem người khác – dù đó là tạo vật hay đồng loại với chúng ta – như những đối tượng để chinh phục hoặc sở hữu, chứ không phải là những món quà cần được tôn trọng và tôn vinh. Đã hai lần, ngài khiển trách các thành viên của công chúng vì đã đối xử theo cách này. Tháng 2 năm 2016, ở Morelia, Mexico, ngài đã mắng một thanh niên đã túm lấy ngài một cách thô bạo, đến mức ngài xém té vào một phụ nữ khuyết tật. Ngài giận dữ nói anh không được ích kỷ. Một lần khác, vào tháng 12 năm 2019, ngài đã đập mạnh hai lần vào tay một phụ nữ đã hung hăng kéo ngài về phía cô. Ngài rất khó chịu, khiển trách cô và giận dữ quay đi. Sau đó ngài đã xin lỗi. Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư ngài nói: “Nhiều lần, chúng ta mất kiên nhẫn. Tôi cũng vậy, và tôi xin lỗi vì đã làm gương xấu ngày hôm qua”.

Có lẽ những ví dụ nổi tiếng nhất về sự tức giận của Đức Phanxicô liên quan đến việc ngài bảo vệ một giám mục Chi-lê bị buộc tội che đậy cho một linh mục nổi tiếng tấn công tình dục. Tin chắc về sự vô tội của Giám mục Juan Barros, tháng 3 năm 2015, ngài bổ nhiệm giám mục ở giáo phận Osorno, tạo phản đối dữ dội sau vụ bê bối xung quanh vụ linh mục Fernando Karadima, người xem giám mục Barros là người con yêu thương của mình. Một vài tháng sau vụ bổ nhiệm giám mục Barros trong hỗn loạn, ngài giận dữ tuyên bố với các giáo dân hành hương Chi-lê tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, rằng họ “phán xét một giám mục mà không có bằng chứng” và nếu giáo phận Osorno đau khổ vì giáo phận “bị cuốn đi bởi tất cả sự điên rồ này.” Sau đó ngài tiếp tục đổ lỗi cho các người chống đối thiên tả.

Tháng 1 năm 2018, khi Đức Phanxicô rời Chi-lê, ngài lại tức giận phản ứng khi các nhà báo tấn công ngài bảo vệ giám mục Barros, cho rằng tất cả chỉ là “vu khống.” Sự tức giận của ngài được khơi dậy vì điều mà ngài cho rằng họ khăng khăng chống một người dễ bị tổn thương, người mà ngài cho là vô tội. Sau đó, ngài nhận ra mình đã xét đoán sai, ngài chân thành xin lỗi và cách chức giám mục Barros như một phần của cuộc cải tổ lớn hơn trong hệ thống cấp bậc của Giáo hội Chi-lê.

Cho dù sự tức giận của ngài có được biện minh  hay không, Đức Phanxicô hiểu cần phải nhanh chóng thay đổi hướng đi và xin được tha thứ khi tình huống đòi hỏi. Vì, mỗi khi cay chua, giận dữ, mong muốn trả thù thắng thế, thì lòng thương xót của Chúa bị chặn lại, làm cho đời sống mọi người trở nên khốn khổ.

Thói thời thượng thiêng liêng, hoán cải mục vụ

Điều làm cho Đức Phanxicô tức giận nhất là sự đồi trụy trong đời sống tín hữu kitô và sự băng hoại trong chức vụ linh mục bởi những tệ nạn mà ngài bao gồm trong một thuật ngữ bao quát “chủ nghĩa giáo quyền”, ngài không chỉ quy trách nhiệm cho giáo sĩ về vấn đề này. Ngài nói với linh mục Fernando Prado: “Các linh mục không phải linh mục vì họ cử hành thánh lễ, nhưng vì họ tin mình thuộc tầng lớp quý tộc này” (Nói chuyện với linh mục Fernando Padro, 2018) .

Cuộc cải cách của ngài tập trung vào việc xóa bỏ hình thức chuyên chế công giáo, ngài không ngừng nhắc nhở các linh mục, quyền lực được giao là để phục vụ chứ không phải lấy đó làm quyền. Ngài nói trong bài giảng ngày nhậm chức: “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền lực đích thực là phục vụ.” Chính mô hình thấu hiểu về khả năng lãnh đạo – cũng như nỗ lực đưa mô hình này vào giáo triều La Mã – đã thúc đẩy ngài làm cải cách ở Vatican. Mô hình này làm nền tảng cho tông hiến mới “Rao giảng Tin Mừng”, Praedicate Evangelium 2020 của giáo triều La Mã. Bị bối rối khi ngài phát hiện, trong một cuộc tĩnh tâm của phong trào Canh Tân Đặc sủng tổ chức cho các linh mục ở Rôma, các linh mục châu Phi xếp hàng để lấy thức ăn thay vì được phục vụ tại bàn, vài tháng sau, Đức Phanxicô đã không giấu nổi sự tức giận khi ngài ở Nairobi (Kenya). Ngài nói với các linh mục: “Xin làm ơn, đừng bao giờ có chuyện này trong Giáo hội! Phục vụ, không phải để được phục vụ hoặc sai bảo người khác.” (gặp các tu sĩ nam nữ và chủng sinh ở Nairobi (Kenya) ngày 26-11-2015).

Đức Phanxicô đã có một số bài diễn văn gay gắt nhất của ngài để triệt tính tự phụ cũng như kiêu căng trong văn hóa giáo sĩ, thành quả của một “lương tâm bị bao vây”, có nghĩa là cô lập khỏi dân Chúa, mà linh mục thần học gia Henri de Lubac gọi là “thời thượng thiêng liêng” trong bài Suy niệm về Giáo hội (1945-1950). Đó là việc dùng Tin Mừng và thẩm quyền thiêng liêng để trục lợi cho cá nhân: tiền bạc, uy tín, quyền lực, nghề nghiệp, v.v. Đức Bergoglio thường mô tả thói thời thượng thiêng liêng là hình thức của thuyết quy nhân luận (xem con người là trung tâm) với các yếu tố trực tri.

Trong các bài giảng đầu triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô thường chế nhạo các “linh mục con công”, các “linh mục doanh nhân”, “những người sùng kính thần tự mê Narcissus”. Ngài cũng dành các bài diễn văn chúc lễ trong dịp Giáng Sinh với các nhà lãnh đạo trong giáo triều để đưa tinh thần hoán cải truyền giáo lên hàng đầu cũng như các lập luận chặt chẽ theo Thánh I-nhã. Trong hai năm 2018-19, ngài tìm cách giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ bằng cách sử dụng cùng một tiếp cận: nói lên sự nhục nhã qua các bản cáo trạng gay gắt. Gần đây, ngài đã chống kiểu “phản ứng như thiếu niên” của các linh mục đã bất chấp các biện pháp bảo vệ sức khỏe, họ than phiền các hạn chế phụng vụ là tấn công vào tự do tôn giáo, thay vì có sáng kiến “sáng tạo” với đại dịch của các mục tử chân chính, họ tìm các cách mới để gần với giáo dân.

Đằng sau sự tức giận đặc biệt mà Đức Phanxicô dành cho các linh mục hư hỏng, kiêu ngạo và lạm dụng, là nỗi kinh hoàng về tính thời thượng thiêng liêng, kể cả việc loan báo Tin Mừng cho lợi ích cá nhân mà vẫn duy trì bề ngoài thánh thiện và công chính.

Với những tiết lộ liên tục về sự thối nát ở các cấp cao của Giáo hội, việc này dễ hiểu nếu chúng ta dùng thuật ngữ Hy Lạp hypokrytês, đạo đức giả như Chúa Giêsu đã dùng để mô tả giới tinh hoa tôn giáo vào thời của Ngài, những người mà lòng mộ đạo và nghiêm chỉnh tuân thủ là mặt nạ họ mang ban ngày, tháo ban đêm. Trong các bài diễn văn trong dịp lễ Giáng Sinh, sự giận dữ của Đức Phanxicô cũng như của Chúa Kitô, với những cú đấm chống người đạo đức giả “giấu sự thật với Chúa, với người khác và cả với chính mình.” Ngài cũng cảnh báo chống những “người cứng nhắc”, những người “tự cho mình là hoàn hảo” nhưng “thiếu thần khí của Chúa.” Có thể nói, triều giáo hoàng của Đức Phanxicô là bài giáo huấn dài về sự khác biệt giữa lòng mộ đạo bề ngoài của việc tự biện minh và tinh thần khó nghèo thiêng liêng thực sự, nhận biết mình tùy thuộc vào ơn Chúa cũng như vào lòng thương xót của Chúa, trong tất cả và cho mọi thứ.

Bản “Báo cáo về hiểu biết thể chế và việc ra quyết định của Tòa thánh liên quan đến cựu hồng y Theodore Edgar McCarrick”, được công bố vào ngày 10 tháng 11 năm 2020, là kết quả của một cuộc điều tra chuyên sâu kéo dài hai năm do Đức Phanxicô yêu cầu về việc xử lý một giám mục người Mỹ được thăng chức, dù đã biết các hành vi lạm dụng tình dục của đương sự. Bằng cách vạch trần các cơ chế im lặng và đồng lõa, bản báo cáo này có thể chứng minh đây là vũ khí mạnh nhất của ngài chống lại chủ nghĩa giáo quyền. Vẫn luôn có chỗ cho sự tức giận trước bất công, thời thượng thiêng liêng và các lạm dụng. Nhưng sự tức giận của những người quyền lực hoặc những người tìm kiếm quyền lực không có chỗ trong một Giáo hội từ bỏ quyền lực.

Như ngài đã nói tại Vatican với Bộ Giám mục, giám mục là người bảo vệ học thuyết “chứ không phải để đo lường mức độ nào thế giới đã sống xa sự thật mà học thuyết chứa đựng, nhưng để thu hút thế giới, làm cho thế giới hân hoan vì vẻ đẹp của tình yêu, để hấp dẫn thế giới qua lời đề nghị tự do mà Tin Mừng đưa ra.”

Trắc nghiệm enneagram là một công cụ mạnh mẽ để tự nhận thức được các tu sĩ Dòng Tên dùng từ những năm 1960, bắt nguồn từ một biểu tượng cổ xưa, có nguồn gốc trong nhiều truyền thống minh triết. Trắc nghiệm này có chín “loại” hoặc chín xung năng, tương quan với các đam mê hoặc các tệ nạn chết người được các Giáo phụ sa mạc thời sơ khai xác định. Kiểu phân loại này, được liên kết với quá trình thiêng liêng của linh đạo I-nhã đã mang đến một công cụ chẩn đoán hữu ích cho sự hiểu biết khiêm tốn bản thân và sự phát triển thiêng liêng.

Tuy nhiên, khi nó không có tác dụng này, bảng trắc nghiệm enneagram có nguy cơ thu hút mọi người bằng những ý tưởng của nó, củng cố sự tập trung vào bản thân, thậm chí còn khẳng định họ trong các xung năng của mình. Trong những bình luận tự phát trước các nhà lãnh đạo Giáo hội Châu Mỹ La Tinh tháng 7 năm 2013, chính Đức Phanxicô đã cảnh báo trắc nghiệm enneagram có thể tạo ra sự suy luận nội quan quá mức, tuy “không có gì chống lại” sự tự hiểu biết mình, nhưng bản thân nó không thể dẫn đến sứ vụ. Chúng ta thường gặp trong các môn học tâm linh, các khóa tĩnh tâm, có thể đưa đến tình trạng tự quy, không siêu việt vì thế nó không có tinh thần truyền giáo.

Linh mục Dòng Phanxicô Richard Rohr, chuyên gia công giáo hàng đầu của Mỹ về trắc nghiệm enneagram, đã xác nhận Đức Phanxicô thuộc loại “tám”. Theo quy luật chung, những người “tám” có thể che giấu sự dễ bị tổn thương của họ từ rất sớm, ngay cả với chính họ, thường là kết quả của những trải nghiệm thời thơ ấu đã làm cho họ đột ngột tách mình ra khỏi sự nóng bỏng và an toàn, và đắm mình vào một thế giới đầy đe dọa và đôi khi bạo lực. Để xoa dịu nỗi đau làm cho họ lo lắng, người “tám” chọn cách cứng rắn, độc lập và tránh phục tùng người khác. Các nhà tâm lý nhấn mạnh, những người “tám” thường chú ý đặc biệt đến các vấn đề công chính xã hội, bảo vệ những người bị áp bức chống lại thế lực, một cách vô thức, họ thường bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương.

Marta An Nguyễn dịch